Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, tính đến ngày 31/12/2013 cả nước thu hút 22,35 tỷ USD vốn FDI gồm vốn cấp mới và tăng thêm. Tình hình FDI được cấp giấy phép vào Việt Nam giai đoạn 1988 - 2013 được thể hiện trong Bảng 3.1, trong giai đoạn 1988 - 2013 dòng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng đều trong dài hạn và biến động ít trong ngắn hạn. Trong giai đoạn 2004 - 2007 số lượng dự án và số lượng vốn đăng ký tăng lên đáng kể. Số lượng vốn thực hiện tăng với tốc độ chậm hơn nên tỷ số vốn thực hiện/vốn đăng ký có xu hướng giảm. Số lượng FDI tăng đột biến trong năm 2008 phản ánh tình hình tăng trưởng mạnh của kinh tế thế giới cũng như mỗi quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài sau sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Năm 2008, sự bùng phát nguồn vốn FDI vào Việt Nam với con số kỷ lục lên đến 71.726,8 triệu USD tăng 3,4 lần so với năm 2007, và vốn giải ngân cũng đạt mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (11.500 triệu USD) đã chứng tỏ sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do ảnh hưởng của cơn bão tài chính thế giới. Tuy nhiên, do khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, cục diện kinh tế thế giới bị suy giảm nặng nề. Hầu hết các dự án trên bị rút vốn hoặc chậm tiến độ. Tỷ lệ thực hiện trong năm 2008 chỉ đạt 16% là mức thấp nhất ghi nhận được. Theo đó, các hoạt động thu hút FDI trong giai đoạn 2009 – 2013 bị chậm lại mặc dù vẫn giữ ở mức cao với tổng số vốn thực hiện khoảng 10.000 – 11.000 triệu USD, riêng năm 2013 tổng số vốn thực hiện là 11.500 triệu USD.
Bảng 3.1: FDI tại Việt Nam từ 1988- 2013
Đơn vị tính: Triệu USD
Năm Số dự án Vốn đăng ký Vốn thực hiện
1988-1990 211 1.603,5 - 1991 152 1.285,4 428,5 1992 196 2.077,6 574,9 1993 274 2.829,8 1.117,5 1994 372 4.262,1 2.240,6 1995 415 7.925,2 2.792,0 1996 372 9.635,3 2.938,2 1997 349 5.955,6 3.277,1 1998 285 4.873,4 2.372,4 1999 327 2.282,5 2.528,3 2000 391 2.762,8 2.398,7 2001 555 3.265,7 2.225,6 2002 808 2.993,4 2.884,7 2003 791 3.172,7 2.723,3 2004 811 4.534,3 2.708,4 2005 970 6.840,0 3.300,5 2006 987 12.004,5 4.100,4 2007 1.544 21.348,8 8.034,1 2008 1.171 71.726,8 11.500,2 2009 1.208 23.107,5 10.000,5 2010 1.237 19.886,8 11.000,3 2011 1.186 15.598,1 11.000,1 2012 1.287 16.348,0 10.046,6 2013 1.530 22.350,0 11.500.0 Tốc độ tăng trưởng bình quân (%) 11,2 25,4 20,4
Với các chính sách mở cửa thương mại, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại Việt Nam tăng mạnh qua các năm (trong ngắn hạn có giảm nhưng không đáng kể) và có tốc độ tăng trưởng bình quân về số dự án đầu tư là 11,2%. Số dự án đầu tư tăng dẫn đến số lượng vốn đăng kí và vốn thực hiện tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt là 25,4% và 20,4%. Số dự án và số vốn đầu tư luôn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số có thể lý giải bằng nhiều lý do. Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, Việt Nam luôn cam kết và hành động theo hướng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như không ngừng cải thiện về mặt luật pháp và thể chế phục vụ cho hoạt động đầu tư và kinh doanh. Thứ hai, Việt Nam đang nỗ lực triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.