6. Bố cục của khoá luận
2.1.2. Điểm nhìn của Quentin Compson
Nếu ở điểm nhìn của Benjamin người ta bắt gặp một thế giới nội tâm lạ thường với những mảng sáng - tối quấn quện, đan xen vào nhau thì tới điểm nhìn của Quentin Compson điều ám ảnh người đọc lại là một thế giới nội tâm giằng xé trong biết bao mâu thuẫn, nghịch lí không thể giải quyết.
So với chương một, điểm nhìn thời gian ở chương hai đã lùi lại mười tám năm vào ngày cuối cùng của Quentin Compson trước khi anh tự tử tại viện đại học Harvard - ngày mùng 2 tháng 6 năm 1910. Trong một ngày ấy biết bao kí ức tràn về trong tâm trí Quentin nhưng tất cả đều hỗn loạn, chập chờn đầy hư ảo. Hiện tại - quá khứ đan xen nhau, thời gian rất khó xác định. Nếu coi "Âm thanh và cuồng nộ" giống như bản giao hưởng thuộc trường phái ấn tượng thì chương thứ hai có lẽ là nốt nhạc da diết, buồn đau nhất bởi nó được tạo nên từ trạng thái cảm xúc u uất, bế tắc của nhân vật.
Cả chương truyện là hình ảnh Quentin lang thang, thất thểu, quay cuồng trong tâm trí những ý nghĩ, day dứt chất chứa từ lâu. Ở điểm nhìn này người ta bắt gặp một trạng thái tinh thần suy nhược, đau đớn, dằn vặt với chính mình, những hình ảnh chợt hiện, chợt tan biến báo hiệu trước giờ hẹn với tử thần. Thảm trạng suy sụp của gia đình, tình yêu đầy tội lỗi với cô em gái Caddy, sự giằng xé bởi bổn phận và trách nhiệm chưa hoàn thành đã đẩy Quentin rơi vào trạng thái gần như điên loạn. Quentin trong giây phút căng thẳng nhất thực chất cũng là một dạng khùng.
Điểm nhìn của Quentin chủ yếu đặt ở quá khứ. Nếu điểm nhìn của Benjy trôi trượt tự do trên cả trục không gian và thời gian, hiện tại - quá khứ - tương lai lồng ghép vào nhau, những mảng kí ức vụn vỡ được gọi ra theo những ấn tượng và cảm giác thì điểm nhìn của Quentin quay cuồng, hỗn loạn, không có bất cứ một dấu hiệu báo trước nào: "Nếu trời xấu tôi có thể nhìn ra cửa sổ, nghĩ tới những gì ông nói về thói quen vô ích. Thời tiết như thế này mà xuống New London thì thật thú vị. Sao lại không nhỉ? Tháng của cưới xin,
của giọng nói thì thào. Nàng chạy khỏi tấm gương, khỏi làn hương ướp.
Những đoá hồng. Những đoá hồng. Ông bà Jason Richmond Compson thông báo lễ thành hôn của Những đóa hồng. Không phải các trinh nữ như cây sơn
hồng quyến rũ và thanh thản. Nếu người ta vào Harvard một năm nữa mà không đi xem đua thuyền thì sẽ được bồi hoàn. Để Jason hưởng cái đó. Cho Jason một năm Harvard" [11, tr. 118 - 119]. Chỉ trong một đoạn văn rất ngắn mà biết bao nhiêu sự kiện cùng lúc hiện về: đám cưới Caddy, tình yêu đầy tội lỗi của Quentin, sự suy sụp của gia đình,... Cứ như vậy chuỗi hồi ức của Quentin không đơn thuần dừng ở sự hỗn loạn nữa, chúng dồn đẩy, chồng chéo lên nhau tạo nên một thứ ''cuồng nộ'' mãnh liệt cuốn chặt lấy nhân vật khiến anh ta không thể định vị được phương hướng, chao đảo, ngả nghiêng giữa quá khứ và hiện tại, ám ảnh, day dứt bởi tương lai.
Dòng ý thức Quentin bị lạc vào trong mê cung quá khứ đầy vết thương, không phân tách được quá khứ ra khỏi hiện tại hiện hữu. Quá khứ dường như không phải được hồi tưởng lại mà nó vẫn đang tiếp diễn cái cuộc sống đã qua của nó với tất cả sức mạnh và áp lực, với nguyên vẹn cảm giác và trải nghiệm của nó. Cả chương truyện là những độc thoại nội tâm không đầu, không cuối, nhảy cóc từ thời điểm này sang thời điểm khác, không có mối dây liên hệ về mặt logic với nhau chứng tỏ một tâm thần bất an, nhiều đau đớn, khắc khoải. Quentin như siêu thoát khỏi thế giới thực tại mà anh ta đang sống để chìm sâu vào những ẩn ức không thể nào hoá giải. Trong thế giới của Quentin chẳng có bất cứ một ngáng trở nào giữa hiện tại và quá khứ. Điểm nhìn lúc này đặt ở hiện tại nhưng ngay sau đó có thể chuyển về quá khứ mà không cần bất cứ một dấu hiệu vật chất nào gợi mở: "Spoade mặc áo sơ mi, phải thế thôi. Khi tôi có thể thấy lại cái bóng của mình nếu không chú ý lừa nó xuống nước tôi sẽ lại dẫm lên cái bóng không thấm nước ấy. Nhưng không có em gái. Lẽ ra
tôi không làm điều đó. Tôi không muốn con gái tôi bị theo dõi. Lẽ ra tôi
không.
