3.2.1.1. Giải pháp phát triển thị trường sơ cấp
a) Xây dựng hệ thống pháp lý hiệu quả khuyến khích phát hành trái phiếu
Bên cạnh các hình thức huy động vốn như vay Ngân hàng, phát hành cổ phiếu…, để đáp ứng nhu cầu về vốn ngày càng lớn của các DN trong thời kỳ hội nhập thì việc tài trợ vốn qua kênh phát hành trái phiếu có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa thật sự hoàn thiện, đồng bộ và chặt chẽ nên chưa thu hút sự quan tâm đáng kể từ phía các DN. Do đó trong thời gian tới, cần tiếp tục khắc phục những hạn chế trong khung pháp lý, đơn giản hóa các tiêu chuẩn niêm yết trái phiếu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN phát hành trái phiếu ra công chúng. Bên cạnh đó, cũng cần có một số biện pháp cụ thể để khuyến khích DN củng cố và nâng cao hình ảnh, uy tín, thương hiệu nhằm tiếp cận dễ dàng hơn với các NĐT. Chính sách tín dụng của NHNN cũng có tác động rất lớn đến việc lựa chọn hình thức huy động của các DN, qua đó cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường sơ cấp. Nếu NHNN thực hiện chính sách mở rộng tín dụng thì sẽ không khuyến khích DN phát hành trái phiếu vì khi đó khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng rất dễ dàng và không mất nhiều chí phí. Mặt khác, cần phải thực hiện một cách triệt để việc tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng thực sự cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ngay cả trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng mà điều trước tiên là phải hạn chế bớt các kênh bao cấp tín dụng, giảm bớt việc khoanh xóa nợ cho những đối tượng không thuộc chính sách, tránh tình trạng DN trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách, tín dụng ưu đãi và sự bảo lãnh của nhà nước. Trong thời gian đầu xây dựng và phát triển thị trường, cần có chế độ miễn giảm các loại thuế, phí và lệ phí phát hành (như miễn, giảm thuế thu nhập DN, phí lưu ký, phí niêm yết…) đối với các tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng.
b) Nâng cao hoạt động kế toán – kiểm toán
– kiểm toán, để nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, tạo tâm lý yên tâm cho các NĐT. Việc từng bước hoàn thiện hệ thống kế toán – kiểm toán, tạo một khung pháp lý chuẩn cho hoạt động kế toán – kiểm toán là vấn đề có ý nghĩa tác động rất tích cực đối với sự phát triển của TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Một hệ thống kế toán – kiểm toán hoàn chỉnh còn là một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho việc chuyển từ chế độ quản lý theo chất lượng sang chế độ quản lý theo công bố thông tin đầy đủ trong tương lai, khi kiến thức và kinh nghiệm của các nhà đầu tư về TTCK được nâng cao. Để thực hiện được vấn đề này, cần tiến hành một số công việc cụ thể như sau:
- Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế và được quốc tế công nhận, làm cơ sở cho việc ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính được các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF và nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận.
- Hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và được quốc tế công nhận làm cơ sở cho các kiểm toán viên kiểm tra tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, phục vụ các tổ chức tài chính và nhà đầu tư nước ngoài.
- Phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty dịch vụ kế toán – kiểm toán trong nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các công ty kiểm toán nước ngoài hoạt động một cách bình đẳng với công ty kiểm toán trong nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các công ty trong nước nâng cao chất lượng và tiếp cận kinh nghiệm cũng như kỹ năng kiểm toán quốc tế để có thể nhanh chóng hội nhập với hoạt động kiểm toán quốc tế.
- Hoàn thiện các quy trình đào tạo, thi tuyển, đăng ký hành nghề kế toán – kiểm toán, tăng cường quản lý hoạt động, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
c) Đa dạng hóa các loại trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu DN phát hành trong thời gian qua còn tương đối đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của NĐT. Việc đa dạng hóa các hình thức trái phiếu có ý nghĩa rất quan trọng, do nó có khả năng khai thác tối đa mọi nguồn vốn trong xã hội, mở ra nhiều hình thức trái phiếu cho các NĐT lựa chọn để phù hợp với từng điều kiện nhất định và làm phong phú về hàng hóa cho TTCK. Để tăng tính hấp hấp dẫn của trái phiếu, DN có thể lựa chọn phát hành trái phiếu dưới các hình thức như: trái phiếu đa thời hạn (là trái phiếu có nhiều ngày đáo hạn khác nhau tính từ ngày phát hành đến thời hạn lưu hành cuối
cùng của trái phiếu), trái phiếu chiết khấu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có lãi suất đảm bảo bằng vàng hay lãi suất thực được đảm bảo dương trong trường hợp lạm phát cao… Với trái phiếu chuyển đổi, sau một thời gian xác định, loại trái phiếu này được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu với một tỷ lệ nhất định. Khi đó, cơ cấu vốn của DN sẽ thay đổi từ nợ sang vốn chủ sở hữu, các trái chủ sẽ được chuyển đổi thành cổ đông và được quyền hưởng các thu nhập thặng dư của DN trong kinh doanh. Ngoài ra, DN còn có thể phát hành trái phiếu thanh toán từng phần - là loại trái phiếu mà DN thực hiện thanh toán từng phần nợ của trái phiếu theo thời gian. Loại trái phiếu này sẽ tăng thêm độ an toàn cho người sở hữu trái phiếu. Hoặc DN cũng có thể phát hành trái phiếu kèm quyền mua cổ phiếu với giá ưu đãi.
