Giả thuyết nghiên cứu được đặt ra như một dự đoán cho kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa hai biến trong nghiên cứu (Harper, 2002), cụ thể trong phần này giả thuyết nghiên cứu sẽ giúp: hình thành những nhận định sơ bộ về kết quả của mối quan hệ giữa dòng tiền, tăng trưởng doanh thu, khả năng thanh toán và đòn bẩy tài chính với quyết định đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam từ năm 2008 đến 2014; ngoài ra giả thuyết nghiên cứu còn giúp đo lường về ảnh hưởng của một số các yếu tố khác đến quyết định đầu tư ngoài các yếu tố trên.
Giữa dòng tiền và quyết định đầu tư, nghiên cứu của Nguyễn và ctg (2013) và Phan (2013) có kết quả trái ngược nhau, Nguyễn và ctg (2013) cho rằng dòng tiền có tác động nghịch chiều lên quyết định đầu tư, nhưng Phan (2013) lại tìm thấy một mối quan hệ cùng chiều giữa hai yếu tố trên, tác giả lập luận rằng dòng tiền tốt có thể giúp kích thích đầu tư tại mỗi doanh nghiệp. Nghiên cứu của Aivazian và ctg
(2005), Mohun (2008) và Li (2010) cũng tìm thấy kết quả dòng tiền có tác động thuận chiều lên quyết định đầu tư. Mặt khác theo lý thuyết tài chính của Wild và ctg (2007), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp cho thấy hiệu quả kinh doanh đạt được của một công ty trong kỳ kế toán, đồng thời nó cũng thể hiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính cho việc tạo ra tiền cho doanh nghiệp. Vì vậy, dòng tiền có vai trò cự kỳ quan trọng đến quyết định tài chính của doanh nghiệp bao gồm cả quyết định đầu tư.
Giữa tăng trưởng doanh thu và quyết định đầu tư, kết quả từ các nghiên cứu của Mohun (2008), Aivazian, Ge và Qiu (2005), Jiming & ctg (2010), Myers (1977), Arikawa (2003), Jong và ctg (2008), Roberts (2005), McConnell và Servaes (1995) cho thấy tăng trưởng doanh thu tác động thuận lên quyết định đầu tư. Các tác giả giải thích rằng hiệu quả đầu tư của mỗi đồng tài sản trong việc tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu trong quá khứ chính là căn cứ để đưa ra quyết định có đầu tư hay không đầu tư, đầu tư ít hay đầu tư nhiều ở hiện tại.
Giữa khả năng thanh khoản và quyết định đầu tư, cũng giống như tăng trưởng doanh thu, khả năng thanh khoản được tìm thấy là có tác động thuận chiều lên quyết định đầu tư nổi bật, như nghiên cứu của Nguyễn và ctg (2013), Phan (2013) và Mohun (2008). Các tác giả giải thích rằng một khi công ty có đủ thanh khoản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ định kỳ thì sẽ làm tăng niềm tin nơi các nhà tài trợ, vì vậy sẽ dễ dàng tìm được nguồn cung vốn cho các quyết định đầu tư cho tương lai.
Giữa đòn bẩy và quyết định đầu tư, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra có mối quan hệ nghịch biến (quan hệ âm) giữa đòn bẩy tài chính và quyết định đầu tư như các nghiên cứu Deangels và Masulis (1980), Dotan và Ravid (1988), Jensen (1986), Hart và Moore (1995), Mohun Prasadsing Odit và Chitto (2008). Các tác giả lập luận rằng nợ có tác động làm giảm đầu tư bởi vì nợ làm giả các dòng tiền tự do, nó làm giảm các quyết định riêng của nhà quản lý. Nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều cho ra cùng kết quả, dẫn chứng là nghiên cứu của Hite (1977) lại chỉ ra rằng đòn bẩy tài chính có tác động cùng chiều (tác động dương) đến quyết định đầu tư.
Căn cứ vào các mối quan hệ đã được trình bày trong chương 2, cũng như kết quả nghiên cứu đã lược khảo ở trên, các giả thuyết nghiên cứu được đặt ra như sau:
H1: Dòng tiền có tác động tích cực đến quyết định đầu tư của các Công ty Bất động sản niêm yết.
H2: Khả năng thanh khoản có tác động tích cực đến quyết định đầu tư của các Công ty Bất động sản niêm yết.
H3: Đòn bẩy tài chính có tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư của các Công ty Bất động sản niêm yết.