Một trong những phương tiện hữu hiệu làm cho tác phẩm trở nên mơ hồ, đa nghĩa nhuốm màu sắc hoang đường là việc vận dụng các môtip thần thoại, các hình thức biến hoá hư ảo. Dấu ấn thần thoại, truyền thuyết, cổ tích trong cách xây dựng thế giới hình tượng của tác phẩm, việc vận dụng các môtip kì ảo để khắc hoạ tính cách, số phận nhân vật cũng như xây dựng cốt truyện có tác dụng lớn trong việc gia tăng biên độ ý nghĩa và mở rộng phạm vi liên tưởng ở người đọc.
Môtip là “thành tố bền vững, vừa mang tính hình thức vừa mang tính nội dung của văn bản văn học; Môtip có thể được phân xuất ra từ trong một hoặc một số tác phẩm văn học của một nhà văn, hoặc trong văn cảnh một khuynh hướng văn học, một thời đại văn học nào đó” [1; 204]. “Các môtip thường di trú theo thời gian và thay đổi hàm nghĩa bởi mỗi thời đại tiếp sau. Nhiều môtip văn học gần giống như môtip thần thoại, luôn đi vào kinh nghiệm tinh thần của văn hóa nhân loại”[1; 206].
Môtip kì ảo là một thành tố bền vững, một bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật. Vì vậy môtip kì ảo có thể được hiểu là một thành tố được hình thành từ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố kì lạ, siêu nhiên, khác lạ. Nó trở thành một hệ thống mang tính ổn định trong sáng tác văn học. Đó là quan niệm của chúng tôi về môtíp kì ảo. Những môtip được các nhà văn đã sử dụng trong các tác phẩm như: môtip gặp Tiên, môtip hoá thân, môtip quả báo, đầu thai chuyển kiếp, thần chú...
Trước hết là môtip người gặp Tiên. Đây là kiểu môtip thường thấy trong các truyện thần thoại hay cổ tích. Khi nhân vật trong truyện gặp nạn, cần được giúp đỡ (những nhân vật này phải có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ hoặc đang rơi vào bế tắc tuyệt vọng) lúc này những ông Bụt bà Tiên hiền lành có phép thuật sẽ xuất hiện. Họ hiện ra để giúp nhân vật hoàn thành mơ ước mà kết thúc tác phẩm bao giờ cũng là cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với người lương thiện. Kế thừa môtip này của truyện xưa, các tác giả trung đại đã sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới khác truyền thống, góp phần mang đến cho tác phẩm sự mới lạ và hấp dẫn đối với người đọc. Trong Thánh Tông di thảo, đó là sự phù trợ của thần tiên đối với nhân vật “ta”, giúp nhân vật “ta” giải quyết mâu thuẫn. Chẳng hạn trong Mai Châu yêu nữ truyện, nhờ sự giúp đỡ của Phù Đổng Thiên Vương nhân vật “ta” đã trừ được con yêu nữ ở Mai Châu khiến cho “nữ yêu kinh sợ, ẩn trong cỏ rậm ven sông đầm, không dám tác quai tác quái như trước nữa”. Trong Mộng kí khi mà nhân vật “ta” tưởng chừng như bế tắc trước những điều bí ẩn trong bài thơ kêu oan của hai oan hồn ở hồ Trúc Bạch thì chính sự xuất hiện và chỉ dẫn của vị tiên thổi địch đã giúp nhân vật “ta” khám phá được những điều thần bí trong hai bài thơ ấy và giải được án oan của “quả chuông vàng và cây đàn tỳ bà bên bờ hồ”. Với
“ta” lại được thể hiện dưới dạng lời khuyên của vị khách tiên dành cho Lê Thánh Tông giúp nhà vua làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình: “…Vương tử phải giữ tấm thân trong sáng, chí khí tinh nhanh, cắt đặt hợp lòng người, ngôn hành đáng gương mẫu làm cho đời được thịnh trị, lên chốn xuân đại.” Như vậy môtip chung của hình thức thần tiên phù trợ này là: nhà vua gặp việc nan giải – cầu khấn thần tiên – thần tiên hiện về giúp đỡ.
