Vật kỳ ảo trong đoạn văn mang tính lung khởi

Một phần của tài liệu thế giới vật trong “phế đô” của giả bình ao (Trang 94 - 99)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Vật kỳ ảo trong đoạn văn mang tính lung khởi

Vật kỳ ảo trong đoạn văn mang tính lung khởi nhìn chung đều là sản phẩm của tự nhiên, bàn tay con người không hề tham gia vào quá trình hình thành cũng như diễn biến của chúng. Ban đầu, vật kỳ ảo gây nhiều cảm xúc, nhiều trạng thái phản ứng khác nhau cho nhân vật trong tác phẩm đồng thời kích thích sự tò mò, khó hiểu về phía người tiếp nhận. Nhưng dần về sau, vật kỳ ảo chứng minh được sự có mặt không hề dư thừa và khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật.

Tất cả những sự kiện, tình tiết hay nói cách khác là những câu chuyện trong “Phế đô” đều có sự bện chặt vào nhau tạo thành một chuỗi xích không thể tách rời. Duy chỉ có một phần, tạm đặt là câu chuyện “cây hoa lạ” thì dường như đây là một mắt xích lỏng lẻo nhất. Trong suốt chiều dài tác phẩm, chi tiết này chỉ được nhắc lại một lần. Nhưng việc nhắc lại này không có dụng ý nhấn mạnh chi tiết mà chủ yếu để giới thiệu nhân vật. Nếu tác phẩm bắt đầu từ chỗ “Vào giữa trưa mồng bảy tháng sáu âm lịch…” thì nội dung cốt truyện vẫn trọn vẹn. Vậy câu chuyện mở đầu chỉ vỏn vẹn một trang giấy có tác dụng gì và tại sao không thể cắt nó ra khỏi chỉnh thể của tác phẩm?

Ở một góc độ nhất định ta thấy câu chuyện mở đầu là một hàm ý lớn soi chiếu toàn bộ tác phẩm và đặc biệt nhất là cuộc đời nhân vật trung tâm – nhà văn Trang Chi Điệp. Thử tách mẩu chuyện nhỏ này ra khỏi chỉnh thể chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rất khó nắm bắt được nội dung tư tưởng mà tác giả đã gửi gắm.

Thành Tây Kinh – nơi từng là kinh đô của mười hai triều đại Trung Quốc, trong đó nổi tiếng hơn cả là thời nhà Đường. Đường Quý Phi Dương Ngọc Hoàn là người đại diện cho vẻ đẹp tuyệt trần, đến hoa cũng phải hổ thẹn – người đẹp “tu hoa”. Quý Phi là người được hậu thế ca tụng, ngưỡng vọng. Với cách giới thiệu ngắn gọn, đặt xã hội hiện đại (năm 1980) ngay trong cái nôi của văn hóa cổ, có truyền thống lắng đọng, sâu dày đã tạo tâm thế cho quá trình diễn tiến của

tác phẩm. Nếu ví cuộc sống hiện đại như một chậu hoa thì những giá trị truyền thống sẽ là loại đất tốt giúp cho hoa càng thêm tươi đẹp. “Quý Phi là người đẹp

tuyệt thế, lấy đất này về rắc vào chậu hoa, hoa sẽ tươi đẹp vô cùng”. Chính chi tiết này gợi cho chúng ta suy nghĩ về sự hòa kết giữa truyền thống và hiện đại. Không thể tôn sùng cái mới mà phủ định hoàn toàn cái cũ hoặc ngược lại. Cuộc sống buộc con người phải biết cách chắt lọc, tiếp thu và phát huy những giá trị tốt đẹp đồng thời đào thải những tư tưởng không lành mạnh. Điều này được nhấn nhá rất cẩn thận trong suốt chiều dài tác phẩm bằng sự đan xen dày đặc từ khung cảnh đến tư tưởng, lối sống.

