3. Nguồn thông tin
4.2. Những gói cứu trợ cho Hy Lạp
• Gói cứu trợ thứ nhất
Gói cứu trợ đầu tiên được các thành viên khu vực sử dụng đồng euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt cho Hy Lạp vào 2-5-2010 trị giá 110 tỷ Euro (tức 147 tỷ USD) trong vòng 3 năm để giải cứu nền kinh tế đang gặp khó khăn của Hy Lạp. Đổi lại, Hy Lạp sẽ phải thực thi cắt giảm chi tiêu lớn, điều mà Thủ tướng George Papandreou tuyên bố sẽ đòi hỏi “những sự hy sinh lớn".
Được biết, gói cứu trợ nói trên được đưa ra nhằm cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp 80 tỷ euro và phần còn lại thuộc trách nhiệm của IMF. Thủ tướng Luxembourg, Jean-Claude Juncker cho biết, 30 tỷ euro sẽ được giải ngân cho Hy Lạp trong năm đầu tiên. Đợt đầu tiên sẽ được giải ngân trước ngày 19-5, ngày Hy Lạp phải trả nợ tiếp theo. Tuy nhiên, trước tiên Quốc hội một số nước (trong số 15 thành viên của khu vực sử dụng đồng euro) sẽ tiến hành xem xét và phê chuẩn gói cứu trợ này. Cũng theo ông Jean-Claude Juncker, lãnh đạo 16 nước EU sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels để đưa ra những kết luận ban đầu về cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp.
Như vậy với số tiền “khủng” 110 tỷ Euro, EU sẽ phải thông qua gói cứu trợ lớn nhất từ trước tới nay cho một quốc gia sử dụng đồng euro. Việc giải cứu nền kinh tế Hy Lạp vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ, nhất là tại Đức. Nhưng Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo sự ổn định cho đồng tiền chung châu Âu. Điểm thuyết phục được các nước trong khu vực sử dụng đồng euro và IMF để cho Hy Lạp vay nhiều tiền như vậy là nỗi lo ngại về việc nếu Hy Lạp vỡ nợ thì các nước khác như Bồ Đào Nha, thậm chí là cả Tây Ban Nha có thể sẽ là những nước tiếp theo rơi vào cảnh đó.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại. Nền kinh tế Hy Lạp hiện âm 4% trong năm nay và những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" phải thực hiện có thể sẽ làm cho tình trạng suy thoái thêm trầm trọng. Nợ quốc gia của Hy Lạp hiện vào khoảng 115% GDP và sẽ tăng lên đạt đỉnh 149% rồi mới có thể bắt đầu giảm.
Phát biểu trong cuộc họp nội các được phát trên truyền hình, Thủ tướng Papandreou cho rằng, những nhân viên đã nghỉ hưu và đang làm việc ở các ngành công cộng sẽ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất của làn sóng cắt giảm ngân sách mới. Ông nói: "Với quyết định ngày hôm nay, các công dân sẽ phải có sự hy sinh to lớn". Đồng thời tuyên bố, "không ai có thể tưởng tượng" ra khoản nợ khổng lồ mà chính phủ cũ (mới rời nhiệm sở năm ngoái) để lại. Kế hoạch ‘thắt lưng buộc bụng’ nhằm mục tiêu cắt giảm được 30 tỷ euro trong vòng 3 năm, đưa thâm hụt ngân sách của Hy Lạp xuống thấp hơn mức 3% GDP vào năm 2014 (con số này hiện là 13,6%)”.
• Gói cứu trợ thứ hai
Thủ tướng Hy Lạp gọi ngày đạt được thoả thuận về gói cứu trợ thứ hai là ngày lịch sử cho Hy Lạp, song với các nhà đầu tư, đó cũng là ngày có ảnh hưởng tới tương lai châu Âu.
