6. Kết cấu luận văn
3.3. Hiệu quả của phương châm đấu tranh kết hợp “ba mũi giáp công” trong kháng chiến
Thuật ngữ “ba mũi giáp công” được định nghĩa theo nhiều góc độ khác nhau. Theo từ điển bách khoa quân sự Việt Nam viết: ““Ba mũi giáp công” là phương châm tiến công địch bằng sự kết hợp cả quân sự, chính trị và binh vận trong các nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch và chiến đấu ở miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ thể hiện bước phát triển cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam” [55, tr.102]. Theo cách định nghĩa này cho thấy vai trò quan trọng của việc kết hợp cùng một lúc ba mặt: chính trị - quân sự - binh vận trong đấu tranh cách mạng. Mỗi mặt được phân công những nhiệm vụ chiến lược, chiến thuật khác nhau nhưng đều hiệp đồng chiến đấu. Với phương châm đấu tranh này đã đưa nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới, có giá trị to lớn trong cả phạm trù chiến lược, chiến thuật.
Khái niệm “ba mũi giáp công” theo cách trình bày của Bộ tham mưu Quân đội nhân dân: “ba mũi là ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận. Tất cả những yếu tố trên đều kết hợp chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công địch trong các giai đoạn của chiến tranh” [13, tr.220 – 221]. Với cách trình bày ngắn gọn như trên đã tập trung vào sức mạnh to lớn từ “ba mũi giáp công”. Sự kết hợp ba mũi đã tạo ra sức mạnh to lớn để quân dân ta tiến công tiêu diệt kẻ thù và mỗi bước đi trên tiến trình cách mạng là một chặng đường phát triển của phương châm đấu tranh ấy.
Như thế “ba mũi giáp công” là phương châm tấn công địch bằng bạo lực chính trị và quân sự của quần chúng nhân dân, là phương châm toàn dân đánh giặc, mang tính tự giác,
76
tính chủ động sáng tạo của quần chúng. Là phương châm đánh địch ở phía trước bằng mũi chính trị, phía sau bằng mũi quân sự và phía trong bằng mũi binh vận, nhằm thực hiện được hai mục tiêu: gây cho địch những tổn thất về lực lượng, vật chất (người và của) và sự hoảng loạn, suy sụp về tinh thần.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước từ năm 1961 – 1968, quân dân tỉnh Bến Tre nói chung, huyện Mỏ Cày nói riêng đã biết kết hợp đấu tranh bằng: chính trị - quân sự - đấu tranh binh vận.
- Lực lượng chính trị của quần chúng được tổ chức chặt chẽ, hình thành đội quân chính trị rộng lớn, sẵn sàng tấn công địch.
- Lực lượng quân sự phát triển từ không đến có, từ yếu đến mạnh, linh hoạt, sáng tạo trong cách đánh.
- Cán bộ binh vận linh hoạt, gan dạ, cài người vào trong hàng ngũ địch, lôi kéo địch về với cách mạng.
Tuy nhiên, trải qua quá trình đấu tranh chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ”, việc kết hợp “ba mũi giáp công” ở huyện Mỏ Cày có những điểm giống nhau và khác nhau .
Trong giai đoạn từ năm 1961 – 1968, đế quốc Mĩ đã lần lượt đưa vào chiến trường miền Nam 2 chiến lược chiến tranh mới. “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965), với những kế hoạch quân sự phiêu lưu, mạo hiểm mà những chuyên gia quân sự Mĩ đưa ra nhằm bình định cho bằng được phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968), được thay thế “chiến tranh đặc biệt” bằng số lượng binh lính cùng vũ khí khổng lồ mang nhiệm vụ “bình định” và “tìm diệt”. Cả 2 chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới này đều thất bại bởi phương châm đấu tranh rất sáng tạo của quân dân trên mảnh đất xứ dừa. Kết hợp “ba mũi giáp công” là phương châm giữ vai trò trọng yếu trong cuộc đấu tranh chống lại các chiến lược chiến tranh của Mĩ. Khi “chiến tranh đặc biệt” mới bắt đầu thực hiện thì cũng là lúc quân, dân Mỏ Cày sáng tạo ra phương châm đấu tranh mới. Vì giờ đây việc đấu tranh đơn thuần bằng chính trị đã không còn mang lại nhiều hiệu quả như lúc trước. Đã đến lúc bạo lực phản cách mạng phải trả bằng bạo lực cách mạng. Quân, dân Mỏ Cày bằng ý chí kiên cường, lòng quyết tâm chống giặc đã tìm mọi cách tiến đánh giặc bằng cả lực lượng quân sự sẵn có của mình. Lòng nhân hậu, tình cảm đoàn kết gắn bó giữa những con người Việt Nam ruột thịt đã lôi kéo những người lầm đường, lạc lối về với chính nghĩa cách mạng. Đấu tranh chính trị đã dần trở thành mũi đấu tranh mang lại
77
thế hợp pháp cho quần chúng nhân dân, để từ đó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho mũi binh vận tiến công sâu vào hàng ngũ của giặc, mở đường cho mũi quân sự xung phong đánh tan lực lượng của Mĩ - ngụy. Trong các cuộc đấu tranh diệt đồn, chặn càn quét “ba mũi giáp công” được sử dụng một cách thuần thục mang lại hiệu quả mà mũi chính trị giữ vai trò chủ đạo.