Câu chuyện “cây hoa lạ” còn đưa vào những yếu tố tâm linh đặc sắc. Từ đất không có hạt giống có thể mọc lên chồi xanh và trở thành một khóm hoa tươi tốt. Nếu đem đi phân tích mẫu đất có lẽ sẽ tìm được nguyên nhân nhưng ở đây cái cốt yếu được đề cập đến là trong đời sống có những cái mà con người chưa thể giải thích được. Nó đến quá đột ngột khiến chúng ta không kịp suy tính. Thêm vào đó, số phận của cây hoa lạ được đại sư Trí Tường bói hoàn toàn chính xác. Soi chiếu vào tác phẩm ta thấy có rất nhiều chi tiết liên quan đến đời sống tâm linh với các nhân vật như: mẹ Ngưu Nguyệt Thanh, Mạnh Vân Phòng,… Điều lạ lùng là tất cả những sự huyền bí tưởng chừng như lẩn thẩn ấy đều ứng nghiệm vào đời sống hiện tại một cách khó hiểu. Mặc dù chỉ với một động tác nhỏ thông qua việc xem bói đoán số nhưng nhà văn đã khéo léo chuẩn bị tâm lý cho độc giả tiếp nhận những chuyện “rùng mình” đang chờ đợi phía trước.

Như vậy, có thể nhận định rằng câu chuyện “cây hoa lạ” giữ vai trò chuẩn bị tâm thế cho người đọc để bước vào thế giới của tác phẩm. Bên cạnh đó, nó còn là sự tóm tắt trừu tượng về con đường đời của các nhân vật mà rõ nét nhất là nhà văn Trang Chi Điệp.

Con đường công danh của các nhân vật trong “Phế đô” chứng minh một thực tế không phải cứ có thực tài thì sẽ được trọng dụng, được xã hội ghi nhận mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn. “Tứ đại danh nhân” đều là

những người có tài năng thiên bẩm nhưng chỉ khi gặp thời thế thì họ mới có điều kiện nổi danh. Đây được ví như nắm đất bỗng nhiên mọc thành khóm hoa tươi tươi tốt. Cũng như Trang Chi Điệp từng thắc mắc tự đặt câu hỏi cho mình: “Đi

ra ngoài là có người sùng bái anh, cung kính anh. Anh thật không rõ, xét cho cùng, thì anh đã làm những gì để người ta như vậy? Có phải người ta đã nhầm lẫn? Phải chăng là bởi vì anh đã viết ra những áng văn chương kia? Đó là những trò gì mới được cơ chứ?” [2, tr.249-250]. May mắn được khóm hoa lạ, anh bạn kia (lúc này chưa giới thiệu nhân vật Trang Chi Điệp) quý trọng vô cùng nhưng rồi chính anh lại là người hủy hoại nó. Vì thế, có thể thấy rằng được của quý đã khó nhưng giữ của ấy lâu bền thì còn khó khăn gấp bội phần. Liên tưởng đến các nhân vật trong “Phế đô”, họ đạt được đỉnh cao danh vọng nhưng lại nhanh chóng đi vào con đường thoái trào do không giữ được trong sạch trước những cám dỗ của cuộc đời. “Tham, sân, si” bộc phát đến mức vượt ngoài vòng cương tỏa của ý thức, lý trí.

Một điều đáng chú ý là khóm hoa lạ kia không ai biết là loài gì thế nên nó không có tên cụ thể. Nếu có cũng do chủ quan của con người đặt cho, có thể mỗi người mỗi ý kiến khác nhau và cuối cùng thì nó sẽ có rất nhiều tên. Nhưng cái tên ấy thì được gì? Cái tên vẫn không thể khái quát được tất cả bản chất vốn có của nó. Cái tên chỉ là vỏ bọc bề ngoài cho đối tượng mà thôi. Tên người cũng thế, có những cái tên rất đẹp, có những danh tiếng làm rung trời chuyển đất nhưng sâu thẳm bên trong thì chỉ có bản thân họ mới hiểu rõ, thậm chí có những người còn không thể hiểu nổi mình.

