Trước 1975, Buôn Ma Thuột chỉ là một thị xã miền núi bé nhỏ với hạt nhân là khu vực xung quanh Ngã Sáu hiện nay. Bấy giờ, các phường/xã mà ngày nay
thuộc về khu cận trung tâm (Khánh Xuân, Tân Hòa, Thành Nhất, Ea Tam, Tân An)
và ven nội (Cư Êbur, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Thuận, Ea Tu, Ea Kao, Hòa Phú,
bao hàm cả một số địa bàn thuộc vùng trung tâm của thành phố hiện nay (Tân Lợi, Tân Lập). Do phân bố tập trung ở vùng ngoại vi, không gian sản xuất của các làng Ê Đê vẫn mang đậm sắc thái truyền thống với một thể hỗn hợp gồm rừng đầu nguồn, rừng sản xuất và một mạng lưới dày đặc gồm các suối lớn nhỏ. Ở phía Bắc, rừng kéo một vệt dài từ đất của Cư Êbur qua Tân Lợi, Tân An, Ea Tu, Hòa Thuận; ở phía Đông, rừng ôm lấy vùng Tân Hòa, Hòa Thắng; ở phía Nam, rừng phủ kín vùng Ea Kao, Hòa Khánh, Hòa Phú. Rừng cũng có mặt trên các xã phía Tây như Hòa Xuân, Khánh Xuân, Thành Nhất. Tên gọi của các địa danh trong vùng cho thấy ảnh hưởng sâu đậm của nước trong cuộc sống con người: Ea Tam, Ea Tu, Ea Kao, Ea Bông, Ea M’Dhar, Ea Nuôl ... (trong tiếng Ê Đê, Ea nghĩa là suối). Nguồn sinh kế chủ yếu của các làng là phát rừng làm rẫy theo hình thức hưu canh luân khoảnh, kết hợp khai thác các nguồn lợi phong phú từ rừng và suối.
Sau 1975, không gian sản xuất của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột đã trải qua một quá trình biến đổi rõ rệt. Một mặt, việc chuyển từ chế độ sở hữu cộng đồng buôn làng sang sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân đã thúc đẩy các cộng đồng tìm đến các chiến lược sinh tồn mới nhằm thích nghi với điều kiện mới. Điều này, đến lượt nó, lại dẫn đến những thay đổi rất cơ bản trong quan niệm, nhận thức và thực hành văn hóa của con người - cả ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng. Kết quả điều tra ở các buôn Alê A, Ea Bông và Ako Dhông sẽ cung cấp một bức tranh chi tiết hơn về diễn trình thay đổi không gian sản xuất của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột trong bốn thập niên gần đây.
2.2.1. Sự thay đổi chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất
Sau 1975, cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên, tài nguyên đất và đất rừng ở Buôn Ma Thuột được quốc hữu hóa và chuyển giao cho các đơn vị nhà nước quản lý. Trước hết, hoạt động sản xuất của mỗi buôn đều gắn với một hợp tác xã/tập đoàn sản xuất nhất định. Sau khi ra đời, hợp tác xã thu hồi và quản lý toàn bộ đất rẫy và phương tiện sản xuất của các hộ gia đình trong buôn. Ban quản trị hợp tác cũng quyết định hình thức sản xuất, định mức sản lượng và tái phân phối sản phẩm cho các hộ gia đình - bấy giờ đã trở thành thành viên của hợp tác xã. Ở Ako Dhông, đồn điền cà phê cũ được chuyển đổi thành tập đoàn sản xuất Ako Dhông với diện tích quản lý vào khoảng gần 60 ha. Hợp tác xã Alê A quản lý phần đất nông nghiệp
của buôn Alê A và buôn Mduk, với diện tích vào khoảng 310 ha. Cũng thế, hợp tác xã Ea Bông quản lý đất của buôn Ea Bông và buôn Ktul với diện tích trên 200 ha. Tuy ban quản trị hợp tác xã chủ yếu là người của buôn nhưng về bản chất, hợp tác xã là hình ảnh thu nhỏ của nhà nước, đánh dấu sự có mặt của nhà nước trong khung cảnh buôn làng. Tuy nhiên, khi được áp dụng trên thực tế, mô hình sản xuất tập thể ngay lập tức bộc lộ khiếm khuyết. Xã viên ở các buôn, những người mà trước đó chưa lâu còn sản xuất trên phần đất rẫy của gia đình, thực sự bối rối khi chuyển sang một mô hình sản xuất mới. Nguyên lý tập thể vô hình trung hạn chế động lực sản xuất của mỗi hộ gia đình. Không ai hứng thú với công việc. Năng suất sản xuất và sản lượng lương thực của các hợp tác xã đều hạn chế. Kết quả, hợp tác xã thiếu lương thực để chia cho xã viên. Buôn Alê A đối diện với một nạn đói lớn. Ở Buôn Ea Bông, nạn thiếu lương thực không đến mức trầm trọng như Alê A vì người dân vẫn chủ động sản xuất trên phần đất mà hợp tác xã chưa quản lí hết. Trong khi đó, nhờ duy trì được đồn điền cà phê, Ako Dhông dùng cà phê đổi lấy lương thực và may mắn thoát đói.
