Điểm nhìn của Jason Compson

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết âm thanh và cuồng nộ của w FAULKNER (từ góc độ điểm nhìn nhân vật và điểm nhìn người trần thuật) (Trang 57 - 69)

6. Bố cục của khoá luận

2.1.3.Điểm nhìn của Jason Compson

Với độc thoại nội tâm của Jason Compson, tấn thảm kịch của gia đình Compson được nhìn nhận ở một điểm nhìn khác với những suy nghĩ, cảm nhận gần như trái ngược hai điểm nhìn trước (một của Benjy, một của Quentin). Có thể nói trong ba độc thoại nội tâm thì độc thoại của Jason là dễ hiểu hơn cả. Nó tỉnh táo, sắc lạnh chứ không chập chờn, hỗn loạn như của Benjy và Quentin. Ngay trong cách tổ chức tác phẩm như thế này cũng đã cho thấy phần nào dụng ý nghệ thuật của W.Faulkner: ông muốn chính sự sắp xếp về mặt ngôn từ nói lên tính cách các nhân vật.

Dòng ý thức của Jason đầy những ý niệm và tính toán cá nhân đã tự phân lập hẳn ra khỏi thế giới mà hắn đang sống. Jason luôn luôn cảnh giác với môi trường thù nghịch xung quanh và đầy kinh nghiệm đen tối trong ứng xử với mọi người. Điểm nhìn của Jason là điểm nhìn của một kẻ biển lận tham lam, ích kỉ và tàn nhẫn. Trong mối quan hệ với các anh chị em của mình,

Jason tự tách ra để đứng ở một thế đối lập. Nếu Caddy mạnh mẽ, giàu tình yêu thương, nếu Quentin nhạy cảm, đầy ý thức phản tỉnh, nếu Benjy ngây ngô và thánh thiện thì trong tâm hồn của Jason hoàn toàn không có bóng dáng của giá trị nhân văn, tình yêu, sự cứu rỗi hay cái đẹp. Hắn nhìn tất cả thế giới xung quanh bằng con mắt thù hằn, căm giận và giễu nhại. Sự ích kỉ, độc ác của Jason thể hiện ngay từ khi hắn còn nhỏ. Theo dõi độc thoại của Benjy, người đọc sẽ nhận ra hành động ti tiện của Jason khi hắn cắt nát hết những con búp bê của Ben. Hắn khinh bỉ chị gái Caddy và nuôi trong lòng sự đố kị nhỏ nhen với Quentin khi người được gia đình cho đi học ở Harvard không phải là hắn. Sự bất mãn, lòng thù hận với cuộc sống trong Jason cứ lớn dần lên theo năm tháng. Cả màn độc thoại của Jason được thể hiện bằng thứ giọng mỉa mai, đầy căm giận.

Mở đầu chương truyện đã là giọng hằn học khi Jason nói về Quentin - cô cháu gái của mình: "Đã là điếm thì suốt đời vẫn là điếm, tôi đã bảo mà. Tôi nói mẹ mới phải lo về chuyện nó trốn học đi chơi là may đấy. Tôi nói bây giờ lẽ ra nó phải ở dưới bếp, thay vì cứ ở lì trên phòng, bôi son trát phấn lên mặt, chờ sáu thằng mọi đen không sao đứng dậy khỏi ghế trước khi có một chảo đầy bánh với thịt để lấy lại thăng bằng mà dọn bữa ăn sáng cho nó" [11, tr. 258]. Điểm nhìn đang được đặt ở hiện tại vào thời điểm gia đình Compson đã suy tàn: ông Compson và cậu con trai cả là Quentin đã mất còn cô con gái Caddy sau khi bị chồng ruồng rẫy đã bỏ đi không có tin tức, Quentin - đứa trẻ bị bỏ rơi, con gái của Caddy đã trưởng thành. Sau một loạt những biến cố dữ dội, Jason trở thành người gánh vác gia đình. Hắn nuôi trong lòng sự thù hận vô biên với cô cháu gái Quentin. Dưới cái nhìn hằn học của ông cậu, Quentin chỉ là sản phẩm từ sự hư hỏng của Caddy và cô bé cũng đang đi theo bước chân của mẹ nó. Đặt điểm nhìn ở thực tại ngay trong đoạn mở đầu bằng ngôn ngữ gay gắt, cay nghiệt đã phần nào giúp người đọc hiểu những mối mâu