Từ năm 1965 – 1968, dù Mĩ - ngụy có tăng cường mức độ chiến tranh lên cao đến mức nào bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ” thì về phía cách mạng ở miền Nam nói chung, huyện Mỏ Cày nói riêng vẫn giữ phương châm chiến lược tiến công bằng kết hợp “ba mũi giáp công”. Vậy điểm giống nhau cơ bản của đấu tranh “ba mũi giáp công” trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của quân dân Mỏ Cày là đều dùng ba mũi tấn công: chính trị, binh vận, quân sự của quần chúng, có sự kết hợp với dân quân tự vệ, du kích, bộ đội tỉnh, chủ lực khu để tiêu diệt, đánh đồn, phá tan bộ máy tề ngụy ở vùng nông thôn. Đưa quần chúng nhân dân lên làm chủ xã, ấp và tham gia chiến đấu ở xã, ấp bằng ba mũi để nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của quần chúng.
Tuy nhiên việc vận dụng phương châm đấu tranh kết hợp “ba mũi giáp công” trong từng giai đoạn lịch sử có những nét khác nhau cơ bản.
Phương châm đấu tranh kết hợp “ba mũi giáp công” là nhân tố góp phần đưa cuộc Đồng khởi (1960) đi đến thắng lợi. Phương châm ấy tiếp tục được quân, dân toàn tỉnh Bến Tre vận dụng vào cuộc chiến đấu chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ. Cả ba mũi chính trị - binh vận – quân sự điều có vai trò chiến lược như nhau. Nhưng trong điều kiện lúc bấy giờ đấu tranh chính trị lại giữ vai trò chiến lược chủ yếu. Bởi vì, trong một chừng mực nào đó của sự kết hợp chính trị - quân sự - binh vận để tấn công kẻ thù cướp nước, quân và dân huyện Mỏ Cày đang nghiêm chỉnh thi hành những nội dung của hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam. Nếu như đấu tranh quân sự ngay từ đầu thì không khéo không thu được kết quả như mong muốn mà ngược lại còn vi phạm hiệp định. Chính vì thế chỉ có đấu tranh chính trị mới đưa chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc lên một tầm cao mới. Ngoài ra dưới sự thống trị, kìm kẹp của ngụy quyền, chúng dùng chủ trương và thủ đoạn “một bàn tay sắt, một bàn tay nhung”. Có nghĩa chúng vừa đàn áp, khủng bố dã man, nhưng lại vừa lừa bịp, mị dân hòng mua chuộc quần chúng. Trong quá trình đấu tranh chống sự đàn áp, khủng bố của giặc thì nhân dân càng căm thù và nhận rõ kẻ thù. Nhưng những chính sách lừa mị, mua chuộc của chế độ thực dân mới đều bị nhân dân vạch rõ và cũng có thể lợi dụng tiến tới đấu tranh chính trị để giữ thế hợp pháp. Vì vậy trong
78
quá trình chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” phương pháp chung cho cách mạng miền Nam trong đó có huyện Mỏ Cày là tiến hành đấu tranh chính trị, bằng mũi chính trị là chính yếu, mũi binh vận, quân sự là hỗ trợ.