Từ đầu thập niên 1980, nhà nước triển khai chương trình định canh mà thực chất là chia đất của hợp tác xã cho các hộ gia đình hạt nhân vừa được tách ra từ đại gia đình mẫu hệ. Sau khi nhận đất, các hộ gia đình được quyền chủ động sản xuất và có nghĩa vụ đóng thuế cho hợp tác xã. Tuy nhiên, khi tiến hành trả đất, không phải các buôn đều được nhận đúng phần đất mà họ đã góp vào. Do hợp tác xã phải chia một phần đất cho các nhóm dân di cư (người Kinh và các dân tộc thiểu số phía Bắc) nên về cơ bản, phần đất mà các gia đình Ê Đê được nhận về thường ít hơn so với diện tích đã “góp vào” trước đó. Ở Ea Bông, mỗi hộ gia đình hạt nhân được cấp 9 sào đất nông nghiệp (2 sào bắp, 2 sào mì, 2 sào đậu, 3 sào lúa) và có nghĩa vụ đóng sản lượng cho hợp tác xã theo định mức: 50kg/1 sào lúa và 10kg/1 sào hoa màu. Ngoài ra, nhờ quỹ đất còn dồi dào, các hộ gia đình vẫn có quyền sản xuất và sử dụng sản phẩm trên phần đất mà họ mới khai hoang hoặc trên phần đất rẫy mà ông bà để lại nhưng không thuộc phạm vi quản lý của hợp tác xã. Ở Ako Dhông, do quỹ đất của buôn chỉ giới hạn trong diện tích của đồn điền cũ nên phần đất sản xuất các hộ gia đình tương đối khiêm tốn: 5 sào. Dĩ nhiên, diện tích này chỉ thích hợp trong thời kì đầu. Khi số khẩu trong các gia đình tăng lên thì nó không thể đáp ứng
được nhu cầu thực tế. Ở buôn Alê A, để đáp ứng nhu cầu thực tế, ngoài phần đất chia cho người trong buốn, ban chủ nhiệm đã chuyển một phần đất của hợp tác xã cho cộng đồng di dân ở các vùng lân cận trồng và sản xuất cà phê.
Như thế, với chương trình định canh, hợp tác xã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và chính thức giải thể vào cuối thập niên 1980 khi khoán 10 có hiệu lực. Tiếp đến, với luật đất đai sửa đổi năm 1993 được ban hành (luật công nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâu dài và quyền chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp), các nông hộ Ê Đê ở Buôn Ma Thuột trên thực tế đã trở thành các hộ nông tư hữu, được quyền lựa chọn sản xuất trên mảnh đất của họ - một mảnh đất tuy không còn rộng lớn như trước 1975 vì nhiều lí do nhưng là nền tảng có vai trò quyết định khả năng phát triển của họ trong bối cảnh mới: kinh tế thị trường, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Hiện nay, bình quân đất sản xuất nông nghiệp của các gia đình ở Ea Bông là 0,8 ha (159,6 ha/240 hộ). Tuy nhiên, bình quân diện tích thực tế cao hơn mức 0,8 ha vì có nhiều cặp vợ chồng mới cưới cũng được tính như một hộ độc lập mặc dù họ vẫn sinh hoạt và sản xuất chung với bố mẹ. Con số 0,8 ha cũng không phản ánh được mức độ tích tụ đất đai của một nhóm hộ trong buôn – gồm những hộ khá giả sở hữu từ 3-5 ha đất rẫy. Nhìn chung, nếu xét trong viễn cảnh đô thị thì quỹ đất sản xuất của các gia đình Ê Đê ở Ea Bông đang ở mức an toàn. Với Ako Dhông, sau một quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất (biến đất sản xuất trong buôn thành bất động sản và mua rẫy ở các huyện nông thôn), bình quân đất sản xuất nông nghiệp của buôn là 1,02 ha/hộ (63,5 ha/62 hộ) - cao hơn 2 lần so với bình quân diện tích đất sản xuất trước chuyển đổi (5 sào).
