3. Tình hình tư liệu
3.1. Các văn bản truyện cổ Châu Ro đã được công bố
- Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã
hội TP. HCM, 1987.
Đây là công trình nghiên cứu chuyên đề về truyện cổ các dân tộc ở Việt Nam. Công trình đã chọn lọc và giới thiệu tinh tuyển những truyện cổ của mỗi dân tộc Việt. Trong công trình này đã giới thiệu những truyện cổ của 52 dân tộc Việt. Là công trình nghiên cứu công phu sưu tầm, có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đặc biệt, trước phần giới thiệu truyện cổ của một dân tộc nào đấy thì trước đó đều có phần giới thiệu khái quát về tên gọi, dân số, địa bàn cư trú, ngôn ngữ, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa… của dân tộc ấy. Phần này đã giúp người đọc hiểu nội dung truyện cổ của dân tộc ấy một cách thấu triệt.
Ở công trình này chỉ giới thiệu một truyện cổ Châu Ro: Mẹ nhau – thần chết,
truyện này đề cập đến tín ngưỡng cho trẻ em ăn thịt con chim bìm bịp của người Châu Ro “Cho tới nay người Chơ -ro thường có tập quán cho trẻ con ăn thịt chim bìm bịp và lấy xương của chim làm dây chuỗi cho trẻ em đeo ở cổ, để “mẹ nhau – thần chết” không dám bắt chúng đi” để tránh những điều xui xẻo xảy đến cho những đứa trẻ trong gia đình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như liên quan đến tuổi đời của đứa trẻ. Đây là một nét văn hóa có liên quan đến phong tục của người Châu Ro.
Công trình này không phân loại hay luận giải vấn đề gì về truyện cổ Châu Ro, chỉ là giới thiệu một truyện cổ Châu Ro đã sưu tầm được. Chúng tôi thiết nghĩ mục đích chính của công trình này là giới thiệu truyện cổ của các dân tộc Việt, là “chiếc áo đa sắc” nhằm tôn vinh những nét độc đáo của văn học dân gian Việt Nam nói chung và truyện cổ của các dân tộc thiểu số nói riêng.
- Người Châu Ro ở Đồng Nai: Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng – Chi hội văn nghệ
Công trình nghiên cứu này nghiên cứu chuyên sâu về dân tộc Châu Ro, trong đó có phần sưu tầm và giới thiệu truyện cổ của dân tộc này. Những truyện cổ này là tài liệu chính mà chúng tôi sử dụng khi nghiên cứu chuyên biệt về truyện cổ Châu Ro trong luận văn của mình. Đây là một công trình được các tác giả sưu tầm trong khoảng thời gian khá dài và rất công phu. Vì người Châu Ro có cuộc sống phân bố rải rác, di chuyển nhiều nơi nên kho tàng văn hóa ấy đã mai một, thất tán, có nguy cơ hòa tan vào các dòng văn hóa khác. Công trình nghiên cứu này chủ yếu nghiên cứu sâu về văn hóa người Châu Ro. Tài liệu gồm 190 trang, trong đó từ trang 1 đến trang 116 tác giả trình bày về văn hóa Châu Ro, từ trang 116 đến trang 190 tác giả giới thiệu 30 truyện cổ Châu Ro. Phần một của tài liệu được xem là tiền đề để tìm hiểu phần hai, truyện cổ Châu Ro. Như đã trình bày ở trên, đây là tài liệu chính yếu cho công trình nghiên cứu của chúng tôi khi nghiên cứu về truyện cổ của dân tộc này.
Ở công trình nghiên cứu này, tác giả đã sưu tầm được 30 truyện cổ Châu Ro và được sắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên chứ không theo loại thể ( thần thoại, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn...). Những truyện cổ này được tác giả ghi chép, thu âm và biên soạn lại trong những chuyến thực tế, điền dã của mình. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy những truyện cổ này được các tác giả biên soạn lại vẫn còn ở dạng “mộc”, không chỉnh sửa theo chủ quan của người sưu tầm nên ngôn ngữ của những truyện cổ này vẫn còn ở tính chất thô phác ban đầu.
