7. Cấu trúc luận văn
2.2. Kiến giải ý nghĩa của thế giới vật bằng lý thuyết phân tâm học
2.2.1. Vô thức và tác phẩm nghệ thuật
Sigmund Freud cho rằng
“Nguồn gốc của bệnh nhiễu tâm là do những ham muốn bị bỏ quên liên quan đến “mặc cảm oedipe” và sự không dung hòa của nó với các ham muốn khác hoặc với đạo đức. Những ham muốn bị dồn nén này tiếp tục tồn tại trong vô thức, và chúng chỉ có thể ùa vào ý thức trong điều kiện đã ngụy trang để tránh khỏi kiểm duyệt. Bởi vậy, ngoài những triệu chứng nhiễu tâm, còn có những giấc mơ và những hành vi vô thức hoặc những sáng tạo nghệ thuật như là sự thăng hoa của cái vô thức bị dồn nén” [37, tr.8].
Khi áp dụng lý thuyết của Freud vào quá trình nghiên cứu, chúng ta cần tỉnh táo trong những trường hợp liên quan đến vô thức và libido. Cần dừng lại ở mức độ đề cao vai trò cũng như vị trí của chúng chứ không nên đi đến tuyệt đối hóa. Bởi nếu tuyệt đối hóa các xung năng tính dục, đồng nghĩa với việc cho phép nó “tự tung tự tác” điều khiển mọi hành vi, cách cư xử của con người. Từ đó, ép con
người đến chỗ bị tước đoạt sự tự do, khả năng lựa chọn và khước từ mọi giá trị đạo đức.
Với phạm vi tiểu mục “Vô thức và tác phẩm nghệ thuật”, chúng tôi không có ý định và hoàn toàn không thể đặt mối quan hệ này vào trong hai đối tượng người sáng tạo – Giả Bình Ao và tác phẩm nghệ thuật – “Phế đô”. Chúng tôi chỉ dùng lý thuyết của Freud để kiến giải quá trình sáng tác của nhà văn Trang Chi Điệp và tác phẩm của anh. Mặc dù, trong hơn một nghìn trang sách của “Phế đô”, người đọc không hề phát hiện thấy một nhan đề, một cuốn sách nào cụ thể của Trang Chi Điệp nhưng ít nhiều cũng bắt gặp được nét chung ở những “đứa con tinh thần” của anh thông qua cuộc trò chuyện giữa Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt.
“Liễu Nguyệt bỗng chốc ngắc ngứ, một lúc sau lại hỏi:
- Chị cả ơi, những tiểu thuyết thầy giáo Điệp viết ra chị đọc cả chứ ạ? Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Chị biết anh ấy đều bịa ra, đã đọc mấy cuốn, xong cứ thấy không vào. Liễu Nguyệt nói:
- Em đọc hết cả rồi, anh ấy giỏi viết về đàn bà nhất. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Ai cũng bảo anh ấy viết về đàn bà rất giỏi, đàn bà ai cũng như bồ tát. Năm kia có một chị biên tập ở Bắc Kinh đến đặt bản thảo, chị ấy cũng bảo như vậy, nhận xét thầy giáo Điệp của em là một người theo chủ nghĩa nữ quyền. Chị cũng chả hiểu thế nào là chủ nghĩa nữ quyền hay không nữ quyền.
Liễu Nguyệt nói:
- Em lại không thấy vậy, thầy giáo Điệp miêu tả tâm lý đàn bà rất tinh tế. Những lời nói trên đây của chị, em hình như cũng đã đọc ở cuốn sách nào đó. Theo em thì sở dĩ thầy giáo Điệp viết đàn bà hay như vậy, ai cũng lương thiện và xinh đẹp như bồ tát, lại miêu tả đàn ông bề ngoài thật thà chất phác, nội tâm
lại cực kỳ phong phú, song vẫn không dám vượt qua vùng cấm một bước đã biểu hiện anh ấy là một người kìm nén ức chế về tình dục.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Thầy giáo Điệp của em kìm nén, ức chế về tình dục ư?” [3, tr.245]
Đoạn đối thoại ngắn này cho thấy hai cách tiếp cận khác nhau của độc giả đối với tác phẩm do Trang Chi Điệp sáng tác. Chủ nghĩa nữ quyền hay những lời khen hoa mỹ, có chăng là sự xem xét hời hợt, dùng cái hình thức bề ngoài để xét đoán chiều sâu nội dung bên trong? Liễu Nguyệt tuy là cô gái quê mùa, học vấn thấp so với giới trí thức trong “Phế đô”, tuy nhiên cung mệnh cho phép cô pháp hiện ra những gì ẩn khuất sâu xa. Sự nghiệp văn chương của Trang Chi Điệp được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi gặp Đường Uyển Nhi. Và lời nhận xét của Liễu Nguyệt ứng với giai đoạn đầu. Cũng cần lưu ý rằng kể từ khi gặp Đường Uyển Nhi, Trang Chi Điệp tự tin hơn về một tác phẩm lớn, mang giá trị thẩm mỹ cao, nhưng thực tế anh chỉ có những bài viết “vớ vẩn” như: bài quảng cáo thuốc trừ sâu 102, bản chỉnh sửa và viết lại hai bài báo cho con Bạch Ngọc Châu, bản chỉnh sửa lôi thôi cho ngày tết văn hóa của thành phố.
