Trong tài chính, tồn tại nguyên tắc cơ bản để đảm bảo cân bằng tài chính là “Tài sản được tài trợ trong một thời gian không thấp hơn thời gian chuyển hóa tài sản ấy” hay nói cách khác :” Thời gian của nguồn vốn tài trợ phải không thấp hơn tuổi thọ của tài sản được tài trợ”. Như vậy, khi tính đến độ an toàn, ổn định trong việc tài trợ, nguyên tắc cân bằng tài chính đòi hỏi: Tài sản dài hạn chỉ được tài trợ bởi nguồn vốn dài hạn (nguồn tài trợ thường xuyên); nguồn vốn ngắn hạn (nguồn tài trợ tạm thời) chỉ tài trợ cho tài sản ngắn hạn.
Doanh nghiệp huy động vốn là để sử dụng, tài trợ cho các nhu cầu về vốn ngắn hạn hoặc dài hạn khi mà vốn chủ sở hữu không đáp ứng ngay lập tức. Các tài sản ngắn hạn thường được tài trợ bằng các loại nợ ngắn hạn khác nhau và có thời hạn tương tự nhau. Còn với tài sản dài hạn, nếu vốn chủ sở
hữu của doanh nghiệp không đủ tài trợ thì phải sử dụng thêm các nguồn vốn khác và các khoản vay này đều phải gánh chịu mức phí. Nếu doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích sẽ dẫn đến chi phí sử dụng vốn cao và rủi ro.
Doanh nghiệp cần đánh giá cụ thể điều kiện kinh doanh để có thể đưa ra quyết định huy động nguồn vốn nào, với mức độ bao nhiêu là hợp lý để bảo đảm hiệu quả kinh doanh cao nhất. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu tư mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp nên huy động tất cả các nguồn vốn có thể, nhất là nguồn vốn vay (bao gồm vay ngân hàng, vay các đối tượng khác và vay bằng phát hành trái phiếu) và sử dụng vốn góp. Doanh nghiệp cần đưa ra các nguyên tắc góp vốn, chuyển nhượng vốn rõ ràng để tránh khi có sự bất đồng dẫn đến việc rút vốn ồ ạt gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tập hợp các biện pháp tài chính cần thiết cho việc huy động, hình thành nguồn tài trợ tài sản:
- Nguồn tài trợ tài sản của doanh nghiệp được hình thành trước hết từ nguồn vốn của bản thân chủ sở hữu: vốn đầu tư của chủ sở hữu ban đầu và bổ sung trong quá trình kinh doanh, các quỹ doanh nghiệp có nguồn gốc từ lợi nhuận, lợi nhuận chưa phân phối, các nguồn kinh phí, nguồn vốn xây dựng cơ bản… Đây là biện pháp đơn giản và ít tốn kém đối với doanh nghiệp.
- Nguồn tài trợ có thể được hình thành từ nguồn vốn vay: vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn ở ngân hàng và vay các đối tượng khác.
Hiện nay, những nguồn tài trợ trong nước còn những hạn chế và chi phí cao, vì vậy việc lựa chọn, tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài đang mở ra thêm một hướng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự đưa ra được các ý tưởng về sản phẩm, chiến lược kinh doanh… thực sự có tính thuyết phục và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày nay sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán cũng như các đạo luật ban hành về cổ phần đã mở ra thêm một hướng mới về huy động vốn cho các doanh nghiệp, bên cạnh nguồn đóng góp của nhân viên là một yếu tố tiềm năng đánh kể trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.
Nhưng dù cho doanh nghiệp có lựa chọn hình thức huy động vốn nào thì điều kiện đầu tiên và quan trọng đối với doanh nghiệp để có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như chính là sự chứng tỏ được sản phẩm của doanh nghiệp đạt hiệu quả, tiềm năng về thị trường sản phẩm và triển vọng tăng trưởng trong tương lai là rất khả quan.
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ, xây dựng cơ cấu vốn bất hợp lý sẽ làm tăng chi phí và gây rủi ro cao cho doanh nghiệp. Do vậy, đảm bảo một chính sách huy động vốn hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn mà không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu vốn hoặc đầu tư không đúng mục đích sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiết kiệm vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp.