Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân nội trú

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc điều trị bệnh trầm cảm tại bệnh viện tâm thần tỉnh thừa thiên huế (Trang 66 - 69)

4.1.1.1. Độ tuổi bệnh nhân nghiên cứu.

Rối loạn trầm cảm tập trung chủ yếu vào 2 nhóm tuổi 19-40 và 41-64 lần lượt chiếm 42,86% và 44,64%. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả như: Kessler và cộng sự (2003) cho thấy độ tuổi từ 25-34 chiếm 30,8% và 35-44 chiếm 25,9% [54], nghiên cứu của Ngô Thị Thu Hà (2009) thực hiện tại Viện Sức khỏe tâm thần cũng cho thấy số bệnh nhân từ 25-45 tuổi chiểm 40,6% [12]. Ở hai độ tuổi này có thể coi là lực lượng lao động chính của xã hội, gặp RLTC với tỷ lệ cao có thể do phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, trong công việc và gia đình. Xác định phân bố nhóm tuổi còn có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn thuốc và liều dùng phù hợp, đặc biệt đối với bệnh nhân cao tuổi hoặc trẻ em.

4.1.1.2. Tỷ lệ giới tính.

Trong tổng số 112 bệnh nhân nghiên cứu, kết quả cho thấy số bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ cao hơn so với số bệnh nhân nam, tỷ lệ nam : nữ là 1 : 2,39. Rất nhiều nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước về trầm cảm cho thấy tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam. Ở Mỹ trong một nghiên cứu dịch tễ học trầm cảm tỷ lệ mắc cả cuộc đời của nữ 17,10% cao hơn của nam 9,01% [46]. Các nghiên cứu trong nước của Nguyễn Thanh Hải, Ngô Thị Thu Hà cũng cho tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam [9], [12].

Tuy nhiên, nguyên nhân của sự khác biệt về tỷ lệ giới tính mắc trầm cảm vẫn chưa rõ ràng. Theo Kessler R.C (2003), người phụ nữ thường phải chịu ảnh hưởng bởi sức ép nặng nề từ phía các vấn đề trong xã hội và gia đình

nhiều hơn nam giới, do vậy tỷ lệ trầm cảm ở nữ thường cao hơn nam [55]. Những người khác đưa ra giả thuyết rằng sự khác biệt có thể do liên quan đến việc chẩn đoán. Ví dụ, phụ nữ có thể báo cáo triệu chứng trầm cảm thường xuyên hơn so với nam giới, dẫn đến tỷ lệ nữ cao hơn [60].

4.1.1.3. Tiền sử tâm thần của gia đình.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân có người thân trong gia đình không bị bệnh tâm thần có 101 trường hợp (90,18%) cao hơn so với nhóm bệnh nhân có gia đình mắc bệnh tâm thần 11 trường hợp (9,92%), kết quả này cũng phù hợp với Đặng Thị Soa, nghiên cứu trên bệnh nhân trầm cảm điều trị nội trú, tỷ lệ bệnh nhân có tiền sử sử gia đình mắc tâm thần chiếm tỷ lệ 13,59% thấp hơn số bệnh nhân không có tiền sử gia đình mắc tầm thần chiếm tỷ lệ 86,41% [21]. Điều này cho thấy ngoài yếu tố nguy cơ là do di truyền thì trong nhóm nguy cơ mắc bệnh ở mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn do nhiều yếu tố khác ở môi trường sống và xã hội. Trong 11 trường hợp bệnh nhân có tiền sử người trong gia đình mắc bệnh tâm thần thì số bệnh nhân có mối quan hệ ruột thịt 9 trường hợp (81,82%) cao hơn nhóm có mối quan hệ họ hàng chỉ có 2 trường hợp (18,18%), phù hợp với nghiên cứu của Tô Thanh Phương, nghiên cứu tiền sử tâm thần gia đình trên bệnh nhân trầm cảm cho thấy số bệnh nhân có mối quan hệ ruột thịt chiếm tỷ lệ 15,84% cao hơn số bệnh nhân có quan hệ họ hàng chiếm tỷ lệ 2,97% [16]. Kết quả này cho thấy nguy cơ mắc RLTC của những người thân trong gia đình có quan hệ ruột thịt cao hơn những người thân có quan hệ họ hàng.

4.1.1.4. Tiền sử điều trị của bệnh nhân.

Trong mẫu nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân mắc trầm cảm trở lại sau khi đã điều trị chiếm đến 37,50% tổng số BN. Kết quả này cho thấy tỷ lệ bệnh nhân tái phát trầm cảm là khá cao. Mốt số nghiên cứu cho thấy với những bệnh nhân bị trầm cảm lần đầu thì có đến 50-85% có xu hướng mắc trầm cảm lần hai và 80- 90% số bệnh nhân mắc RLTC lần hai có xu hướng mắc RLTC lần ba [45].