Câu chuyện “cây hoa lạ” lúc đầu có thể được cảm nhận đơn giản là một trong những yếu tố “kỳ” tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc. Nhưng khi đọc xấp xỉ một ngàn trang sách, chúng ta nhận ra một sự tương đồng thú vị với nhân vật Trang Chi Điệp. Anh là người có cả may mắn và thực tài để thành danh. Sau khi thành danh được mọi người kính trọng, tôn sùng. Khác với các nhân vật còn lại, bản thân anh rất có ý thức chăm chút cho danh tiếng, sống giản dị để giữ thanh

danh trong sạch. Hơn thế, anh luôn ấm ủ một hoài bão và luôn cố gắng thực hiện. Tuy nhiên cũng chính vì quá coi trọng thanh danh, mải mê tìm đường thực hiện hoài bão anh đã sa vào vực thẳm không lối thoát. Những cuốn níu của đồng tiền, sắc dục, danh vọng đã khiến anh không còn đủ tỉnh táo để là chính mình. Và cuối cùng, tự tay anh kết tử sự nghiệp văn chương đã dày công tạo dựng. Nếu cây hoa lạ chết đi, anh có thể giữ lại chậu sành để mong kỳ tích lập lại, hoặc giả có thể tìm một giống hoa khác trồng vào. Nhưng làm sao anh chấp nhận một giống hoa không còn tính đặc biệt nữa, một giống hoa mà bất kỳ ai cũng có thể trồng được, trong cơn tức giận anh đập vỡ chậu sành. Cuộc đời anh cũng thế, sau khi lầm lạc để hoen ố thanh danh, anh chấp nhận chấm dứt tất cả. Vì vầng hào quang của quá khứ quá lớn khiến anh không còn đủ sức đối mặt với hiện tại hoàn toàn trái ngược. Anh không thể tiếp tục nuôi hi vọng xây dựng lại sự nghiệp, làm lại cuộc đời được nữa. Cuối cùng chỉ có cái chết mới có thể làm anh thanh thản.

Bề ngoài câu chuyện “cây hoa lạ” không có liên quan gì đến nội dung tác phẩm nhưng thật chất nó chính là sự thu nhỏ cốt truyện một cách tinh tế dưới ngòi bút của nhà văn Giả Bình Ao. Vì đặc tính lỏng lẻo nên mắt xích này có khả năng linh hoạt để gắn vào bất cứ nhân vật nào trong tác phẩm. Và sau khi đọc xong gần một ngàn trang sách chúng ta thấy rõ sự tương ứng, soi chiếu giữa một bên là câu chuyện nhỏ với một bên là thiên truyện trường thiên. Thông qua câu chuyện, tác giả còn lồng vào đó triết lý nhân sinh sâu sắc, tư tưởng cuộc đời là phù du và nhất là góp phần định hướng cho con người trên hành trình đi tìm cách sống. Xét về mặt hình thức cũng như nội dung, câu chuyện “cây hoa lạ” hoàn toàn có thể xứng đáng với loại hình truyện ngắn mini.

Trong phần lung khởi, không chỉ có riêng cây hoa lạ mà còn tồn tại các sự vật, sự việc khác cũng hàm chứa tính kỳ ảo. Nếu cây hoa lạ chỉ được gói gọn trong phạm vi hẹp của một vài cá nhân thì hiện tượng tự nhiên “xưa nay hiếm gặp” lại được sự biết đến và suy ngẫm của nhiều người. Vào giữa trưa ngày

mồng bảy tháng sáu âm lịch, một hiện tượng quái dị kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ, “đầu tiên mặt trời vẫn đang tỏa nắng rực rỡ” đột nhiên “trên trời có bốn ông

mặt trời”. “Bốn mặt trời kích thước như nhau, không phân biệt rõ cũ mới, đực cái, cụm lại thành một, thành hình chữ Đinh”. Và rồi “mặt trời không còn đỏ nữa mà trắng bợt, trắng như màu trắng của tia hàn điện. Trắng giống cái gì nhỉ? Cũng chẳng nhìn thấy cái gì hết. Hoàn toàn một màu đen” [2, tr.12].

