Biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng

Một phần của tài liệu Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay (Trang 87)

Trước Giải phóng, các sinh hoạt cộng đồng của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột

chủ yếu diễn ra ở căn phòng chung (gah) trong gia đình trưởng làng (khoa buôn) và ở

khu vực bến nước. Dĩ nhiên, do nằm ở vị trí đầu nguồn, bến nước không bao giờ đứng một mình mà luôn được bao bọc bởi một khoảng rừng thiêng. Ngoài ra, nghĩa địa của buôn - nơi diễn ra đám tang và lễ bỏ mả, cũng là một không gian cộng đồng quan trọng khác. Sau 1975, không gian sinh hoạt cộng đồng không nằm ngoài những chuyển động đang diễn ra trong không gian sản xuất và không gian cư trú. Các điểm sinh hoạt cộng đồng truyền thống lần lượt biến mất (rừng thiêng, bến nước) hoặc không còn được phát

huy (căn phòng chung ở nhà chủ làng) do điều kiện chính trị - xã hội đã thay đổi. Trong bối cảnh như vậy, nhà văn hóa mới ra đời nhằm khỏa lấp “khoảng trống” chức năng mà các không gian cũ để lại.

2.4.1. Hiện trạng của các không gian truyền thống

2.4.1.1. Đặc điểm chung

Trong các thập niên vừa qua, quá trình gia tăng dân số (gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học), đô thị hóa, công nghiệp hóa và thâm canh cây công nghiệp ở Buôn Ma Thuột đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến diện mạo của các không gian cộng đồng truyền thống. Tình trạng phổ biến là trong khi sự hiện diện của những cánh rừng đầu nguồn đã lùi vào quá khứ thì bến nước cộng đồng hoặc bị cạn kiệt, ô nhiễm hoặc bị bỏ hoang. Ở đây, chúng tôi tập trung miêu tả hiện trạng bến nước của buôn Alê A như một dẫn chứng điển hình.

Trước 1975, buôn Alê A có 2 bến nước: bến phía Đông (a lũ ngõ) và bến phía Tây (a lũ yu). Chủ bến nước phía Đông là ông Aê Blơ, chủ bến nước phía Tây là ông Aê Đu. Sự phân chia này chỉ mang tính ước lệ vì cả hai bến nước đều là tài sản chung của buôn. Khi cần, người của xóm Đông vẫn sang sử dụng bến nước của xóm Tây và ngược lại. Giữa hai bến nước, bến phía Tây có mạch nước dồi dào hơn nên vào mùa khô, khi bến phía Đông ít nước thì bến phía Tây trở thành bến chính. Đầu thập niên 1960 khi chủ bến nước phía Tây mất, chủ bến nước phía Đông trở thành vị chủ bến nước duy nhất trong buôn. Tuy nhiên, đến năm 1968, bom Mỹ đã thiêu rụi nhà sàn của Aê Blơ cùng các vật quý trong nhà. Aê Blơ đột ngột qua đời mà không có người tiếp quản vị trí chủ bến nước do ông để lại. Lễ cúng bến nước ở Alê A bị gián đoạn từ đó.

Sau 1975, trong khoảng 15 năm đầu, bến nước vẫn là một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Người trong buôn vẫn xuống bến tắm giặt, lấy nước và trò chuyện. Trong thời kì bao cấp, nhiều người vẫn xuống suối bắt cá, tôm, cua để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Tuy nhiên, từ thập niên 1990 trở đi, đã xảy ra một vài biến cố trên không gian bến nước. Đầu tiên, một thương nhân bên ngoài đã mua toàn bộ khuôn viên của bến nước phía Tây và biến bến nước cũ thành địa điểm kinh doanh. Buôn Alê A chỉ còn lại bến nước phía Đông. Nhưng từ sau năm 2000, suối Ea Tam bắt đầu bị ô nhiễm nặng bởi rác thải công nghiệp và dân sinh. Người dân bất đắc

dĩ phải chuyển sang dùng nước giếng khoan của gia đình. Vắng bóng người, bến nước cộng đồng trở thành bến hoang.

Dĩ nhiên, trên một địa bàn phát triển sôi động như Buôn Ma Thuột thì sự biến mất của các không gian cộng đồng truyền thống là một hệ quả khó tránh. Điều đáng nói là bất chấp tác động mạnh mẽ của các làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa, Ea Bông và Ako Dhông vẫn giữ được các không gian cộng đồng truyền thống của họ.

