6. Bố cục của khoá luận
2.3. Tính phức hợp của điểm nhìn trong "Âm thanh và cuồng nộ"
Ở những phần trên, người viết đã khai thác các điểm nhìn trần thuật nương theo kết cấu bốn chương của cuốn tiểu thuyết. Về đại thể đây là thao tác cần thiết để đi sâu khám phá một phương diện quan trọng thuộc về sự đổi mới kĩ thuật trần thuật của đại văn hào Mĩ W. Faulkner. Tuy nhiên việc bố cục theo các chương truyện như vậy cũng dễ tạo ra cảm giác tác phẩm bị xé lẻ thành bốn câu chuyện rời rạc, không có sợi dây liên kết. Để tránh những cách hiểu sai lệch như vậy, tác giả khoá luận sẽ đi vào tìm ra mối dây liên hệ giữa các điểm nhìn được Faulkner khai thác trong "Âm thanh và cuồng nộ".
Trước hết cần phải hiểu "tính phức hợp của điểm nhìn" là gì? Có phải cứ sử dụng thật nhiều điểm nhìn trong sáng tác sẽ tạo ra tính phức hợp hay không? "Phức hợp" hiểu theo nghĩa giản dị nhất của từ này là phối hợp nhiều yếu tố với nhau trong một chỉnh thể thống nhất nhằm tạo ra một hiệu quả nào đấy. Tương tự như vậy có thể lí giải "tính phức hợp của điểm nhìn" là việc kết hợp sử dụng linh hoạt nhiều điểm nhìn khác nhau trong một tác phẩm văn học để đạt tới hiệu quả hay nhằm một dụng ý nghệ thuật nhất định.
"Âm thanh và cuồng nộ" được chia làm bốn chương trong đó có ba chương là màn độc thoại nội tâm của ba nhân vật còn chương cuối cùng lại trở về với lối thuật chuyện truyền thống: điểm nhìn đặt ở người kể chuyện khách quan ngôi thứ ba số ít. Như vậy mới nhìn qua cấu trúc tác phẩm ta dễ dàng nhận thấy Faulkner đã đặt câu chuyện của mình dưới bốn điểm nhìn khác nhau phân tán thành bốn câu chuyện được kể trong bốn ngày với độ lệch nhất định về mặt thời gian.
Ba chương đầu ghi lại những hồi tưởng, suy nghĩ của ba người con trai thuộc dòng họ Compson: Benjy - thằng khùng, Quentin - sinh viên đại học Harvard năm thứ nhất và Jason - kẻ biển lận tham lam, ích kỉ. Đặc điểm về thể chất, tinh thần của mỗi nhân vật tất yếu sẽ ít nhiều chi phối tới cách nhìn nhận của nó về cuộc đời. Ở ba chương này, Faulkner đã tiến hành dịch chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật, không áp đặt tiếng nói bên ngoài lên nội dung tác phẩm nữa mà để cho nhân vật tự phát ngôn tiếng nói cá nhân, bộc lộ tất cả những suy nghĩ, thể nghiệm của nó về cuộc đời và về chính bản thân mình. Đây là một trong những khuynh hướng nổi bật của tiểu thuyết phương Tây thế kỉ XX mà độc thoại nội tâm và dòng tâm tư chính là một phương tiện góp phần vào sự đổi mới ấy.
Ba độc thoại nội tâm đồng thời cũng là ba điểm nhìn được đặt hoàn toàn bình đẳng với nhau, khi độc thoại này kết thúc, tác giả lập tức chuyển
sang độc thoại khác mà không có bất cứ dấu hiệu chuyển tiếp nào. Điểm nhìn nghệ thuật cứ lần lượt được chuyển từ ngôi kể này sang ngôi kể khác, chúng không lệ thuộc vào nhau mà độc lập, bình đẳng với nhau. Chính "lối viết tự động" đã tạo ra khả năng ghép cạnh nhau nhiều dòng tâm tư, nhiều nhãn quan của nhiều nhân vật khác nhau để từ đó chỉ ra rằng mỗi một nhân vật có thể bị khép kín trong hòn đảo cô đơn của mình đến mức độ nào. Quả thực ở điểm nhìn của Benjy, Quentin, Jason người ta bắt gặp ba nội tâm khác nhau: Benjy giản dị, ngây ngô; Quentin suy nhược tinh thần, giằng xé trong nội tâm với ám ảnh mãnh liệt về cái chết; Jason ích kỉ, tham lam và đầy tính toán cá nhân. Ba nhân vật đồng thời cũng là ba điểm nhìn đầy cô đơn, lạc lõng. Mỗi người tự khép mình trong một thế giới riêng không thể sẻ chia hay liên hệ với bất cứ ai. Họ bị giam hãm, tù đày trong chính thể xác, giới hạn về địa vị xã hội và trong chính các ham muốn, dục vọng của mình. Tất cả các nhân vật đều chìm sâu trong quá khứ với những vết thương không thể chữa lành: ở Benjy là sự thiếu thốn tình thương, ở Quentin là nỗi đau bởi bổn phận không hoàn thành và tình yêu đầy tội lỗi, ở Jason là sự mất mát niềm tin vào các giá trị nhân văn và cái đẹp. Những mặc cảm, những trạng thái ức chế của từng nhân vật đã được tìm thấy khá trọn vẹn ở độc thoại nội tâm và dòng chảy tâm tư.
