Đặc điểm chung của nhân vật tha hóa trong văn học hiện thực phê phán

Một phần của tài liệu con người tha hóa trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 1945 (Trang 33 - 37)

6. Cơ cấu luận văn

3.1. Đặc điểm chung của nhân vật tha hóa trong văn học hiện thực phê phán

Các nhân vật tha hóa ở cả hai phạm vi xã hội thành thị và nông thôn đều có đặc điểm chung giống nhau: họ đều là nạn nhân của xã hội thực dân nửa phong kiến đang dần chuyển mình một cách đau đớn, nhục nhã sang hướng tư sản, một hướng tư sản kém lành mạnh nhất, què quặt nhất. Trong cuộc đổi thay này đã xuất hiện nhiều con người khác trước, nhiều quan hệ khác trước, nhiều chuyện khác trước phát triển. Đặc biệt là xã hội có sự xuất hiện và ngự trị trên ngai vàng của đồng tiền đã làm cho xã hội càng thêm thay đổi. Tình trạng bần cùng, phá sản, lưu manh hóa của tầng lớp tiểu tư sản, dân nghèo thành thị và nông thôn trong những năm khủng hoảng kinh tế. Chính vì vậy họ đều phải dần “bán” đi nhân cách của mình để mà duy trì sự sống của chính mình. Nói cách khác, để tồn tại trong xã hội như thế họ đã trở thành tầng lớp bị tha hóa đến mức thành lưu manh hóa, hoặc bần cùng hóa, hoặc nhẹ hơn là trở nên nhỏ nhen, ti tiện, tính toán.

Xã hội Việt Nam trước năm 1945 là một xã hội ngột ngạt, bế tắc, đứng trước vực thẳm của chiến tranh. Xã hội ấy đe dọa con người, đe dọa cuộc sống con người và gây ra những bi kịch đau đớn, quằn quại trong tâm hồn người trí thức tiểu tư sản. Qua các sáng tác của mình Nam Cao đã kết án gay gắt cái xã hội thối nát ấy đã không cho con người sống cuộc sống của con người, đã tước đoạt mọi ý nghĩa của sự sống và phá hoại tình cảm đẹp đẽ trong quan hệ giữa người và người. Chính cái xã hội ấy đã bóp chết ước mơ, đã đẩy con người vào cảnh bần cùng không lối thoát.

Trong phần lớn sáng tác của mình Nam Cao đã vẽ lên hình ảnh tuyệt vọng của người trí thức tiểu tư sản nhưng thông qua đó ông muốn cho người đọc thấy được tình cảnh chung của cả xã hội trong bầu không khí ngột ngạt và đầy biến động lúc bấy giờ. Chế độ thực dân phong kiến đã đẩy con người rơi vào hoàn cảnh bi thảm, đi vào ngõ cụt của cuộc đời. Và không biết bao nhiêu con người vì thế đã phải quằn quại đau khổ rên la cho kiếp sống của mình. Nam Cao đã phải lên tiếng kết án xã hội đương thời một cách gay gắt: “chừng nào con người còn phải giành giật nhau từng miếng ăn, Chừng nào có một số người còn phải dẫm lên đầu người kìa để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ” [5].

Trong bức thư của Ănghen gửi cho Haccơnetx khi bàn về chủ nghĩa hiện thực, Ănghen đã nêu nhận xét về chủ nghĩa hiện thực như sau: “theo tôi ngoài chi tiết chân thực, chủ nghĩa hiện thực còn đòi hỏi một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”.

Như vậy vấn đề quan trọng đầu tiên đối với chủ nghĩa hiện thực theo Ănghen là vai trò của hoàn cảnh trong tác phẩm. Và theo quan điểm duy vật lịch sử lý giải về tầm quan trọng của hoàn cảnh chính là quan hệ về chính trị, kinh tế và xã hội.

Hoàn cảnh trong tác phẩm của Nam Cao trước hết là hoàn cảnh sống khắc nghiệt tạo thành một áp lực thường xuyên với nhân vật. Nam Cao chỉ ra rất rõ sự quy định của hoàn cảnh đối với tính cách nhân vật. Vì thế tính cách của nhân vật trong sáng tác của Nam Cao không bao giờ phát triển ngoài môi trường sống của mình. Phần lớn các nhân vật đều nhận thức được cảnh ngộ riêng và sự phụ thuộc của con người vào hoàn cảnh như một quy luật. “Cuộc đời thì bất cứ hoàn cảnh nào cũng chảy trôi theo những định luật chưa bao giở lay chuyển được” [6 - Tác phẩm Ở Hiền].