Làm sao tôi có thể điều khiển được chúng khi lúc nào ông cũng dạy chúng không tôn trọng tôi và những ý muốn của tôi tôi biết ông coi thường họ
hàng nhà tôi nhưng đấy không phải là lí do để ông dạy các con tôi con của chính tôi mà tôi mang nặng đẻ đau không tôn trọng tôi. Dẫm các lóng xương
của bóng tôi xuống mặt bêtông bằng những gót chân tàn nhẫn và rồi tôi nghe thấy tiếng đồng hồ, và tôi sờ lá thư qua lần áo khoác"[11, tr. 142].
Những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình ám ảnh dòng kí ức của Quentin. Chúng giống như những mảnh vỡ nằm rải rác trong vùng mờ quá khứ, thoáng ẩn thoáng hiện nhưng lúc nào cũng nhức nhối, day dứt và không thể bị vùi chôn. Quá khứ và hiện tại luôn song hành dưới điểm nhìn Quentin. Có những lúc hiện tại như ngưng đọng hoàn toàn để cho quá khứ mặc sức chảy trôi, sống luôn cho cái đời sống hiện tại. Mê cung quá khứ trở thành mãnh lực vô hình níu chặt bước chân Quentin. Nó chịu khúc xạ do ý định mãnh liệt về cái chết trong hiện tại, phân tán ra thành những lực tương tác đối nhau, xung đột nhau vừa níu giữ vừa dồn đẩy quyết định cuối cùng của nhân vật. Bi kịch lớn nhất của quá khứ là bi kịch về sự suy tàn không thể cứu vãn của gia đình, của thời đại mà Quentin đang sống và cảm nhận sâu sắc hơn ai hết. Nhìn vào gia phả dòng họ Compson có thể thấy đây vốn là dòng họ giàu có với lịch sử tồn tại lâu đời. Nhưng càng về sau gia đình Compson càng trở nên sa sút và đến thế hệ Quentin thì sự suy tàn là điều bất khả. Không khí nặng nề, u ám, mùi của ốm đau, chết chóc trong gia đình vốn đã xuất hiện nhiều lần suốt dòng ý thức của Benjy thì nay tiếp tục trở lại đầy day dứt, ám ảnh trong độc thoại nội tâm của Quentin. Tiếng nói của người mẹ (bà Compson) luôn vang vọng trong đầu Quentin, nó thể hiện rất rõ cái thảm kịch đổ vỡ của gia đình: "Tôi đã làm gì để phải có những đứa con như thế Benjamin chưa đủ là hình phạt hay sao mà bây giờ lại đến nó không cần biết tới tôi đến mẹ đẻ của nó tôi khổ sở vì nó ước ao lo lắng hi sinh cho nó đến mòn mỏi thân tôi mà chưa bao giờ kể từ khi nó mở mắt tới nay nó thực lòng nghĩ đến tôi một đôi lần tôi nhìn nó mà tự hỏi liệu nó có phải là con tôi hay
không chỉ có thằng Jason là chưa khi nào làm tôi buồn khổ..." [11, tr. 152]. Đoạn văn không có một dấu chấm, dấy phẩy, tự nó đã biểu hiện một tâm trạng đầy phẫn nộ. Xung đột gia đình càng lúc càng căng thẳng trở thành mối day dứt thường trực trong tâm trí Quentin khiến anh quay cuồng, chao đảo. Quentin luôn bị dằn vặt bởi niềm kì vọng quá lớn mà cha mẹ dành cho mình. Để có tiền cho Quentin vào học tại viện đại học Harvard, gia đình Compson đã phải bán đi cánh đồng cỏ của Benjy. Hình ảnh cánh đồng cùng bổn phận quá lớn - gìn giữ và làm vẻ vang cho dòng họ Compson lúc nào cũng ám ảnh Quentin: "Ta hãy bán cánh đồng cỏ của Benjy để Quentin được đi học Harvard và có lẽ tôi đập những lóng xương tôi vào nhau. Tôi sẽ chết trong. Một năm nữa kia à Caddy nói. Shreve có một chai trong trong vali của nó. Thưa ngài tôi không cần rượu của Shreve tôi đã bán cánh đồng cỏ của Benjy và tôi có thể chết ở Harvard Caddy nói trong các hang động của biển nhẹ nhàng ngã nhào xuống những đợt sóng triều bởi vì Harvard là một âm thanh quá đẹp bốn chục mẫu để mua lấy một âm thanh đẹp. Một âm thanh