7. Bố cục của khóa luận
2.2.2. Khắc họa tính cách thông qua ngôn ngữ
Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội loài người, nó không những là công cụ giao tiếp giữa người với người mà còn là phương tiện để người ta bộc lộ tư tưởng, tình cảm,... Ăng - ghen đã từng nói: “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”. Như vậy, qua ngôn ngữ, người ta thể hiện được nội tâm, tâm lý của mình.
Trong văn học, ngôn ngữ càng khẳng định rõ vị thế quan trọng của mình. Nó chính là phương tiện duy nhất để người nghệ sĩ có thể bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình thông qua các hình tượng nghệ thuật. Chính vì thế mà người ta vẫn thường gọi văn học là “nghệ thuật ngôn từ”.
Lỗ Tấn là một nhà văn lớn đồng thời cũng là bậc thầy về ngôn ngữ. Ông là người đầu tiên dùng bạch thoại để viết tiểu thuyết, mở đầu cho tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc. Trong các tác phẩm của ông, thường không có những câu, những chữ thừa, ngôn ngữ rất cô đọng, súc tích và sinh động. Chính Lỗ Tấn nói: “Tôi cố để tránh hành văn dài dòng, chỉ cần truyền được ý mình cho người khác là đủ... Tôi không tả trăng gió, độc thoại cũng quyết không nói cả đoạn dài”. Khảo sát truyện ngắn của Lỗ Tấn ta thấy ngôn ngữ nhân vật và ngôn
ngữ người kể chuyện chính là hai trong số những phương diện nghệ thuật góp phần khắc họa tính cách hình tượng nhân vật trí thức sinh động.
2.2.2.1. Ngôn ngữ nhân vật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Ngôn ngữ nhân vật là lời nói của nhân
vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch. Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật. […] Dù tồn tại dưới dạng nào hoặc được thể hiện bằng cách nào, ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng phải đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá thể và tính khái quát, nghĩa là một mặt, mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có “lời ăn tiếng nói” riêng, mặt khác, ngôn ngữ ấy lại phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định gần gũi về nghề nghiệp, tâm lí, giai cấp, trình độ văn hóa” [6, tr.214]. Ngôn ngữ nhân vật bao gồm đối thoại và độc thoại nội tâm.
* Đối thoại
“Đối thoại là lời trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như một phản ứng đáp lại lời nói trước” [6, tr.186]. Đối thoại diễn ra khi có người nói, người nghe và mỗi phát ngôn đều trực tiếp hướng đến người tiếp chuyện và xoay quanh một chủ đề nhất định. Đối thoại trong truyện ngắn viết về người trí thức của Lỗ Tấn xuất hiện ít:
Tên truyện Tổng số lời thoại trong truyện Nhân vật Số lời thoại của nhân vật Tỉ lệ lời thoại của nhân vật so với tổng lời thoại trong
truyện (%)
Khổng Ất Kỉ 35 Khổng Ất Kỉ 13 37.1
Tết Đoan Ngọ 32 Phương Huyền Xước 17 53.1
Luồng ánh sáng 8 Trần Sĩ Thành 4 50
Một gia đình
hạnh phúc 21 Nhà văn 9 42.9
Miếng xà phòng 80 Tứ Minh 41 51.3
Cao phu tử 37 Cao Cán Đinh 12 32.4
Con người cô
độc 59 Ngụy Liên Thù 29 49.2
Tuy nhiên những lời đối thoại này lại được sử dụng rất hiệu quả, thể hiện
được tính cách, nội tâm nhân vật. Trong truyện “Khổng Ất Kỷ” ta thấy xuất
hiện rất nhiều lần câu nói “Chi hồ giả dã” của Khổng Ất Kỷ chứng tỏ rằng anh ta luôn mong muốn mọi người hiểu mình là một người có học hơn người. Hoặc lại có khi Khổng Ất Kỉ cố tình thanh minh: “Lấy cắp sách không phải là ăn cắp! Có biết chữ mới lấy sách chứ? Thế mà bảo là ăn cắp được à?” [11, tr.55]. Mặc dù biết mình đã sai, mình đã thất bại trên con đường khoa cử thế nhưng vẫn không chịu chấp nhận hiện thực của cuộc sống.
Lỗ Tấn là một bậc kỳ tài khi chỉ bằng một vài câu sơ sơ nhưng lột tả được tư tưởng, tình cảm, diện mạo của nhân vật. Nhân vật trong truyện Lỗ Tấn thường có những câu nói lặp đi, lặp lại nhiều lần. Phương Huyền Xước
(Tết Đoan Ngọ) thì lúc nào cũng: “Cũng là một chín một mười” [11, tr.173].