Mặc dù có sự tách biệt rất rõ ràng giữa ba màn độc thoại nhưng chúng vẫn gặp nhau ở một điểm giao cắt đó là cùng diễn đạt "căn bệnh mới của thế kỉ": sự cô đơn vô phương cứu chữa, sự bất lực của con người không thể nào giao tiếp nổi với kẻ khác. Thế giới nghệ thuật trong "Âm thanh và cuồng nộ" được đặt dưới nhãn quan của Benjy, Quentin, Jason là thế giới đã bị vỡ ra thành từng mảnh, không thể hàn gắn lại được mà ở đó con người trở nên bé nhỏ, xa lạ với chính mình. Mỗi nhân vật đều mang một nỗi sợ hãi vô hình nhưng nỗi sợ hãi này không bắt nguồn từ những hiện tượng siêu nhiên, kì bí giống như trong các tiểu thuyết Gothic truyền thống mà từ những điều quen
thuộc trong cuộc sống thường nhật. Thế giới nghệ thuật của Faulkner không có bóng dáng của ác quỷ hay bạo chúa mà chỉ có những con người với nhau, cũng không có chiến tranh hay bạo lực nhưng trong thâm tâm mỗi nhân vật đều bị ám ảnh bởi sự sợ hãi. Đó là nỗi sợ chung của cả loài người khi bắt nhịp vào cuộc sống hiện đại văn minh hơn nhưng cũng cô đơn hơn. Những "cuồng nộ" trong điểm nhìn của các nhân vật hay cũng chính là tính chất quay cuồng, dữ dội của thế giới hỗn loạn. Xây dựng các điểm nhìn bất thường, Faulkner dường như muốn cảnh báo về thảm trạng của văn minh châu Âu: các giá trị tinh thần sẽ dần tiêu biến, con người trở nên xa lạ với nhau và xa lạ với chính mình. Ba điểm nhìn vỡ ra, đứng tách biệt với nhau lại có khả năng truyền tải một thông điệp đầy tính nhân văn như thế.
Câu chuyện của Faulkner về sự sa sút dẫn đến phá sản hoàn toàn của một gia đình quý tộc miền Nam Hoa Kì quả thực đã được ba thằng khùng kể lại với tất cả niềm đau và sự phẫn nộ. Một câu chuyện được soi chiếu dưới ba nhãn quan khác nhau đương nhiên sẽ có những biến thể nhất định tuỳ thuộc vào lập trường - tư tưởng của từng nhân vật. Kết cấu độc đáo này mặc dù có phần khó tiếp cận và dễ gây "sốc" với những độc giả đã quen với lối hành văn truyền thống nhưng nó lại trao cho độc giả một ''đặc quyền'' mà không phải nhà văn nào cũng làm được đó là có cơ sở so sánh, đối chiếu và tự mình bằng những trải nghiệm, hiểu biết của bản thân sẽ đưa ra những cách đánh giá riêng với từng nhân vật. "Âm thanh và cuồng nộ" với kết cấu điểm nhìn độc đáo đã tạo ra được tiếng nói bình đẳng giữa nhà văn - nhân vật và độc giả. Đây cũng là một xu thế quan trọng, tích cực trong quá trình đổi mới tiểu thuyết hiện đại: không có người kể chuyện toàn năng, nhân vật không trở thành con rối hay cái loa phát ngôn của nghệ sĩ mà có tiếng nói độc lập, có quan điểm, lập trường rõ ràng; độc giả cũng không bị áp đặt cách nhìn nhận hay đánh giá mà được tự do khám phá, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật. Tác phẩm vì thế
cũng được mở rộng thêm ra rất nhiều về các tầng bậc ý nghĩa. Từ điểm nhìn của ba Compson người ta có thể đọc ra những tầng ý nghĩa khác nhau: sự suy tàn bất khả của một gia đình quý tộc miền Nam Hoa Kì; nạn phân biệt chủng tộc và sở hữu nô lệ (những gương mặt da đen trong bức tranh đổ nát của gia đình Compson); sự tự tôn quá mức về giai cấp, dòng dõi; bi kịch thiếu thốn tình thương (độc thoại của Benjy) và đổ vỡ niềm tin (Quentin, Jason); bi kịch bị lưu đày - cầm tù trong giới hạn vật chất, tinh thần của chính con người; vươn tới tầm khái quát, "Âm thanh và cuồng nộ" muốn đặt ra vấn đề về thân phận con người trong một thế giới không ngừng biến chuyển, đầy những rạn vỡ về các giá trị nhân văn.