Đặt trường hợp của Trang Chi Điệp vào lý thuyết libido của Freud quả thật rất phù hợp. Diễn biến tác phẩm cũng cho thấy diễn biến tâm lý của nhân vật càng ngày càng không khống chế được sức mạnh thôi thúc tiềm tàng từ vô thức. Không ít lần anh tự hỏi mình đang làm gì và thậm chí biết bản thân đi sai đường mà vẫn tiếp tục đâm đầu vào, chấp nhận trạng thái ngụp lặn trong tội lỗi.
Ở giai đoạn sáng tác trước khi gặp Đường Uyển Nhi, các tác phẩm của Trang Chi Điệp bề ngoài mang dáng vẻ mỹ miều, kiều diễm, lại rất chuẩn mực. Hình tượng người đàn bà lúc nào cũng trong sáng, xinh đẹp, thánh thiện đến mức được so sánh với Bồ tát. Còn hình tượng người đàn ông thì thật thà, chất phác, có đời sống tinh thần phong phú. Song ẩn đằng sau những vẻ đẹp lung linh đáp ứng những quy chuẩn của xã hội và cách ứng xử đạo đức là sự kiềm nén, ẩn ức cao độ. Có thể khẳng định, hình tượng người đàn bà trong sáng tác của anh
được xây dựng bằng sự kết hợp “nguyên mẫu” từ Ngưu Nguyệt Thanh kèm theo các yếu tố hư cấu mang tính toàn thiện. Điều này chứng tỏ ở phạm vi hoạt động của ý thức, anh biết rằng vợ mình là “trên cả mong đợi”. Vì thế, hơn bất kỳ ai, anh không cho phép mình vượt qua giới hạn hay nói cách khác là rào cản đạo đức. Bên cạnh đó, chính Trang Chi Điệp cũng không nhận thức được một cách rõ ràng điều anh đang “cố tình” giấu diếm. Sự kiểm soát của ý thức quá lớn như thế buộc vô thức lùi sâu hơn. Nhưng càng bị dồn ép, càng trong tình thế bức bối thì vô thức càng có xu hướng phải bộc lộ. Đối với Trang Chi Điệp thì vô thức chọn cách xuất hiện trong trạng thái “ngụy trang”. Sự tinh ranh của vô thức thể hiện bởi việc nó trà trộn “hợp pháp” vào hoạt động của ý thức và lèo lái ý thức tạo ra sản phẩm mang nội dung “pha tạp” từ nó. Trong tác phẩm của Trang Chi Điệp, vô thức sử dụng “mặt nạ” chân thiện hòa lẫn vào hình tượng người đàn bà và cả hình tượng người đàn ông. Tất nhiên khi lột chiếc “mặt nạ” ấy đi, ta sẽ thấy sự tồn tại vững vàng của vô thức. Thao tác này được thực hiện hết sức đơn giản bằng việc trả lời câu hỏi sau: “Người phụ nữ thuộc sở hữu của riêng anh mang vẻ đẹp đáng tôn thờ như Bồ tát thì liệu rằng anh có dám cả gan ứng xử “trần tục” hay không?”
“Sự thăng hoa của vô thức bị dồn nén” là thế. Và quả thật libido đóng vai trò quan trọng trong việc thôi thúc sáng tạo nghệ thuật của Trang Chi Điệp. Tại thời điểm sáng tác và thời điểm hoàn thành tác phẩm nếu danh nhân họ Trang tìm được “chiếc chìa khóa” mở cánh của vô thức song hành với việc lý giải những gì mình viết ra thì ắt hẳn anh cũng không khỏi ngạc nhiên. Trên một cơ thể “yếu” làm sao lại chứa đựng dục vọng lớn đến vậy. Đó là vấn đề mà về sau Trang Chi Điệp cũng không thôi tự hỏi. Và chính Đương Uyển Nhi là người đánh thức vô thức này và tạo điều kiện cho nó trỗi dậy mạnh mẽ. Song kể từ khi vô thức thoát ra ngoài và trở thành ý thức thì cũng là lúc sự thăng hoa nghệ thuật gióng hồi chuông tiễn biệt. Vì nếu văn chương chỉ phản ánh những thứ dục vọng
tầm thường phục vụ lợi ích riêng mỗi cá nhân thì nó phải “lấy tay vuốt mắt” cho mình.
