Không gian văn hóa buôn làng

Một phần của tài liệu Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay (Trang 28)

1.2.1. Không gian văn hóa làng Việt đồng bằng

Trước khi đi vào xác định các đặc trưng của buôn làng Tây Nguyên - những đặc trưng cho phép nhận diện buôn làng như một không gian văn hóa, chúng tôi muốn điểm lại một số đặc điểm cơ bản của làng Việt cổ truyền vùng đồng bằng. Vì hai lí do: thứ nhất, làng cổ truyền đồng bằng được xem là có “quan hệ cội nguồn” với làng của các tộc người thiểu số vùng cao ở Việt Nam. Cụ thể hơn, làng tiểu nông đồng bằng được xem là một thực thể “tiến hóa” lên từ các công xã thị tộc, công xã nông thôn trước đó; thứ hai, các tranh luận về đặc điểm làng Việt cổ truyền sẽ giúp mở mang nhiều nhận thức về buôn làng Tây Nguyên.

Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất xem làng - xã là đơn vị cơ bản của xã hội nông thôn Việt Nam truyền thống. Quá trình lập làng, tách làng diễn ra trong lịch sử khá phức tạp, song dù trong một đơn vị hành chính (xã) lớn hơn hay nhỏ hơn làng, thì làng vẫn có tính độc lập tương đối, với tư cách là một thực thể văn hóa, một cộng đồng tự quản, tạo cho nó diện mạo với những đường nét riêng, khác với những cộng đồng khác. Vì vậy, có cộng đồng văn hóa làng, nhưng rất khó nói đến cộng đồng văn hóa xã. Tính độc lập hay diện mạo riêng của làng được phản ánh qua các chiều cạnh sau:

- Làng trước hết có một lãnh thổ riêng, một cộng đồng lãnh thổ xác định. Hương ước làng bao giờ cũng có điều khoản nói rõ phạm vi lãnh thổ làng. Lãnh thổ ấy được hình thành từ thuở lập làng, gắn với công sức khai phá của nhiều thế hệ.

- Làng là một cộng đồng kinh tế tiểu nông, tự cấp tự túc. Sự tồn tại ruộng công của làng, của các dòng họ cho đến đầu thế kỷ XX là điểm tựa duy trì những thiết chế, sinh hoạt và tâm lý làng xã cổ truyền.

- Làng cũng là một đơn vị hành chính tự trị được quản lý chặt chẽ trong một kết cấu xã hội phân tầng theo chức tước, theo khoa mục, theo tuổi tác, theo trật tự thân tộc. Hương ước thành văn quy định chuẩn mực ứng xử của mọi thành viên trong làng, những nghĩa vụ đối với làng và đối với nhau, được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và tự nguyện.

- Làng còn là một cộng đồng tín ngưỡng với Thành hoàng, đình, chùa, miếu, lễ hội và phong tục tập quán riêng; một cộng đồng sản xuất, bảo quản, lưu thông và hưởng thụ một kho tàng văn hóa dân gian [113].

Trên nền tảng đó, đã hình thành nên cái gọi là văn hóa làng: “Văn hóa làng chính là văn hóa nông thôn mà diện mạo của nó là cây đa, bến nước, ngõ xóm, đình làng, là tâm tính của những người nông dân biểu hiện trong kho tàng văn hóa dân gian, trong đất lề quê thói vốn là sản phẩm của kết cấu xóm làng” [113]. Do đó, nói đến văn hóa làng là nói đến một cộng đồng văn hóa, cộng đồng sáng tạo, bảo tồn và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, từ đó mà hình thành nhân cách người nông dân, tính cách con người làng xã, cũng từ đó mà hình thành những nét riêng, diện mạo văn hóa riêng của mỗi làng [113].

Những gì vừa nêu chứng minh rằng: làng đồng bằng vừa là một cộng đồng lãnh thổ; vừa là một cộng đồng cư trú gồm những thành viên có chung lịch sử và mối quan hệ huyết thống, địa vực; cũng vừa là một cộng đồng văn hóa với một nếp sống riêng và các chuẩn mực riêng được biểu hiện qua phong tục, hương ước và các sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú. Do đó, chúng ta có đầy đủ lí do để xem làng đồng bằng như một không gian văn hóa điển hình của người Việt.

