6. Bố cục của khóa luận
1.3.2. Thực trạng đói nghèo ở Yên Bái tới trước năm 2001
Đất nước vừa bước qua chiến tranh, những hậu quả để lại là rất nặng nề, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc này khó khăn lại càng thêm khó khăn. Nhận thức được tầm quan trọng của các chính sách xã hội, trong đó có xóa đói giảm nghèo, từ đại hội VI (12/1986), Đảng ta đã có những chủ trương về phát triển chính sách xã hội và xóa đói giảm nghèo. Sau đó được Đảng ta tiếp tục phát triển ở các kì Đại hội tiếp theo. Đặc biệt, từ năm 1998, đã đưa xóa đói giảm nghèo trở thành một trong 10 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, có thể thấy, Đảng ta ngày càng có thêm những sự nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề này.
Những năm cuối của thập kỉ 80 của thế kỉ XX, do cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp kéo dài đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế, đất nước rơi vào tình trạng trì trệ. Trong bối cảnh đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12 - 1986) đã quyết định tiến hành công cuộc đổi mới đất nước
26
một cách toàn diện. Trong đó, Đại hội khẳng định tiến hành đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính sách xã hội, coi sự tác động qua lại giữa hai loại chính sách này là nhân tố cơ bản đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. “Chính sách xã hội nhằm phát huy mọi khả năng của con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất. Coi nhẹ chính sách xã hội cũng là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc” [13, tr. 275]. Đây là lần đầu tiên trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội, chính sách xã hội và mối tương quan của nó với kinh tế được đặt đúng tầm. Đại hội VI đề ra mục tiêu trong 5 năm, đó là hướng vào 3 chương trình kinh tế lớn là: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Trong đó nêu rõ cần đảm bảo đủ ăn cho toàn xã hội và bước đầu có dự trữ, vấn đề lương thực thực phẩm cần được giải quyết một cách toàn diện.
Giữa lúc Đảng bộ Hoàng Liên Sơn bước vào triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, từ ngày 15 đến ngày 18 - 12 - 1986, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Thực hiện chủ trương của Trung ương, các cấp Đảng bộ lần lượt tổ chức đại hội. Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã mở đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu học tập Nghị quyết Đại hội VI của Đảng trong toàn tỉnh để quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng đã lãnh đạo thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn mà Trung ương đề ra đó là lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó chương trình lương thực thực phẩm là chương trình cần được chú trọng hàng đầu.
Từ ngày 24 đến ngày 27 - 6 - 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội khẳng định mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển
27
kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy đề phát triển kinh tế. Cụ thể là: “Đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu và ngày càng đa dạng của các tầng lớp dân cư, đảm bảo vững chắc nhu cầu lương thực, khắc phục tình trạng thiếu đói thiếu đói thường xuyên và nạn đói giáp hạt ở một số vùng, nâng mức cung ứng và tiêu dùng thực phẩm, tăng thêm dinh dưỡng bữa ăn của đông đảo nhân dân” [13, tr. 337].
Sau khi tái lập tỉnh năm 1991, quán triệt quan điểm, đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIII đã xác định nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm là: “Giữ vững ổn định chính trị, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đẩy lùi tiêu cực và bảo đảm công bằng xã hội. Phấn đấu đến năm 1995, tăng thu nhập lên 50%, đến năm 2000 là 15% để cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, mở mang dân trí và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đưa tỉnh từng bước vượt qua khó khăn” [2, tr. 135 - 136].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ 28 - 6 đến 1 - 7 - 1996 tại Hà Nội. Đại hội VIII đã kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, tổng kết 10 năm đổi mới, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân trong thời kì mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc mà nhiệm vụ trung tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về vấn đề xóa đói giảm nghèo, Đại hội khẳng định “…Tạo việc làm nhiều hơn số lao động tăng thêm hằng năm, giảm đáng kể thất nghiệp, xóa đói, tiếp tục giảm nghèo. Cải thiện điều kiện ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, đặc biệt các vùng nông thôn, miền núi” [13, tr. 670 - 671]. Bên cạnh đó là khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chương trình xóa
28
đói giảm nghèo nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là phấn đấu “Giảm tỷ lệ nghèo đói trong tổng số hộ của cả nước từ 20 - 25% hiện nay xuống còn khoảng 10% năm 2000, bình quân giảm khoảng 3000 hộ/năm” [13, tr. 634].
Quán triệt nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIV (1996 - 2000) xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Trong đó có nêu rõ: “... Phấn đấu đến năm 2000 đưa Yên Bái ra khỏi đói nghèo, trở thành một tỉnh phát triển của khu vực miền núi. Trong đó, vấn đề về xóa đói giảm nghèo được chú trọng: “Phương hướng quan trọng nhất để tạo công ăn việc làm là phải đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất như giao ruộng đất ổn định lâu dài, giao rừng và đất rừng…Động viên vùng giàu, người giàu cùng cả nước giúp đỡ vùng nghèo, người nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, phấn đấu đến năm 2000 tăng số hộ giàu lên 30%, giảm số hộ nghèo xuống 10%” [2, tr. 170].