Sử dụng lý thuyết libido để giải mã tác phẩm văn chương không chỉ dành riêng cho Trang Chi Điệp mà còn rất đắt trong trường hợp của Chu Mẫn. Với sự gợi ý của Đường Uyển Nhi, Chu Mẫn đã viết một bài báo mang tên “Câu chuyện của Trang Chi Điệp”. Bài viết xoay quanh việc kể lại cuộc sống và con đường sáng tác của nhà văn họ Trang cùng với mấy người đàn bà đặc biệt mà anh quen biết. Bằng sự thông minh, tinh ranh của mình, Chu Mẫn đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ảo hay nói đúng hơn là tổng hợp các thông tin “nghe lỏm” ngoài đường phố, những chuyện “tam sao thất bản” lan truyền tại vùng quê Đồng Quan, những điều bịa đặt theo lối tự hư cấu,... để kết cấu thành nội dung dài ba vạn chữ.
Chu Mẫn “thành công” ngay từ bài đăng đầu tay vì tài biến hóa câu chữ để tạo sự sinh động, hấp dẫn cộng thêm việc đánh trúng tâm lý tò mò, sở thích soi mói đời tư người nổi tiếng của mọi người. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém là anh biết khai thác “vùng cấm” mang tính “thời thượng”, chuyện dục tình.
Chu Mẫn xây dựng tỉ mỉ hình tượng Trang Chi Điệp theo tiến trình thời gian từ nhỏ cho đến khi trưởng thành và tạo điểm nhấn trong mỗi giai đoạn bằng những câu chuyện minh họa rất sống động. Chính điều này, làm tăng thêm sức thuyết phục cho sự bịa đặt. Hơn nữa, anh cho Trang Chi Điệp “tự bộc bạch” thông qua hình thức phỏng vấn. Vậy nên, chuyện “láo toét” vù một cái trở thành sự thật khiến vạn người tin.
Những tình tiết bịa đặt như: lúc bé Trang Chi Điệp là một đứa nhóc tầm thường, ngu dốt hay khi trưởng thành khảng khái mà keo kiệt như thế nào, thông minh và ngu xuẩn ra sao, có tài làm người xung quanh vui vẻ nhưng lại khó xử cách này hay cách khác,... đều được nhân vật chính cho qua và không chấp nhất. Bởi Trang Chi Điệp ý thức được tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng như
quá quen thuộc với kiểu ca ngợi này. Tuy nhiên, mọi việc chưa dừng lại ở đó mà nó càng tiến xa hơn so với sức tưởng tượng của “người trong cuộc”. “[...]
chuyện yêu đương của Trang Chi Điệp, thì kể ra khi còn làm việc ở một tòa soạn tạp chí năm nào, Trang Chi Điệp đã tâm đầu ý hợp với một cô cùng đơn vị như thế nào, như keo như sơn ra sao, nhưng đã trục trặc như thế nào để đến nỗi cuối cùng không thành vợ thành chồng” [2, tr.130]. Đoạn về mối quan hệ tình cảm giữa Trang Chi Điệp và người con gái ấy, được Chu Mẫn dày công thêm thắt: “Đương nhiên, nội dung viết phong phú hơn cả, dùng từ ngữ đẹp đẽ nhất, miêu tả có tình tiết nhất là những cuộc làm tình với Cảnh Tuyết Ấm. Tên của Cảnh Tuyết Ấm được giấu kín, chỉ dùng ký hiệu” [2, tr.44]. Thiết nghĩ, nếu Chu Mẫn chỉ là một anh chàng đam mê văn chương, ham sáng tác thì bài viết có lẽ đã đi theo hướng khác nhưng bản thân anh lại thuộc vào “một băng những kẻ nhàn rỗi lang thang”, “thường bất mãn cái này, không vừa lòng cái kia, nôn nóng tới mức chẳng khác gì một đàn nhặng”.
