Một số giá trị trong quan niệm “trung”,“nghĩa” của Ngô Thì Nhậm

Một phần của tài liệu Tư tưởng của ngô thì nhậm về trung nghĩa (Trang 68 - 71)

Ngô Thì Nhậm có sự nhất quán giữa tư tưởng, đạo đức và hành động. Sự nhất quán đó là một chủ nghĩa yêu nước kết hợp với quan điểm thân dân được nhận thức như là quy luật và đạo đức cơ bản của người trí thức Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Từ sự nhất quán và tư tưởng cơ bản ấy, Ngô Thì Nhậm đã suy nghĩ, hành động và trước tác để đạt đến những đỉnh cao tư tưởng mà không một nhà trí thức nào ở thế kỷ XVIII đạt được. Những giá trị của ông được thể hiện cả trên bình diện lý thuyết và thực tiễn.

Giá trị về mặt lý luận: Tư tưởng trung nghĩa của Ngô Thì Nhậm thực sự trở thành một trong những nội dung căn bản trong hệ thống tư tưởng của ông. Nó đã trở thành cái cốt lõi để ông triển khai những tư tưởng khác và đã trở

thành tư duy để ông triển khai những công việc cần thiết để hoàn thành những hoài bão lớn lao của mình. Những tư tưởng này được Ngô Thì Nhậm nhận thức và dần chuyển biến theo thời gian dưới sự tác động của những biến cố chính trị và cũng từ đó cho ta cách nhìn rõ nhất về những giá trị tư tưởng của ông để lại.

Ngô Thì Nhậm là một nhà Nho, trí thức của xã hội nhưng ông đã vượt lên trên hoàn cảnh xã hội, vượt lên những hạn chế cố hữu của Nho giáo để có những bước đi đúng trong sư nghiệp của mình. Ngô Thì Nhậm cho “trung hiếu, phải thể hiện hành động, không thể nói suông, không thể lấy trung hiếu làm chiêu bài để thực hiện một âm mưu khác” [58, tr.478]. Hơn thế, tư tưởng về trung của Ngô Thì Nhậm được coi là hiện tượng khi ông tham gia phong trào Tây Sơn để trung với vua hiền, đứng trên lập trường dân tộc vì đất nước, Tổ quốc. Như vậy, chúng ta có thể thấy Ngô Thì Nhậm đã phát triển tư tưởng của mình về trung nghĩa có tính sáng tạo, tiến bộ hơn Nho giáo.

Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về nội dung này đã góp phần làm phong phú hệ thống lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Ngô Thì Nhậm là một thiên tài, những sáng tác của ông hết sức đa dạng và vô cùng phong phú. Nó cho chúng ta thấy khả năng tuyệt vời của ông, để từ đó có thể truyền tải hết được tâm tư nguyện vọng, tình cảm của ông trọng mọi hoàn cảnh. “Nhận thức của Ngô Thì Nhậm về xã hội đương thời và quan niệm của ông về con đường và biện pháp để giải quyết mâu thuẫn, bế tắc có tính chất tích cực. Nhưng điều kiện khách quan không cho phép” [58, tr.466].

Trong thời biến cố của lịch sử nước ta khi đó, tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về nội dung nêu trên hiện khác so với những nhà Nho đương thời, nó có ý nghĩa tích cực vào việc đưa nước ta thoát khỏi nội chiến, giành thắng lợi giặc ngoại xâm. “ Hơn hai trăm năm đã trôi qua kể từ ngày Ngô Thì Nhậm qua đời. Giờ đây, công lao, sự nghiệp của ông không chỉ được lịch sử ghi nhận mà tư tưởng của ông cùng với những tư tưởng thiên tài khác của dân tộc

Việt Nam vẫn chói sáng và có giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay” [10, tr.372]. Rõ ràng những tư tưởng của Ngô Thì Nhậm có tác động không nhỏ tới lịch sử phát triển dân tộc của đất nước ta thời kỳ đó. Những tư tưởng về trung nghĩa của ông là chân giá trị, ở đó chúng ta thấy được sự đúng đắn, nhận thức một cách sâu sắc, tư tưởng đã vượt lên trên tất cả so với những nhà Nho cùng thời.

Giá trị về mặt thực tiễn: Quan điểm của ông còn có tác động đến những mặt đạo đức, an sinh xã hội và trong việc giáo dục con người Việt Nam hiện nay. Đạo trung, nghĩa luôn được Ngô Thì Nhậm đề cao lên trên hết tất cả và chính vì vậy nó luôn có một giá trị bền vững đến sau này.

Lịch sử đã chỉ ra rằng tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về trung, nghĩa trở thành kim chỉ nam cho những hành động của ông và những con người muốn hướng tới đạo làm người. Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm được hình thành trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Nó phản ánh nỗi băn khoăn trăn trở về thời cuộc, thế nước của một tầng lớp nho sĩ đang loay hoay tìm kiếm một giải pháp, một lối thoát trong sự bất lực, bế tắc trong sự bất lực của Nho giáo. Cho dù những gì Ngô Thì Nhậm đã làm không được các nho sĩ, tăng sư thừa nhận, thậm chí ông còn bị bôi nhọ, thóa mạ phẩm giá và có những đánh giá độc địa về nhân cách nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn xứng đáng là một nhân cách lớn, một nhà thơ, một nhà tư tưởng lỗi lạc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Những phẩm giá đáng quý đó như ngọn đuốc chỉ lối giúp ông có được những hành xử đúng đắn, bước qua mọi lời thề trung quân của mọi nho sĩ để đến với phong trào Tây sơn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp vì dân vì nước.

Ngô Thì Nhậm đã chỉ ra những mặt tiêu cực làm cho hệ thống xã hội suy yếu mà tư tưởng của ông luôn cố gắng là biến đổi, cải tạo xã hội theo một hướng tích cực hay đó là cách giải quyết mâu thuẫn trong xã hội. Sự đơn giản nhất, nhỏ nhất chính là tự bản thân Ngô Thì Nhậm cũng là một tấm gương

mẫu mực trong việc thực hiện những tiêu chí của đạo làm người, những chuẩn mực đạo đức mà cho dù ông phải đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào.

Tư tưởng của ông là sự tiếp tục kế thừa của Nguyễn Trãi và nó đã vượt lên trên khỏi giáo lý cơ bản của xã hội, nó mang tính cộng đồng. Chính vì vậy, dù chỉ là hai phạm trù nhỏ trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm nhưng nó đã có ý nghĩa và giá trị to lớn không chỉ trong một giai đoạn lịch sử khi đó mà nó còn có giá trị cho đến muôn đời sau. Giá trị đó được minh chứng qua đánh giá: “ Một thời đại hào hùng, bi thương, một thời đại lớn đã lùi sâu vào chân trời lịch sử; nhưng sừng sững ở chân trời lịch sử ấy là nhân dân vô danh và vĩ đại, Quang Trung – và bên cạnh Quang Trung đó là Ngô Thì Nhậm – đứa con bất tử của nền văn học, của nền văn hóa Việt Nam” [36, tr.198].

Tư tưởng của ông là sự tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và trong thời kỳ này ông và vua Quang Trung đã ở trên đỉnh cao của truyền thống đấu tranh bất khuất chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Giá trị tư tưởng từ lòng yêu nước hình thành lên nhưng nó cũng trở thành động lực để thúc đẩy lòng yêu nước phát triển hơn.

Một phần của tài liệu Tư tưởng của ngô thì nhậm về trung nghĩa (Trang 68 - 71)