3.2.1.2. Giải pháp phát triển thị trường thứ cấp
a) Xây dựng hệ thống giao dịch hệ thống giao dịch chuyên biệt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tính chất của giao dịch trái phiếu khác với giao dịch cổ phiếu. Phương thức giao dịch trái phiếu thường thiên về thỏa thuận chứ không phải khớp lệnh. Người sử dụng hệ thống thường là NĐT cuối cùng, vì vậy nhu cầu thỏa thuận trực tiếp là rất cao. Hệ thống thường pha trộn giữa hệ thống thỏa thuận với hệ thống tra cứu thông tin có kèm các công cụ phân tích. Thông thường, nếu không đáp ứng được yêu cầu này, hệ thống sẽ không phát huy hiệu quả. Sự pha trộn giữa giao dịch trái phiếu và giao dịch cổ phiếu như hiện nay sẽ cản trở sự phát triển của giao dịch trái phiếu và làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Do đó, cần phải xây dựng một hệ thống giao dịch chuyên biệt và hiệu quả cho thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPDN nói riêng để tăng tính thanh khoản của thị trường. Đây là việc làm hết sức cần thiết, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế và những cải cách trong từng giai đoạn phát triển của thị trường vốn, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường vốn Việt Nam trong những năm tới.
b) Phát triển thị trường phi tập trung (OTC)
Bên cạnh thị trường giao dịch tập trung, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ chế cho hoạt động của thị trường giao dịch phi tập trung (OTC). Đây là thị trường giao dịch những chứng khoán chưa niêm yết hoặc chưa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường tập trung. TPDN đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, ngoài việc được niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán còn được giao dịch trên thị trường OTC, giá cả và khối lượng giao dịch đều được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh trái phiếu. Đối với
các loại TPDN chưa đáp ứng được các điều kiện để được niêm yết giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ được giao dịch mua bán trên thị trường OTC, ở đây TPDN được mua bán trực tiếp giữa các công ty chứng khoán, NĐT và chủ sở hữu trái phiếu. Vì vậy, việc phát triển thị trường giao dịch phi tập trung cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế hoạt động cho thị trường này đã trở thành nhu cầu cấp thiết hiện nay. Thực tế trong thời gian qua, quy mô thị trường OTC đã có sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị giao dịch lẫn số lượng DN tham gia, một phần vì tâm lý e ngại giao dịch trên sàn chính thức của các DN, một phần vì hầu hết DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên chưa đủ điều kiện niêm yết trên thị trường tập trung. Tuy nhiên, thị trường OTC vẫn chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, vì vậy quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư vẫn chưa được đảm bảo và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy cần phải có những chính sách nhằm phát triển thị trường OTC một cách hợp lý.
c) Phát triển các định chế tài chính trung gian, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nhà tạo lập thị trường
Theo kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, muốn phát triển mạnh mẽ thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPDN nói riêng, điều đặc biệt quan trọng là phải phát triển các NĐT có tổ chức, bao gồm các công ty chứng khoán, NHTM, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… Đối với các NĐT cá nhân, việc mua TPDN thường nhằm mục đích chủ yếu là hưởng lãi ổn định, nhu cầu mua bán rất ít. Đối với các NĐT có tổ chức, việc mua bán trái phiếu còn có mục đích tăng khối lượng quản lý tài chính hoặc tài sản trong danh mục đầu tư. Thông qua hoạt động kinh doanh của mình, các NĐT có tổ chức đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, nâng cao tính thanh khoản và thúc đẩy hoạt động thị trường thứ cấp phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm phát triển các NĐT có tổ chức, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành các quỹ đầu tư. Đặc biệt, cần tập trung phát triển các định chế tài chính phi ngân hàng như các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty đầu tư, phát triển thêm nhiều loại hình quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ (quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, công ty quản lý quỹ công chúng và công ty quản lý quỹ thành viên).
Để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của thị trường, đặc biệt là các đợt phát hành trái phiếu, cần thiết phải xây dựng một hệ thống bao gồm các nhà phân phối chính và những khách hàng lớn tham gia đấu thầu phát hành. Đối với thị trường TPDN thì các định chế tài chính trung gian đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển thị trường. Sự có mặt của các tổ chức này
góp phần quan trọng trong việc tạo ra cung chứng khoán thông qua hoạt động tư vấn, hỗ trợ hoặc bảo lãnh cho nhà phát hành. Mặt khác các định chế tài chính trung gian còn thúc đẩy cầu chứng khoán thông qua chức năng quản lý vốn và tư vấn đầu tư cho các tổ chức và cá nhân, nhất là các NĐT nhỏ và ít hiểu biết. Trong tương lai, các định chế tài chính như công ty tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, các NHTM sẽ là những nhà đầu tư lớn và là những thành viên tham gia thường xuyên trên thị trường thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu. Vì vậy các định chế tài chính này phải không ngừng được hoàn thiện, ngày càng chuyên nghiệp hóa.