7. Bố cục của khóa luận
2.1. Nghệ thuật khắc họa ngoại hình nhân vật
Ngoại hình là cử chỉ, chân dung, diện mạo, phong thái, y phục của nhân vật. Miêu tả ngoại hình là miêu tả toàn bộ biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Thông qua đó người đọc có thể có những cảm nhận, ấn tượng ban đầu về cuộc đời và số phận của nhân vật. Vì thế có rất nhiều nhà văn khá công phu và dành nhiều tâm sức cho việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Tuy nhiên trong truyện ngắn Lỗ Tấn, ngoại hình của nhân vật trí thức không được miêu tả ngay từ khi xuất hiện mà phải đợi đến khi triển khai truyện, tình tiết, tâm lí, hành động thì diện mạo nhân vật mới được thể hiện. Mà ngoại hình này lại được thể hiện thông qua sự quan sát và ngôn ngữ của người kể
chuyện. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Khổng Ất Kỉ, phải sau lời giới thiệu
của nhân vật “tôi” về quán rượu Hàm Thanh, về công việc của “tôi” ở đó và kể lại những lần tiếp xúc với Khổng Ất Kỉ thì lúc đó hình dáng của người trí thức Khổng Ất Kỉ mới xuất hiện với sự kì lạ của nó: “Bác Khổng Ất Kỉ là người độc nhất mặc áo dài mà lại đứng trước quầy uống rượu. Bác ta người cao to, mắt xanh lè giữa những nếp răn thường có vài vết sẹo lại có một bộ râu hoa râm lồm xồm, rối như mớ bòng bong. Áo tuy là áo dài nhưng vừa bẩn lại vừa rách, hình như hơn mươi năm nay chưa hề vá mà cũng chưa hề giặt” [11, tr.54]. Đối với Lỗ Tấn, nhà văn chỉ xây dựng nhân vật xuất phát từ mục đích bộc lộ được nội tâm nhân vật, mổ xẻ căn bệnh tinh thần của nhân vật nên phương pháp “điểm nhãn” (vẽ rồng chấm mắt) là phương pháp tối ưu nhất nhà văn lựa chọn. Chỉ với vài dòng để vẽ về ngoại hình của Khổng Ất Kỉ nhưng Lỗ Tấn đã phần nào đưa đến cho bạn đọc những ấn tượng ban đầu về bản chất bên trong của nhân vật này. Trước hết, Khổng Ất Kỉ là một con người khác người, thậm chí là lạc lõng ngay từ ngoại hình: “bộ râu lồm xồm, rối như mớ bòng bong”, “áo tuy là áo dài nhưng vừa bẩn, vừa rách, hình như
hơn mười năm nay chưa vá cũng không hề giặt”. Rõ ràng đây là người không quan tâm đến bề ngoài của mình, cẩu thả, sống hời hợt, không mục đích, tạm bợ, lạc lõng; cuộc sống hiện tại thì vất vả nghèo khổ còn tương lai thì mù mịt, không lối thoát. Chính ngoại hình của bác cũng “góp phần đẩy bác ra xa xã hội loài người” vì “ngoại hình như thế thì có mấy ai dám đến gần”. Bên cạnh đó qua ngoại hình nhân vật Khổng Ất Kỉ ta cũng nhận ra một nét tính cách khác của nhân vật này. Đó chính là tính bảo thủ - một trạng thái tâm lí đã trở thành căn bệnh cố hữu trong con người trí thức. Mặc dù bị xã hội vùi dập, thất bại trên con đường khoa cử và không còn giữ được vị trí xã hội nữa nhưng Khổng Ất Kỉ vẫn không chịu chấp nhận. Ông ta vẫn mặc chiếc áo dài vào quán rượu Hàm Thanh để chứng tỏ mình là người có học, là người thuộc giới thượng lưu. Như vậy, chỉ bằng một số chi tiết nhỏ miêu tả về ngoại hình của Khổng Ất Kỉ, Lỗ Tấn đã thể hiện được tình trạng thảm hại của một nhân vật được xem là “mũ cao áo dài” trong xã hội.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong tâm hồn của nhân vật cũng được nhà văn
miêu tả qua sự thay đổi về ngoại hình. Nếu như Lã Vĩ Phủ (Trong quán rượu)