2.4.1.2. Những không gian còn lại

a) Rừng thiêng và bến nước của buôn Ea Bông

Sau Giải phóng, Ea Bông vẫn còn một khoảng rừng thưa bao quanh khu vực bến nước. Từ cuối thập niên 1980, khi phong trào trồng cà phê bắt đầu nở rộ, nhiều gia đình trong buôn đã phá rừng để lấy đất trồng cà phê. Nhận thấy nguy cơ rừng bị phá trụi, ông chủ bến nước của buôn là Ylho Eban đã vận đồng người trong buôn giữ rừng. Nhờ vậy, gần 2 sào rừng được giữ từ đó đến nay. Người Ea Bông vẫn gọi đây là rừng bến nước - vì rừng nằm ngay trên đầu bến nước, có chức năng che chắn và điều tiết nguồn nước cho bến. So với trước Giải phóng, khoảnh rừng hiện tại chỉ là một mảnh vỡ nhỏ, với thảm thực vật (sào, dầu, cà te, tre) và động vật (sóc, chồn, chim) ít ỏi, mỏng manh. Dầu vậy, sự hiện hữu của rừng là vô cùng cần thiết vì nó tăng thêm vẻ uy nghi và tươi mát cho khu vực bến nước. Hiện nay, bảo vệ rừng bến nước được xem là nghĩa vụ chung của mọi thành viên trong làng.

Bến nước nằm ngay dưới chân rừng. Đó là nơi người ta cắm các vòi lồ ô vào một triền đất cao để dẫn mạch nước chảy ra từ lòng đất. Nước đổ xuống, lâu ngày, tạo thành dòng chảy trên mặt đất, phục vụ con người. Năm 2004, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cộng đồng tôn tạo lại khu vực bến nước bằng cách xây bờ kẻ, tráng nền, xây một khe nhỏ và lắp 4 vòi nhựa dẫn nước. Công trình mới đã khắc phục hiện tưởng lở đất vào mùa mưa và làm phong quang khu vực bến nước. Mặc dù đã có giếng khoan, nhưng người Ea Bông vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng nước bến. Vào mùa mưa, khi nguồn nước ở trạng thái dồi dào nhất, phụ nữ thường mang đồ đựng xuống bến lấy nước. Vào mùa khô, những người đi làm trên rẫy cà phê thường xuống bến trú nắng. Trong bóng mát của cây rừng và nước suối, họ trao đổi công việc mùa màng và vô số chuyện nhân tình thế thái trong buôn.

Nằm lọt thỏm giữa bốn bề đất rẫy, bến nước được người Ea Bông khai thác triệt để cho các vụ tưới cà phê trong năm. Nếu năm nào mưa ít thì càng phải tưới bổ sung. Ống nước được kéo xuống tận bến để tải nước lên rẫy. Việc khai thác quá đà đã làm bến bị kiệt nước vào cuối mùa khô. Những người già lo ngại rằng, nếu hạn hán vẫn tiếp diễn thì trong thời gian tới, buôn sẽ không có nước để làm lễ cúng thần nước vào tháng ba hàng năm.

b) Rừng cộng đồng Ako Dhông

Khi đến Ako Dhông, người quan sát thường bị thu hút bởi hai đối tượng: không gian cư trú và rừng cộng đồng. Khác với sự bằng phẳng của khu cư trú và khu sản xuất ở phía Đông và phía Nam, phía Tây của Ako Dhông là một thung lũng sâu và ẩm ướt. Đi từ khu cư trú xuống thung lũng là đi từ điểm cao xuống điểm thấp, cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Rừng cộng đồng và bến nước của Ako Dhông nằm trong thung lũng này. Rừng Ako Dhông gồm 2 phần:

- Vùng thềm cao: đây là xứ sở của rừng tự nhiên. Nếu khoảnh rừng thưa ở bến nước Ea Bông chỉ là một vết tích nhỏ của rừng tự nhiên thuở trước, thì ở Ako Dhông, dấu vết của rừng xưa vẫn còn khá đậm. Hệ thực vật của rừng Ako Dhông khá phong phú và gồm nhiều tầng: tầng cao là các cây lớn, nhiều trong số đó là cây cổ thụ (cây tung, sào, dầu, cà te); tầng thấp có các loài dây leo và các cây bụi (lồ ô, mây, xoan, muồng ). Thảm thực vật này là chỗ trú ngụ lí tưởng của một hệ động vật không đến nỗi nghèo nàn: sóc, chồn, đồi mồi, các loài chim (kể tên), rắn, trăn. Các loài động vật được cộng đồng bảo vệ nên sinh trưởng nhanh, đặc biệt là loài rắn và trăn.