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tái phát trầm cảm bao gồm: tiền sử gia đình có người trầm cảm, rối loạn khí sắc tái phát, nữ giới, mức độ kháng điều trị, các bệnh mãn tính kèm theo và yếu tố môi trường xã hội [45]. Khai thác thông tin trên các bệnh nhân này cho thấy chủ yếu là do sự kém hiểu biết về bệnh và sự hạn chế về điều kiện kinh tế dẫn đến không tuân thủ điều trị một cách nghiêm ngặc, nên khi bệnh thấy đỡ liền bỏ thuốc, không uống thuốc thường xuyên hoặc không tái khám theo định kỳ dẫn đến tăng nguy cơ tái phát trầm cảm.

4.1.1.5. Các bệnh mãn tính mắc kèm.

Trong điều trị trầm cảm, việc theo dõi và xác định các bệnh mắc kèm của bệnh nhân là rất cần thiết. Điều này có ảnh hưởng tới sự lựa chọn thuốc điều trị, hạn chế các tác dụng phụ ảnh hưởng đến các bệnh mắc kèm và có biện pháp khắc phục vấn đề tương tác thuốc. Ở nghiên cứu chúng tối bệnh mắc kèm có 14 trường hợp chiếm 12,50%, trong đó mắc kèm bệnh tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhiều tài liệu cho thấy không nên sử dụng thuốc CTC ba vòng cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, do nhóm thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ nặng nề trên tim mạch [5], [72], do vậy đối với BN có bệnh lý về tim mạch bị rối loạn trầm cảm thì nên sử dụng ưu tiên các thuốc CTC thế hệ mới như SSRI và SNRI. Xếp thứ hai trong mẫu nghiên cứu là bệnh nhân mắc kèm đái tháo đường (ĐTĐ), trầm cảm cũng có thể là một trong các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh lý ĐTĐ. Mối liên hệ giữa hai bệnh này còn chưa rõ ràng và vẫn đang được nghiên cứu [51]. Các BN mắc kèm hai bệnh kể trên đều được ghi nhận đã và đang sử dụng thuốc amlodipin (tăng huyết áp) và metformin (đái tháo đường), cả hai thuốc này tương tác nhẹ hoặc không có ý nghĩa tương tác với các thuốc điều trị trầm cảm trong mẫu nghiên cứu. Các trường hợp khác không rõ dùng thuốc gì trước nhập viện, trong quá trình nằm viện không thấy dùng thuốc. Nhìn chung các thuốc dùng điều trị các bệnh mắc kèm cho bệnh nhân trong nghiên cứu không có tương tác với thuốc điều trị trầm cảm trong mẫu nghiên cứu.

4.1.1.6. Các thể lâm sàng và mức độ trầm cảm.

Trong mẫu bệnh nhân nghiên cứu, có 78 bệnh nhân (69,64%) ở giai đoạn trầm cảm và 34 bệnh nhân (30,36%) rối loạn trầm cảm tái diễn. So sánh với nghiên cứu của Ngô Thị Thu Hà (2009) tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm là 70,3% và rối loạn trầm cảm tái diễn là 29,7% [12]. Theo nghiên cứu của Đặng Thị Soa (2014) tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm cũng chiếm đến 80,58% [21]. Qua các nghiên cứu khác nhau cho thấy có một tỷ lệ lớn bệnh nhân mới mắc trầm cảm. Điều này cũng tương đồng với xu hướng gia tăng tỷ lệ trầm cảm trên toàn thế giới.

Trong nghiên cứu của chúng tôi hầu như không có bệnh nhân nào mắc trầm cảm nhẹ. Như vậy cho thấy nhận thức của người dân về bệnh trầm cảm vẫn còn rất hạn chế, đa số người dân vào viện khi bệnh đã tiến triển rất nặng hoặc vừa. Bên cạnh đó các triệu chứng trầm cảm cũng thường dễ bị nhầm lẫn với cảm xúc bình thường của con người khi ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, thời gian nhập viện muộn khi bệnh đã trở nên nặng ảnh hưởng đến lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Việc xác định các thể lâm sàng và mức độ trầm cảm rất quan trọng trong việc lựa chọn thuốc, liều lượng và phác đồ điều trị hợp lý. Ví dụ, trầm cảm kèm loạn thần cần phối hợp thêm thuốc ATK, trầm cảm tái diễn phải xem xét đáp ứng của thuốc CTC lần trước để quyết định lựa chọn thuốc cũng như liều phù hợp cho lần nhập viện này.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc điều trị bệnh trầm cảm tại bệnh viện tâm thần tỉnh thừa thiên huế (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)