Trong khi đó, do không có phương án chia đất phù hợp trong thời kì định canh, buôn Alê A rơi vào tình trạng thiếu đất nông nghiệp. Mặc dù 70% số hộ trong buôn là gia đình nông nghiệp thuần túy (118/169 hộ) nhưng bình quân diện tích đất nông nghiệp của Alê A chỉ đạt 0,12 ha/hộ - thấp hơn nhiều lần so với buôn Ea Bông (6 lần), buôn Ako Dhông (12 lần) và của vùng Tây Nguyên (16 lần) (xem bảng 2.3). Thiếu đất, người dân Alê A phải trở về quê gốc, dựa vào họ hàng để xin đất. Nhưng trong điều kiện đất chật người đông thì kết quả của sự hỗ trợ này không đáng kể. Ở Alê A, gia đình Ama Lốt là trường hợp duy nhất được họ hàng cho đất. Bố của Ama Lốt là người buôn Thá, làm rể Alê A. Buôn Thá thuộc về ngoại ô Buôn Mê Thuột, là 1 buôn lớn, đất đai màu mỡ. Cuối thập niên 1980, họ hàng bên nội cho Ama Lốt
hơn 3 sào đất rẫy. Diện tích này được Ama Lốt trồng cà phê và trồng rau xen canh, là nguồn thu nhập chính của gia đình trên 20 năm nay. Ngoài Ama Lốt, khoảng 4-5 hộ nhờ tích lũy được tiền bạc và có tầm nhìn xa đã mua được đất rẫy ở các huyện xa và đều thuộc nhóm hộ khá của buôn.
Bảng 2.3. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp ở các điểm điều tra Địa điểm Alê A Ea Bông Ako Dhông Tây Nguyên
Bình quân diện tích 0,12 ha 0,8 ha 1,02 ha 1,936 ha
Nguồn: Số liệu thống kê năm 2015 của các buôn
Như vậy, bước chuyển đầu tiên trong không gian sản xuất của các làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột là sự thay đổi chế độ sở hữu, quản lý và sử dụng đất: từ sở hữu cộng đồng buôn làng chuyển sang sở hữu tập thể và từ sở hữu tập thể chuyển sang sở hữu tư nhân, mở đường cho những thay đổi trong chiến lược sinh kế của mỗi cộng đồng.
2.2.2. Những thay đổi trong văn hóa sản xuất
2.2.2.1. Từ trồng lúa khô chuyển sang canh tác lúa nước
Sau 1975, từ nhận thức cho rằng, canh tác ruộng nước là mô hình trồng trọt ưu việt nhất về khía cạnh năng suất, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương, đã vận động, ở quy mô toàn vùng, ở cả vùng thấp và vùng cao, người dân tộc thiểu số bỏ rẫy để khai hoang làm ruộng. Với phương chân “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến năm 1997, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng hơn 300 công trình thủy lợi lớn nhỏ. Đồng thời, gần 20.000 ha ruộng nước đã được khai phá và đưa vào sử dụng, đưa diện tích ruộng trên
nhân khẩu lên 200m2. Hiện nay, trong so sánh với các loại hình sản xuất nông nghiệp
khác, ruộng nước đã chiếm 1/4 diện tích cây lương thực và 1/3 sản lượng lương thực của vùng Tây Nguyên [91, tr.185-186].
Trong bối cảnh đó, người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột bắt đầu làm quen với cây lúa nước. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ người Kinh, họ dần làm quen và thuần thục các kĩ năng làm đất bằng trâu bò (cày, bừa), gieo lúa, ủ mạ, cấy lúa. Sau một thời gian ngắn, ở Ea Bông, người dân đã cấy được 2 vụ lúa trong năm (vụ hè thu từ tháng 1 đến tháng 6 và vụ đông xuân từ tháng 6 đến tháng 11) bằng giống lúa R68, năng suất đạt
8 tạ - 1 tấn/sào, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa khô trên rẫy. Cây lúa nước đã hoàn toàn chinh phục người nông dân Ea Bông. Từ cuối thập niên 1980 trở đi, nhờ đẩy mạnh công tác khai hoang và nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, diện tích lúa nước của Ea Bông ngày càng mở rộng. Mặt khác, khi đã có thu nhập từ cây cà phê, người Ea Bông lại mua thêm ruộng của người Kinh ở các thôn lân cận, nâng tổng diện tích lúa của Ea Bông lên 14 ha. Họ cũng chủ động tăng vụ để cấy 3 vụ trong một năm: vụ mùa (tháng 2 - tháng 5), vụ hè thu (tháng 2 - tháng 9) và vụ đông xuân (tháng 10 năm trước - tháng 1 năm sau). Cây lúa nước không chỉ giúp người Ea Bông đảm bảo an ninh lương thực cho một dân số không ngừng đông lên, mà còn giúp họ phát triển chăn nuôi (bò, gia cầm) và cải thiện thu nhập nhờ nguồn rơm và thóc dồi dào.