Ba điểm nhìn vừa phân tán vừa thống hợp với nhau đã tạo ra những bất ngờ không chỉ về hình thức nghệ thuật mà còn về nội dung đối với độc giả. Song điều đáng lưu ý và cũng rất hấp dẫn trong ba điểm nhìn này đó là chúng không đóng khung trong cái khuôn khổ chật hẹp của chính mình mà tự tách ra thành những điểm nhìn nhỏ để tranh luận với nhau. Vì cả ba điểm nhìn đều tồn tại dưới hình thức các độc thoại nội tâm nên thủ pháp này càng được thực hiện một cách có hiệu quả. Motilova trong công trình "Độc thoại nội tâm và dòng tâm tư" đã có những phát hiện rất tinh tế: "Nó (độc thoại nội tâm) xuất hiện những diễn từ không biểu đạt thành lời của các nhân vật hoặc như diễn từ của tác giả, nhân danh mình mà nói, nhưng có thể coi như đã mượn từ vựng và giọng điệu của nhân vật, hoặc như đối thoại bên trong, ở đó giọng nói của nhân vật bị xẻ làm đôi thành hai giọng phân biệt và đối nghịch; nó xuất hiện dưới hình thức một chuỗi kết luận có tổ chức cũng như qua những ý kiến mơ hồ và hỗn loạn" [24, tr. 5]. Chính sự phân tách thành các điểm nhìn nhỏ đã tạo ra một khả năng đặc biệt đó là thể hiện đấu tranh nội tâm mà nói như Faulkner đây là một nghệ thuật thể hiện "trái tim con người đang gây hấn với chính nó". Với việc sử dụng thủ pháp tách điểm nhìn của một chủ thể, nhà
văn đã biểu hiện được tâm trạng của con người trong xã hội tư bản hiện đại: luôn day dứt, dằn vặt, luôn phải đứng trước những sự lựa chọn một là đi theo tiếng gọi của dục vọng, hai là chấp nhận bi kịch tha hoá, chấp nhận đánh mất bản ngã của mình để thích nghi với vòng xoay của cuộc sống. Ở điểm nhìn của Quentin, người ta thấy điều này được thể hiện rõ nét nhất. Độc thoại của Quentin là độc thoại của một kẻ có tiềm năng điên với biết bao nhiêu đau đớn, ám ảnh trong tâm trí những ý nghĩ chất chứa từ lâu. Anh ta luôn dằn vặt vì bổn phận, trách nhiệm với gia đình chưa hoàn thành, vì cảm giác bất lực trước thảm cảnh gia đình sa sút và vì mặc cảm về tình yêu đầy tội lỗi với cô em gái. Ý định chết làm khúc xạ toàn bộ thế giới nội tâm của Quentin. Tất cả những áp lực tâm lí, những nỗi đau vô hình buốt nhói trong trái tim khi điểm tựa bình an cuối cùng (Caddy) ra đi đã dồn đẩy Quentin đến quyết định huỷ hoại cuộc đời mình. Nhưng cũng chính bi kịch gia đình lại là yếu tố níu giữ anh ta khi hình ảnh người mẹ ốm đau, những lời van xin của Caddy trở về không ngớt. Lúc này nội tâm Quentin vang lên hai giọng nói: sống hay chết, tồn tại hay không tồn tại "mười lăm phút nữa. Và rồi tôi sẽ không tồn tại. Những lời êm ái nhất. Non fui. Sum. Fui. Nomsum. Tôi đã nghe những tiếng chuông một lần ở đâu đó. Mississippi hay Massachusetts. Tôi đã tồn tại. Tôi không tồn tại" [11, tr. 252].