thuẫn không thể điều hoà cũng như thảm trạng suy sụp của gia đình Compson. Cả chương truyện bị phủ trùm trong bầu không khí căng thẳng và phẫn nộ như thế. Bản giao hưởng "Âm thanh và cuồng nộ" đến đây đã chuyển sang tiết điệu Allegro đầy hằn học.

Sự tan rã của dòng họ Compson đã được thể hiện khá rõ nét trong độc thoại của Benjy và Quentin nhưng chỉ đến chương thứ ba này với dòng suy nghĩ của Jason, tình trạng sa sút ấy mới được cảm nhận trọn vẹn với tất cả sự thảm hại của nó. Tấn bi kịch gia đình phơi bày ra trước mắt người đọc dưới điểm nhìn dửng dưng, lạnh lùng của một kẻ hoàn toàn mất hết tình thương. Nếu đám ma của bà nội, sự thất tiết của Caddy, cái chết của Quentin và bố - ông Jason Compson khiến nội tâm của anh khùng Benjy ngả nghiêng, chao đảo và đau đớn thì với Jason, chúng chẳng mảy may tạo ra nổi chút xung động tình cảm mà nếu có cũng chỉ là sự căm tức, khinh bỉ. Jason đón nhận cái tin về sự ra đi của người thân trong gia đình bằng một thái độ dửng dưng, vô cảm: "Hẳn rồi, tôi nói, vì tôi không có thì giờ đấy thôi. Tôi chẳng có thì giờ để đi Harvard như Quentin hay uống rượu say đến ngã xuống huyệt như bố" [11, tr. 259]. Jason bất mãn với mọi người trong gia đình và luôn đổ lỗi cho tất cả về cuộc sống nhạt nhẽo, tầm thường mà hắn đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu đựng. Jason không yêu ai ngoài chính chính bản thân hắn. Hắn oán trách người cha nghiện ngập không lo cho hắn một tương lai tươi sáng ở viện đại học Harvard giống như đã làm cho Quentin: "Như tôi nói, nếu bố phải bán cái gì đó cho Quentin đi học ở Harvard thì mẹ kiếp phúc đức cho bọn tôi hơn hết là ông bán cái tủ rượu ấy rồi lấy một phần tiền mà mua một cái áo bó tay. Tôi nghĩ tất cả gia sản nhà Compson trôi dạt đi đến đâu hết trước khi đến được tay tôi như mẹ nói, thì cũng là vì ông uống rượu. Ít nhất tôi cũng chưa bao giờ nghe ông tính bán cái gì cho tôi đi học Harvard cả" [11, tr. 281].