đẹp đẽ vô hồn ta sẽ đổi đồng cỏ của Benjy lấy một âm thanh đẹp đẽ vô hồn"[11, tr. 252]. Chỉ có một độc thoại ngắn mà người ta đã thấy có rất nhiều giọng nói vang lên, đan xen vào nhau tạo nên một thứ âm vang đầy hỗn loạn: có giọng của Quentin, của ông bà Compson, của Caddy. Mỗi giọng nói lại đặt ở những thời điểm khác nhau: quá khứ - hiện tại - tương lai chồng chéo, mù mờ. Xuyên suốt toàn bộ chương hai, người đọc liên tục bắt gặp những màn độc thoại nội tâm kiểu như vậy: rất nhiều tiếng nói vang lên tương ứng với nhiều khoảng thời gian mà không có bất cứ một dấu hiệu ngữ pháp nào phân biệt. Nó cho thấy dòng tâm tư của Quentin chịu sự tác động quá mạnh của những hồi ức, liên tưởng. Thời gian đồng hiện với hiện tại và quá khứ song hành, giữa chúng không cần có sợi dây nối kết. Hiện tại dường như chỉ là ảo ảnh, quá khứ mới là cái đang thực sự sống trong tâm tưởng Quentin: "Tôi bỏ đi. Rồi tôi
nhìn lại. Nó đi sau tôi. "Em ở đường này à?" Nó chẳng nói gì. Nó đi cạnh tôi, gần như ngay dưới khuỷu tay tôi và vẫn ăn. Chúng tôi đi tiếp. Xung quanh
yên tĩnh, hầu như không một bóng người đầy mùi kim ngân hỗn độn. Lẽ ra em
phải bảo tôi đừng để mặc tôi ngồi yên trên thềm nhà nghe tiếng cửa em đóng sầm lúc hoàng hôn nghe tiếng Benjy vẫn khóc. Bữa tối lẽ ra em phải xuống để mùi kim ngân hỗn độn trộn đầy trong đó Chúng tôi đến góc phố" [11, tr. 188].
Quentin hiểu sâu sắc hơn ai hết tình trạng sa sút của gia đình, sự suy tàn của một dòng họ quý tộc tiếng tăm và những nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi thảm trạng ấy của ông bà Compson cho nên trong độc thoại của Quentin người đọc vẫn bắt gặp những suy tư đầy chua chát, xót xa.
Nhưng bi kịch gia đình cũng lại là yếu tố trì níu anh ta: mẹ ốm, bố sắp chết, Benjy không có người trông nom, lời cầu xin của Caddy về việc lo lắng cho gia đình vang lên như một điệp khúc day dứt khiến Quentin luôn phải đấu tranh giữa khát vọng tự giải thoát với bổn phận và trách nhiệm: "Anh sẽ trông nom Benjy và bố chứ?" [11, tr. 156], "anh thấy không bây giờ anh phải học cho xong nếu anh không học xong bố sẽ không có gì cả" [11, tr. 181], "Chỉ một năm nữa là bố chết họ bảo thế nếu ông không bỏ rượu và ông không bỏ ông không thể bỏ bởi vì anh từ mùa hè năm ngoái và rồi họ sẽ gửi Benjy đi Jackson anh không thể khóc thậm chí không thể khóc nổi một thoáng em đứng trong khuôn cửa lát sau nó kéo em ra và rống lên giọng nó dội đi dội lại giữa các bức tường thành từng đợt sóng và em đứng nép vào tường thu mình nhỏ lại, nhỏ lại khuôn mặt trắng bệch và đôi mắt như bị hai ngón tay thọc vào cho đến khi nó đẩy em ra khỏi phòng giọng nó dội đi dội lại như thể chính động năng của cái giọng không cho ngừng như thể không có chỗ cho cái giọng ấy trong im lặng nó rống lên" [11, tr. 182]. Mọi suy nghĩ của Quentin ngay từ đầu đã luôn bị ám ảnh bởi cái chết nhưng nếu chỉ căn cứ vào đó mà kết luận rằng dưới cái nhìn của Faulkner cái chết là sự cứu cánh cho mọi bế
