Các công trình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở sáu nước ASEAN (Trang 32 - 35)

Phạm Thế Anh (2008) đã phân tích cơ cấu chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bằng việc tiến hành ước lượng mối quan hệ trên dựa vào thu thập dữ liệu ở 61 tỉnh thành trong cả nước từ năm 2001 đến 2005. Và với phương pháp ước lượng OLS, bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng: thứ nhất, các khoản chi đầu tư có tác động tích cực hơn so với các khoản chi thường xuyên trong các ngành nông, lâm, thuỷ sản, giáo dục & đào tạo, y tế, và ngành khác. Kết luận này là ngược lại cho ngành giao thông vận tải. Thứ hai, cả chi đầu tư và thường xuyên cho ngành giao thông vận tải, giáo dục & đào tạo, và ngành khác có vai trò tích cực lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn so với các khoản chi tương ứng cho ngành nông, lâm, thuỷ sản và ngành y tế.

Hoàng Thị Chinh Thon, Phạm Thị Hương & Phạm Thị Thủy (2010), thực hiện hồi quy bằng phương pháp ước lượng pooled OLS với bộ số liệu của 31 địa phương ở Việt Nam trong năm 2004 và 2005 và thấy rằng nguồn chi cho đầu tư cấp huyện

cần được tăng cường, trong khi chi tiêu đầu tư cấp tỉnh nên giảm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Vũ Thị Minh Luận (2012) đã đánh giá tác động của chính sách tài khóa tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2012 bằng việc sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số và chỉ ra rằng, ảnh hưởng của chi tiêu thường xuyên và các khoản mục chi đầu tư có ảnh hưởng dài hạn tới tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chi thường xuyên có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế thì chi cho đầu tư lại có ảnh hưởng ngược lại.

Mai Đình Lâm (2012), trong quá trình phân tích phân cấp tài khóa đến tăng trưởng kinh tế, tác giả cũng cho rằng chi địa phương có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chi đầu tư địa phương có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, còn chi thường xuyên có tác động lên tăng trưởng nhưng không có ý nghĩa thống kê. Bài nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng được thu thập từ 62 tỉnh thành của cả nước từ năm 2000 đến 2011. Đối với mô hình dữ liệu bảng này, đầu tiên, tác giả đã tiến hành kiểm định lần lượt theo các phương pháp OLS, FEM, REM, 2SLS, sau đó, tác giả tiến hành kiểm định tác động của phân cấp tài khóa đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam bằng mô hình dữ liệu dạng bảng năng động (DPD) thông qua phương pháp ước lượng GMM sai phân (Difference Generalized method of moments – GMM).

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Chương 2 đã khái lược một số mô hình tăng trưởng kinh tế từ mô hình tăng trưởng ngoại sinh đến mô hình tăng trưởng nội sinh nhằm khái quát hóa các yếu tố có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chương này cũng đã đưa ra các cơ sở lý thuyết cũng như các mô hình lý thuyết về sự tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế. Phần cuối cùng của chương, là đánh giá các công trình nghiên cứu thực nghiệm cả trong và ngoài nước liên quan đến đề tài.

CHƯƠNG 3. MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Chương 3 sẽ vận dụng các cơ sở lý thuyết ở chương 2 để xây dựng mô hình và đưa ra các phương pháp nghiên cứu. Và cùng với đó, khái quát về dữ liệu cũng trình bày ở chương này. Nội dung chương 3 bao gồm các phần như sau:

- Mô hình nghiên cứu - Phương pháp nghiên cứu - Dữ liệu

Một phần của tài liệu Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế ở sáu nước ASEAN (Trang 32 - 35)