Khi hoàn cảnh biến đổi thì con người cũng thay đổi. Các nhân vật của Văn học hiện thực đều tỏ ra bi quan vì cuộc đời chung là một hoàn cảnh bi đát mà cái ác, điều dữ, thói đời giả dối, sự không may mắn... đang nhuộm dần những tâm hồn lương thiện, và càng lương thiện trong trắng bao nhiêu lại càng dễ bị nhuộm đen hơn bấy nhiêu. Nhà văn cứ cảm nhận, xót xa và cuộc đời vẫn dường như lạnh lùng trôi chảy.... Hiện tượng biến chất của nhân vật Chí Phèo và hàng loạt các nhân vật khác như Binh Chức, Năm Thọ, Trương Rự... trong sáng tác của Nam Cao, sự tha hóa biến chất của Nghị Hách, Thị Mịch, Long, Xuân tóc đỏ, gia đình cụ cố Hồng... trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, sự lưu manh hóa của Tám Bính trong sáng tác của Nguyên Hồng đều do hoàn cảnh xô đẩy như một quy luật không cưỡng lại nổi, như một tai họa ngẫu nhiên ập đến. Con người mong muốn phải được tôn trọng trong môi trường xã hội, phải được đánh giá đúng bản chất của mình với tinh thần thực sự cầu thị và khích lệ. Chính hoàn cảnh sẽ trực tiếp chi phối đến tính cách và có khả năng lý giải sự đổi thay và phát triển của tính cách nhân vật.

Tuy nhiên hầu như các tác giả cũng không đồng nhất và đánh đồng tất cả các đối tượng khi cùng chịu ảnh hưởng của một hoàn cảnh. vẫn có những người tốt phải sống trong hoàn cảnh xấu và ngược lại. Đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà có căn cứ ở bản lĩnh của chủ thể. Nhận xét ấy trước hết được rút ra từ chính bản thân tác giả. Trong nhật ký

của mình, Nam Cao đã tự nhận xét chân tình: “Lấy làm may rằng mình không trụy lạc trong hoàn cảnh thối nát ghê gớm ấy. Cái gì đã bảo vệ mình? Hình ảnh bà ngoại trủng trẳng ăn cơm nguội nhạt những buổi chiều. Lý tưởng, sự say mê nghệ thuật, tâm hồn trong sạch và mơ những cảnh sống, những con người thật đẹp” [1950].

Bản lĩnh chống đỡ và đối phó với hoàn cảnh xấu được thể hiện qua thực tế sáng tác của Nam Cao. Nam Cao đã xây dựng nhiều nhân vật luôn luôn phải vật lộn, chống đỡ ở mấp mé bên bờ vực của cuộc sống như nhân vật Thứ trong SỐNG MÒN, Điền trong TRĂNG SÁNG, Hộ trong ĐỜI THỪA ... Hoàn cảnh. trong tác phẩm của Nam Cao chủ yếu là hoàn cảnh hẹp. Đó là hình ảnh của một làng quê, của một ngôi trường và chủ yếu là hình ảnh những gia đình nhỏ. Các gia đình phần lớn ở vào trạng thái đối lập với xã hội, hay nói đúng hơn là nạn nhân của xã hội. Gia đình nông dân và trí thức nghèo thường không được ở trạng thái ổn định, bình an mà nghèo khổ không có thế lực trong xã hội, sống co cụm và đối phó với những đổi thay của cuộc sống. Trong những gia đình trí thức nghèo thường có những người ra đi để mong ước và mưu chước một điều gì nhưng cuối cùng lại thất bại trở về mái nhà nghèo khổ của mình. Thứ trong SỐNG MÒN là một nhân vật mà hành trình đi khá xa từ làng quê đến những thành phố xa xôi như Sài gòn, Hà nội và cuối cùng lại bị thành thị khước từ để ném trở về quê... và có thể chỉ là những chuyến đì gần hơn như lên bưu điện Huyện nhận một số tiền hoặc lên Tỉnh kiếm được một việc làm tuy vậy cũng thường rất vất vả và uổng công như nhân vật Điền trong NƯỚC MẮT đã phải khốn khổ khi nhận thấy mình “khổ quá, khổ như một con chó vậy” khi anh ta ra đi mà phải trở về với hai bàn tày trắng.

