7. Bố cục của khóa luận
2.2.1. Khắc họa tính cách thông qua hành động và tâm lí nhân vật
Thế giới nội tâm là một thế giới chưa đầy những ẩn số bí mật, gồm rất nhiều những “dòng chảy ngầm” tinh vi, phức tạp, vô hình và khó nắm bắt. Nó chứa đựng bản chất đích thực của một con người, tạo cho con người có một cách nhìn về cuộc sống và chi phối các hoạt động khác.
Đi vào tìm hiểu thế giới bí ấn bên trong nhằm đưa ra cách trả lời trọn vẹn nhất về con người, từ trước đến nay đã có rất nhiều khoa học nghiên cứu, nhưng để đạt đến một kết quả như ý muốn thì chắc hẳn là chưa. Khác với các khoa học khác, văn chương có những đặc thù ưu việt của nó. Nó có thể đi sâu tìm hiểu và diễn tả được thế giới con người “như nó vốn có”, “sự hiểu biết tâm trạng của con người, khả năng phát hiện những điều bí ẩn của trái tim ra trước mắt mọi người, đó là lời đầu tiên trong đặc điểm của các nhà văn và tác phẩm của họ làm cho người ta kinh ngạc” (Sécnưsepxki). Để xây dựng được những nhân vật có cá tính, không thể trộn lẫn nhân vật này với nhân vật khác thì Lỗ Tấn ngoài việc miêu tả ngoại hình còn phải chú ý đến việc tả nội tâm và hành động nhân vật.
2.2.1.1. Thông qua hành động
Thông thường người trí thức trong truyện ngắn của Lỗ Tấn hành động và qua hành động đó của nhân vật người đọc hiểu hết cả một thế giới nội tâm sâu kín. Đây là nét khác biệt so với tiểu thuyết Minh Thanh thường chỉ miêu tả hành động đơn thuần hay miêu tả hành động để thúc đẩy diễn biến câu chuyện .
Hành động Khổng Ất Kỷ (Khổng Ất Kỷ) luôn mặc chiếc áo dài nhưng
vừa bẩn lại vừa rách, hình như hơn mười năm nay chưa hề vá mà cũng chưa hề giặt đến trước cửa quán rượu Hàm Hanh uống rượu trong khi tất cả mọi người đứng uống rượu ở trước cửa đều phải mặc áo cộc “thể hiện mộng khoa cử đang đè nặng trong tâm hồn anh ta”. Và đặc biệt là hành động “rồi xỉa ra chín đồng chinh” của Khổng Ất Kỷ thể hiện nét tâm lý phản kháng lại những kẻ đã trêu anh là thằng ăn cắp. Hành động chia đậu hồi hương cho bọn trẻ và dạy chữ cho “tôi” chứng tỏ một tình cảm, một niềm tin vào thế hệ trẻ thơ, hi vọng tương lai của các em sẽ tốt đẹp hơn.
Hay qua hành động đào bới khắp nơi trong nhà và còn phải nghĩ đến việc phải đi lên núi theo sự di chuyển của luồng ánh sáng để tìm ra hũ vàng, Trần
Sỹ Thành (Luồng ánh sáng) đã bộc lộ nét tâm lý của người trí thức được giáo
dục bởi nền giáo dục phong kiến, tự chôn vùi mình vào trong danh vị, tiền tài và dục vọng.
Lỗ Tấn đã đi sâu vào những tâm sự riêng tư, quan sát những biểu hiện kín đáo của cảm xúc nhân vật, từ đó nắm bắt những diễn biến tâm lý phức tạp trong
tình cảm. Ở truyện ngắn Con người cô độc, hành động Nguỵ Liên Thù bỗng
nhiên “chảy nước mắt ròng ròng, rồi khóc thất thanh, sau đó, lại rống lên, như con chó sói bị thương rống lên giữa cánh đồng vắng đêm khuya, nghe vừa thảm thiết, vừa phẫn nộ, vừa bi ai” [11, tr.310] đã để lại nhiều ám ảnh cho chính nhân vật “tôi” - người kể chuyện cũng như độc giả. Có thể nói đây vừa là tiếng khóc thương xót đối với người bà nhưng cũng chính là tiếng khóc cho chính Nguỵ Liên Thù. Người bà chết đi nhưng sẽ là sự mở đầu, sự kế thừa một phần tính cách cô độc nơi người bà của Nguỵ Liên Thù.
Trong truyện ngắn Một gia đình hạnh phúc, hành động nhân vật nhà văn
“với lấy tờ giấy kẻ ô màu lục trên có viết cái đầu đề và một mớ con tính, vò nát, rồi lại mở ra lau nước mắt, nước mũi cho con” [11, tr.258] thể hiện sự bất lực trước hiện thực cuộc sống. Trí thức Trung Quốc sau cuộc vận động Ngũ Tứ
muốn tìm đến hưởng niềm tự do cá tính, tự do hôn nhân nhưng rồi tất cả họ đều đi đến chỗ thất bại bởi họ đã thoát ly xã hội, không được xã hội chấp nhận.
