Phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản

Một phần của tài liệu phát triển bền vững kinh tế biển ở kiên giang (Trang 34 - 38)

5. Kết cấu:

2.2.2. Phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản

Với lợi thế đường bờ biển dài trên 200km từ Hà Tiên đến Rạch Tiểu Dừa qua các huyện như Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, TP Rạch Giá và có trên 140 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích mặt nước biển trên 64.000 km2 với các quần đảo như: Quần đảo Bà Lụa, huyện Kiên Hải, Quần đảo Hải Tặc thị xã Hà Tiên, Quần đảo An Thới huyện Phú Quốc, Quần đảo Nam Du với lợi thế như vậy

rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển đặc biệt là nuôi thủy sản. Thực hiện Quyết định số 03/QĐ-UBND, ngày 03 tháng 1 năm 2003 “v/v phê duyệt Đề án Quy hoạch nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo tỉnh Kiên Giang đến năm 2010”. Dựa trên lợi thế và tiềm năng tỉnh đã tập trung các nguồn lực để khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, bãi triều ven biển, đảo vào nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường trong khu vực và thế giới góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm nâng cao đời sống cư dân ven biển.

Tỉnh hiện đang tập trung đầu tư các hướng khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước các bãi triều, eo vịnh ven biển, quanh các đảo vào nuôi thủy sản mặn, lợ như: Nuôi thủy sản mặn, lợ ở các loại hình mặt nước phù hợp những vùng ven biển, ven đảo trên cơ sở tổ chức nhiều mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương; Phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ vùng ven biển, bãi triều theo hướng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, quảng canh cải tiến; Quản lý tốt môi trường nguồn nước, thức ăn, con giống đảm bảo sản xuất sản phẩm sạch; Đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là những mặt hàng có giá trị kinh tế gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hiện nay, người dân vùng biển tỉnh Kiên Giang đang tập trung nuôi cá lồng bè trên biển với các loài như: cá bớp, cá mú, cá cam, cá hường bạc, tôm hùm… tại các khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (thị xã Hà Tiên) và quanh đảo Phú Quốc. Mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh đạt 1.500 lồng bè, với thể tích nuôi 150.000 m³, sản lượng 3.000 tấn và năm 2020 là 3.000 lồng bè, thể tích nuôi 300.000 m³, sản lượng 6.000 tấn. Đối với loại hình nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ như: sò huyết, sò lông, hến… các khu vực nuôi tập trung ở vùng ven biển, vùng biển cạn gần bờ thuộc các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Mục tiêu đến năm 2015 diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 14.700 ha, sản lượng 37.340 tấn và năm 2020 là 15.700 ha, sản lượng 45.560 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển một số thủy sản có giá trị cao như cua biển, ốc hương, ngọc trai, tu

hài… ở các huyện ven biển, 2 huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và xã đảo Tiên Hải (thị xã Hà Tiên).

Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND, ngày 5 tháng 11 năm 2008 “v/v ban hành quy định giao mặt nước biển đối với các tổ chức, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.

Tỉnh thực hiện chính sách giao đất, mặt nước khu vực ven biển, ven đảo cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình thuê nuôi thủy sản ổn định, lâu dài; đầu tư đường giao thông, lưới điện, đặc biệt là cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu nguồn giống thả nuôi, nhằm giúp ngư dân chủ động trong nuôi thủy sản ven biển, hải đảo.

Ngoài sử dụng lồng bè truyền thống kết hợp với cải tiến để giảm chi phí, tỉnh còn khuyến cáo ngư dân ứng dụng công nghệ làm lồng nổi Nauy có khả năng chịu sóng gió cấp 7, cấp 8 khi nuôi cá lồng bè trên biển, sử dụng thức ăn công nghiệp vừa giảm áp lực khai thác nguồn cá tự nhiên làm thức ăn, vừa giảm ô nhiễm môi trường nước; liên kết, hợp tác quốc tế để tranh thủ vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; Xây dựng thương hiệu cho một số đối tượng nuôi chủ lực như: cá bốp, cá mú, ốc hương… gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngư dân vay vốn nuôi thủy sản, tỉnh đã huy động nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế trên cơ sở tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách ưu đãi ổn định và lâu dài, đảm bảo Phát triển bền vững. Cùng với đó, ngân sách địa phương tập trung thực hiện các dự án quy hoạch, đầu tư khoa học - công nghệ, trang thiết bị cho phát triển nuôi thủy sản, sản xuất con giống, khu chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ hậu cần nghề biển

Tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản tương đối đa dạng, song chủ yếu là kinh tế hộ gia đình và trang trại với khoảng 705 trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn có các thành phần kinh tế khác như các doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã. Tính đến tháng 06/2009, toàn tỉnh chỉ có 03 hợp tác xã thủy sản, với tổng vốn điều lệ

785 tỷ đồng, tổng số xã viên khoảng 54 người; và 01 tổ hợp tác nuôi sò tại An Minh (nguồn: Liên Minh HTX Kiên Giang). Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức, quản lý, mở rộng dịch vụ, phát triển thêm ngành nghề, làm đầu mối tiếp nhận chương trình chuyển giao kỹ thuật và các nguồn vốn phục vụ trực tiếp cho kinh tế hộ gia đình, tham gia tích cực vào việc cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tổ hợp tác, hợp tác xã thủy sản theo phương thức cộng đồng cùng quản lý, vừa góp phần bảo vệ tốt môi trường, hạn chế ô nhiễm, vừa tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng ven biển, hải đảo. Tổ chức nuôi thủy sản theo hướng áp dụng những quy trình nuôi sạch, quy phạm thực hành nuôi tốt, quy tắc nuôi có trách nhiệm… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì lợi ích và sức khỏe cộng đồng.

Nhìn chung kinh tế thủy sản trong những năm trở lại đây có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt Tỉnh ủy đã sớm ban hành Nghị quyết 05 “về chiến lược phát triển vùng biển, hải đảo và ven biển của tỉnh đến năm 2010”. Từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết; kinh tế biển nói chung, thủy sản nói riêng của tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển và hải đảo cả về sản lượng và giá trị không ngừng gia tăng; huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển so với các năm trước đạt khá cao; Hệ thống cảng, bến cá được đầu tư mạnh từ tuyến đảo cho đến đất liền; nhiều dự án lớn như: Khu vườn tổng hợp nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao biển đảo Phú Quốc (đã thông qua quy hoạch tỷ lệ 1/500); hàng năm từ 150-200 tàu được đầu tư đóng mới; nhiều dự án nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá lồng bè trên biển được triển khai...

Tóm lại, nuôi trồng thủy sản của tỉnh giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm đến năm 2012, tổng số lao động thường xuyên trong 3 lĩnh vực của ngành thủy sản là 163.718 người, trong đó: 83.000 lao động ngành khai thác, 72.718 lao động nuôi trồng và 8.000 lao động chế biến thủy sản. Cơ cấu lao động trong nội bộ ngành đang chuyển dịch theo hướng giảm lao động khai thác và chế biến, tăng lao động

lĩnh vực nuôi trồng. Tận dụng mặt nước ven biển và đảo để nuôi thủy sản tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm tổn thất nguồn lợi thủy sản do khai thác, tăng tính chủ động trong việc cung ứng thủy sản cho tiêu thụ và xuất khẩu. Bên cạnh đó cần giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng thủy sản đem tiêu thụ, cung ứng kịp thời nguồn vốn, thức ăn và con giống để nông dân yên tâm sản xuất. Đó là những vấn đề mà các cấp lãnh đạo cần quan tâm và thực hiện tốt để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu phát triển bền vững kinh tế biển ở kiên giang (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)