Gia đình không còn là nơi êm ấm, hạnh phúc, nơi an ủi và xóa đi mọi sự vất vả hàng ngày trong cuộc sống.

Trên đề tài người nông dân, Nam Cao xây dựng những tình huống và cảnh ngộ còn bi đặt thảm thương hơn. Từ những loại người biến chất, những người nông dân lương thiện bị đẩy vào bước đường cùng và thậm chí phải nhận cái chết thảm thương. Anh Đĩ Chuột trong tác phẩm NGHÈO đã phải tự tử vì nợ nần và đói nghèo, Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên cũng phải chịu chết thê thảm vì cảnh ngộ vì thương con mà muốn bảo vệ mảnh vườn, cái vốn duy nhất còn để lại trên đời cho con. Bà Cái Tí trong MỘT BỮA NO sau những ngày đói khổ kéo dài đã phải chết ai oán chỉ vì cố ăn một bữa quá no ... Mỗi nhân vật mỗi cảnh ngộ là một bi kịch. Không phải là những vấn đề xã hội phức tạp, những môi trường lớn chi

phối đến nhiều nhân vật như trong tác phẩm của nhiều nhà văn hiện thực khác hoàn cảnh trong tác phẩm của Nam Cao thường nhỏ hẹp và khép lại ảm đạm...

Các nhà văn hiện thực Việt nam trong thời kỳ 1930 - 1945 gặp nhiều khó khăn để tái hiện những bức tranh xã hội rộng lớn qua những cốt truyện và hoàn cảnh rộng nhưng lại có thuận lợi về sự thống nhất đến trùng lặp giữa hoàn cảnh lớn và hoàn cảnh nhỏ. Trong tác phẩm của họ những bất công, đau khổ, những mặt đen tối tiêu cực của chế độ thực dân phong kiến ngấm sâu vào cơ thể xã hội đến từng đơn vị nhỏ nhất. Từ một xóm nghèo, một cuộc đời đắng cay vì chuyện cơm áo, cho đến cảnh mòn mỏi chết mòn của một người trí thức nghèo ... Tất cả đều có thể từ đó khái quát lên bức tranh xã hội. Cũng vì thế mà tiểu thuyết SỐNG MÒN đi vào cuộc sống của một nhóm nhà giáo nghèo sống vật vạ trong cảnh đời tù túng bế tắc, mòn mỏi đã cố thể tạo trong nhận thức của người đọc về một hoàn cảnh điển hình của xã hội. Nhà phê bình Nguyễn Đình Thi đã nhận xét sâu sắc “SỐNG MÒN miêu tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra” không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh là vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục trong đó đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc”.[66- Trang44]

Điều quan trọng trong tác phẩm của Nam Cao chính là những tầng ý nghĩa sâu rộng mà tác phẩm mở ra một cách chắc chắn trong nhận thức của người đọc. về chiều rộng của vận mệnh nhân vật trong cảnh ngộ hẹp cũng là vận mệnh của một giai cấp của cả xã hội. Và bình diện liên tưởng khác chính là chiều sâu của con người. Cuộc đời của nhân vật thường dễ gây xúc động về sự tổn thương nhân phẩm của con người và gây đớn đau về số phận của kiếp người.

Hoàn cảnh của tác phẩm ngày càng như càng đè nặng lên nhân vật. Từ con người trong mộng tưởng chứa chan mơ ước và hy vọng, đến con người chấp nhận hoàn cảnh không ra gì của mình và cuối cùng là tình trạng của những nạn nhân mong được tồn tại trong hoàn cảnh đó. Sức ép của hoàn cảnh đã đẩy nhân vật đến bước đường cùng. Điều đáng quý là hầu hết các nhân vật trong sáng tác của Nam Cao đều không ngã quỵ trước hoàn cảnh và đáng quý hơn nữa là dù ở trong hoàn cảnh đó họ vẫn mong ước một sự đổi thay. Thứ trong SÔNG MÒN đã từng nhận thức: “Thời thế đổi lòng người đổi. Thế kỷ sau sẽ lọc máu cho chúng ta trong trẻo lại, Y thở dài nghĩ bụng: nhưng tại sao lại không thể nghĩ đến chuyện lọc máu ta ngay từ bây giờ”.[5 - Trang 20 ]

Một phần của tài liệu con người tha hóa trong văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 1945 (Trang 33 - 37)