làng Ê Đê theo hƣớng bền vững
3.3.1. Thay đổi nhận thức về vai trò của không gian buôn làng đối với việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các tộc người Tây Nguyên
Cho đến nay, giới hoạch định chính sách và giới quản lý văn hóa ở trung ương, địa phương chưa thực sự nhận ra vai trò trọng yếu của không gian buôn làng như là không gian thực hành, nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa tộc người. Cho nên, các dự án bảo tồn văn hóa Tây Nguyên thường chỉ tập trung vào khôi phục, vận hành các thành tố cụ thể (lễ hội, nhà văn hóa, sinh hoạt cồng chiêng ...), chưa đặt thành tố trong bối cảnh thực hành (không gian buôn làng), làm hạn chế tính hiệu quả của các các dự án. Để khắc phục điểm yếu này, cần xem qui hoạch, bảo tồn không gian buôn làng là bước đi đầu tiên trong qui trình bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống. Chỉ trong một môi trường thực hành đúng nghĩa, các thành tố, giá trị văn hóa truyền thống mới phát huy được công năng.
3.3.2. Thay đổi nhận thức về vai trò của du lịch cộng đồng trong phát triển kinh tế và bảo tồn vốn văn hóa địa phương
Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có tiềm năng to lớn về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng nhưng tiềm năng này chưa được khai thác đúng cách để chuyển hóa thành các giá trị kinh tế cho địa phương. Không những vậy, kinh nghiệm điễn dã của chúng tôi ở Tây Nguyên cũng cho thấy rằng, mô hình du lịch cộng đồng, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn tạo ra một “sân chơi” lí tưởng để người dân địa phương thực hành các giá trị văn hóa của họ. Lê Hồng Lý và các cộng sự hoàn toàn có lí khi cho rằng: “có thể sự phát triển của du lịch đã đưa tới cho di sản văn hóa Tây Nguyên nhiều vấn đề như sân khấu hóa, thương mại hóa ... song rõ ràng du lịch cũng đã tạo ra không gian mới, màu sắc mới, thậm chí là cuộc sống mới cho các di sản, đưa nhiều di sản văn hóa Tây Nguyên trở lại và đến gần hơn với mọi người, gia tăng thêm nhu cầu thể hiện bản sắc của chính đồng bào Tây Nguyên” [91, tr. 302]. Do đó, du lịch cộng đồng cần trở thành một bộ phận khăng khít của ngành du lịch Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Tây Nguyên. Chính quyền địa phương cần xây dựng một lộ trình với các bước đi cụ thể nhằm qui hoạch, xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa của một số buôn Ê Đê trên địa bàn thành phố mà trước hết và chủ yếu là các buôn thuộc xu hướng bảo tồn đã được chúng tôi phân tích trong phần trước.
3.3.3. Tham vấn quan điểm của giới khoa học và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình thiết kế, triển khai chính sách
Như đã phân tích, một trong những nguyên nhân làm hạn chế tính hiệu quả của các chính sách, dự án bảo tồn văn hóa ở Tây Nguyên là giới khoa học và người dân chưa được tham gia đúng mức vào toàn bộ qui trình ra quyết định và triển khai, giám sát chính sách. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tăng cường tham vấn quan điểm của giới khoa học nhằm đảm bảo tính khả thi và tính dài hạn cho các dự án bảo tồn. Đồng thời, chính quyền cần ban hành các cơ chế cụ thể để khuyến khích người dân tham gia thường xuyên và chủ động hơn trong chu trình của các chính sách, dự án văn hóa. Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm có cung cấp một thông tin rất đáng chú ý: tại một số địa phương thuộc Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, khi nhà nước giao tiền cho cộng đồng buôn, làng tự làm nhà rông thì người dân rất hào hứng, đã làm nên những ngôi nhà cộng đồng đẹp, độc đáo, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt phong phú của cộng đồng [118]. Nhìn từ phía cộng đồng, người dân cần chủ động bày tỏ nguyện vọng và sáng tạo các hình thức phù hợp để duy trì, phát triển vốn văn hóa truyền thống.
