Nghiên cứu của các tác giả tập trung vào phát triển kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu sự tác động của chủ nghĩa vật chất tới của hành vi mua sắm ngẫu hứng của sinh viên Đại học ở Hà Nội. Trước khi thử nghiệm các mô hình nghiên cứu và giả thuyết, nhóm tác giả đã tiến hành một nghiên cứu định tính sơ bộ.
Qua phỏng vấn với 10 sinh viên Đại học thuộc khối ngành kinh tế hoặc kĩ thuật tại Hà Nội, bao gồm 6 nữ và 4 nam, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu sơ bộ được về tác động của chủ nghĩa vật chất lên hành vi mua sắm ngẫu hứng. Cụ thể, tất cả các sinh viên đều thừa nhận đã từng mua ngẫu hứng ít nhất 3 lần trong khoảng 6 tháng trở lại đây, và người nào càng thích đi mua sắm, người đó càng có khả năng mua sắm ngẫu hứng lớn. Ba thành phần trong chủ nghĩa vật chất bao gồm sự thành đạt (success), mục tiêu trung tâm (centrality) và yếu tố hạnh phúc (happiness) cũng được thể hiện rõ trong câu trả lời của các sinh viên được phỏng vấn. 7 trong 10 sinh viên cho rằng càng ý thức về sự thành đạt và mưu cầu yếu tố hạnh phúc, hành vi mua sắm ngẫu hứng sẽ càng giảm, trái ngược với những nghiên cứu và giả thuyết trước đây. 100% sinh viên này đều đồng ý về nếu có mục tiêu trung tâm lớn, hành vi mua sắm ngẫu hứng cũng sẽ phát triển thuận chiều, thể hiện mong muốn sở hữu của cải vật chất là mục tiêu của cuộc sống. Với nhân khẩu học khác nhau, các tác giả phát hiện ra rằng với các sinh viên đã kiếm ra tiền, hành vi mua sắm ngẫu hứng sẽ lớn hơn với những sinh viên được gia đình chu cấp tài chính. Lời giải thích từ các người được phỏng vấn ở đây là tài chính eo hẹp và không có tự chủ, phải dựa vào gia đình thì sự cân nhắc khi mua hàng càng cao, do đó hành vi mua sắm ngẫu hứng sẽ ít xảy ra hơn.
Trên cơ sở những kết quả của nghiên cứu định tính, các thang đo lường bao gồm chủ nghĩa vật chất và khuynh hướng thích mua sắm đã được hình
thành. Chương này chủ yếu tập trung vào trình bày các kết quả của thử nghiệm mô hình nghiên cứu, sử dụng các số liệu đã thu thập được.