1. Vị trí địa lý
- Phía Bắc giáp Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. - Phía Nam giáp huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà. - Phía Đông giáp huyện Hải Hà.
- Phía Tây giáp huyện Đình Lập - Tỉnh Lạng Sơn.
* Địa Hình: Có địa hình chia cắt mạnh, có nhiều đồi núi cao, xen kẽ là các cánh đồng thung lũng hẹp ven sông, suối và Thung lũng núi đá vôi.
Dạng địa hình núi đất là phổ biến, có độ dốc trên 25 độ, chiếm trên 88% diện tích .
* Khí hậu: Huyện Bình Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông khô hanh ít mưa. Nhiêt độ trung bình trong năm là 22,40C, độ ẩm không khí trung bình là 82%.
2. Các nguồn tài nguyên
* Tài nguyên đất.
Bình Liêu có tổng diện tích đất tự nhiên là 47.510,05 ha trong đó có các loại đất theo bảng dưới đây:
Bảng 4.1: Các loại đất của huyện Bình Liêu
STT Loại đất Kí hiệu Diện tích (ha) Tỷ lệ (%) 1 Đất Nông nghiệp NNP 38.987,6 82,06 2 Đất phi nông nghiệp PNN 1.681,16 3,54 3 Đất chưa sử dụng CSD 6.841,22 14,40
Tổng 47.510,05 100
(Nguồn Niên giám Thống kê huyện Bình Liêu năm 2014)
* Tài nguyên rừng:
Bình Liêu có 34.683,78 ha rừng chiếm 73,00 % tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất rừng sản xuất là 20211,41 ha chiếm 58,12 % diện tích đất rừng, đất rừng phòng hộ là 14.523,95 ha chiếm 41,88 % diện tích đất rừng.
* Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt: Bình Liêu có hệ thống sông suối khá dày đặc, các con sông, suối và các ao, hồ, đập nước nhỏ ước diện tích khoảng 13,42 ha, đây chính là nguồn nước mặt đảm bảo cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các xã trong toàn huyện. Nước từ các ao, hồ, sông, suối, đập nước được dẫn tới các khu vực sản xuất nông nghiệp nhờ hệ thống kênh mương dẫn nước (toàn huyện có 927 tuyến kênh mương các loại với tổng chiều dài 643,5 km, đáp ứng cho khoảng 55% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Nhìn chung nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp ở huyện rất hạn chế, đặc biệt rất khó khăn vào mùa khô.
Nguồn nước ngầm: Bình Liêu có trữ lượng nước ngầm khá lớn, chất lượng nước tốt, đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Nhân dân sử dụng nguồn nước này qua hệ thống giếng khoan, giếng đào.
Các khoáng sản có hiệu quả kinh tế chủ yếu trong huyện là khoáng sét làm gạch, mỗi năm sản xuất khoảng 11,5 triệu viên; đá cao lanh, mỗi năm sản xuất khoảng 20.300 tấn. Vật liệu xây dựng chủ yếu là khai thác đá cuội, sỏi, cát ở ven các sông, suối phục vụ tại chỗ trên địa bàn huyện.
3. Thực trạng Môi trường
Toàn huyện hiện có 6.223 hộ gia đình, trong đó hộ có 834 hộ thành thị và 5.389 hộ nông thôn. Hết năm 2011, có 617/5.344 khu vực nông thôn có chuồng trại chăn nuôi đạt tỷ lệ 11,55%; 3.648/5.344 hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 68,26%.
Hệ thống thoát nước chủ yếu là chảy tự nhiên xuống các lưu vực trũng rồi đổ ra sông, suối, ao hồ; Nước thải hầu như chưa qua xử lý; Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải; nước thải sinh hoạt cơ bản được xử lý cục bộ bằng phương pháp tự hoại đặt trong các nhà dân chiếm khoảng 5- 6%.
Huyện có 01 bãi rác tại thị trấn, có 2 tổ thị trấn thu gom rác thải, 1 tổ khu vực cửa khẩu Hoành Mô, còn lại các xã chưa có bãi rác và bộ phận thu gom; việc vệ sinh và xử lý chủ yếu do các gia đình tự đảm nhận và thực hiện tự do, không theo quy định nào.
Về nghĩa trang: Toàn huyện có 33 nghĩa trang, số nghĩa trang có quy hoạch và có quy chế quản lý là 20. Việc quy hoạch mới chỉ có đất, chưa có đầu tư hệ thống đường, tường rào, mốc giới cụ thể.