3.3.4. Khuyến nghị về các biện pháp cần làm ngay
3.3.4.1.Với các buôn thuộc xu hướng giải thể không gian văn hóa buôn làng
Một là, tiếp tục rà soát lại quỹ đất của các công ty nông nghiệp đóng trên địa bàn thành phố để chuyển giao những lô đất đang được sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng sai qui định cho các hộ gia đình thiếu đất ở khu vực xung quanh. Vì phần đất mà các công ty này đang quản lý trên thực tế là phần đất cũ của nhiều buôn trước đây. Mặc dù quá trình thu hồi đất không hề dễ dàng nhưng các quyết định của UBND Tỉnh Đắk Lắk về việc thu hồi đất của công ty cao su Đắk Lắk (2004), công ty cà phê Buôn Ma Thuột (2004), công ty cà phê Việt Thắng (2005), công ty Dray H’linh (2005) và của các các hợp tác xã Buôn Păn Lăm, Buôn Kô Sier (2009) để phục vụ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho nhóm dân tộc tại chỗ là hoàn toàn xác đáng và thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong thời gian tới, UBND thành phố Buôn Ma Thuột cần tiếp tục đẩy mạnh thu hồi các phần đất tuy đã nằm trong kế hoạch thu hồi nhưng vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Hai là, để cân bằng lợi ích giữa các buôn thiếu đất và các công ty nông nghiệp, trong trường hợp không thể thu hồi, UBND thành phố cần thuyết phục doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp với người dân địa phương. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp đất, giống cây, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân và hai bên phân chia quyền lợi theo một thỏa thuận đã thống nhất từ trước. Mô hình liên kết được áp dụng bởi công ty cao su Đắk Lắk đã thực sự mang lại lợi ích cho các nông hộ Ê Đê tham gia.
3.3.4.2. Với các buôn thuộc xu hướng bảo tồn không gian văn hóa tộc người
Một là, lên phương án qui hoạch các buôn thuộc xu hướng bảo tồn thành các điểm du lịch văn hóa hay du lịch cộng đồng, những điểm nhấn trong các tuyến du lịch nội địa ở Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung;
Hai là, hỗ trợ cộng đồng bảo tồn không gian buôn làng thông qua các biện pháp cụ thể và cấp bách sau đây:
- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của các buôn theo hướng hiện đại.
- Hỗ trợ nguyên vật liệu và kĩ thuật để người dân sửa chữa, trùng tu nhà sàn dài. Theo quan điểm của cộng đồng, chính quyền nên tạo điều kiện để người dân được quyền tiếp cận các nguồn gỗ khác nhau nhằm mục đích duy trì không gian nhà sàn truyền thống. Các nguồn gỗ này gồm 2 loại: khai thác trực tiếp trong rừng theo một định mức cho phép dưới sự giám sát của kiểm lâm và các nguồn gỗ buôn bán trái phép đang được các cơ quan chức năng tạm giữ nhưng chưa có phương án xử lý.
- Cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu của cộng đồng đối với khu vực đất rừng, bến nước và nghĩa địa để duy trì không gian sinh hoạt cộng đồng và tâm linh cho người dân. Đồng thời, ngăn chặn nguy cơ xâm lấn đất rừng của các nhân tố bên ngoài (một tiền lệ đã diễn ra ở Ako Dhông).
Ba là, tổ chức các lớp tập huấn và tham quan để cộng đồng có những tri thức cơ bản về du lịch và có thể chủ động xây dựng các mô hình du lịch phù hợp với điều kiện cụ thể của từng buôn.
3.3.4.3. Các giải pháp chung
Một là, đào tạo nghề cho phụ nữ và thanh niên, trong đó có các nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ) để đa dạng hóa cơ hội việc làm, chuyển một phần lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông.