Jason tàn nhẫn với tất cả những người thân của hắn đặc biệt là Caddy. Nếu với Benjy và Quentin, Caddy là biểu tượng của sự cứu rỗi, bình an thì trong con mắt Jason, cô chị ruột chỉ là một kẻ hư hỏng, một thứ vết nhơ mà gia đình Compson muốn tẩy sạch. Thái độ của Jason với Caddy cực kì vô nhân đạo và bỉ ổi. Hắn buộc tội chị gái mình là "hư hỏng", là "đồ đĩ" và trù tính kế hoạch lừa đảo Caddy. Jason không ngần ngại chà đạp lên nhân phẩm cũng như nỗi đau phải xa con của chị gái: "Chị lấy đâu ra một nghìn đô la", tôi nói. "Tôi biết chị chỉ nói láo và tôi biết chị làm cách nào để có", tôi nói. "Chị lại kiếm tiền bằng cách chị đã có con bé chứ gì. Và khi nào nó đủ khôn lớn" [11, tr. 296]. Thế giới của Jason là một thế giới thiếu vắng giá trị. Niềm vui duy nhất của hắn là tích cóp tiền bạc và hành hạ kẻ khác. Hắn là một con quái vật trong xã hội hiện đại. Nhìn vào bất cứ cái gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào Jason cũng có thể qui ra tiền, ngay cả với vòng hoa tang mà Caddy đặt trên mộ Quentin: "Chị lại nhìn mấy bó hoa. Chỗ ấy phải đáng năm mươi đô la" [11, tr. 287]. Thủ đoạn kiếm tiền của Jason cực kì bỉ ổi, vô liêm sỉ. Hắn lừa gạt tất cả mọi người ngay cả với người mẹ đẻ. Cuộc gặp gỡ với Caddy bên mộ cha và anh trai trở thành cuộc mặc cả để bòn rút tiền bạc của Jason. Hắn không ngần ngại đem tình mẫu tử ra rao bán và biến cháu mình thành món đồ để hành hạ và moi tiền của người chị gái bất hạnh đang khao khát gặp con: "Tôi thấy tay chị lần dưới áo choàng rồi chị đưa tay ra. Mẹ kiếp nó đầy tiền. Tôi thấy hai, ba đồng vàng" [11, tr. 289], "tôi chỉ làm đúng những gì tôi hứa. Chị mới là người dối trá. Chị hứa sẽ đi chuyến tàu ấy. Chị có hứa không, có không? Chị tưởng chị có thể đòi lại tiền thì cứ thử xem. Dù có là một nghìn đôla đi nữa chị vẫn còn nợ tôi khi tôi đã liều lĩnh như thế. Và nếu tôi còn thấy hay nghe nói chị ở lại sau chuyến mười bảy tôi sẽ nói với mẹ và cậu Maury. Lúc đó thì cứ gắng sống mà chờ ngày thấy lại con bé" [11, tr. 292]. Mức độ bỉ ổi, bất nhân của Jason đã lên tới mức đỉnh điểm khiến Caddy phải thốt lên

căm uất: "Thằng chết bằm", "đồ khốn nạn ôi quân khốn nạn ôi khốn nạn" [11, tr. 295]. Jason không có tình cảm của con người thậm chí tình cảm với cả những người ruột thịt trong gia đình cũng là một thứ quá xa xỉ với hắn. Lời van xin thống thiết của Caddy không mảy may làm hắn xao động: "Đừng nói dối tôi, về con bé. Tôi sẽ không đòi xem gì cả. Nếu thế chưa đủ, hàng tháng tôi sẽ gửi thêm. Chỉ cần cậu hứa là nó - là nó - cậu có thể làm thế mà... Những thứ vặt vãnh cho nó. Thương nó với. Những cái nhỏ nhặt mà tôi không thể, họ không thể... Nhưng cậu chắc là không đâu. Có bao giờ có một giọt máu nóng trong lòng cậu" [11, tr. 296]. Suốt mười mấy năm trời, Jason lừa gạt mọi người để ăn chặn toàn bộ số tiền Caddy gửi về cho Quentin trong khi đó bà Compson - mẹ hắn vẫn luôn tự hào về cậu con trai có ý thức giữ gìn lòng tự tôn của một Bascomb: "Con không biết con là nguồn an ủi thế nào đối với mẹ. Con vẫn là niềm hãnh diện và niềm vui của mẹ nhưng khi tự ý con cứ nhất định gửi lương tháng của con vào tài khoản của mẹ, thì mẹ cảm tạ Chúa đã để lại con cho mẹ khi Chúa gọi đi những người khác" [11, tr. 318].