Đây là chủ nghĩa tàm tạm. Người trí thức sau một phen hô hào đấu tranh thì cho rằng việc gì đại khái cũng thế cả, chẳng tốt, chẳng xấu, không phải, không trái, mơ hồ trước cuộc đời.
Đối với Trần Sỹ Thành (Luồng ánh sáng), đã có mười sáu lần đi thi
nhưng cái mộng khoa cử mãi vẫn không thành, ông ta luôn miệng nói: “Lần này lại hỏng!” và ngay cả mọi vật xung quanh ông ta cũng nói vậy: “Ông ta tỉnh ngộ, biết đó là một cái xương quai hàm. Cái xương quai hàm đó lại đang cựa quậy trong bàn tay ông ta và đang nhe răng ra cười. Rồi ông ta nghe nó nói: “Lần này lại hỏng nữa””. Đây chính là xuất phát từ sự đau đớn, xót xa
xen lẫn tủi hổ vì thi mãi mà không đậu của Trần Sỹ Thành. Chỉ bằng những câu nói ngắn ngủi thế thôi nhưng Lỗ Tấn đã lột tả cho người đọc thấy được cái mộng khoa cử đã đè nặng lên tâm lí của người trí thức để rồi khi thất bại thì thoát không khỏi bị nhục nhã, bị đè nén, bị hãm hại, thậm chí mất mạng. Đó là bi kịch của trí thức được nền giáo dục phong kiến nuôi dưỡng và cuối cùng bị chính xã hội đó làm cho tiêu trầm.
Bước sang thời kỳ sau cuộc vận động Ngũ Tứ, trí thức thanh niên lúc này đã khác trước, họ đã ý thức được vị trí của mình trong xã hội. Tử Quân
(Tiếc thương những ngày đã mất) đã lớn tiếng tuyên bố: “Người em là của em
không ai có quyền can thiệp vào đời em cả” [11, tr.336]. Đây là lời khẳng định dứt khoát vai trò vị trí của người trí thức thanh niên trong xã hội, quyết tâm đến với hạnh phúc, tự mình cắt bỏ tất cả mọi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Cắt bỏ khỏi ràng buộc với lễ giáo phong kiến cổ hủ, lạc hậu là đúng nhưng cắt bỏ mình khỏi sợi dây liên hệ với xã hội lại là sự sai lầm. Tử Quân chỉ chăm chú chăm sóc cho hạnh phúc gia đình nhỏ bé của mình mà không hề biết rằng hạnh phúc cá nhân phải gắn với hạnh phúc của dân tộc thì mới vững bền, muốn làm chủ hôn nhân hạnh phúc thì trước hết họ phải thực sự là chủ nhân của đất nước. Bởi vậy khi gặp hoàn cảnh sống khó khăn, Tử Quân dần rơi vào bi kịch. Những ngôn ngữ đối thoại của nàng thể hiện sự tuyệt vọng, chấp nhận, chịu đựng: “Chẳng hề gì! Hừ! Không làm việc này thì làm việc khác. Chúng ta…” [11, tr.342]. Bề ngoài có vẻ câu nói mang sự động viên an ủi khi chồng nàng mất việc nhưng bên trong nó lại chứa đựng sự buồn phiền, rạn nứt. Càng về sau những lời đối thoại giữa Tử Quân và chồng ngày càng nhạt nhẽo, không còn mặn mà, đằm thắm như trước:
“- Lạ chưa? Em hôm nay sao lại như thế? - Cái gì?
- Nét mặt em…
Những lời đối thoại đã chứng tỏ sự đổ vỡ trong tình yêu của đôi vợ chồng trẻ và chia tay là điều tất yếu sẽ đến với gia đình này. Cả Tử Quân và Quyên Sinh cuối cùng lại trở về với nơi mà họ đã xuất phát.
Đối thoại mặc dù xuất hiện ít, ngắn gọn, dung tục, nhưng nó lại có tầm khái quát rất cao. Nó không chỉ có chức năng giao tiếp thông thường mà còn truyền tải những nét tâm lý đa dạng và phức tạp của nhân vật.
* Độc thoại nội tâm
Độc thoại nội tâm là hình thức tự bộc lộ mình một cách chân thành, khái
quát nhất. Trong Thi pháp tiểu thuyết L.Tônxtôi (Nguyễn Hải Hà) thì độc
thoại nội tâm xuất hiện dưới ba dạng:
Thứ nhất chỉ rõ nhân vật nghĩ hay nhân vật nói to với mình và những ý nghĩ này của nhân vật thường để trong ngoặc kép.