Sự phức hợp ba điểm nhìn của ba nhân vật trong "Âm thanh và cuồng nộ" đã mang lại cho tác phẩm những giá trị to lớn về nghệ thuật và nội dung. Đến chương thứ tư, điểm nhìn không còn đặt ở nhân vật nữa mà đã chuyển sang cho người kể chuyện khách quan. Ở một phương diện nào đó, mối quan hệ giữa điểm nhìn nhân vật (ba chương đầu) với điểm nhìn của người kể chuyện (chương bốn) là mối quan hệ giữa điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài vì thực chất toàn bộ thiên truyện vẫn đang được kể lại bởi một người kể chuyện vô hình tức là được đặt dưới điểm nhìn khách quan. Thông
thường điểm nhìn bên ngoài bao giờ cũng được triển khai trước rồi từ sự ghi nhận ban đầu về đối tượng ấy tác giả sẽ thâm nhập vào nội tâm nhân vật để khám phá những ẩn ức tâm lí chưa giải thích nổi. Nhưng ở "Âm thanh và cuồng nộ", W.Faulkner đã làm theo quy trình ngược lại: đặt thế giới nội tâm nhân vật lên trước rồi mới trở lại vớí nhãn quan bao quát toàn cảnh. Thao tác ấy tạo ra một hiệu quả kép: một mặt nó khiến cho tác phẩm giống như một bản giao hưởng thuộc trường phái ấn tượng mà những vùng mờ tối, những mặt trái sáng, những mơ hồ, lấp lửng càng về cuối càng trở nên sáng tỏ. Ba chương đầu đầy những ám dụ nghệ thuật, những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba không rõ chỉ ai, những ẩn dụ rắc rối bí hiểm khiến người đọc như lạc vào mê cung, mê thất nhưng đến chương thứ tư bản hợp xướng đầy xáo động ấy dần lắng lại để nhường chỗ cho tận cùng bình yên trong tiết tấu chậm rãi Lento. Những sự kiện khó hiểu, những ý nghĩ rời rạc, mù mờ ở các chương đầu về cuối tác phẩm đã được lắp ghép theo trật tự để rồi khi cuốn tiểu thuyết khép lại, bức tranh toàn cảnh về sự đổ vỡ của gia đình Compson đã được dựng lên, mọi nghi vấn cũng được giải đáp. Mặt khác nó giúp cho người đọc vừa được cùng trải nghiệm cảm giác với các nhân vật, cùng sống với đời sống nội tâm đầy xáo trộn qua dòng tâm thức miên man của họ vừa được nhìn nhận mọi sự việc từ nhãn quan của một người ngoài cuộc. Tất cả những điều đó sẽ giúp cho ta đối diện và phần nào giải mã được thế giới nội tâm bí ẩn của nhân vật cũng như những giá trị tư tưởng mà W. Faulkner muốn gửi gắm. Sự phối hợp giữa điểm nhìn nhân vật và điểm nhìn người trần thuật còn giúp cho các nhân vật gắn kết với nhau một cách chặt chẽ trên nền liên tuyến và đa tuyến trong phương thức trần thuật theo một cấu trúc đồng tâm. Điểm nhìn của một người kể chuyện khách quan sẽ là nơi qui tụ các điểm nhìn đơn lẻ, độc lập khác để gắn kết chúng lại với nhau và làm sáng tỏ cho chủ đề chung của toàn bộ tác phẩm.
Thời gian là một trong những tiêu chí để phân định chủ nghĩa hiện đại, dòng văn học bị ám ảnh bởi thời gian từ "Đi tìm thời gian đã mất" của M. Proust cho đến "Ulysses" của James Joyce và các sáng tác của W. Faulkner. Thời gian không những là đối tượng phản ánh mà còn là một kĩ thuật của tiểu thuyết hiện đại. W. Faulkner là một trong những người đã vận dụng rất thành công lí thuyết của chủ nghĩa hiện đại vào trong thể loại tiểu thuyết thông qua ám ảnh về thời gian và thời gian đồng hiện trong dòng tâm thức của nhân vật.
Ở "Âm thanh và cuồng nộ", việc vận dụng điểm nhìn điện ảnh (không cần dẫn truyện cũng như giới thiệu về nhân vật mà tác giả bắt đầu câu chuyện ngay ở đoạn giữa) cùng với việc đặt điểm nhìn ở ngôi thứ nhất (chương một, hai, ba) và ngôi thứ ba (chương bốn) bên cạnh việc tái hiện được những xung đột tầng tầng lớp lớp trong thế giới nội tâm của các nhân vật nó còn góp phần diễn đạt một đối tượng rất trừu tượng đó là thời gian. Thời gian được tìm thấy trong diễn biến tâm trạng của nhân vật, mặc dù các nhân vật không ngừng hồi tưởng, sống với thực tại ít hơn dĩ vãng nhưng quá khứ, hiện tại, những suy tư cho tương lai đều được đặt trong cái nhìn hiện tại. Từ hiện tại, các nhân vật miên man không dứt với những ám ảnh của quá khứ: thảm trạng suy sụp của gia đình, sự mất trinh trắng và sự ra đi của Caddy.
Điểm nhìn thời gian trong "Âm thanh và cuồng nộ" liên tiếp dịch