Ngoài ra, yếu tố kì ảo còn được thể hiện dưới dạng các thế lực siêu nhiên (thần tiên, ma quỷ) giúp đỡ con người đạt được ước nguyện, ban cho con người những khả năng vượt trội mà thông thường khó có thể có được, đem đến cho con người danh vọng, hạnh phúc. Điều này được xây dựng bằng các môtip như: môtip phù trợ bằng cách tặng cho con người những bảo vật, phú cho họ những khả năng mà người thường không có được giúp con người chống chọi, đối phó với những thử thách, khó khăn. Nàng Ngọa Vân trong
Ngư gia chí dịtrước khi chia tay về lại với Đảo ấp đã trao cho Thúc Ngư “một tí nước bọt trắng, đem hòa với nước mặn mà uống thì xuống nước không chìm, không bao giờ bị nạn chết đuối” (Thánh Tông di thảo). Môtip thứ hai là môtip phù trợ bằng cách giúp cho nhân vật đỗ đạt công danh công thành danh toại, đem lại vinh hiển cho bản thân, họ hàng, dòng tộc và người giúp đỡ thường có quan hệ thân thích máu mủ với nhân vật từ kiếp trước. Trong Hiếu đễ nhị thần truyện, nhân vật người anh sau khi chết đi thành Sơn Âm đã giúp con mình bằng cách đưa hai phong bì thư cho Tử Khanh giấu kĩ, “đợi đến ba ngày trước khi vào trường thi, xem chữ ghi ở trên, bắt cháu học thuộc lòng, và có thể đỗ nhỏ”. Đến kì thi, Tử Khanh nhất nhất làm theo lời anh dặn, “quả nhiên khoa ấy con của anh đỗ tú tài. Gia tư từ đấy dần trở nên giàu có”.
Như vậy nếu không có sự phù trợ, giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên thì con người khó lòng có thể thực hiện được những việc kì lạ và khó khăn ấy. Qua đó, dường như các tác giả muốn gửi gắm ước mơ của con người muốn
làm được những điều phi thường, chế ngự được thiên nhiên, vũ trụ, định đoạt hạnh phúc cho chính mình và ban tặng phần thưởng xứng đáng cho những con người hiền lành, nhân nghĩa.
Loại môtip thứ hai là môtip hoá thân. Kiểu môtip này đã trở nên quen thuộc trong văn học phương Tây hiện đại. Chúng ta có thể bắt gặp chuyện con người bị biến thành con gián, con tê giác, con bọ, cái ghế... trong các tác phẩm của Kafka, Ionetxcô... Tất cả những truyện kì quặc đó đều phản ánh tình trạng con người bị tha hoá, mất dần nhân tính, trở nên xa lạ với chính mình. Ở Việt Nam, cũng có khá nhiều tác phẩm sử dụng thành công môtip này, không chỉ nhằm làm biến dạng hình hài mà còn có sự thay đổi trong tâm hồn, tính cách nhân vật. Vì một nguyên nhân hay sau một sự kiện nào đó nhân vật biến dạng theo một trong hai chiều hướng: tốt hoặc xấu. Trong văn học dân gian, kiểu biến hoá này có ở nhiều truyện: chàng Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, chàng Cóc chính là một hoàng tử đẹp trai... Trong văn xuôi trung đại, môtip hóa thân này được thể hiện ở hai dạng thức: hóa kiếp người thành vật, vật thành người và hóa kiếp người thành tiên, tiên thành người.
Hóa kiếp người thành vật thể hiện ở hiện tượng người hóa rắn, hóa hổ. Các truyện về sự hóa kiếp người – hổ - người như: Hóa hổ - Tang thương ngẫu lục, Hổ bộc – Hát đông thư dị… Hóa kiếp người thành rắn, người mang lốt rắn: Thị Lộ hóa thành rắn bò xuống nước khi Nguyễn Trãi bị kết tội, hoàng tử khi bị lên đậu hóa ra con thuồng luồng bò đi (Tang thương ngẫu lục), hai con trai Nhược Chân hóa hai con rắn vàng khi sư làm phép trừ tà (Truyền kì mạn lục); rắn hóa làm chàng trai đẹp cưỡng hiếp người phụ nữ (Lan Trì kiến văn lục), bà già đội lốt giao long xin ngủ trọ nhà mẹ con người nghèo (Truyện hồ Ba Bể - Công dư tiệp kí)… Môtip này được nhà văn vận dụng một mặt tạo sự lạ hóa cho cốt truyện đồng thời qua đó thể hiện tín
ngưỡng về vật thiêng của nhân dân. Hiện tượng hóa kiếp này xuất phát từ học thuyết về linh hồn trong lí thuyết vật linh nguyên thủy: những con vật nhờ có thuộc tính thay da nên thường đóng vai trò quan trong về phục sinh và bất tử. Theo đó, một số con vật như rắn, hổ, thuồng luồng… rất được kính trọng. Chúng được xem là do người biến ra nên rất linh thiêng. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận hiện tượng này từ quan niệm của Đạo giáo. Con người chết đi rồi sống lại theo nguyên hình hay chuyển sang dạng sống khác.