Ngày 23 - 7 - 1998, Thủ tướng Chính Phủ chính thức phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện chủ trương này, đồng thời khắc phục những tồn tại của công tác xóa đói giảm nghèo trước đây, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng và thành lập tổ chuyên viên giúp việc ban chỉ đạo xây dựng chương trình xóa đói giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2001 - 2005.
Với sự lãnh đạo của Đảng bộ, xóa đói giảm nghèo đã được triển khai sâu rộng bằng sự trợ giúp của Nhà nước và nỗ lực của đồng bào các dân tộc.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, xóa đói giảm nghèo ở Yên Bái vẫn còn nhiều những hạn chế và những khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.
Ở một số cơ sở nhận thức về trách nhiệm đối với công tác xóa đói giảm nghèo còn chưa rõ, thiếu đồng bộ nên công tác điều hành, phối hợp còn lúng túng, xác định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lí thực thi từng dự án
29
chưa rõ ràng. Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo ở các cấp chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn và kiểm tra. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tại cơ sở nhất là vùng đặc biệt khó khăn chưa được coi trọng đúng mức, một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của mình, thiếu quyết tâm vượt qua đói nghèo.
Nguồn lực đầu tư trực tiếp cho chương trình tuy có ưu đãi, nhưng so với thực tế cần giải quyết thì còn quá eo hẹp. Khả năng huy động vốn cho chương trình ở các huyện thị còn thấp. Vốn tín dụng cho người nghèo chưa được ưu tiên cho vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nên tốc độ xóa đói giảm nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn còn chậm.
Công tác lãnh đạo, tổ chức, thực hiện chương trình còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Chế độ tổng kết, báo cáo, sơ kết chưa thật sự kịp thời, thường xuyên. Sự phối kết hợp trong việc thực hiện chương trình cũng như sự lồng ghép các chương trình, dự án còn dàn chải, thiếu đồng bộ. Việc thực hiện các chính sách cho người nghèo còn hạn chế, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo chưa thực sự đầy đủ.
Là một tỉnh miền núi với địa bàn rộng, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nguồn lực dành cho chương trình còn hạn chế. Một số dự án thuộc chương trình như y tế, giáo dục, hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề tuy đã được xây dựng song thiếu kinh phí để thực hiện mà chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình khác, do đó kết quả cũng phần nào hạn chế. Bên cạnh đó, Việc khai thác nội lực của cộng đồng chưa được quán triệt và phát huy đầy đủ.
Theo số liệu điều tra của Sở Lao động - Thương Binh & Xã hội tỉnh, tính đến 30/4/2000, áp dụng theo chuẩn cũ tỷ lệ nghèo đói trên toàn tỉnh là 13,53%.
Tới tháng 12 năm 2000, sau khi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ra chuẩn đói nghèo mới, lúc này tỷ lệ đói nghèo trong tỉnh còn 19,29%. Như vậy, tới năm 2000, tỷ lệ nghèo đói ở Yên Bái còn khá cao. Điều này đòi hỏi
30
Đảng bộ và nhân dân Yên Bái cần có chủ trương, biện pháp và kế hoạch mới để đến những giai đoạn tiếp theo tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, đạt được những mục tiêu cao hơn trong xóa đói giảm nghèo và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng cũng như của cả nước nói chung.
Với những tồn tại và khó khăn trên, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương Đảng đề ra trong thời gian tới trong đó có xóa đói giảm nghèo. Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quyết định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới, xây dựng các chính sách, dự án mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt các xã nghèo, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
*
* *
Yên Bái có nhiều thuận lợi để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội như: Vị trí địa lý quan trọng nằm giữa hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc, thuộc khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc với Trung du Bắc Bộ; tỉnh cũng có tiềm năng rất lớn về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động dồi dào phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao, do đó xóa đói giảm nghèo là một trong các vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm, chú ý.
Từ năm 1994 tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào toàn dân phát triển kinh tế giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Năm 1996, công tác xóa đói giảm nghèo đã được xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh và đã thu được những kết quả bước đầu.
Ngày 23 - 7 - 1998 Thủ tướng chính phủ đã chính thức phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện chủ trương này Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng chương trình xóa đói
31
giảm nghèo ở địa phương, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển thêm một bước, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi một trong những chính sách xã hội quan trọng của đất nước.
Trong những năm qua (1998 - 2000), với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái cũng đã thực hiện xóa đói giảm nghèo và qua đó cũng đạt được một số những thành công bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn, thử thách và còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải khắc phục trong những giai đoạn tiếp theo.
32
Chương 2
ĐẢNG BỘ TỈNH YÊN BÁI LÃNH ĐẠO XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO TRONG NHỮNG NĂM ĐỔI MỚI (2001 - 2010)