Do sống xen kẽ với người Kinh (Việt) mà người Mường ở Kỳ Sơn đã tiếp thu nhiều thứ từ người Kinh (Việt), từ sản xuất, ăn mặc và ẩm thực. Trong ăn uống người Mường có rất nhiều món ăn đã trở thành đặc sản, tuy nhiên cách chế biến của họ tương đối đơn giản. Trước đây, người Mường chỉ sử dụng phổ biến các cách chế biến như: Đồ, luộc, nấu, xào…thì giờ đây họ đã tiếp thu nhiều cách nấu ăn mới thêm cầu kì như: Ninh, hầm… làm cho món ăn phong phú đa dạng và tăng thêm hương vị ngày tết.
Xưa kia trong ngày tết khi thịt lợn, đồng bào chỉ làm món thịt luộc, thịt chua,…Nhưng giờ đây cũng là con Lợn đó họ có thể làm ra nhiều món ăn với nhiều cách chế biến khác nhau như: Sườn xào chua ngọt, thịt quay, làm giò lụa, giò mỡ, thịt nấu đông.
Măng đắng là món ăn truyền thống của người Mường không thể chế thiếu trong Tết nguyên Đán trước đây chỉ có cách thức chế biến là đồ và luộc rất đơn giản, còn hiện nay từ măng đắng có thể xào với thịt lợn, măng đắng nấu ninh xương, măng đắng nấu cá,…
Nhiều món được chế biến với cách thức chế biến mới như hầm với các món thịt bò hầm sốt vang, thịt gà hầm…hay các món ăn sốt.
Đối với đồ uống, cách nấu rượu cũng thay đổi không còn nấu theo cách truyền thống nữa mà đồng bào nấu theo kiểu người Kinh (Việt) cho nhanh hơn và tạo ra lượng rượu hơn. Điều này làm cho rượu mất đi vị ngon, ngọt nữa.
Cách chế biến đa dạng, cầu kì đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ Mường mà nhiều món ăn mới được tạo ra để mâm cỗ ngày Tết thêm đa dạng hương vị.