Cây lúa nước cũng là một nguồn sinh kế thiết thực của buôn Alê A. Trong thời kì tập thể hóa nông nghiệp, để khắc phục nạn đói, người dân đã chủ động khai thác 3ha ruộng nằm dọc suối và hồ. Nhờ học được kĩ thuật từ người Kinh, họ trồng lúa nước trên đất trũng. Lúa nước cấy ở ruộng thấp có năng suất cao hơn lúa khô trồng trên rẫy. Cây lúa giúp người dân giải quyết được phần nào tình trạng thiếu lương thực. Ở buôn Ako Dhông, tuy cà phê đã trở thành loại cây trồng chiến lược trong suốt lịch sử phát triển của buôn, hiện nay, một số hộ gia đình cũng mua ruộng ở các huyện xa để cấy lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Tổng diện tích đất lúa của Ako Dhông vào khoảng 1,5 ha.
Nhìn chung, từ cuối thập niên 1980, trước triển vọng lương thực của cây lúa nước và trước nhu cầu mở rộng diện tích trồng cây cà phê, các buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột đã bỏ hẳn tập tục canh tác lúa khô trên đất rẫy để chuyển sang trồng lúa nước dưới ruộng thấp.
2.2.2.2. Từ sản xuất tự túc chuyển sang thâm canh cây công nghiệp
Bước ngoặt sinh kế quan trọng nhất ở các buôn Ê Đê sau Giải phóng là việc chuyển sang thâm canh cây công nghiệp (cây cà phê) theo hướng hàng hóa. Trước Giải phóng, mặc dù Đắk Lắk là tỉnh tập trung nhiều đồn điền cà phê tư nhân nhất ở vùng Tây Nguyên, ngoại trừ một vài biệt lệ như buôn Ako Dhông, đối với hầu hết các buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk, cà phê vẫn là một loại cây mới, lạ. Chỉ từ thập niên 1980, khi nhà nước bắt đầu triển khai chương trình phát triển cây
công nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên (với trọng tâm là vùng Đắk Lắk - Gia Lai), cây cà phê mới bắt đầu xuất hiện trên không gian sản xuất của người Ê Đê.
Vào năm 1983, sau các đợt vận động của chính quyền xã Cư Êbur, một số người dân ở Ea Bông, trước hết là già làng Ylho Eban bắt đầu nhận ra tầm quan trọng về kinh tế của cây cà phê trong tương lai. Họ cũng hình dung được xu thế “đất chật người đông” tất yếu diễn ra và hình thức canh tác hưu canh luân khoảnh truyền thống của người Ê Đê sớm muộn cũng bị thay thế. Vì vậy, những người tiên phong này chuyển hướng quan tâm sang cây cà phê. Thoạt tiên, họ sang xã Chư Suê - huyện Cư M’gar (nơi có nông trường cà phê) và buôn Ako Dhông (buôn láng giềng của Ea Bông) học cách trồng cà phê và xin cây giống. Khi đã có cây giống và những hiểu biết ban đầu, họ đem ươm cây ở dọc suối Ea Bông và chờ cho đến khi mưa xuống thì mang lên rẫy trồng. Cuối thập niên 1980, khi hợp tác xã Ea Bông giải thể thì lứa cà phê đầu tiên cũng bắt đầu cho quả bói và thu nhập. Số thu nhập này chưa lớn nhưng cũng giúp các chủ hộ trang trải một số nhu cầu cơ bản trong gia đình. Hơn nữa, tuy giá trị thương mại của cây cà phê ở vào thời điểm đó chưa cao nhưng vẫn cao hơn từ 2-3 lần so với giá lúa. Điều này đã thôi thúc các hộ còn lại trồng thử cà phê trên đất rẫy gia đình. Nhưng do thiếu vốn và nông cụ nên diện tích cà phê của buôn vẫn còn hạn chế. Đầu thập niên 1990, giá cà phê trên thị trường liên tục tăng và đạt đỉnh điểm vào năm 1994. Ở thời điểm đó, một kg cà phê có giá 30.000 VND - tương đương giá trị của 15 kg lúa. Mặt khác, để khai thác tối đa giá trị của cây cà phê, nhà nước đã khuyến khích người nông dân Tây Nguyên đẩy