Thị phần là một chỉ tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề quản trị chiến lược của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thị phần hoạt động lớn sẽ có lợi thế trong việc thống lĩnh, đi đầu thị trường. Đối với hoạt động ngân hàng mà nói, thị phần cung cấp hoạt động thanh toán lớn sẽ giúp ngân hàng mở rộng thị phần hoạt động chung của mình, phát triển các sản phẩm dịch vụ chính như tiền gửi, tín dụng… Ngân hàng có thể thu hút nhiều khách hàng mới cũng như duy trì mối quan hệ với những khách hàng thân thiết sử dụng đa dạng các sản phẩm dịch vụ của mình, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thị phần cung cấp dịch vụ thanh toán của ngân hàng có thể đo lường thông qua: Thị phần cung ứng sản
phẩm dịch vụ =
Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng
Tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống ngân hàng
Ngoài ra, còn có thể dựa vào thị phần tương đối để đánh giá mức độ phủ sóng và khả năng cạnh tranh với đối thủ:
Thị phần tương đối = Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng
Tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua đối thủ cạnh tranh
Nếu thị phần tương đối lớn hơn 1: lợi thế cạnh tranh thuộc về ngân hàng Nếu thị phần tương đối nhỏ hơn 1: lợi thế cạnh tranh thuộc về đối thủ cạnh tranh Nếu thị phần tương đối bằng 1: doanh nghiệp và đối thủ có lợi thế cạnh tranh như nhau.
Bên cạnh đó, dựa vào doanh số thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm, ta có thể tính toán được tốc độ tăng trưởng doanh số thanh toán qua các năm; tỷ lệ phần trăm doanh số thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng doanh số thanh toán của từng năm, đây cũng là một trong những chỉ tiêu định lượng quan trọng góp phần đánh giá sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng.
1.2.1.2. Tốc độ tăng trưởng của thu nhập ròng từ hoạt động thanh toán KDTM
Công thức Tốc độ tăng trưởng của thu nhập ròng từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
=
Thu nhập ròng từ dịch vụ thanh toán KDTM kỳ này – Thu nhập ròng từ dịch vụ thanh toán KDTM
kỳ trước
Thu nhập ròng từ dịch vụ thanh toán KDTM kỳ trước
Thu nhập ròng là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá quy mô và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng thu nhập ròng từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh sự thành hay bại trong việc triển khai dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
Với một mức chi phí hợp lý, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập ròng từ hoạt động thanh toán cao chứng tỏ khách hàng sử dụng thường xuyên, liên tục và có hiệu quả dịch vụ thanh toán của ngân hàng; số lượng và quy mô giao dịch lớn, dịch vụ của ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Chỉ tiêu này có thể được đo lường thông qua các số liệu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh từng tháng, từng quý của các đơn vị giao dịch.
1.2.1.3.Phí dịch vụ
Có thể nói đây là chỉ tiêu rất quan trọng quyết định sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Với khách hàng, cùng những sản phẩm dịch vụ có tính chất tương đồng nhau, chất lượng sản phẩm như nhau thì sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng nào có mức phí rẻ hơn sẽ thu hút hơn, đặc biệt là đối tượng khách hàng cá nhân. Để có thể cạnh tranh được, các ngân hàng buộc phải giảm phí giao dịch xuống mức thấp nhưng trên cơ sở chấp nhận được, vì phí dịch vụ thanh toán có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và lợi nhuận của ngân hàng. Một số ngân hàng thực hiện miễn phí chuyển tiền đối với các giao dịch thanh toán nội bộ trong cùng địa bàn tỉnh thành phố, giảm phí trên địa bàn đối với khách hàng giao dịch chuyển tiền trên địa bàn vào buổi sáng…để thu hút khách hàng sử
dụng các dịch vụ khác. Qua đó tổng hòa lợi ích và chi phí giữa các sản phẩm cung cấp, thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng và duy trì quan hệ với khách hàng truyền thống.
Chỉ tiêu này được đo lường trên cơ sở mức tăng trưởng thu phí dịch vụ thanh toán hàng năm, so sánh biểu phí của các ngân hàng trong cùng địa bàn, đánh giá của khách hàng trong cuộc khảo sát đo lường sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ thanh toán của ngân hàng, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị giao dịch từng tháng.
1.2.1.4. Số lượng mạng lưới thanh toán, tài khoản thanh toán
Để góp phần mở rộng quy mô hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng của ngân hàng, trước hết theo chiều rộng, cần xây dựng và phát triển mạng lưới thanh toán rộng khắp, tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội tiếp cận với dịch vụ thanh toán một cách nhanh chóng và tiện ích nhất. Mạng lưới thanh toán thể hiện ở số lượng phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm trực thuộc chi nhánh ngân hàng; số lượng máy ATM và máy POS mà chi nhánh đó quản lý. Số lượng mạng lưới thanh toán được tính toán dựa trên mức chi phí mà chi nhánh phải chi trả khi mở rộng thêm một điểm giao dịch hay lắp đặt thêm một máy ATM, máy POS tương quan với thu nhập ước tính thu về từ việc mở rộng này.
Bên cạnh đó, số lượng tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng cũng phần nào thể hiện được quy mô phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng tài khoản thanh toán càng gia tăng nhanh qua các năm chứng tỏ nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán ngân hàng của khách hàng tăng, dịch vụ ngân hàng tiện ích, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng. Đây cũng là cơ sở mở rộng và phát triển các sản phẩm dịch vụ thẻ, dịch vụ chuyển tiền E – banking và một số dịch vụ gia tăng khác của ngân hàng.