trước đây là người nhanh nhẹn, hoạt bát thì hình ảnh Lã Vi Phủ sau nhiều năm xa cách nay “tôi” mới có dịp gặp lại là: “Nhìn kỹ thấy mái tóc, bộ râu của anh vẫn bờm xờm như độ nọ, khuôn mặt vẫn dài dài và xanh xao, có điều gầy tóp đi. Trông anh có vẻ rất điềm tĩnh, nói là tiều tuỵ thì đúng hơn. Dưới cặp lông mày vừa rậm, vừa đen, mắt anh không còn gì là tinh anh nữa. Nhưng sau khi anh chậm rãi nhìn xung quanh, rồi nhìn xuống mảnh vườn hoang thì bất chợt tôi lại thấy mắt anh sáng hẳn lên như hồi còn đi học” [11, tr.269]. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhìn vào đôi mắt ta có thể nhìn sâu vào bên trong thế giới nội tâm của nhân vật. Lã Vĩ Phủ và “tôi” sau một thời gian dài không gặp nhau, giờ đây nhìn anh không có gì khác xưa nhiều lắm, duy chỉ có “đôi mắt” là đã thay đổi, không còn cái vẻ tinh anh ngày trước. Lã Vĩ Phủ vốn là người trí thức thông minh, có tinh thần, lý tưởng đấu tranh chống phong kiến nhưng thay đổi cả một chế độ phong kiến đen tối lâu đời là chuyện không dễ. Thông
qua hình ảnh “đôi mắt anh không còn gì là tinh anh nữa” Lỗ Tấn muốn nói đến sự chiến bại của Lã Vĩ Phủ nói riêng và của trí thức thời Cách mạng Tân Hợi nói chung. Tuy nhiên, Lã Vĩ Phủ mặc dù đã thất bại, đã trở nên bi quan trên con đường đấu tranh không biết mệt mỏi của mình thế nhưng vẫn không thể nào quên những ngày tháng hăng hái, dũng cảm trước đây. Hình ảnh “mắt anh sáng hẳn lên như hồi còn đi học” đã nói lên điều đó.
Như đã khẳng định ở trên, khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Lỗ Tấn thường sử dụng nghệ thuật phác tả và đặc tả. Ông không miêu tả một cách thoáng qua như các tác giả của tiểu thuyết Minh Thanh nhưng cũng không đi sâu vào miêu tả tỷ mỷ tất cả các chi tiết như trong văn học phương Tây mà ông thường dừng lại miêu tả rõ hơn về các chi tiết mang ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, trong khi miêu tả hình tượng người trí thức, Lỗ Tấn thường dừng lại ở đôi mắt,
mái tóc hay màu da. Tử Quân trong “Tiếc thương những ngày đã mất” khi
hạnh phúc, sung sướng khi đón nhận tình yêu của Quyên Sinh thì đôi mắt nàng “ngây thơ như mắt con trẻ, ánh lên một niềm vui mừng lẫn lộn buồn thương, trong đó lại có sự ngạc nhiên, sự nghi hoặc nữa” [11, tr.395]. Đây là ánh mắt của cô gái ngây thơ, trong sáng nhưng đầy dũng cảm lần đầu được đón nhận tình yêu - thứ tình yêu đẹp đẽ, đầy kiêu hãnh mà nàng và Quyên Sinh đã cùng nhau đấu tranh, từ bỏ tất cả để có thể tách mình ra khỏi mối ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Sống chung với nhau, Tử Quân xem như mọi mong ước của mình đã thành hiện thực và đó là điều hạnh phúc nhất: “Tử Quân cũng càng ngày càng béo ra, sắc mặt cũng hồng hào lên” [11, tr.340]. Tự mình tìm đến hạnh phúc hôn nhân mà không gắn với cuộc sống xã hội, chưa hiểu hết quan niệm của xã hội về cuộc sống gia đình nên điều gì phải diễn ra ở phía trước tất sẽ phải đến: “Tử Quân thì trông tiều tuỵ hẳn. Hình như nàng cảm thấy buồn bực chán nản, đến nỗi không buồn mở miệng nói năng gì cả” [11, tr.345]. Từ việc miêu tả ngoại hình nhân vật Tử Quân, Lỗ Tấn muốn phản ánh một vấn đề nổi bật trong con người trí thức sau cuộc vận động Ngũ Tứ là khát vọng tự do trong hôn nhân. Tuy nhiên do họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân vị kỉ,
không gắn với cách mạng nhân dân vì vậy ngay khi gặp hoàn cảnh khó khăn là lại quay trở về vị trí xuất phát và trở nên tiều tuỵ.
Tóm lại thông qua việc miêu tả tinh tế dáng vẻ bề ngoài của hình tượng người trí thức, Lỗ Tấn đã khiến nhân vật hiện lên đầy sinh động, hấp dẫn, chân thực trước mắt độc giả không chỉ ở mặt chân dung mà còn cả một phần tính cách của họ.