Văn học trung đại chịu ảnh hưởng của các tư tưởng Nho Phậ t Đạo

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ xv đến thế kỉ xix) (Trang 30 - 32)

Đạo

Là một bộ phận của văn hóa trung đại, văn học trung đại không nằm ngoài qui luật chung chịu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng, tôn giáo Nho – Phật – Đạo trong quá trình phát triển. Tư tưởng kinh điển và tôn giáo đã cung cấp cảm hứng, đề tài, chủ đề và gợi ý các thể loại văn học trung đại. Các tôn giáo và học thuyết Phật, Nho, Đạo đã ảnh hưởng và tạo nên những nét đặc thù trong quan niệm của người trung đại về bản chất vũ trụ, không gian và thời gian, thiên nhiên, con người. Tư tưởng tôn giáo và kinh điển còn đem lại hệ quả quan trọng như: phân biệt văn học linh thiêng và phàm tục; hạn chế sự biểu hiện cá nhân và ý thức cá nhân; mặt khác đem đến việc đề cao nội dung đạo đức và tính chất giáo huấn, văn học có mối quan hệ trực tiếp với tư tưởng. Những quan điểm này có quan hệ đến việc hình thành những đặc trưng về nội dung và hình thức nghệ thuật của văn chương trung đại. Vì vậy muốn lí giải những vấn đề thuộc về bản chất của văn chương, cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương thời trung đại tất yếu phải dựa trên những quan niệm nghệ thuật đặc thù về thế giới con người thời trung đại. Chẳng hạn, khi tìm hiểu các truyện trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ hay Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, chúng ta phải thấy được các truyện được viết chịu ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo và Phật giáo, thuyết “nhân quả” của đạo Phật ảnh hưởng khá rõ trong các kết thúc câu chuyện qua các môtip “tiên được trần tục hóa”, “người tục được thần tiên hóa”. Các truyện được viết theo quan điểm Nho gia nhưng tác giả lại bảo lưu những tư tưởng phi Nho khi nói đến những việc quái dị thường thấy trong tư tưởng của Đạo, Phật: những phép thuật, bói toán, cầu cúng, tư tưởng luân hồi nghiệp báo hoặc nói về đề tài học hành, coi trọng đạo học, nghĩa khí, lòng trung thành của nhà nho lại được lạ hóa qua các yếu tố thần quái, bùa phép. Ở các tác phẩm thế kỉ XVIII-XIX sự ảnh

hưởng của Đạo giáo và Phật giáo càng rõ nét hơn qua các môtip về sự thụ thai thần kì để nhấn mạnh nguồn gốc vũ trụ của các nhân vật (Công dư tiệp kí, Tang thương ngẫu lục). Môtip này vốn từ thuật phong thủy và môtip giấc mộng của Đạo giáo. Trong Lan Trì kiến văn lục lại là quá trình tu tâm của Phật giáo để có những khả năng phi thường..

Ở Việt Nam, Nho giáo có lịch sử phát triển lâu dài. Theo Nho giáo, mọi việc đều do ý trời. Họa hay phúc, may hay rủi, vui hay buồn, giàu hay nghèo… tất cả đều do thiên mệnh tiền định. Để tư tưởng nhân nghĩa, hiếu, lễ, trí, tín của Nho gia được trọn vẹn thì phải có sự trợ giúp của trời phật, thần tiên, phải có sự hỗ trợ của phép thuật nhiệm màu, con người phải có niềm tin vào duyên số, phải tin rằng chết đi vẫn chưa hết vẫn còn linh hồn tồn tại và có thể tái sinh từ cõi chết trở về.

Phật giáo được truyền bá đến Việt Nam từ đầu công nguyên. Do thâm nhập một cách hòa bình, ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đã phổ biến rộng khắp và có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Tư tưởng của Phật giáo cho rằng nếu ở kiếp này ta làm điều lành, điều tốt thì sẽ có nghiệp tốt, báo ứng điều lành điều tốt cho kiếp sau. Ngược lại nếu ở kiếp này ta làm điều ác, điều xấu thì sẽ có nghiệp xấu, báo ứng xấu cho kiếp tiếp theo. Có thể nói trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam đều chứa đựng ít nhiều triết lí nhà Phật, về tiên, bụt, về kiếp luân hồi, nhân quả, thờ cúng tổ tiên…

Bên cạnh Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo khi vào Việt Nam đã sớm tìm được chỗ đứng do tư tưởng của Đạo giáo tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng có sẵn từ lâu của người Việt bởi từ xa xưa họ đã rất sùng bái ma thuật, những quyền lực siêu nhiên, phù phép… Họ có những niềm tin tôn giáo hết sức mãnh liệt: người chết có thể giao tiếp với người sống, linh hồn đã chết cần phải được cầu cúng, lập đàn tràng để giải oan, có những phép thuật linh

nghiệm có thể cứu giúp con người… Các phép thuật, bói toán… của Đạo giáo đã ảnh hưởng và được thể hiện khá phổ biến trong tư tưởng của nhân dân. So với văn học dân gian, ảnh hưởng của Nho – Phật – Đạo đối với văn học viết sâu đậm hơn. “Văn hoá Nho giáo không khuyến khích hư cấu, tưởng tượng, chủ trương không nói chuyện “quái, lực, loạn, thần”, “kính quỷ thần nhi viễn chi” thì chính học thuyết đề cao vai trò của Tâm, “vạn pháp duy tâm tạo” (toàn bộ thế giới là hình ảnh do tâm tạo ra) đã đề cao vai trò của trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn, giúp người viết vượt lên trên tình trạng sao chép đơn giản hiện thực để hư cấu, tưởng tượng. Học thuyết về kiếp, về cuộc sống sau cái chết và vấn đề tái sinh của Phật đã mở ra cho văn học truyền kì một nguồn mạch tư duy hết sức phong phú. Và triết học Lão Trang, triết học biện chứng tự nhiên, lại đặc biệt nhấn mạnh sự biến hoá qua lại giữa hai mặt đối lập, những hiện tượng pháp thuật phù phép để cứu cánh cho cuộc sống. Theo đó, âm và dương, hoạ và phúc, thực và hư, nhược và cường, chân và ảo, v.v... là một loạt những cặp phạm trù có thể được nhìn dưới quan điểm biến dịch [62]”. Như vậy, sự ảnh hưởng của các tư tưởng Nho – Phật – Đạo cũng là cơ sở quan trọng hình thành nên yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại.

Một phần của tài liệu yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ xv đến thế kỉ xix) (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)