Tiếp đến là sự có mặt của hòn đá lạ trong cổng chùa Dựng Hoàng. Bình thường nó “chẳng hề có màu sắc, hễ gặp mưa trời âm u, trên hòn đá liền nổi lên

đường vằn hình con rồng rất nét, đẹp vô cùng”. Ngay khi đại sư Trí Tường ra

cổng chùa để xem đá rồng thì “chợt có một tiếng kêu chát chúa như sét đánh

ngang tai đập tan trên mái ngói cổng chùa”. Đại sư nhìn lên thì thấy “bảy cái cầu vòng đan xen vào nhau lơ lửng trên nền trời đằng tây”. Ngày hôm sau, “đài đưa tin đã phát hiện ra Sarira của Thích Ca Mâu Ni cách chùa cửa Phật hai trăm dặm. Xương Phật xuất hiện ở Tây Kinh đã gây chấn động thiên hạ” [2,

tr.18].

Lẽ ra, nơi xuất hiện xương Phật phải là nơi “người với người sống để yêu nhau” nhưng mối quan hệ ấy lại diễn tiến theo chiều hướng ngược lại. Phải chăng Sarira Phật mang ý nghĩa cảnh tỉnh mà người trần mắt thịt không kịp nhận ra? Điều này gần như tương tự với trường hợp bốn mặt trời tạo thành chữ “Đinh”. Đinh là can thứ tư trong thiên can. Thiên can gắn liền với chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Do hình dạng (丁) giống như cái đinh tượng trưng cho sự phát triển của thực vật nên Đinh tượng trưng cho sự ổn định, mầm non bắt đầu hình thành. Xét về mặt xã hội trong “Phế đô” thì quả là đang phát triển vượt bậc thế nhưng, sự phát triển ấy cùng song hành với những “căn bệnh”, “ung nhọt” của thời đại. Như vậy, chữ Đinh đóng vai trò vừa là lời tiên tri vừa là cái cười giễu nhại. Hơn nữa, sau khi mặt trời không còn màu đỏ thì chuyển đổi màu sắc hai lần. Lần đầu là màu trắng bợt dị thường. Lần sau là màu đen đặc quánh. Hai gam màu tương phản này phải chăng ngầm ám chỉ điều gì? Nếu màu trắng cơ

bản vẫn còn là sự cung cấp ánh sáng cho nhân loại thì màu đen kết thúc nhiệm vụ ngàn năm của tạo hóa giao cho mặt trời. Không có mặt trời thì con người sẽ không nhìn thấy được gì, thời gian trôi đi đơn thuần chỉ là sự tồn tại của đêm. Màu đen kinh khiếp ấy cơ hồ vạch ra tương lai bế tắc của thành phố này. Song trùng với những tiến bộ, phát triển là những căn bệnh của thời đại, những ung nhọt nhức nhối và gây hệ lụy lâu dài. Bởi thời gian để xây dựng thì lâu mà đạp đổ thì nhanh trong tích tắc.

Như vậy, thông qua những vật ở phần lung khởi, ta nhận được “tấm vé thông hành” để bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Nắm bắt được chúng không phải là thao tác thực hiện ngay mà phải sau hơn một ngàn trang sách ta mới có thể thấu hiểu một cách trọn vẹn. Phần lung khởi đã ngầm chuẩn bị cho người đọc tâm thế đúng hướng để tiến hành khám phá những gì tiếp sau đó.

Một phần của tài liệu thế giới vật trong “phế đô” của giả bình ao (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)