a. Tập trung sức tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo. * Tập trung sức tạo việc làm
Tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội và là vấn đề bức xúc hiện nay. Vấn đề cấp thiết được đặt ra là đến năm 2005 phải thu hút và tạo việc làm thêm cho khoảng 7,5 triệu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 5,4%, nâng quỹ thời gian lao động được sử dụng ở nông thôn lên khoảng 80%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 30%. Để thực hiện mục tiêu đó cần giải quyết hai vấn đề then chốt: tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Dưới đây bàn một số giải pháp tạo việc làm:
Thứ nhất, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Do cải cách hành chính và sắp xếp loại DNNN, lao động trong khu vực Nhà nước giảm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng khoảng 1% lực lượng lao động( kể cả trực tiếp và gián tiếp). Như vậy việc làm mới được tạo ra trong thời gian qua chủ yếu do khu vực kinh tế tư nhân. Do
đó việc phát triển kinh tế tư nhân có ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo việc làm và giảm bớt đói nghèo trong thời gian tới. Khu vực tư nhân phi nông nghiệp là nơi có tiềm năng tạo việc làm lớn nhất, vì thế, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và môi trường sản xuất kinh doanh để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ hai, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn
Hiện nay tỷ trọng lao động nông nghiệp khoảng 63%, dự tính đến năm 2010 giảm lao động nông nghiệp xuống còn 50%. Từ đó có thể thấy trong thời gian tới nông nghiệp không phải là lĩnh vực thu hút thêm lao động ở nông thôn, mà là khu phi nông nghiệp ở nông thôn. Vì thế, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP của nông thôn. Do đó, phát triển các nghành nghề ở nông thôn được coi là động lực trực tiếp giải quyết việc làm.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hiện nay nước ta đang thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật cao thuộc các nghành mũi nhọn. Lao động nông thôn chưa qua đào tạo là trở ngại cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Vì thế cần phải phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo,chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời cần nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thanh niên về nghề nghiệp nhằm định hướng lại giá trị xã hội đối với nghề nghiệp
Thứ tư, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chuyên gia . Muốn vậy phải tăng cường đào tạo nghề cho người lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đa dạng hoá hình thức và thành phần tham gia xuất khẩu lao động
Thứ năm, tăng quỹ quốc gia về việc làm và sử dụng có hiệu quả quỹ đó, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giải quyết việc làm.
* Thực hiện tốt chủ trương xoá đói, giảm nghèo
Việt Nam đã đạt được thành tựu nổi bật trong việc xoá đói giảm nghèo mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao, thành quả giảm đói nghèo chưa thật vững chắc, hiện tượng tái nghèo vẫn tiếp diễn. Mục tiêu tổng quát xoá đói, giảm nghèo là phấn đấu đến năm 2005 không để tái đói kinh niên, giảm tỷ lệ hộ
nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn cũ còn khoảng 5%) và đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo, đại bộ phận người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội.
Để thực hiện mục tiêu trên, những vấn đề có tính chất quyết định là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Dưới đây là một số giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ở nước ta trong thời gian tới:Thứ nhất, tạo môi trường kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển, nhờ đó tạo việc làm, tăng thu nhập. Thứ hai, phát triển nông nghiệp và nông thôn, đây là hướng trung tâm của chiến lược xoá đói, giảm nghèo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH và việc phát triển khu vực phi nông nghiệp ở nông thôn có vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. Thứ ba, tăng cường hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên làm giầu như hỗ trợ vốn, hướng dẫn người nghèo làm kinh tế, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, đặc biệt là các xã khó khăn. Thứ tư, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế.... Thứ năm, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá công tác xoá đói, giảm nghèo; đa dạng các nguồn lực chi cho xoá đói, giảm nghèo; tuyên truyền nhằm nâng cao quyết tâm xoá đói giảm nghèo từ trung ương đến cơ sở và người dân; thực hiện quy chế dân chủ, công khai về nguồn lực tài chính đảm bảo sự trợ giúp đến được với người nghèo; tổ chức thực hiện nhân rộng các mô hình xoá đói, giảm nghèo thành công.
b. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội
* Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
Trong thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội đã được đổi mới và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách BHXH còn những hạn chế cần được khắc phục: đối tượng tham gia bảo hiểm còn hạn hẹp, nhận thức về chính sách BHXH chưa đầy đủ, nên nhiều đối tượng không tham gia bảo hiểm, nợ đọng bảo hiểm... Vì thế chính sách BHXH cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Thứ nhất, sớm xây dựng và ban hành Luật bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm y tế) tạo hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động BHXH. Thứ hai, khẩn trương mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH, lao động thuộc mọi thành phần kinh tế đều
có quyền và nghĩa vụ thực hiện BHXH. Tổ chức thực hiện thí điểm bảo hiểm thất nghiệp, sau đó từng bước mở rộng hình thức bảo hiểm này. Thứ ba, mức đóng góp và mức hưởng các chế độ BHXH phù hợp, tính toán đảm bảo công bằng giữa đóng góp và hưởng thụ, cân đối giữa thu và chi để đảm bảo an toàn quỹ BHXH lâu dài. Thứ tư, tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT cho toàn dân, cần triển khai nhiều loại hình BHYT tự nguyện: phát triển BHYT học sinh, mở rộng bảo hiểm y tế cho nông dân, mở rộng diện cấp thẻ BHYT cho người nghèo. Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống bảo hiểm Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý.
* Thực hiện chính sách cứu trợ và ưu đãi xã hội.
- Cứu trợ xã hội là một bộ phận hợp thành của hệ thống an sinh xã hội, nó bao gồm cứu trợ đột xuất và cứu trợ thường xuyên. Trong thời gian tới cần tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng về cứu trợ xã hội thành một hệ thống chính sách cứu trợ xã hội để hướng dẫn các ngành, các địa phương, các tổ chức thực hiện công tác cứu trợ xã hội; đồng thời cần có sự đổi mới toàn diện công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện công tác cứu trợ xã hội. Nguồn kinh phí cho cứu trợ xã hội trong thời gian tới cần được tăng lên bằng cách huy động từ nhiều nguồn, trong đó nguồn chi từ NSNN vẫn là chủ yếu; thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá công tác cứu trợ xã hội.
- Ưu đãi xã hội. Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội không chỉ thể hiện công bằng xã hội, mà còn thể hiện sự "đền ơn đáp nghĩa", " uống nước nhớ nguồn" góp phần giáo dục trách nhiệm công dân. Vì thế, trong thời gian tới cần thực hiện tốt Pháp lệnh về người có công, đảm bảo cho người có công với cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất cũng bằng với mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú. Để đạt được điều đó, ngoài nguồn lực của Nhà nước là chủ yếu, cần huy động sự đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, các tổ chức và của cá nhân trong xã hội.
Kết luận
Từ trước đến nay vấn đề phân phối luôn giữ vai trò quan trọng trong lý luận kinh tế. Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chứ không phải là kinh tế thị trường TBCN. Việc làm rõ bản chất, đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung và chế độ phân phối của nó nói riêng có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn. Công trình nghiên cứu này cũng đã làm rõ giá trị khoa học lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về phân phối và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo lý luận đó trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN như thế nào; làm rõ các nguyên tắc phân phối trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò của Nhà nước và cơ chế điều tiết của Nhà nước đối với phân phối thu nhập để đảm bảo sự thống nhất giữa hiệu quả và công bằng.
Vai trò của Nhà nước đối với phân phối thu nhập trong thời gian qua ở nước ta được đánh giá thông qua việc phân tích, đánh giá thực trạng các chính sách phân phối, hệ thống an ninh xã hội và mức sống của các tầng lớp dân cư, cũng như mức độ phân hoá giầu nghèo ở nước ta hiện nay. Các chính sách phân phối đã từng bước được đổi mới và trở thành công cụ có khả năng điều tiết thu nhập trong xã hội, thực hiện chủ trương của Đảng: gắn tăng trưởng kinh tế với cải thiện đời sống nhân dân, với tiến bộ và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các chính sách phân phối thu nhập cần được tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để thực hiện gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng cần được tiếp tục nghiên cứu.