Thứ hai dạng nửa trực tiếp, tác giả trực tiếp phơi bày tâm lí nhân vật nhưng tới một lúc nào đó giọng tác giả hòa quyện vào trong giọng nhân vật khiến ta khó phân biệt rạch ròi.
Thứ ba dạng tổng hợp, tác giả sử dụng xen lẫn cả hai dạng trên, có khi kết hợp với nhật kí chiêm bao.
Độc thoại nội tâm bộc lộ sự chuyển biến tình cảm, suy nghĩ của nhân vật ở một thời điểm nào đó, bộc lộ cả cái nhìn thế giới, cách đánh giá con người của nhân vật với thế giới bên ngoài, giúp nhà văn bắt chuỗi tâm lí, quá trình tâm lí trong tâm hồn con người. Đây chính là lúc nhân vật trở về thực nhất với chính mình và bộc lộ tính cách một cách rõ ràng nhất.
Một trong những truyện ngắn viết về người trí thức mà người đọc bắt
gặp hình thức độc thoại nội tâm nhiều nhất phải kể đến Một gia đình hạnh
phúc. Trong tác phẩm này những lời độc thoại nội tâm chủ yếu diễn ra ở nhân
vật chính: nhà văn. Anh ta là một trí thức tiểu tư sản mới, tiến bộ tuy nhiên lại sống ảo tưởng, xa rời thực tế. Anh luôn “nghĩ”, “suy nghĩ” xây đắp cho cái gia đình hạnh phúc trong mộng tưởng của mình:
- “Tóm lại, cái gia đình hạnh phúc đó nhất định phải ở A, không còn bàn tán gì nữa. Trong gia đình, tất nhiên có hai vợ chồng, đó là ông chủ, bà chủ. Tự do kết hôn. Họ có ký kết với nhau hơn bốn mươi điều khoản, rất tỉ mỉ, cho nên hai người hết sức tình cảm, hết sức tự do. Lại học qua bậc Cao đẳng, là những tay trí thức ưu tú, cao thượng… Bây giờ ít ai sang Nhật học nữa, vậy thì cứ cho là du học ở Âu Mĩ về. Ông chồng luôn mặc âu phục, áo sơ mi cổ cứng trắng tinh; bà vợ thì tóc phi - dê, phồng phồng như tổ chim sẻ, luôn luôn để lộ hàm răng như ngà như ngọc, nhưng áo quần lại mặc kiểu Trung Quốc…” [11, tr.252].
- “Hai vợ chồng đang ăn cơm trưa. Chiếc bàn phủ khăn trắng tinh. Người bếp mang thức ăn lên. Món ăn Trung Quốc nhỉ? Người phương Tây nói: Món ăn Trung Quốc tốt nhất, ngon nhất, hợp vệ sinh nhất, cho nên hai vợ chồng này ăn món ăn Trung Quốc. Mới đưa lên bát thứ nhất, nhưng bát thứ nhất ấy là bát gì nhỉ…” [11, tr.253].
- “Món gì nhỉ? Hơi là lạ một chút cũng không sao. Sườn xào chua ngọt. Hải sâm nấu tôm thì xoàng quá. Muốn cho hai vợ chồng nhà này ăn món Long hổ đấu, nhưng Long hổ đấu như thế nào nhỉ? Có người nói đó là món thịt rắn nấu trộn thịt mèo, một món ăn sang của người Quảng Đông, không phải là yến tiệc thì không ai ăn. Nhưng mình đã thấy cái tên món ăn này trên thực đơn các món ăn Giang Tô rồi, người Giang Tô hình như không ăn thịt rắn và thịt mèo, e có lẽ như người nào đó nói là ếch và lươn thôi. Vậy thì cho đôi vợ chồng này là người tỉnh nào đây? Mặc kệ. Nói tóm lại, dù là người tỉnh nào, có ăn một bát thịt rắn và thịt mèo hoặc thịt ếch và thịt lươn, quyết cũng không tổn thương gì cho hạnh phúc của gia đình họ cả. Vậy là bát thứ nhất nhất định phải là Long hổ đấu không còn phải bàn tán gì nữa” [11, tr.254].
Tuy nhiên hiện thực cuộc sống đầy khó khăn chật vật của gia đình đã kéo nhân vật nhà văn trở về với thực tại. Nó xen cả vào những dòng độc thoại về gia đình hạnh phúc: “thế rồi hai người cùng đưa đũa ra, cùng gắp một miếng thịt rắn… không không, thịt rắn thì kì dị quá. Hay cứ nói thịt lươn thôi.