1.2.2. Không gian văn hóa buôn làng Tây Nguyên

1.2.2.1. Các đặc trưng của buôn làng Tây Nguyên

Vào khoảng giai đoạn trước sau công nguyên, khi các tộc lớn ở Đông Nam Á bước vào giai đoạn tiếp xúc với các nền văn minh lớn bên ngoài (Ấn Độ, Trung Hoa) để hình thành nên các nhà nước cổ mang màu sắc Ấn hóa hay Hán hóa, thì các tộc người ở Tây Nguyên hầu như đứng ngoài dòng vận động của lịch sử chính thống, “miễn nhiễm” với ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Hệ quả, xã hội Tây Nguyên cổ truyền mang nhiều nét đặc trưng so với các khuôn mẫu thường gặp trong quá khứ. Khác với loại hình làng ở đồng bằng và bản ở vùng cao phía

Bắc, trước thời thuộc địa, ở Tây Nguyên, làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất.

Trong nhiều ngôn ngữ các dân tộc Tây Nguyên không có từ để chỉ đơn vị cao hơn làng. Bon trong tiếng M’Nông, Buôn trong tiếng Ê Đê, Plei trong tiếng Ba Na, Gia Rai,... đều có nghĩa là làng. Trong quá khứ, một số tộc người ở Tây Nguyên có sử dụng từ T’ring để chỉ liên minh giữa một số làng. Nhưng đấy chỉ là những liên minh được lập ra vì một nhu cầu an ninh nhất thời. Khi nhu cầu không còn thì liên minh ấy cũng tan rã, không tồn tại một hình thức lãnh thổ và tổ chức hành chính tương đương [47, tr.152]... Theo Từ Chi, dù thuộc dân tộc nào, người Thượng đều sống thành từng làng độc lập hay tự trị. Độc lập là không phụ thuộc vào làng khác, giữa các làng gần nhau chỉ có quan hệ giao hảo, hôn nhân, buôn bán..., và nếu có mâu thuẫn không giải quyết được giữa họ với nhau, thì quan hệ chiến tranh, nhưng chỉ trong một thời gian nào đó. Trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, làng không gắn với nước, như trong trường hợp xã hội Việt, để thành “làng nước”, mà làng là nước [8, tr.555]. Georges Condominas cũng khẳng định: trước khi người Pháp đến, tổ chức xã hội và chính trị của đa số các bộ lạc người Đông Dương nguyên thủy ở miền Trung Việt Nam chưa hề vượt ra khỏi khuôn khổ cái làng... Trong các xã hội này -

nơi mà đơn vị chính trị rộng nhất không vượt quá khuôn khổ làng, nhưng lại ít dân, thì tổ chức xã hội chủ yếu dựa trên tổ chức gia đình đến mức hầu như hòa lẫn với tổ chức đó [9, tr.238-239].

Với người Tây Nguyên, làng quan trọng đến nỗi, ý thức về cộng đồng làng thậm chí còn đậm hơn ý thức về cộng đồng tộc người. Mỗi người Tây Nguyên đều biết rõ mình là người Ê Đê hay người Ba Na, M’Nông, Xơ Đăng…, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc biết rõ mình là người của một làng cụ thể, xác định nào. Hình thức trừng phạt nặng nhất đối với một con người Tây Nguyên là bị đuổi ra khỏi làng, tức bị khai trừ ra khỏi cộng đồng làng. Trong trường hợp đó thường không làng nào khác nhận anh ta nữa, anh ta sẽ lang thang và chết vùi trong rừng. Cũng có tục những người chết ở ngoài làng thì bị coi là “chết xấu”, không được chôn trong nghĩa địa của làng, không được nằm chung trong nghĩa địa với cộng đồng làng: làng còn lan sang đến cả thế giới bên kia [92, tr.140-141].

Trong một môi trường chính trị - xã hội đặc thù như vậy, buôn làng Tây Nguyên cổ truyền mang nhiều nét đặc trưng rõ rệt. Các đặc điểm của làng Việt đồng bằng mà chúng tôi đã đề cập, trong một chừng mực nào đó, là “hóa thạch” của những đặc điểm đã từng tồn tại trong các làng Thượng. Đến nay, các nhà nghiên cứu Tây Nguyên đều thống nhất về 4 đặc điểm cốt yếu của buôn làng cổ truyền Tây Nguyên:

- Thứ nhất, buôn làng Tây Nguyên là một cộng đồng cư trú, hay là một đơn vị cộng cư thống nhất. Tính cộng đồng cư trú được hình thành trên các mối liên hệ về huyết thống, hôn nhân, cùng thành phần tộc người, cùng chung lợi ích kinh tế, văn hóa và cùng chia sẻ trách nhiệm.