- Vùng thấp nằm ở giữa thung lũng, gồm suối Ea Nuôl và các khoảng đất trống. Suối Ea Nuôl khi chảy qua thung lũng đã tạo nên nhiều mặt nước lộ thiên, trong đó có một hồ rộng và sâu nằm chếch về phía Tây của thung lũng. Bến nước cũ của buôn nằm chếch về hướng Đông - ngay tại điểm trồi lên mặt đất của dòng suối Ea Nuôl. Trước 1975, người trong buôn đã có một thời gian sinh hoạt ở bến nước (tắm giặt, gùi nước). Nhưng kể từ khi các xơ thuê thợ khoan giếng và làm đường ống dẫn nước về buôn thì bến nước cũ được trả lại cho tự nhiên. Đến nay, nó đã biến thành một hồ nước mặt với nguồn nước dồi dào, có nhiều loài thủy sinh cư trú (cá, tôm, cua, ếch, ốc, lươn ...).

Người Ako Dhông có ý thức bảo vệ rừng từ rất sớm. Trước 1975, khi cây rừng còn phủ kín toàn bộ thung lũng, các xơ đặt ra qui định, người trong buôn không được săn các loài thú (nai, lợn, chồn) và không được đốn cây lớn trong rừng. Sau Giải phóng, khi dân số của buôn ngày càng đông lên - đặt ra nhu cầu mở rộng diện tích canh tác, một phần diện tích rừng (ở thềm cao) được chuyển thành đất trồng cà phê. Nhưng vùng rừng lõi rộng hơn 1ha thì già làng kiên quyết giữ lại vì “giữ rừng để lớp trẻ không mất gốc”. Hiện nay, cộng đồng Ako Dhông đã được chính quyền thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với diện tích rừng hiện tại.

Với người Ako Dhong, rừng là một không gian đặc biệt. Trong quá khứ, rừng đã từng mang lại cho họ một vài nguồn lợi nhỏ từ hệ thực vật và động vật. Rừng cho họ đất để làm rẫy - phần đất này tuy không lớn và năng suất không còn cao nhưng lại rất có giá trị khi được chuyển sang bất động sản. Ngày nay, rừng trở thành một không gian sinh thái an lành, một địa điểm giải trí lí tưởng và quí hiếm. Vào các buổi sáng và buổi chiều trong ngày, người trong và ngoài buôn tập thể dục trên con đường nối từ buôn xuống rừng và trên các tuyến đường mòn bao quanh thung lũng. Buổi tối, thanh niên Ako Dhông xuống hồ sinh thái tập đánh chiêng, đàn hát và trò chuyện.

2.4.2. Sự xuất hiện của nhà văn hóa mới

Quá trình ra đời và vận hành của nhà văn hóa mới/nhà cộng đồng ở các buôn Ê Đê nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung có rất nhiều điểm tương đồng. Trong phần này, chúng tôi chọn phân tích nhà văn hóa mới của buôn Alê A như một dẫn chứng tiêu biểu.

Trước 1975, các cuộc họp dân ở buôn Alê A diễn ra tại nhà chủ làng (khua

buôn). Sau 1975, khi trưởng làng được thay thế bằng ban tự quản rồi trưởng thôn/buôn

thì nhà cộng đồng được chuyển sang một địa điểm khác với những chức năng khác. Thời bao cấp, buôn chưa có nhà cộng đồng chính thức. Lúc cần họp dân, ban tự quản thường mượn nhà sàn của các gia đình để sinh hoạt. Thời Đổi mới, khi Ủy ban xã Ea Tam (trước đó, ủy ban xã nằm trên đất của Alê A) chuyển sang địa điểm khác, buôn Alê A đã tận dụng hội trường của ủy ban làm nơi hội họp. Đến năm 2002, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk về xây dựng nhà cộng đồng cho các làng dân tộc tại chỗ, buôn Alê A chính thức có nhà văn hóa.

Nhà văn hóa được nhà nước đầu tư toàn phần: vốn, thiết kế, thi công và nhân lực. Về kiến trúc, nó mô phỏng hình dáng và kết cấu nhà sàn dài của người Ê Đê với

một số bộ phận chính: hiên nhà/bao lơn (adring), căn phòng chung (gah), các phòng

riêng (ôh) và các cửa sổ (băng bha diêt). Nhà được xây bằng gạch, mái lợp tôn, cột và