Hai là, tạo điều kiện để các hộ gia đình dễ dàng tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng với mức lãi thấp, thời gian hoàn trả vốn dài và với số vốn đủ để đầu tư phát triển sản xuất. Các hộ nghèo được miễn trừ lãi và mức vốn vay cũng cần cao hơn 2- 3 lần so với mức hiện tại (mức vốn mà người nghèo có thể tiếp cận hiện nay chỉ ở mức 5 - 10 triệu đồng).
Ba là, tham vấn cộng đồng để mở rộng chức năng sử dụng của nhà cộng đồng theo hướng kết hợp giữa chức năng dân sự và chức năng hành chính. Theo quan điểm của chúng tôi, nên tìm cách phát huy truyền thống tự quản của cộng đồng bằng cách để người dân cùng tham gia quản lý và sử dụng nhà văn hóa cho các mục đích dân sự. Một nghịch lí của nhiều buôn hiện nay là trong khi thanh niên thiếu sân chơi công cộng thì nhà văn hóa, dù trên danh nghĩa phục vụ cộng đồng lại ít khi diễn ra các sinh hoạt do cộng đồng tự tổ chức. Cần lưu ý rằng, chỉ khi người dân có một không gian sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa, thì mới có thể nghĩ đến việc phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa của họ.
Tiểu kết
Đã tồn tại hai xu hướng biến đổi không gian văn hóa buôn làng của cộng
đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột: Xu hướng giải thể không gian văn hóa buôn làng,
suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống (chúng tôi gọi tắt là xu hướng giải thể)
và Xu hướng duy trì không gian văn hóa buôn làng, bảo tồn các giá trị văn hóa
truyền thống (chúng tôi gọi tắt là xu hướng duy trì). Đặc trưng của các cộng đồng
thuộc xu hướng giải thể là không gian văn hóa buôn làng bị xáo trộn, các thực hành văn hóa truyền thống bị gián đoạn và các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một. Đặc trưng của các cộng đồng thuộc xu hướng bảo tồn là không gian văn hóa buôn làng tuy có biến đổi nhưng chưa bị phá vỡ và các yếu tố cơ bản trong cấu trúc không gian cũ vẫn còn tồn tại. Do đó, các thực hành văn hóa truyền thống vẫn được duy trì. Tuy nhiên, trong khung cảnh mới, các yếu tố cũ được tái tạo, điều chỉnh và được cấp thêm các ý nghĩa mới, giá trị mới cho phù hợp với tâm thức và nhu cầu của con người hiện đại.
Quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng của các cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Trong đó, nổi lên bốn vấn đề cốt lõi: (i) nhu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống của các cộng đồng (ii) tính cấp
thiết của việc qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng như một bộ phận của qui hoạch không gian đô thị; (iii) tình trạng thiếu gắn kết giữa các cơ quan quản lý với giới khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng, dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, lãng phí trong các dự án bảo tồn văn hóa truyền thống và (iv) đảm bảo an toàn sinh kế là nhu cầu quan trọng bậc nhất của người dân.
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi các quan điểm tiếp cận phù hợp và các biện pháp vừa trước mắt vừa lâu dài. Về quan điểm tiếp cận, chính quyền các cấp cần nhận thức thấu đáo hơn về tầm quan trọng của không gian văn hóa buôn làng và du lịch cộng đồng đối với khả năng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của giới khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng trong các chính sách, dự án bảo tồn văn hóa. Về mặt giải pháp, đối với nhóm cộng đồng thuộc xu hướng giải thể, điều kiện thiết yếu của họ là đất ở, đất sản xuất và việc làm để đảm bảo nhu cầu sinh tồn. Do đó, chính quyền địa phương cần khẩn trương tính toán các phương án để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho nhóm cộng đồng này. Đối với nhóm cộng đồng thuộc xu hướng bảo tồn, vấn đề cốt lõi nhất của họ là làm thế nào để tiếp tục duy trì không gian thực hành các giá trị truyền thống giữa một khung cảnh xã hội đang không ngừng biến đổi. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần gấp rút hỗ trợ vật chất và nguyên liệu để cộng đồng duy trì không gian nhà sàn truyền thống. Đồng thời, chính thức công nhận quyền sở hữu của buôn làng đối với các không gian sinh hoạt cộng đồng – tín ngưỡng truyền thống còn sót lại (rừng đầu nguồn, bến nước, nghĩa địa). Ngoài ra, các giải pháp đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và chuyển đổi chức năng của nhà văn hóa cộng đồng cũng có ý nghĩa thiết thực trong việc đảm bảo một đời sống văn hóa phong phú cho tất cả các cộng đồng thuộc hai xu hướng biến đổi nói trên.