tắc, tuyệt vọng, rằng chỉ khi thoát khỏi mọi ràng buộc, trách nhiệm, cắt đứt mọi sợi dây liên hệ với cuộc đời con người mới tìm được sự thanh thản và được là chính mình thì có phần vội vàng. Cái chết trong ý nghĩ Quentin dù hiện hình như một thứ định mệnh bất khả nhưng vẫn có những tia sáng mong manh từ hiện tại níu giữ anh ta. Khát vọng sống cưỡng lại một cách vô thức mở ra khoảng xung đột vô hình trong trái tim: xung đột giữa sống và chết, giữa tồn tại hay không tồn tại: "Tôi trở lại hành lang, đánh thức những bước chân lạc lõng của những đoàn quân thì thầm trong im lặng, vào trong mùi xăng, chiếc đồng hồ giận dữ, dối trá trên mặt bàn tối tăm. Rồi tấm màn thở ra khỏi bóng tối trên mặt tôi, để lại hơi thở trên mặt tôi. Mười lăm phút nữa. Và rồi tôi sẽ không tồn tại. Những lời êm ái nhất. Lời êm ái nhất. Non fui. Sum. Fui. Nomsum. Tôi đã nghe những tiếng chuông một lần ở đâu đó. Mississipi hay Massachusetts. Tôi đã tồn tại. Tôi không tồn tại" [11, tr. 251]. Quentin trước sau vẫn là một tâm hồn tội nghiệp, luôn day dứt với bản thể, khát khao được là chính mình nhưng khát vọng dù lớn đến đâu cũng không thoát khỏi vòng xoay của định mệnh. Hoàn cảnh buộc anh ta phải sống khác với những gì anh ta mong muốn, thời đại buộc anh ta phải nhập cuộc. Quentin không thích nghi nổi với cuộc sống đầy áp lực và ám ảnh nên sớm rơi vào tình trạng khủng hoảng, suy nhược về tinh thần.
Anh ta còn không thể nào thoát khỏi tình yêu với cô em gái Caddy và mặc cảm về tội loạn luân mơ hồ. Hình ảnh Caddy được tái hiện cùng với ám ảnh đầy tội lỗi của Quentin. Anh ta thừa nhận là đã yêu em gái mình tới mức phải tự tử và coi đó là hình phạt đời đời kiếp kiếp dành cho những kẻ mắc tội loạn luân. Từ góc nhìn của phân tâm học, đó là hiện tượng tâm lí bình thường của những người đồng huyết mà nếu gọi theo thuật ngữ phân tâm học thì đó là mặc cảm Oedipus nhưng với một sinh viên năm thứ nhất đại học được nuôi dưỡng trong gia đình quý tộc và sùng đạo như gia đình Compson thì nhân vật
này không thể lí giải nổi tại sao lại có những cảm giác đầy tội lỗi ấy khi mà những ám ảnh tính dục lại được nguỵ trang dưới hình ảnh em gái mình. Những ghen tuông, điên giận luôn giày vò tâm trí Quentin khiến anh ta phải đau đớn, dằn vặt. Khi Caddy quyết định lấy Herbert, Quentin đã nói bằng giọng đầy van vỉ: "Tại sao em lại phải lấy chồng hả Caddy?" [11, tr. 178], "thằng đê tiện ấy Caddy, một thằng bịp bợm, một tên vô lại Caddy à, hắn đã bị khai trừ ra khỏi câu lạc bộ vì cờ bạc bịp được gừỉ đến Conventry bị bắt quả tang gian lận giữa kì thi và bị đuổi" [11, tr. 180]. Anh ta thậm chí đã đánh nhau với Dalton Ames để bảo vệ Caddy: "Tôi đánh hắn bằng bàn tay tôi xoè ra nhằm thẳng mặt hắn" [11, tr. 233].
Trong tâm hồn Quentin, Caddy là biểu tượng của ánh sáng, của sự trinh trắng và thuần khiết nhưng lại quá đỗi mong manh, đầy mất mát, đổ vỡ và buồn đau. Quentin yêu Caddy chính là yêu sự trinh trắng, thuần khiết đó. Nếu như trong nhân vật triết gia Quentin, ta thấy thấp thoáng hình ảnh của Chúa Jesus - người luôn khát khao cái đẹp toàn thiện, toàn mĩ thì ở nhân vật Caddy ta lại thấy thấp thoáng hình ảnh của đức mẹ Đồng trinh. Cho nên có thể suy rộng ra rằng nỗi đau của Quentin là không đơn thuần là ám ảnh về tội loạn luân như anh ta nghĩ mà là sự không còn trinh trắng của Caddy, hình tượng về ánh sáng và sự thuần khiết đã bị vấy bẩn và sụp đổ. Nỗi đau của Quentin, sự điên dại của Benjy chính là nỗi đau trong nội tâm của một thế hệ đánh mất thiên đường, tan vỡ niềm tin nơi Đấng cứu thế mà nói như Nietzsche thì đó là "ám ảnh tội lỗi của thời đại mất Chúa".