Trần Văn Lài và cộng sự (1993) đã mô tả một số đặc điểm hình thái của 5 giống vừng, các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến vừng và các biện pháp kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh cho cây vừng.
Nghiên cứu về cây vừng ở Việt Nam và nhất là ở Nghệ An được chú ý hơn khi tập đoàn Kodoya của Nhật Bản đã có những hợp đồng thu mua vừng của Việt Nam, mở ra một thị trường mới cho cây vừng Việt Nam nói chung và cây vừng của tỉnh Nghệ An nói riêng. Trong 2 năm 1994 và 1995, Nguyễn Vy và các cộng sự ở viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, viện nghiên cứu dầu thực vật, viện thổ nhưỡng nông hoá, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An đã tiến hành 4 vụ khảo nghiệm các giống địa phương của Việt Nam cùng với một số giống nhập nội và đi đến kết luận các giống địa phương vừa có năng suất thấp vừa không đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu. Trong quá trình khảo nghiệm một số giống nhập nội, bước đầu các nhà khoa học đã chọn được một số giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng được những yêu cầu xuất khẩu trong đó có giống vừng V6 (hạt màu trắng) và giống vừng V36
(hạt màu đen) có nguồn gốc từ Nhật Bản được xem là giống có nhiều triển vọng. Giá trị kinh tế của vừng V6 và một số cây trồng khác khi canh tác trên các loại đất như đất cát ven biển, đất bạc màu, đất bạc màu cổ, đất phù sa đã được so sánh và các tác giả đã đi đến kết luận trên những vừng đất bạc màu hoặc đất cát ven biển thì vừng là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhất.
Trong lĩnh vực điều tra chọn giống, vào năm 1995, đứng trước một thực tiễn là giống vừng V6 có hiện tượng phân ly mạnh khi được gieo trồng trên đất cát ven biển Nghệ An, Phan Bùi Tân và cộng sự đã tiến hành một chương trình chọn lọc các kiểu hình biến dị có năng suất cao, đã chọn và nhân ra được một dòng có năng suất cao hơn giống vừng V6 và đặt tên là giống V6-CL. Đây có lẽ là
công trình điều tra tuyển chọn giống cây vừng duy nhất trên địa bàn Nghệ An từ trước tới nay được công bố.
Về sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cây vừng, từ năm 1997 đến năm 2001, Trung tâm khuyến nông - Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã phối hợp với viện Phốt Phát và Bồ Tạt Canada (Potash & Phosphate
Institute of Canada) tiến hành dự án nghiên cứu dự án mang tên “Balanced
fertilization for maximum economic yield in sesame-based cropping sytems on marine sandy soils in Nghe An province”. Kết quả nghiên cứu của dự án cho thấy với tỷ lệ bón N - P2O5 - K2O là 195 - 165-180 kg/ha kết hợp với phân chuồng sẽ cho sản lượng cao nhất và chất lượng hạt vừng tăng đáng kể. Cũng theo kết quả nghiên cứu của công trình này thì nếu cây vừng luân canh với lạc và ngô thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và cải thiện đáng kể hàm lượng chất hữu cơ trong đất.
Chương 2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1.Địa điểm và thời gian nghiên cứu
- Địa điểm: tại Trại thực nghiệm Nông nghiệp, khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại Học Vinh (xã Nghi Phong - huyện Nghi Lộc - tỉnh Nghệ An).
- Thời gian nghiên cứu: vụ Xuân 2010 (16/03/2010 - 05/07/2010).