- Thứ hai, buôn làng là một cộng đồng về sở hữu lãnh thổ và lợi ích kinh tế. Mỗi buôn làng đều có ranh giới đất đai khá rõ ràng, người buôn khác không được tự tiện đến khai thác đất đai trong phạm vi đất đai của buôn mình. Đất làng chính là không gian sinh tồn của cộng đồng làng: các hoạt động của con người như làm nhà, làm rẫy, chăn nuôi, đánh cá, hái măng, hái rau, lấy mật ong và các dược liệu, cũng như đốn gỗ, cắt tranh, chặt nứa, tre đều diễn ra trong phạm vi đó. Đại diện cho quyền sở hữu công đồng là người chủ buôn – có tên gọi khác nhau tùy theo mỗi tộc người: tơm plây (Ba Na), khoa buôn (Ê Đê), khoa lon (Gia Rai), quăng bon (Mạ)... Quyền sở hữu của cộng đồng còn được thiêng hóa bởi vị thần Đất là người chủ tối

thượng đất đai của buôn làng, ai xâm phạm và làm ô uế đất đai sẽ bị thần linh trừng phạt. Trong các buôn làng Tây Nguyên cổ truyền, chưa thấy xuất hiện hình thức tư hữu về đất đai và các nguồn tài nguyên, chưa có hiện tượng mua bán, chuyển nhượng các tư liệu sản xuất cơ bản. Việc xâm canh, tranh giành đất đai rừng rú cũng hiếm khi xảy ra, và nếu có thì cũng được giải quyết theo luật tục [80, tr.46]. Vậy là, trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, hình thức sở hữu chỉ dừng ở cấp độ buôn làng - một hình thức đơn giản, nhưng trực tiếp, cụ thể, thiết thực [80, tr.100].

- Thứ ba, buôn làng là một đơn vị tổ chức xã hội hoàn chỉnh, vận hành theo lối tự quản, thông qua vai trò của thiết chế hội đồng già làng và luật tục. Trong thời Pháp thuộc, thiết chế này vẫn cơ bản được bảo lưu, mặc dầu từng làng không còn hoàn toàn độc lập hay tự trị như xưa nữa, mà bắt đầu bị chi phối bởi các cấp hành chính do người Pháp áp đặt lên trên làng [8, tr.557].

- Thứ tư, buôn làng là một cộng đồng tín ngưỡng, thể hiện qua các quan niệm, các nghi lễ, các cấm kị ... Đây là mối dây liên kết vô hình nhưng rất bền chặt, quy tụ con người hướng vọng về các lực lượng siêu nhiên có khả năng ban phúc, giáng họa cho con người trong mọi thời điểm của cuộc sống. Nếu con người xúc phạm thần linh (yang) thông qua các hành động làm ô uế đất đai, vi phạm các nghi lễ và phong tục đã tồn tại ngàn đời thì sẽ bị thần linh trừng phạt và ngược lại. Mọi hoạt động nghi lễ của cộng đồng đối với đất đai, bến nước, rừng thiêng đều nhằm thực hiện chức năng giao tiếp với thế giới thần linh đó [80, tr.50-51].

Là một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu, một cộng đồng tự quản, một cộng đồng tín ngưỡng, cho nên, buôn làng Tây Nguyên cũng là một cộng đồng văn hóa. Có nhà nghiên cứu đã định danh bản chất của cộng đồng văn hóa buôn làng Tây Nguyên là “văn hóa rừng” hay văn hóa làng - rừng [34, tr.278]. Bản chất “văn hóa rừng” của các buôn làng Tây Nguyên không chỉ thể hiện ở các khía cạnh hữu hình (kiến trúc, ngôn ngữ, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, hệ thống lễ hội) mà còn thể hiện ở một “tâm thức rừng” hay một thứ “đạo đức của rừng” hết sức đặc biệt trong con người Tây Nguyên. Từ Chi đã phân tích rất tinh tế “tâm thức rừng” của các cộng đồng Thượng:

Là người trồng trọt tìm nguồn sống giữa vòng vây của núi rừng, họ [người Thượng] đã chủ động chọn một ứng xử hai mặt trước thiên

nhiên: vừa đối phó với môi trường hoang dã bao quanh; vừa thích ứng với nó. Nói một cách khác, hòa mình vào thiên nhiên, để làm chủ thiên nhiên. Thái độ sống mềm dẻo mà vẫn tích cực ấy đã in dấu lên từng khía cạnh của nếp sống Thượng ...