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, dân gian ta cho rằng vật sống tồn tại lâu ngày sẽ thành yêu. Trong các tác phẩm văn xuôi trung đại, đó là sự biến hiện của các tinh vật: tinh dê (con dê cô gái gặp một ngày hóa thành chàng trai chung sống hàng đêm – Dương phu truyện, Thánh Tông di thảo), tinh chuột (con chuột đêm đêm hóa tên gian phu ân ái với vợ anh học trò –
Thử tinh truyện, Thánh Tông di thảo ), tinh khỉ (lân đá và tinh khỉ hóa thành Kiều Nương và Dương Giới để lấy nhau – Việt Nam kì phùng sự lục) hay con cáo và con khỉ hóa thành hai người đàn ông vào yết kiến vua (Đà giang dạ ẩm kí – Truyền kì mạn lục). Không chỉ là con vật, đồ vật, cây cối lâu ngày không dùng đến cũng thành yêu. Chúng thường hóa ra cô gái đẹp đêm đêm tình tự, trêu đùa cùng các thư sinh: tinh hoa Đào, Liễu (Tây viên kì ngộ kí – Truyền kì mạn lục), tinh bướm (Hoa quốc kì duyên – Thánh Tông di thảo)… Thậm chí chúng còn hóa hình thành người: chuông và đàn tì bà (Mộng kí – Thánh Tông di thảo); mảnh sành và quần áo rách hóa người đi ăn trộm cá nhà Nguyễn Hãn (Qủy đấu – Lan Trì kiến văn lục).
Hóa kiếp người thành tiên biểu hiện quan niệm hóa thân của Đạo giáo. Đạo giáo thần tiên chủ trương sống với trăng sao, sông nước, cây cỏ, luyện thuốc tiên đan cầu trường sinh và tu tiên kéo dài sự sống là mục đích tối cao. Có thể thấy hiện tượng hóa kiếp thành tiên ở các tác phẩm như Áp Lãng chân
quốc kì duyên – Thánh Tông di thảo, Bích câu kì ngộ - Truyền kì tân phả… Hóa kiếp thành tiên dù bằng cách tu luyện hay có phép thần tiên thể hiện quan niệm báo ứng luân hồi trong dân gian: “người chăm làm việc thiện tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế Đình, người hay làm ác không đợi đến chết, án đã thành ở địa phủ” (Truyền kì mạn lục). Cũng theo quan niệm dân gian, hai cõi tiên – tục rất gần nhau, thường diễn ra những cuộc kì ngộ giữa người và tiên: tiên hóa thành người với những thú chơi thanh tao nơi cao sơn lưu thủy như đánh cờ, thổi sáo (Lãng bạc phùng tiên – Thánh Tông di thảo, Hải đảo tiên – Lan Trì kiến văn lục), có thể hiện thành người để thử lòng nhân, hay đến cõi trần làm người thế tục với những nhu cầu ăn ở, tình cảm, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái…Với những duyên cớ này hầu hết những thần tiên được trần tục hóa đều là những cô gái đẹp, tốt bụng, giỏi giang – xem như là phần thưởng cho những chàng trai có hoàn cảnh khó khăn, có tình yêu chân thành. Đó là các tiên nữ: Giáng Hương (Từ Thức hôn tiên lục), nữ thần (Nhất thư thủ thần nữ), Giáng Kiều (Bích câu kì ngộ), Ngọa Vân (Ngư gia chí dị)…
Môtip linh ứng gắn với triết lí thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Môtip này xuất phát từ tư tưởng báo oán của đạo Phật, nếu con người làm điều ác tất sẽ gặp quả báo. Nghệ thuật dùng luật báo ứng vừa để cảnh tỉnh người đời lại vừa chứa đựng niềm khát khao công lý, vừa là sự khúc xạ nỗi thất vọng trước một thực tại còn nhiều phi lý, bất công. Chân lí mà môtip này thể hiện là mọi người đều phải trả giá thích đáng cho những hành động tội lỗi của mình. Những hành vi trái đạo đức lập tức gặp sự hiển linh của thần: Ngô Tuấn Củng suốt đời không đỗ đạt vì đã phụ bạc một người con gái (Thi đỗ do tiền định -
Sơn cư tạp thuật), Nguyễn Tự Cường chết, dòng dõi con cháu nghèo khổ vì khi đương quan đã đánh tráo hai cây đèn thờ bằng vàng trong chùa Quang Minh (Nhà sư Bật Sô – Công dư tiệp kí), tên vô lại bị thần đuổi ra khỏi nhà vì tham của mà giết hai đứa con (Thần giữ của – Lan trì kiến văn lục)… Không