2.2.1.2. Thông qua tâm lí nhân vật
Trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc diễn biến tâm lí của nhân vật thường đơn giản, ít có sự thay đổi, hễ tả người tốt là tốt hoàn toàn, người xấu là
cực kì xấu. Ví như trong Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung), nhân vật Tào
Tháo ngay từ nhỏ đã lừa cha, dối chú để được người đời đặt cho cái tên Tào A Man. Lớn lên, trong cuộc đấu tranh xã hội tàn khốc, cái trí trá đã phát triển thành cái nham hiểm, xảo quyệt. Tháo nói: “Thà ta phụ người chứ quyết không để người phụ ta”. Câu nói này được phát ra sau hành động tàn bạo giết cả nhà ân nhân Lã Bá Xa chỉ vì lòng dạ đa nghi và sự tính toán nham hiểm: phải triệt tận gốc mầm trả thù. Phương châm sống vị kỉ cực đoan đó đã chi phối cả cuộc đời Tào Tháo. Đối lập với Tào Tháo, Trương Phi là con người lòng dạ ngay thẳng, nội tâm thuần khiết, là con người phân minh, yêu ghét rõ ràng, trước sau vẫn giữ vững nguyên tắc. Khi Đốc Bưu ăn hối lộ, ông ta “túm lấy tóc, lôi ra khỏi quán trám”, trói vào chuồng ngựa và đánh cho dập xương. Gặp Đổng Trác kiêu ngạo, vô lễ, ông ta muốn giết chết. Khi thấy Gia Cát Lượng ngủ say trong nhà cỏ, chướng mắt không chịu được, ông ta nổi giận nói: “Để tôi ra sau nhà châm mồi lửa xem hắn có dậy không?”. Song khác với diễn biến tâm lí của các nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Lỗ Tấn luôn luôn có sự vận động không ngừng. Hầu hết các nhân vật trí thức trong truyện ngắn Lỗ Tấn có sự chuyển biến nội tâm.
Phương Huyền Xước (Tết Đoan Ngọ) ban đầu là một trí thức hăng hái,
nhiệt tình, luôn bất bình trước những chuyện bất công, ngang trái. Tuy nhiên về sau do bản chất do dự, dễ thỏa hiệp Phương Huyền Xước hoàn toàn thay đổi. Ông ta đã ru ngủ bản thân bằng lí thuyết “cũng là một chín một mười’. Đối với Phương Huyền Xước lúc này “tất cả cũng như nhau cả thôi”. Bây giờ, các bậc lão thành uy hiếp bọn thanh niên nhưng “lớp trẻ này mai sau có con, có cháu rồi cũng lại lên mặt như thế thôi”, bọn lính đánh đập người kéo xe
nhưng nếu đổi lại “người kéo xe là lính và người lính đi kéo xe thì rồi cũng đánh đập thế thôi”. Bị thôi miên trong tư tưởng như vậy, Phương Huyền Xước dần dần quên đi tinh thần đấu tranh của bản thân trước đây mà sống cầu an, yên phận, không còn muốn hành động, hễ làm việc gì cũng ngại ngần, sợ hãi. Thậm chí ông ta còn hi vọng vào một chiếc vé số may rủi có thể sẽ thay đổi đời sống kinh tế của gia đình.
Cũng giống Phương Huyền Xước các nhân vật trí thức khác như Lã Vĩ Phủ, Ngụy Liên Thù, Tử Quân, Quyên Sinh… đều vốn là những trí thức Tây học tân tiến. Họ có khát vọng cải cách xã hội, muốn vươn lên cuộc sống bình đẳng tự do nhưng cuối cùng do bản chất dễ dao động, hoang mang, đấu tranh đơn độc lại vấp phải hiện thực đen tối mà bị biến đổi nhân cách, rơi vào bi kịch.
Người trí thức trong truyện ngắn Lỗ Tấn là những người mang đầy tâm trạng. Họ không chỉ lo lắng về cuộc sống, cơm áo, gạo tiền mà họ còn lo cho tương lai, sĩ diện của mình.