Những truyện cổ này bước đầu được chúng tôi tạm thống kê, phân loại để có cái nhìn hệ thống về nó:
o Truyện về loài vật (5 truyện): Cọp và Thỏ; Chèo bẻo: vua của các loài vua; Rùa và khỉ; Thỏ và Cọp; Vì sao chim cút sống ở bờ bụi?.
o Truyện kể về các địa danh (5 truyện): Sự tích miếu ông Chồn; Cánh đồng Cà Dăm; Sự tích sông Ray; Vì sao người Châu Ro ở vùng rừng núi?; Sự tích Suối Thề.
o Truyện cổ tích (20 truyện): Thằng mồ côi; Cọp cướp vợ người; Con gà trắng;
Con sóc bông; Vì sao người Châu Ro không có chữ viết?; Kiêng ăn thịt heo; Mẹ nhau thần chết; Người hóa voi; Không hẹn trước; Những người ăn mây trời; Chàng Lác; Những người con của chó; Tráng sĩ diệt cọp tinh; Chàng Katiêng và con quỷ; Mụ chằn tinh và cây gậy thần; Nàng tiên mèo; Hai anh em; Cô gái lấy cọp; Con đười ươi; Cọp có nghĩa.
- Hoàng hậu Ba Ba – Truyện cổ Châu ro - Truyện cổ các dân tộc thiểu số: Vĩnh
Trường, NXB Thanh Hóa, 2004.
Công trình nghiên cứu truyện cổ Châu Ro của tác giả Vĩnh Trường đã sưu tầm được 13 truyện cổ Châu Ro. Tài liệu gồm 78 trang và những truyện cổ này cũng được xắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên và nội dung tài liệu chỉ bao gồm nội dung của 13 truyện cổ Châu Ro. Chúng tôi nhận thấy công trình này chỉ là sưu tầm và giới thiệu truyện cổ Châu Ro chứ chưa đưa ra một nhận định hay lí giải gì về những truyện cổ này.
Ở tài liệu này chúng tôi cũng tạm thống kê và phân loại:
o Truyện về loài vật (4 truyện): Thỏ và Cọp; Cọp, Voi và Thỏ; Ốc và Thỏ; Mưu
con Rùa.
o Truyện về địa danh (2 truyện): Sự tích sông Ray; Sự tích núi Nhang
o Truyện cổ tích (7 truyện): Sự tích chim năm trâu sáu cột; Cô gái và hoàng tử;
Chàng trai và con quỉ; Hoàng hậu Ba Ba; Cô Sáu – Cô Bảy; Người em út;
Kần Dâng – Kần Doi.
-Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam (tập 1), NXB Phụ Nữ, 2007.
Ở tài liệu này đã giới thiệu hai truyện cổ Châu Ro: Sự tích sông Ray(truyện kể địa danh) và Cô Sáu – Cô Bảy (truyện cổ tích). Và cả hai truyện cổ này cũng chỉ ở dạng công bố để bạn đọc tham khảo chứ chưa đưa ra gợi ý cụ thể nào để chúng tôi khai thác đề tài của mình.
- Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.
Công trình này giới thiệu một số truyện cổ của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó tài liệu đã giới thiệu 1 truyện kể: Ca Dút, Ca Dui (truyện cổ tích) kể về hai anh em mồ côi, trải qua bao khó khăn, cuối cùng cũng được hưởng hạnh phúc bên gia đình riêng của mình. Truyện kể này được tác giả giới thiệu về văn bản kể và cũng không có bất cứ nhận định hay đánh giá gì về nội dung của truyện kể này.
- Chuyện kể địa danh – Vũ Ngọc Khánh.