Jason đối xử với Quentin cực kì tàn nhẫn. Hắn tìm mọi cách cắt đứt tất cả những mối dây liên hệ giữa Caddy và Quentin: biển thủ toàn bộ số tiền Caddy gửi về nuôi Quentin, huỷ những lá thư Caddy đã viết và giả mạo chữ kí để lừa gạt người chị ruột... Những đối thoại của Jason đầy cục cằn, thô lỗ: hắn gọi cháu mình là "điếm", là "đồ ranh con chết tiệt", luôn đe doạ Quentin: "Mày cứ thử làm như vậy một lần nữa thì tao sẽ khiến mày phải hối tiếc mỗi lần mày hít thở" [11, tr. 269], "khắp cả tỉnh ai cũng biết mày là thứ gì. Nhưng tao không muốn chuyện ấy lặp lại nữa, nghe chưa? Riêng tao thì chẳng cần biết mày làm gì nhưng tao có địa vị ở cái thị trấn này và tao sẽ không để cho bất cứ người nào trong gia đình tao xử sự như một con điếm. Mày nghe rồi chứ?" [11, tr. 270]. Jason ăn chặn và tính toán chi li đến từng đồng với cô cháu ruột: "Tao chỉ là thằng đã phải chi mười một đô la sáu mươi lăm xu mua

sách hồi tháng chín thôi" [11, tr. 268], hắn ghen tị với tất cả những ai được hưởng nhiều hơn hắn: "Một con ranh như thế mà cho những năm mươi đô la. Ngay như tôi mãi đến năm hai mươi mốt tuổi mới thấy tờ năm mươi đô la, trong khi bạn bè nghỉ buổi chiều và cả ngày thứ bảy thì tôi phải quần quật ở cửa hiệu" [11, tr. 298]... Chính Jason đã gián tiếp huỷ hoại cuộc đời Quentin. Thế giới xung quanh cô bé là thế giới đen đặc, không tương lai, không hi vọng và không sự sống. Sống bên cạnh những người thân nhưng chưa bao giờ cô bé cảm nhận được tình yêu thương: bà ngoại già nua, ốm yếu, chỉ biết yêu cái danh dự quý tộc đã mục nát từ lâu, người cậu thứ hai - Benjamin lại mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, vú già Dilsey nhân hậu, giàu đức hi sinh nhưng lại không đủ sức cứu vớt tâm hồn non nớt của Quentin. Chính vì thế mà mới mười lăm tuổi, tâm hồn Quentin đã nhuốm đầy ý nghĩ thù hận và cay đắng, căm ghét, xa lánh những người xung quanh. Cô bé có ý thức phản kháng, cố sức vùng vẫy nhưng không thoát khỏi bóng đen tăm tối của gia đình đã sa sút đến thảm hại. Tuyệt vọng trong khát vọng được sống tự do, Quentin rơi vào lối sống buông thả, trở thành đứa con gái hư hỏng trong mắt mọi người. Những thang bảng đạo đức trong gia đình Compson càng lúc càng bị đảo lộn nghiêm trọng.

Ở độc thoại của Jason người ta còn bắt gặp nhãn quan của một kẻ mang nặng tư tưởng kì thị chủng tộc. Hắn luôn cho mình cái quyền chà đạp và lăng nhục người khác. Jason đã vạch ra hố sâu ngăn cách giữa người da trắng với người da đen, giữa ông chủ với kẻ làm thuê và buộc mọi người phải phục tùng. Nạn phân biệt chủng tộc, sở hữu nô lệ và tính gia trưởng trong các gia đình quý tộc là những vấn đề văn hoá quan trọng của miền Nam Hoa Kì đã được thể hiện tập trung ở điểm nhìn Jason. Từ ngôn ngữ cho đến cử chỉ, hành động của Jason Compson đều toát lên cái nhìn đầy miệt thị với những người giúp việc da đen: "Chúng tôi phải dìu bà về giường và sau khi đã im ắng được

đôi chút tôi mới đưa Chúa ra doạ Dilsey. Với bọn đen chỉ thế là tiện nhất. Điều bực mình với lũ đầy tớ da đen là khi chúng ở với mình lâu năm chúng đâm ra tự mãn đến mức không đáng lấy một xu. Chúng tưởng chúng cai quản được cả gia đình chắc" [11, tr. 294], "tao nuôi một lũ mọi đen chết tiệt đầy chật cả bếp chỉ mỗi việc là trông nom nó, thế mà chỉ thay có cái vỏ xe tao cũng phải làm lấy" [11, tr. 267]...

