5. Bố cục của luận văn
3.2.2. Công tác quy hoạch kế hoạch phải phù hợp, khả thi
Hệ thống văn bản được cơ quan Nhà nước ban hành hiện hành đã nỗ lực tập trung điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật Đất đai 2003 sửa đổi, bổ sung năm 2009, cùng với Luật Đất đai 2013 sắp có hiệu lực pháp luật. Nghị định 181/2004 NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp đến là sự ra đời của Nghị định 69/2009 NĐ-CP có 8 Điều sửa đổi, bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và lúc này mỗi cấp chỉ quan tâm đến một số loại đất nhất định.
Cuối kỳ quy hoạch có phần báo cáo kết quả rút kinh nghiệm cho kỳ quy hoạch tiếp theo, nhưng diện tích của một số loại đất sử dụng vượt chỉ tiêu quy hoạch tới vài chục phần trăm hay phần đất được đưa vào sử dụng thì tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 40% đến 60% thì kỳ quy hoạch tiếp theo cũng vẫn được phê duyệt tiếp và những người có trách nhiệm lập quy hoạch cũng không bị xử lý.
Tương tự quy định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cũng phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Nhưng quy hoạch sử dụng đất không thể hiện được việc giao đất cho nhà đầu tư là có phù hợp hay không? Khi người dân muốn xem nhà mình có bị quy hoạch không thì quy hoạch sử dụng đất không chỉ rõ, phải chờ xem quy hoạch xây dựng mới được biết vị trí của từng thửa đất. Nhưng quy hoạch sử dụng đất luôn đi trước quy hoạch xây dựng là một điều nghịch lý. Như vậy việc quy hoạch sử dụng đất hiện nay không làm được chức năng quản lý, trong khi quy hoạch sử dụng đất có hai chức năng: cân đối nguồn lực đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; là căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi hay chuyển mục đích sử dụng đất.
Mối quan hệ của quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội:
Quy hoạch sử dụng đất chưa thể hiện được địa điểm đầu tư cũng như người đang sử dụng đất không thể biết được đất họ đang sử dụng có bị thu hồi không. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng đã được quy định trong các văn bản như Luật Đất đai, Luật xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị nhưng cũng không quy định rõ là quy hoạch nào cần làm trước và quy hoạch nào cần làm sau.
Quy hoạch phát triển, tất cả các ngành nghề đều hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội phải luôn đi trước một bước và quy hoạch sử dụng đất theo sau để bố trí phân vùng đất sao cho phù hợp với chỉ tiêu đề ra. Việc lập quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, người đang sử dụng đất, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư. Có như vậy quy hoạch mới có tính khả thi và áp dụng vào được thực tiễn, không còn quy hoạch manh mún, không đồng bộ như hiện nay. Do đó, những bất cập trên việc cần làm cho quy hoạch hiện nay là: quy hoạch sử dụng đất là cầu nối giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch xây dựng nên quy hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào hiện trạng, tiềm năng sử dụng đất để thực hiện nhiệm vụ phân thành những vùng phù hợp với chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Cũng không nên quy định kỳ quy hoạch là bao nhiêu năm mà chỉ cần xem việc phát triển kinh tế xã hội cần những loại đất nào và phân bổ sao cho phù hợp nhất. Vì thế, trong cách lập quy hoạch cũng cần nên điều chỉnh giữa các bên liên quan trong việc sử dụng đất.
Ví dụ: Quận hay huyện này cần đất gì, tính phục vụ cho lợi ích kinh tế ra sao? có công bằng xã hội và đảm bảo môi trường đến đâu? Quy rõ trách nhiệm của địa phương như thế nào khi thực hiện không đúng cam kết. Có như vậy mới giảm được nguy cơ tham nhũng trong công tác quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, công tác quy hoạch cần hơn nữa sự giám sát của các cơ quan chức năng và người dân trên cả nước thông qua hệ thống giám sát, đánh giá trong từng quy hoạch chi tiết. Trong bất cứ quy hoạch chung hay chi tiết điều phải chú trọng đến quyền lợi của người dân và phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.