Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ
xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm...”[8,tr125]
Giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm văn học là một hiện tượng được các nhà nghiên cứu nhận ra từ lâu. Nó là phạm trù liên quan đến hai lĩnh vực: thi pháp học và ngôn ngữ học. Giọng điệu nghệ thuật được xem là yếu tố hàng đầu trong việc thể hiện phong cách nhà văn, là phương tiện biểu hiện quan trọng trong tác phẩm. Giọng điệu còn được xem là yếu tố có vai trò thống nhất các yếu tố khác trong tác phẩm văn học. Giọng điệu cũng được xem là thước đo không thể thiếu để xác định tài năng, phong cách nhà văn, là yếu tố bộc lộ chủ thể trần thuật một cách trung thực, cho phép người đọc nhận ra nét riêng, sự độc đáo ở mỗi nhà văn. Đó chính là sự giao cảm giữa con người và vũ trụ được nhà văn thể hiện một cách có ý thức bằng giọng điệu. Các vấn đề tư tưởng được cảm nhận trong một phạm vi giọng điệu nhất định. Các tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm có giọng điệu riêng, đặc biệt tiêu biểu cho thái độ của nhà văn đối với vấn đề được phản ánh, đối với cuộc đời. Trong sáng tác, câu văn muốn đạt đến đỉnh cao của sự truyền đạt thì nhất thiết nó phải có hồn. Câu văn có hồn chính là câu văn có giọng, có ngữ điệu. Sự phong phú, tính đa nghĩa của tác phẩm trước hết là ở giọng. Người đọc nếu bắt được “giọng” của nhà văn xem như bắt được cái “thần” của tác phẩm. Vì vậy, muốn hiểu sâu tác phẩm không thể bỏ qua yếu tố giọng điệu. Theo Trần Đình Sử thì giọng điệu văn học là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ, phụ
thuộc vào cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và thời đại”[24, tr67].
Giọng điệu văn chương là yếu tố nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ của nhà văn, hiển nhiên ta cũng không phủ nhận giọng điệu thời đại. Giọng cá nhân và giọng thời đại sẽ hòa hợp bổ sung cho nhau tạo nên sự phong phú mới mẻ cho giọng điệu.Trong giọng điệu thời đại ta tìm thấy giọng cá nhân, mỗi giọng cá nhân góp phần làm phong phú giọng thời đại. Nghiên cứu giọng điệu là đi sâu vào khám phá kiểu nói, kiểu phát ngôn của nhà văn trong quá trình biểu hiện nhận thức, thái độ đối với cuộc đời trên nền tảng nhận thức của thời đại. Cuộc sống mỗi ngày một phức tạp, đa dạng, nhiều chiều vì vậy giọng điệu văn học đặc biệt là văn xuôi ngày một linh hoạt hơn, phong phú hơn. Khám phá giọng điệu là khám phá thế giới của người cầm bút. Do vậy, nghiên cứu văn học có thể nói không thể bỏ qua yếu tố giọng điệu: “một chất nghệ thuật đặc sắc độc đáo toát ra từ toàn bộ âm hưởng của tác phẩm…là
một trong những yếu tố để nhận ra giá trị của một tác phẩm văn học”. Khi
nghiên cứu giọng điệu, xuất phát từ những tiêu chí khác nhau sẽ có sự phân chia khác nhau. Chẳng hạn, xét về cấu trúc, thường giọng điệu được phân thành giọng chính và giọng phụ, “gam ngữ điệu chủ yếu và các sắc điệu có
tính bè đệm, đơn thanh và đa thanh”.