Trần Sĩ Thành (Luồng ánh sáng) là kẻ bị đè nặng bởi giấc mộng khoa cử
nên lúc nào trong con người ông ta cũng chỉ nghĩ đến trường thi. Lỗ Tấn đã miêu tả vô cùng tinh tế những diễn biến tâm lí bên trong vị nho sĩ cuối mùa này. Đến ngày thông báo kết quả kì thi, Sĩ Thành ra đi từ lúc “trời còn tinh mơ; vừa thấy bảng treo lên, ông ta đã tìm ngay chữ Trần” [11, tr.184]. Đó chính là tâm trạng lo âu, hồi hộp kèm theo niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng khi giấc mộng công danh đã thành của Sĩ Thành. Nhưng giấc mộng đó không bao giờ có thể thành hiện thực bởi Trần Sĩ Thành không có tên trong bảng vàng. Dường như không thể chấp nhận được sự thực phũ phàng này, Trần Sĩ Thành xem đi xem lại bảng yết kì thi đến tận lúc “người xem về hết mà cái tên Sĩ Thành vẫn không thấy. Ông ta đứng một mình cạnh bức tường phía trước sân trường thi”. Mười sáu lần đi thi là mười sáu lần hỏng thi. Ông ta cảm thấy choáng váng “mặt ông ta càng tái nhợt; cặp mắt sưng húp, đỏ mọng, mệt mỏi, sáng lên một cách cổ quái”. Chán chường, tuyệt vọng, đau khổ lên tới đỉnh điểm, trước mắt Trần Sĩ Thành cái tương lai mà bình nhật
ông đã cắt đặt đâu vào đấy “đổ nhào chỉ còn trơ lại từng mảnh vụn”. Bên trong Sĩ Thành lúc này ngổn ngang bao tâm trạng. Ông vừa phẫn uất, căm tức bọn quan trường chẳng có thằng nào biết xem văn, có mắt như mù lại vừa đau xót cho thân phận của mình: “Thật đáng thương hại thay! Bất giác ông cười phá lên”. Xen lẫn trong đó còn là tâm trạng xấu hổ. Trần Sĩ Thành “cảm thấy mọi vật xung quanh đang cười nhạo mình, đâu đâu cũng văng vẳng âm thanh “Lần này lại hỏng” và “tim ông ta đập thùm thụp”.
Khác với Trần Sĩ Thành, Cao Cán Đinh (Cao phu tử) lại có tâm trạng
của một kẻ bẽ bàng vì tính tự cao, tự đại về vốn hiểu biết và sự thông minh, uyên bác của mình. Tất cả những gì ông ta thể hiện đều cho ta thấy rõ sự trống rỗng, yếu kém về hộc vấn và năng lực. Nói khác đi, ông ta là đại diện cho tầng lớp trí thức cũ “hữu danh vô thực”.
Sự yếu kém về năng lực thể hiện ngay khi ông ta xem sách để soạn giáo án: “Thứ đến cuốn Trung Quốc lịch sử giáo khoa thư. Người biên soạn quả thật không chú ý biên soạn cho giáo viên dùng. Sách tuy có nhiều đoạn gần khớp với cuốn Liễu Phàm cương giám nhưng phần lớn thì lại khác hẳn. Chỗ giống, chỗ không giống như thế làm cho người ta khi giảng bài không biết làm thế nào dùng tài liệu ở cả hai cuốn”.
Đến trường nữ học Hiền Lương giảng bài thì sự yếu kém ấy càng bộc lộ rõ qua tâm trạng lo lắng, bồn chồn không yên của Cao phu tử. Ngồi nói chuyện với ông Phố nhưng “Cao phu tử cũng không thể ngồi cao đàm khoát luận được, bởi vì bài ông sắp giảng – Sự hưng vong của Đông Tấn – ông ta chưa chuẩn bị được đầy đủ lắm. Đã thế bây giờ lại quên đi ít nhiều rồi. Ông ta lo lắng, trông đau khổ hết sức” [11, tr.299]. Nghe tiếng chuông hết giờ ông ta lại giật nảy mình. Đứng trên giảng đường thì “tim đập thình thịch”, mắt nhìn lên trần mà không dám nhìn xuống. Chính vì sự ngu dốt, yếu kém của mình nên lúc nào ông ta cũng cảm tưởng như có ai đang cười trộm mình, lúc đó ông ta thấy “mặt nóng bừng bừng”, sau đó thì “không biết mình đang nói gì”.
Truyện ngắn của Lỗ Tấn thông thường có sự đan xen, quan hệ mật thiết giữa hành động và nội tâm. Tuy nhiên, có một số truyện viết về người trí thức Lỗ Tấn lại hoàn toàn miêu tả tâm lý, có khi còn xem nhẹ cốt truyện. Chẳng
hạn trong truyện Một gia đình hạnh phúc là sự độc thoại tưởng tượng của một
anh nhà văn về “Một gia đình hạnh phúc” trong khi hoàn cảnh gia đình anh ta
lại hoàn toàn trái ngược. Hoặc trong Tiếc thương những ngày đã mất lại là sự
ghi chép nỗi khổ đau, hối hận của Quyên Sinh khi mất đi người vợ yêu quý của mình và hoài niệm về những ngày tháng họ cùng nhau đấu tranh cho một mục đích lớn lao.
Miêu tả hành động để từ đó bộc lộ nội tâm nhân vật và có khi lại là những dòng miêu tả tâm lý thuần tuý tất cả những thủ pháp nghệ thuật này đã góp phần làm nên thành công của Lỗ Tấn khi xây dựng hình tượng người trí thức.