chỉ là sự báo ứng vì những điều sai trái, môtip linh ứng còn thể hiện ở sự ứng báo, sự gặp trở lại những điều lành ứng với việc làm thiện của con người hay sự ứng nghiệm có tính tích cực những tiên tri, đoán định của thần. Hai mẹ con nhà nọ tốt bụng cho bà già ăn ngủ nhờ qua đêm nên được báo trước tai họa và cách tránh thoát khỏi nạn lụt, sản sinh ra dòng họ (Truyện hồ Ba Bể - Công dư tiệp kí), Phạm Tử Hư một lòng thành kính thờ thầy học Dương Trạm trong ba năm đã cảm kích đến thiên đế nên cho anh đỗ tiến sĩ, mọi việc họa phúc gia đình đều được thầy báo cho biết trước (Phạm Tử Hư du thiên tào lục – Truyền kì mạn lục), Nguyễn Tử Khanh với tấm lòng “thờ anh như cha nuôi cháu như con” được thượng đế thương tình nên con cháu đều đỗ tú tài, gia tư trở nên giàu có (Hiếu đễ nhị thần truyện – Thánh Tông di thảo)… Hay sự ứng nghiệm những lời tiên đoán, phản báo của thầy tướng số về sự thay đổi triều đại trong Tang thương ngẫu lục: việc vua Ý Tông nhường ngôi cho Hiển Tông thật đúng với lời thầy bói xem cho Nguyễn Công Hãng (Nguyễn Công Hãng) hay việc nhà Lê mất không bao lâu sau đúng như lời hồn ma trong giấc mơ của ông Trần Văn Vỹ. Sự linh ứng còn thể hiện thông qua những giấc mộng của con người. Mộng trở thành thật: sự thật cuộc đời Chu Sinh (lấy Đồng Nhân rồi sinh con trai, 12 năm sau đi đánh giặc ở núi Hoa Điệp, dâng công triều đình rồi mất…) y hệt giấc mộng với mối tình hẹn ước Châu Trần cùng Mộng Trang, làm phò mã quốc mẫu núi Hoa… Hai con trai của Trọng Qùy đúng như lời hồn ma Nhị Khanh báo mộng lớn lên đi theo chân nhân họ Lê và làm quan (Khoái Châu nghĩa phụ truyện – Truyền kì mạn lục). Vợ quan Hành Khiển có mang sinh ra hai con trai ngay sau giấc mơ bị hai con rắn cắn vào mạng sườn trái (Đào Thị Nghiệp oan kí - Truyền kì mạn lục ). Chính những môtip thần kì quái dị này tham gia vào diễn biến cốt truyện tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn và ý muốn tìm kiếm khám phá nơi người đọc.
Môtip đầu thai chuyển kiếp lại phản ánh mơ ước của con người được sống vĩnh cửu, mãi mãi. Dù đã chết ở kiếp này nhưng vẫn có thể sống lại ở kiếp sau. Kiểu môtip này có nhiều trong văn học dân gian (Tấm Cám, Sọ Dừa…). Trong văn xuôi trung đại, đặc biệt là ở thể loại truyền kì môtip này thể hiện khá rõ. Trương Ba nhờ có tư tính tốt nên khi chết được thần làm phép cho hóa sinh vào xác anh hàng thịt (Đế Thích - Công dư tiệp kí, Truyện Trương Ba – Thính văn dị lục), nhà sư Bật Sô vì có công với Phật giáo nên được hóa kiếp làm Minh Đế Trung Hoa (Sư Bật Sô – Công dư tiệp kí). Con người sau khi chết đi, linh hồn có các phẩm chất tốt là thần thánh, những linh hồn đi theo những đam mê sẽ mang lại hình người và những linh hồn chìm vào nơi tăm tối của cái ác thì hạ xuống trình độ động vật. Luật tương ứng này thể hiện trong các truyện có môtip phạm lỗi với Ngọc hoàng nên bị giáng xuống trần gian: chàng trai đội lốt dê (Dương phu truyện – Thánh Tông di thảo), Mỗ đội lốt hổ (Cọp báo số mệnh người - Công dư tiệp kí)… Có trường hợp nhân vật bị hóa nhiều kiếp: nhà giàu bất nghĩa hóa kiếp qua ba lần thành gà, lợn, người (Ký tam sinh – Lan trì kiến văn lục, Biết chuyện kiếp trước – Thoái thực kí văn). Cũng có khi với khát khao không cùng về hạnh phúc lứa đôi, do ước hẹn Châu Trần chưa trọn vẹn nên nhiều cô gái được đầu thai kiếp khác: vợ chàng Sinh (Tái sinh – Lan trì kiến văn lục), cô gái con Binh Phiên và vợ Thượng thư Vũ Cẩn (Truyện luân hồi kiếp trước – Thính văn dị lục). Một dạng khác là đầu thai vào đứa trẻ con người khác: hoàng tử Trần Nhật Duật được đầu thai từ Chiêu văn đồng tử trên thượng giới (Tấu chương minh