KẾT LUẬN
1. Quá trình phát triển mạnh mẽ trong các thập niên qua đã làm biến đổi sâu sắc diện mạo của vùng Tây Nguyên, làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi được tiếp cận, lí giải theo hướng nghiên cứu liên ngành của văn hóa học. Kế thừa
thành quả của các học giả đi trước, luận án sử dụng khái niệm không gian văn hóa
buôn làng để phân tích mối liên hệ giữa biến đổi không gian buôn làng với quá trình
biến đổi văn hóa tộc người của cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột - là khu vực mang tính điển hình trong toàn cảnh bức tranh biến đổi của Tây Nguyên từ sau 1975 đến nay. Quả vậy, nằm ở vị trí trung tâm của Đắk Lắk và Tây Nguyên, trong 4 thập niên gần đây, dưới tác động của bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội mới, Buôn Ma Thuột đã bước vào một thời kì phát triển hết sức sôi động. Ngày nay, Buôn Ma Thuột không chỉ là thủ phủ hành chính - kinh tế của toàn vùng Tây Nguyên, mà còn là một không gian đa dạng bậc nhất Tây Nguyên trên các khía cạnh tộc người, tôn giáo, văn hóa. Bối cảnh ấy đã tác động sâu sắc đến không gian văn hóa buôn làng của người Ê Đê trên địa bàn thành phố.
2. Trong luận án này, khái niệm không gian văn hóa buôn làng hàm chỉ một thực thể không gian đóng vai trò như là không gian sáng tạo, thực hành và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa của cộng đồng buôn làng. Không gian văn hóa buôn làng được cấu thành bởi 4 nhân tố có mối liên hệ tương hỗ: không gian sản xuất, không gian cư trú, không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian sinh hoạt tín ngưỡng. Trong cấu trúc này, không gian sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất, chi phối sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của từng cộng đồng. Đồng thời, để phân tích quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng của cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, luận án vận dụng một số quan điểm cốt lõi của 3 lý thuyết: lý thuyết biến đổi văn hóa, lý thuyết sinh thái học văn hóa và lý thuyết chức năng. Cụ thể, luận án vận dụng lý thuyết biến đổi văn hóa để giải thích các nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi không gian văn hóa buôn làng và phân tích hiện tượng tiếp biến văn hóa ở các cộng đồng được nghiên cứu. Luận án cũng vận dụng lý thuyết sinh thái học văn hóa để phân tích sự thay đổi văn hóa sản xuất và tác động của sự thay đổi này lên quan niệm và lối sống của cộng đồng. Cuối cùng, luận án vận dụng lý thuyết chức năng để phân tích sự thay đổi chức năng của các thành tố cấu thành
không gian văn hóa buôn làng và chỉ ra các điều kiện cần thiết để qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng ở Buôn Ma Thuột nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung theo hướng bền vững.
3. Sau 1975, trên nền cảnh chuyển đổi của toàn vùng Tây Nguyên và thành phố Buôn Ma Thuột, không gian văn hóa buôn làng của cộng đồng sở tại đã trải qua một quá trình biến đổi sâu sắc. Khởi đi với những thay đổi về chế độ sở hữu, quản lý - sử dụng đất và văn hóa sản xuất, lần lượt loại hình gia đình, phong cách kiến trúc, cơ cấu dân tộc ở các buôn làng (không gian cư trú) đều thay đổi. Đồng