Lẽ thường nói tới độc thoại nội tâm người ta hay nghĩ đến một điểm nhìn duy nhất nhưng trong "Âm thanh và cuồng nộ" đặc biệt là tới độc thoại của Jason, Faulkner đã thiết tạo rất nhiều điểm nhìn với những giọng điệu khác nhau tạo nên tiếng nói đa thanh đầy sức lôi cuốn. Bên cạnh cái nhìn lạnh lùng, dửng dưng, tàn nhẫn của Jason còn có cái nhìn yếu đuối, mê muội của bà Compson ("Phải, họ Bascomb chúng ta đâu cần ai bố thí. Nhất lại là của một đứa con gái sa đoạ"), cái nhìn căm phẫn của Quentin ("Tôi xấu thì tôi xuống địa ngục, tôi cóc cần. Tôi thà ở địa ngục còn hơn ở bất cứ nơi nào có cái mặt cậu"), cái nhìn đau khổ, tuyệt vọng của Caddy ("Nhưng cậu chắc là không đâu. Có bao giờ có một giọt máu nóng trong lòng cậu"), cái nhìn nghiêm khắc, dũng cảm của vú già Dilsey ("Cậu Jason, cậu là người sắt đá, nếu quả cậu là con người. Ơn Chúa, tôi sống còn có tình hơn thế, dù chỉ là tình của dân da đen")... Sự phức hợp của những cái nhìn ấy một mặt vạch trần bản chất đê tiện của Jason một mặt cho thấy sự suy sụp đến tan vỡ của gia đình Compson.

Ý thức của Jason thực chất cũng là ý thức của một kẻ khùng, một kẻ quá tỉnh táo để đối phó với môi trường xung quanh mà đánh mất đi tất cả niềm tin vào cuộc đời. Jason hiểu quá rõ thảm trạng suy sụp của gia đình chứ không như mẹ hắn. Song thế giới của Jason lại là một thế giới hoàn toàn thiếu vắng giá trị nhân văn bởi vậy hắn nhìn bi kịch tan nát gia đình và sự mất mát những người thân bằng con mắt thờ ơ, lãnh cảm tới trắng trợn. Trong khi

Quentin Compson quay cuồng, hoảng hốt, tuyệt vọng khi phải đối diện với thực tại đầy đau buồn thì Jason đón nhận nó một cách bình thản thậm chí còn có phần mỉa mai, giễu cợt: "Người ta hẳn phải nghĩ thế, chứ một thằng thì khùng, một thằng khác nhảy sông tự tử còn một con bị chồng đá ra đường, những kẻ còn lại không điên sao được... Đấy, biết ngay mà, thì tôi vẫn nghĩ nhà ấy toàn những đồ điên. Bán đất để gửi anh ta đi Harvard và nai lưng ra đóng thuế cho đại học tiểu bang mà tôi chẳng hề thấy gì ngoài hai trận bóng chày" [11, tr. 326 - 327]. Lí lẽ của Jason là thứ lí lẽ ích kỉ, sặc mùi tiền. Hắn không tin vào bất cứ điều gì, với hắn ngoài tiền ra thì không còn cái gì đáng gọi là chuẩn mực: "Tôi chỉ cần có một cơ hội công bằng để lấy lại tiền của tôi. Và khi lấy lại được tiền rồi thì dù họ có muốn đem cả nhà thổ phố Beale hay

Một phần của tài liệu Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết âm thanh và cuồng nộ của w FAULKNER (từ góc độ điểm nhìn nhân vật và điểm nhìn người trần thuật) (Trang 57 - 69)