Như thế thì món Long hổ đấu này phải nấu bằng thịt lươn và thịt ếch. Cả hai người cùng gắp một miếng thịt lươn, bằng nhau - … năm năm hai nhăm, ba năm… mặc kệ! - cùng bỏ vào miệng” [11, tr.255].
Mâu thuẫn giữa tưởng tượng và thực tế ngày càng quyết liệt, anh nhà văn thấy đầu anh “kềnh kềnh càng càng”. Anh chạy ra buông cái màn cửa chứa đầy bụi xuống, vừa nghĩ thầm trong bụng: “Như thế này thì tránh được cả hai điều: đóng cửa lại thì tỏ ra nóng nẩy, để mở cửa thì không yên tĩnh. Thật rất thích hợp với “đạo trung dung” [11, tr.256]. Qua lời độc thoại trên, ta còn thấy một nét tính cách khác trong nhân vật nhà văn. Đó chính là sự sĩ diện hão. Mặc dù anh ta rất khó chịu vì những âm thanh ồn ào của người vợ đến mức “mặt nóng bừng” như có “hàng trăm cái kim cứ trích nhẹ vào xương sống” nhưng không dám đóng cửa mà chỉ buông màn cửa để tránh tỏ ra nóng nẩy và phù hợp với “đạo trung dung”.
Cuối truyện khi nhìn vào đôi mắt đứa con gái anh nghĩ: “Có lẽ tương lai rồi nó cũng năm năm hai nhăm, chín chín tám một!... Và đôi mắt cũng buồn thăm thẳm như thế” [11, tr.258]. Đó là những suy nghĩ chứa đựng sự bất lực, tuyệt vọng về tương lai của người trí thức tiểu tư sản.
Độc thoại nội tâm đã mang lại một hiệu quả nghệ thuật khá cao khi Lỗ tấn xây dựng hình tượng người trí thức. Qua dòng suy nghĩ nội tâm, tính cách và số phận của họ hiện lên một cách chân thực.
2.2.2.2. Ngôn ngữ người kể chuyện
Người kể chuyện là “hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của chính tác giả, dĩ nhiên không nên đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời; có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra; có thể là một người biết một câu chuyện nào đó” [6, tr.221]. Hay nói đơn giản hơn thì người kể chuyện chính là người dẫn ra câu chuyện của tác phẩm, là người xem xét, đánh giá các nhân vật và sự việc được phản ánh trong tác phẩm.
Ngôn ngữ của người kể chuyện cho dù rất ngắn gọn, ít ỏi vẫn tạo nên một ý niệm về tính cách mới, độc đáo về hình tượng một nhân vật chứ không phải là một nhận xét đơn thuần. Và trong truyện ngắn của mình, Lỗ Tấn đã sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện rất đa dạng, nhiều vẻ.
* Ngôn ngữ của người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất
Trong trường hợp này, người kể chuyện đứng cùng bình diện với các nhân vật trong tác phẩm. Dùng nhân vật “tôi” làm đầu mối thường có hai trường hợp: “tôi” kể câu chuyện về cuộc đời mình hoặc “tôi” kể về người khác.
Thứ nhất là trường hợp người kể chuyện kể về mình. Đây là hình thức người kể ở ngôi thứ nhất kể lại những sự việc, sự kiện mà mình đã sống, đã trải qua, chứng kiến một cách trực tiếp. Do đó, khoảng cách giữa người kể chuyện và truyện là rất nhỏ. Tiêu biểu cho dạng này phải kể đến các truyện
như Một gia đình hạnh phúc, Trong quán rượu.
Trong Một gia đình hạnh phúc người kể chuyện cũng chính là nhân vật
chính Quyên Sinh. Quyên Sinh xưng “tôi” vì “hương hồn Tử Quân và vì chính mình tôi mà ghi lại đây lòng hối hận, nỗi thương đau” về mối tình giữa anh và người vợ. Sử dụng ngôi thứ nhất xưng “tôi” không chỉ giúp câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin cậy mà nó còn giúp độc giả cảm nhận được toàn bộ thế giới tâm hồn, tính cách của nhân vật khi nhân vật trực tiếp bày tỏ thái độ suy nghĩ của mình. Ở Quyên Sinh, trước hết ta thấy được sự sốt ruột đáng yêu của người trí thức Tây học khi chờ đợi người yêu: “Ngồi mong chờ mãi, sốt ruột, cứ nghe tiếng giầy cao gót nhẹ nhàng đi trên con đường lát gạch là tôi bỗng lại vui hẳn lên”. Rồi vì mong mỏi qua mà “tôi” ghét lây sang cả thằng con trai lão gác cổng và cái anh chàng mặt trát kem bừ bự: “Tôi rất