Ở công trình này, tác giả Vũ Ngọc Khánh giới thiệu 1 truyện Thác Trị An. Truyện kể về mối tình của tù trưởng Xơ-ra Đina và một trưởng nữ của tù trưởng Điểu Lôi, người Châu Ro. Một mối tình Xơ-ra Đina và Điểu Du đã vượt qua bao gian khó và cả sự ghen tức của Sang Mô, một kẻ đem lòng si mê Điểu Du nhưng không được tình yêu của nàng đáp lại. Sang Mô tìm mọi cách để hại gia đình Xơ-ra Đina. Chúng tôi nhận thấy rằng ở văn bản kể này đã khá hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đấy, cách diễn đạt truyện kể này vẫn còn nguyên sự mộc mạc, đơn giản của truyện cổ.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về truyện cổ Châu Ro mới chỉ dừng lại ở dạng sưu tầm và giới thiệu. Tổng số các truyện cổ Châu Ro mà chúng tôi thu thập được ở các tài liệu đã công bố ở cả trung ương lẫn ở địa phương là 48 văn bản, trong đó chúng tôi bước đầu tạm phân loại gồm : 9 truyện loài vật, 9 truyện địa danh, 30 truyện cổ tích. Và vấn đề phân loại truyện cổ Châu Ro, chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở chương 2. Trong 48 truyện cổ Châu Ro đã công bố, chúng tôi nhận thấy 48 truyện cổ Châu Ro đều là bản kể, trong đó có 8 bản kể giống nhau hoàn toàn về nội dung nhưng đôi chỗ khác nhau về ngôn từ và cách diễn đạt. Phải chăng vấn đề này chính là đặc điểm chung của văn học dân gian nói chung và của truyện cổ nói riêng mang tính dị bản do hình thức lưu truyền là truyền miệng?.
Khi nghiên cứu Văn học dân gian nói chung và truyện cổ nói riêng, chúng ta thường bám sát vào văn bản tác phẩm truyện cổ thông qua các yếu tố ngôn từ. Vấn đề
đặt ra ở đây là chất lượng của bản kể đã được công bố ở trung ương hay ở địa phương thì hình như nó chưa được chú trọng. Theo Hồ Quốc Hùng “vấn đề cần trao đổi ở đây là độ tin cậy của văn bản, sự sống động của ngôn ngữ VHDG được thể hiện như thế nào trong văn bản – điều mà các nhà nghiên cứu ít quan tâm đến chất lượng của nó, vì vậy, trong một số trường hợp khó tránh khỏi những nhận định sai lệch” [23] Dựa vào đánh giá trên về tình hình văn bản văn học dân gian, luận văn của chúng tôi cũng bước đầu khảo sát về chất lượng của các truyện cổ Châu Ro đã được công bố. Theo chúng tôi biết được, những người đã sưu tầm truyện cổ Châu Ro trước đây, họ không hiểu biết hết tiếng Châu Ro và việc biên soạn lại những truyện cổ sưu tầm được phần lớn là do trưởng thôn dịch lại hay được nghe kể lại bằng tiếng Việt do người Châu Ro kể. Khi đi điền dã, chúng tôi được biết là có những truyện kể của người Châu Ro họ không thể kể lại bằng tiếng Kinh những truyện kể của dân tộc mình được mà chỉ kể bằng tiếng Châu Ro. Và những bản kể này được dịch hay biên soạn lại có thêm bớt chủ quan của người biên soạn. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng nhận thấy có vài truyện kể đã công bố ở những công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau nhưng lại có bản kể giống nhau hoàn toàn. Điều này chúng tôi thiết nghĩ là có sự sao chép? hay do sự tương trùng ngẫu nhiên giữa các truyện? (vì sự phân bố dân cư rải rác của người Châu Ro) hay là sự cố tình làm khác đi về mặt ngôn từ nhưng nội dung vẫn giống nhau so với những truyện đã công bố trước đó để phần nào lý giải về vấn đề tính dị bản của văn học dân gian nói chung? “có những người tự cho phép mình “đồng sáng tạo” một cách chủ quan tùy tiện, khiến cho tác phẩm có gì đấy xa lạ với đời sống đích thực của nó”[23] như truyện Sự tích
sông Ray, Mẹ nhau – thần chết, Cô Sáu – Cô Bảy, Thỏ và Cọp .