sàn làm bằng bê tông cốt thép. Sau khi ra đời, nó được sử dụng làm nơi tổ chức các cuộc họp dân để phổ biến chủ trương, chính sách của nhà nước. Tại đây, bí thư chi bộ, trưởng buôn hoặc hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội (hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên ...) thường xuyên chủ trì các cuộc họp lớn nhỏ khác nhau nhằm thông qua các chính sách/phong trào trải rộng trên nhiều lĩnh vực: chính sách hỗ trợ đất ở - đất sản xuất (là chính sách được người dân quan tâm nhất hiện nay), chính sách hỗ trợ vốn cho người nghèo, chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất, chính sách cho sinh viên vay vốn đi học, phong trào sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng nông thôn mới... Thỉnh thoảng, hội phụ nữ và đoàn thanh niên đến nhà văn hóa tập văn nghệ nhằm hưởng ứng các chương trình/sự kiện do phường tổ chức. Ở các buôn có đội chiêng như Ea Bông và Ako Dhông thì nhà văn hóa cũng được sử dụng để tập chiêng trong một số thời điểm cần thiết. Vào dịp cuối năm, với sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền phường, một bữa ăn cộng cảm được tổ chức ở nhà văn hóa nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên bên trong cộng đồng, cũng như sự gắn kết giữa cộng đồng và nhà nước. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

So với nhà cộng đồng truyền thống, nhà văn hóa mới có rất nhiều nét cách điệu. Trước hết, nhà văn hóa không phải là sản phẩm tự tạo của cộng đồng mà do nhà nước dựng lên. Cộng đồng không tham gia vào quá trình thiết kế và xây dựng nhà văn hóa. Đồng thời, chức năng của nhà văn hóa nghiêng về khía cạnh hành chính nên khía cạnh thẩm mỹ bị xem nhẹ. Trên các bộ phận của nó, người ta không thấy những đồ hình nghệ thuật hay những họa tiết trang trí phản ánh truyền thống nghệ thuật tạo hình độc đáo của người Ê Đê. Với những đặc điểm vừa nêu, nhà văn hóa không mang tính thiêng như nhà cộng đồng truyền thống - vốn là sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau và gắn kết họ với quá khứ, do đó, chưa trở thành một “không gian công” (public sphere) đúng nghĩa - nơi mà các thành viên trong cộng đồng thường xuyên tụ tập, sinh hoạt để chia sẻ những vấn đề thường nhật, cũng như để thực hành những giá trị mang tính bản sắc của họ.

2.4.3. Hệ quả của sự biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng

2.4.3.1. Lễ cúng bến nước đối diện nguy cơ suy tàn

Hiện nay, trong số 33 buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, buôn Ea Bông và buôn Ko Tam (xã Ea Tul) là 2 trường hợp hiếm hoi còn tổ chức lễ cúng bến nước. Tuy nhiên, trong khi lễ cũng bến nước ở buôn Ko Tam mang sắc thái du lịch thì việc duy trì lễ cũng bến nước ở buôn Ea Bông trong thời gian tới đang là một khả năng để ngỏ. Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, sau khi già làng Ylho Eban mất, việc tổ chức lễ cúng bến nước ở Ea Bông đang bị gián đoạn. Theo phong tục mẫu hệ, khi già làng qua đời, người con rể út - vốn ở cùng nhà và được thừa kế phần lớn gia sản của bố mẹ vợ, sẽ tiếp nhận vị trí mà ông để lại. Nhưng vấn đề đặt ra là người con rể út của Ylho Eban lại nhìn thấy những nghĩa vụ phiền toái một khi anh tiếp nhận vị trí mới và do đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc làm ăn của gia đình anh ta. Bởi vậy, mặc dù đại diện chính quyền xã, ban tự quản và các dòng họ trong buôn đã tìm cách thuyết phục, anh ta vẫn kiên quyết từ chối nghĩa vụ và sẵn sàng chuyển giao nó cho một người khác trong dòng họ bên nhà vợ. Tuy nhiên, mẹ vợ của anh ta, lại không muốn một cuộc chuyển giao như vậy. Rốt cục, trong vòng 3 năm nay, Ea Bông vẫn chưa thể tổ chức trở lại lễ cúng bến nước. Đáng chú ý là cũng trong thời gian này, ở Ea Bông đã xảy ra một số sự kiện hi hữu: 3 thanh niên chết bất đắc kì tử (được cho là “chết dữ”), hạn hán gia tăng - làm sản lượng lúa và cà phê sụt giảm. Trong buôn đang dấy lên một luồng dư luận rằng, sự gián đoạn của lễ cúng bến nước chính là nguyên nhân của các hiện tượng bất ổn... Trong chuyến điền dã gần nhất ở Ea Bông vào đầu năm 2015, chúng tôi đã được nghe nói đến một giải pháp mang tính thỏa thuận giữa chính quyền xã, cộng đồng và gia đình chủ bến

Một phần của tài liệu Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay (Trang 87)