Đốt rừng để nuôi miệng, nhưng “luân canh” qua nhiều chặng đường trong vòng khép kín của địa vực làng. Tóm lại, phá, vì còn cách nào khác khi kỹ thuật canh tác hiện đại chưa ra đời; nhưng, song song với phá, vẫn nuôi. Ứng xử hai mặt đó là tiền đề trực tiếp của mối hòa đồng, của dòng thông quan sâu sắc giữa người Thượng và thiên nhiên hoang dã bao quanh họ. Nó không khỏi cầm chân con người lại trong thái độ chấp nhận thực tại do thiên nhiên đưa lại (thái độ “chờ đợi lượng trời”, theo cách nói của người miền xuôi thời trước). Nhưng nó cũng là một trong những đầu mối không thể thiếu của cách ứng xử trung thực có một không hai, mà đa số người Thượng không ngừng biểu lộ trong cuộc sống hàng ngày: trung thực với bản thân; trung thực với môi trường bao quanh mình, kể cả thiên nhiên và con người; trung thực với hành động mà mình đảm đương trước mọi con người ở quanh mình, trong mối quan hệ với thiên nhiên [8, tr.478].

Như vậy, xét trên tất cả các tiêu chí nhận diện (cộng đồng sở hữu lãnh thổ, cộng đồng dân cư, cộng đồng văn hóa với đặc trưng là văn hóa rừng), buôn làng

Tây Nguyên đã thực sự hiện hữu như một loại hình không gian văn hóa. Khi sử

dụng khái niệm không gian văn hóa buôn làng, chúng tôi hàm chỉ một thực thể không gian đóng vai trò như là không gian sáng tạo, thực hành và nuôi dưỡng các

giá trị văn hóa của cộng đồng buôn làng. Mặt khác, cần nhấn mạnh thêm rằng, các

giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên (cái chung) được thể hiện trong không gian của từng làng (cái riêng), cho nên, không gian văn hóa buôn làng cũng còn có thể hiểu như là không gian văn hóa tộc người hay môi trường nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tộc người. Ví dụ, các giá trị văn hóa của dân tộc Ê Đê không hiện hữu trong một “không gian Ê Đê” chung chung, mơ hồ nào đó, mà tồn tại trong khuôn khổ không gian của các làng, từng làng cụ thể.

1.2.2.2. Cấu trúc không gian buôn làng Tây Nguyên

Khi nghiên cứu không gian làng Việt, các tác giả trong - ngoài nước đã đưa

ra một số cách phân loại không gian. Trong công trình tập thể Làng ở vùng châu thổ

sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, khi bàn về cơ cấu không gian làng, nhà dân tộc học

Nguyễn Tùng đã chỉ ra 3 bộ phận trong tổng thể không gian làng: không gian hành chính, không gian cư trú và không gian sản xuất [52, tr. 97-138]. Một đồng sự khác của Nguyễn Tùng là Olivier Tessier lại nhấn mạnh vào không gian sản xuất và không gian cư trú và chỉ ra tình trạng đan xen, hòa lẫn vào nhau giữa hai bộ phận này [52, tr.140]. Nghiên cứu sự chuyển đổi sinh kế của các làng ven đô Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu nhận ra rằng bên trong hay bên trên cái mà chúng ta hình dung là không gian làng là nhiều loại hình không gian khác nhau: không gian cư trú, không gian kiến trúc, không gian xã hội, không gian thiêng, không gian canh tác sản xuất, không gian hành chính, không gian riêng, không gian chung ... Và việc phân loại, xác định những không gian ấy như thế nào là tùy thuộc vào mục đích của từng dự án nghiên cứu [61, tr.51-52]. Trong khi đó, trên cơ sở xem làng Việt như một không gian sinh thái - nhân văn, tác giả Nguyễn Công Thảo phân loại không gian làng Việt thành 4 bộ phận: (i) không gian sản xuất bao gồm: các xứ đồng, bãi chăn thả, đầm, hồ; (ii) không gian cư trú gồm xóm, ngõ, nhà cửa, vườn nhà; (iii) không gian sinh hoạt cộng đồng gồm sân đình, chợ, giếng làng, ao làng, các bãi đất công trong làng dùng làm nơi hội họp, tổ chức lễ hội, hay vui chơi; (iv) không gian tâm linh gồm đình, chùa, đền, miếu [119].

Tham khảo cách làm của các học giả tiền bối, đặc biệt, trên cơ sở tham vấn ý kiến của cộng đồng trong quá trình thực địa, chúng tôi xem không gian văn hóa buôn làng như một chỉnh thể không gian được cấu thành bởi 4 yếu tố:

- Không gian sản xuất: nơi cung cấp các nguồn lợi từ tự nhiên (đất, nước, hệ

Một phần của tài liệu Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)