Sau 13 giờ đàm phán tại Brussels, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro rạng sáng hôm thứ ba 21/2/2012 (giờ Bỉ) đã đạt được thoả thuận gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp, trị giá 130 tỷ Euro (tương đương 172 tỷ USD) và cho phép giải ngân khoản tài chính trị giá 39,4 tỷ euro (51,44 tỷ USD). Người đứng đầu Euro Group, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, tuyên bố các Bộ trưởng Tài chính đã thống nhất một thoả thuận “sâu rộng” trong gói cứu trợ. Ông Juncker nói: "Gói cứu trợ này là cơ hội duy nhất mà Hy Lạp không nên bỏ lỡ và giúp nền kinh tế Hy Lạp ổn định trở lại", đồng thời hối thúc Hy Lạp tiếp tục cải cách. Vài giờ sau khi Eurozone thông qua gói cứu trợ nói trên, Nội các Hy Lạp cũng đã nhất trí phê chuẩn thỏa thuận này và dự kiến sẽ được trình lên quốc hội thông qua vào cuối tháng 3/2012. Theo lời Thủ tướng Hy Lạp Minister Lucas Papademos, thoả thuận này cứu Hy Lạp thoát khỏi vỡ nợ đúng một tháng trước “cái chết” đã được mặc định sẵn vào ngày 20/3/2012 vì khoản vay 14,5 tỷ Euro đã cận ngày thanh toán.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp (trái) và Thủ tướng Hy Lạp tại cuộc họp báo sau cuộc đàm phán tại Brussels. Ảnh: Reuters
Gói cứu trợ 130 tỷ Euro sẽ được tài trợ bởi các nước thành viên khu vực đồng Euro, Uỷ ban châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tổng cộng, 100 tỷ Euro (tương đương 132,8 tỷ USD) sẽ được chi dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp, trong khi số còn lại được sử dụng để bảo lãnh trái phiếu mới cho các chủ nợ tư nhân. Sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào kế hoạch cứu trợ Hy Lạp được coi là một sự nhượng bộ của phía Pháp đối với quan điểm của Đức để giúp cho hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tránh thất bại. Theo báo Wall Street Journal, đối với mỗi trái phiếu 100 Euro đấu thầu trong hoán đổi nợ, chủ nợ sẽ nhận được trái phiếu mới của Hy Lạp với mức giá trị danh nghĩa là 31,5 Euro và hối phiếu ngắn hạn mệnh giá 15 Euro do quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) cung cấp. Điều này đồng nghĩa rằng, các chủ nợ tư nhân đã chấp nhận xoá tới 53,5% số nợ, thay cho mức thoả thuận 50% đưa ra lúc đầu. Các trái phiếu mới có kỳ hạn dài hơn, từ 11 tới 30 năm, và lợi suất thấp hơn.
Ông Juncker cho biết ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng thời sẽ chuyển lợi nhuận trái phiếu Hy Lạp đã mua cách đây hai năm cho các ngân hàng trung ương, sau đó các ngân hàng này sẽ chuyển lại cho Hy Lạp. ECB đã mua khoảng 38 tỷ Euro trái phiếu Hy Lạp. Ngoài ra, Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF) sẽ giảm lãi suất cho vay cho Hy Lạp từ 4% xuống 3,5%, tức là thấp hơn hẳn so với lần cho vay trước đây. Thời gian trả nợ cũng được kéo dài hơn.
Tổ chức IMF đã đóng góp 27% tương đương 30 tỷ Euro trong tổng số 110 tỷ Euro của gói giải cứu thứ nhất vào tháng 5/2010 cho Hy Lạp. Tuy nhiên, mức độ tham gia của IMF trong gói giải cứu thứ hai này là chưa rõ ràng. Hội đồng quản trị của IMF sẽ quyết định mức đóng góp vào tháng 3/2012. Theo thông báo ngày 10/3, IMF dự định đóng góp 14% trong tổng giá trị 130 tỷ Euro của gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, tức là 18,2 tỷ Euro (tương đương 23,6 tỷ USD). Giám đốc IMF Christine Lagarde nhắc lại lời kêu gọi tăng kích thước của cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (ESM), sẽ bắt đầu hoạt động vào giữa năm 2012. Đây được xem như là điều kiện bắt buộc để IMF tham gia đóng góp. Như vậy vai trò của IMF trong gói cứu trợ Hy Lạp mới nhất giảm dần vì IMF phải đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho quỹ của chính mình, đẩy trách nhiệm đóng góp 112 tỷ euro còn lại cho khu vực đồng euro, buộc EFSF phải bán nợ để tài trợ khẩn cấp cho các nước gặp khủng hoảng.
Gói giải cứu mới nhằm mục tiêu giảm nợ Hy Lạp, hiện ở mức 164% GDP, xuống còn 120,5% GDP vào năm 2020. Đổi lại, Athens phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã ký, gồm cắt giảm lương hưu và mức lương tối thiểu, cải cách hệ thống thuế để tăng thu nhập và mở cửa thị trường theo mức quy định.
Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng phải thiết lập một tài khoản ký quỹ, luôn có đủ tiền mặt để trả nợ trong ba tháng tới. Tài khoản này sẽ được quản lý tách biệt khỏi ngân sách tài chính quốc gia.
Một điều kiện khác nữa là bộ ba EC, IMF và ECB sẽ tiếp tục giám sát Hy Lạp trong tương lai để đảm bảo nước này thực thi đầy đủ các yêu cầu, thay vì theo dõi định kỳ như trước nay.
Tuy nhiên, bất chấp việc đạt được gói cứu trợ từ Eurozone, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và thỏa thuận hoán đổi nợ trái phiếu với các chủ nợ tư nhân, Hy Lạp vẫn sẽ đối mặt với một giai đoạn khó khăn trước mắt để nền kinh tế tăng trưởng trở lại.