Từ thực tế trên, rất có khả năng Chu Mẫn phần nào lấy “mẫu gốc” là bản thân mình để làm chất liệu khi viết về Trang Chi Điệp. Những ham mê nhục dục trong anh được cài đặt vào quá trình đặc tả Trang Chi Điệp, đặc biệt là những cuộc làm tình. Là người cướp vợ của người khác, nên cái cảm giác lo sợ mà đắc thắng, vụng trộm chớp nhoáng mà khoái lạc, Chu Mẫn hiểu hơn ai hết. Chính độ “chân thật” trong miêu tả ấy đã thu phục được niềm tin của người đọc. Sự trải nghiệm của Chu Mẫn kết hợp với sự trải nghiệm và trí tưởng tưởng của độc giả chắc chắn sẽ tạo thành một thước phim dài giàu tình tiết, giàu biến hóa. Như vậy, bịa đặt sẽ chồng chất bịa đặt. Thêm vào đó, tận sâu trong lòng anh luôn nuôi dưỡng sự ngưỡng mộ và cháy bỏng khát khao sớm ngày chinh phục được sự nghiệp lẫy lừng như danh nhân kia. Cho nên, các chi tiết trong cuộc đời Chu Mẫn có điều kiện xuất hiện ngay trong những gì anh viết về thần tượng. Mơ ước bất thành, không tìm ra lối thoát để rồi trở nên bất mãn, bất lực trước thực tại,... ý thức thôi thúc anh bạo gan cướp Đường Uyển Nhi với hy vọng người đàn bà
này sẽ mang lại cảm hứng tươi mới, làm chất liệu sinh động cho các tác phẩm về sau. Nhưng trớ trêu thay, bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Tất cả dường như sụp đổ, tinh thần anh đang dần có xu hướng cam chịu trước số mệnh nhưng Chu Mẫn có biết đâu tận sâu trong vô thức, tất cả vẫn tồn tại, vẫn âm ỉ sức sống. Và bài viết lúc này mặc nhiên là phương tiện tinh diệu giúp vô thức tràn vào ý thức để thỏa mãn nhất thời sự kìm nén, ẩn ức bấy lâu.
Cơ sở lý thuyết để phân tích hai trường hợp nêu trên trái ngược với triết học truyền thống từ Platon. Con người đặt trong góc nhìn của Freud, không còn tự làm chủ một cách triệt để, hoàn toàn lý trí và ý chí của mình. Nhưng dầu muốn dầu không thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: “[...] những tư duy, ý tưởng của mình bị giành giật bởi một phần của chính mình mà mình không biết. Hơn thế, cái phần của chính con người tự xác định mình trong những động cơ sâu xa, cái phần đó thể hiện một lĩnh vực còn mênh mông hơn cái tôi có ý thức: phần nổi có lẽ chỉ thể hiện một phần mười của phần chìm” [49, tr.33]. Như vậy, cả Trang Chi Điệp và Chu Mẫn cùng chịu sự chi phối của vô thức. Tuy nhiên, giữa họ có điểm khác biệt lớn. Nếu Trang Chi Điệp không hiểu rõ vô thức của mình thì Chu Mẫn xác định được ngọn nguồn những khát vọng bị kìm chế trước hoàn cảnh hiện thực. Và ta có thể khẳng định rằng lý thuyết về vô thức và sáng tác văn chương của Freud không là cực đoan khi áp dụng vào hai nhân vật trên. Thông qua việc lý giải ấy, chúng ta đã phần nào tiệm cận hơn bản chất của hình tượng nhân vật đồng thời nắm được ít nhiều ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Giả Bình Ao đã thật sự tài tình khi khai thác góc nhìn về đối tượng nghệ thuật một cách triệt để, dùng mâu thuẫn hình thức để phản ánh sự thống nhất nội tại.
2.2.2. Vật trong giấc mơ và những ảo giác
Trong tác phẩm “Phế đô”, ngoài thế giới tâm linh đầy ma mị của mẹ Ngưu Nguyệt Thanh thì những giấc mơ và những ảo giác cũng tạo ra một thế giới phi thực đầy sức thu hút và giàu tính gợi.
Ảo giác đầu tiên xuất hiện trong văn bản là trạng thái tinh thần “lơ mơ
như cõi mộng” của Trang Chi Điệp. Anh liên tiếp đặt những câu hỏi cho chính mình, đặc biệt là nghi ngờ không biết con người đang đứng, đang suy nghĩ ngay đây có phải là Trang Chi Điệp thật hay không. Lúc này, ranh giới giữa thực và ảo mờ nhòe đi tạo ra bối cảnh một phiên chất vấn giữa hai cơ tầng: ý thức và vô thức. Ý thức cố tình nhắc nhớ lại những gì đã trải qua hoàn toàn khác hẳn so với hình mẫu mà Trang Chi Điệp dày công xây dựng bằng câu hỏi trực diện, thẳng thắn: “Nếu phải, thì con người ngày xưa nhút nhát này, tại sao dám làm cái việc tày đình (tằng tịu với Đường Uyển Nhi) như thế?”. Trong khi đó, vô thức thì âm
thầm biện minh trong việc trả lời tận sâu câu hỏi: “Nếu không phải thì bản thân mình lại là ai?”. Như vậy, rõ ràng rằng ý thức muốn định hướng cho Trang Chi
Điệp quay trở về con đường “chính đạo” nhưng vô thức thì ngấm ngầm phủ định cách thực hành ấy thậm chí phủ định luôn cả sự tồn tại vật chất của chủ nhân nó.