Thực chất mà nói Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có sự chỉ đạo kịp thời cho cách mạng miền Nam. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng khi Mĩ - ngụy tăng cường khủng bố cách mạng, Đảng đã có chủ trương cho phép đấu tranh quân sự để hỗ trợ. Ở huyện Mỏ Cày khi tiến hành cuộc Đồng khởi 1960, cũng như ban đầu đối phó với chiến lược “chiến tranh đặc biệt” vẫn chưa có lực lượng quân sự mạnh, thiếu thốn về vũ khí, đa phần là vũ khí thô sơ tự tạo và một số súng lấy trong đồn lính mà có. So ra nếu dùng mũi quân sự tiến công thì không thể nào đương đầu nổi với bộ máy chiến tranh và khủng bố khổng lồ của Mĩ - ngụy. Chính điều đó Tỉnh ủy Bến Tre, Huyện ủy Mỏ Cày đã lãnh đạo nhân dân thực hiện theo chủ trương của trung ương: Đấu tranh chính trị là chủ yếu. Đấu tranh quân sự và binh vận tạo thế và lực thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị tiến lên. Trong cao trào chống, phá “ấp chiến lược” ở Mỏ Cày mũi đấu tranh chính trị đã đem lại hiệu quả cao, cùng mũi quân sự, binh vận phá tan “quốc sách ấp chiến lược” của Mĩ - ngụy bằng các cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn, thời gian kéo dài ở thị xã, thị trấn. Trong giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh cục bộ”, phương châm kết hợp “ba mũi giáp công” có nhiều điểm mới. Hành động phá hoại hiệp định Giơnevơ của Mĩ - ngụy đã đưa cách mạng miền Nam chuyển sang thực hiện biện pháp đấu tranh mới. Vẫn sử dụng “ba mũi giáp công” để tiến công kẻ thù. Nhưng mũi đấu tranh quân sự đã đảm nhận vai trò chính bên cạnh sự hỗ trợ của mũi chính trị, binh vận trong tấn công tiêu diệt giặc. Nếu như trước đây lực lượng quân sự trong huyện còn ít, non trẻ; thì giờ đây đã phát triển mạnh về số lượng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng. Từ cấp trung đội dần hoàn thiện và thành lập đại đội vũ trang huyện (Đại đội 1). “Đại đội 1 thừa quân số theo biên chế và nhờ thu nhiều vũ khí của địch nên đã tự lực trang bị tốt, có cả súng cối, đại liên, tiểu liên, súng trường, bằng và hơn các đơn vị bạn trong tỉnh, đủ sức diệt gọn đại đội địch” [8, tr.79]. Qua thời gian tấn công địch nhằm phối hợp cho mũi đấu tranh chính trị trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, lực lượng quân sự huyện Mỏ Cày đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho lối đánh sở trường của mình. Chính vì vậy từ năm 1965 – 1968 lực lượng quân sự huyện đã tấn công tiêu diệt giặc ở các chi khu lớn quan trọng, kể cả chi khu đầu não địch ở thị trấn Mỏ Cày. Riêng mũi đấu tranh chính trị trong giai đoạn này được tiến hành theo chiều sâu, không kéo dài với qui mô lớn như trước. Khi lực lượng quân sự tiến công diệt đồn thì lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ,
79
mở rộng vùng giải phóng. Mũi đấu tranh quân sự mạnh đã tạo khí thế sôi nổi cho lực lượng chính trị và binh vận cùng tiến công bao vây, tiêu diệt ngụy quyền.
Sự kết hợp “ba mũi giáp công” chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” của quân, dân huyện Mỏ Cày diễn ra quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn đã đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ lao nhanh đến con đường thất bại.
Kết hợp cả ba mũi: chính trị - quân sự - binh vận đã tạo ra một cách đánh hiệu quả nhằm tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã hàng ngũ địch, bảo vệ lực lượng cách mạng, tính mạng và tài sản của nhân dân. Đấu tranh bằng kết hợp “ba mũi giáp công” đã mang lại nhiều hiệu quả:
* Hạn chế tập trung hóa, vô hiệu hóa các cuộc hành quân càn quét của địch vào nông thôn.
Trong giai đoạn đầu khi đế quốc Mĩ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” hình thái chiến tranh chủ yếu mà chúng sử dụng là những cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng cách mạng. Trang bị cho một trận càn quét là tất cả những loại vũ khí tối tân hiện đại, một lực lượng quân sự hùng hậu chia thành nhiều hướng, nhiều mũi tiến vào vùng giải phóng. Về phía cách mạng khách quan mà nói, lực lượng quân sự thường ít hơn địch về số lượng và trang bị vũ khí, nhưng do trong đấu tranh cách mạng quân, dân huyện Mỏ Cày đã biết kết hợp “ba mũi giáp công” : chính trị - quân sự - binh vận trên tất cả chiến trường, tiến hành chống càn quét, tiêu hao địch từng bộ phận, phục kích buộc địch luôn luôn đối phó với ta một cách bị động, căng thẳng và mệt mỏi.
Nhờ công tác tình báo, quân báo ban chỉ huy mặt trận luôn đoán được ý đồ của địch trong những trận càn nên thường chủ động đối phó. Một mặt lực lượng quân sự bố trí mai phục sẵn trận địa trên đường địch tiến quân. Mặt khác vận động, tổ chức cho lực lượng chính trị và bộ phận binh vận tham gia đấu tranh trực diện.
Khi địch càn quét vào xã, ấp thì lập tức đông đảo quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh bảo vệ xóm làng, ngăn chặn, đánh lạc hướng địch rồi thì tranh thủ tác động vào tinh thần chúng làm cho tính hung hăng giảm bớt mà dừng cuộc hành quân và không nổ súng. Nhờ đó đã trì hoãn được những trận càn của địch. Phải nói rằng đấu tranh theo phương châm này của quân dân Mỏ Cày rất hiệu quả, tạo ra thế chủ động đối phó với quân giặc. Lực lượng chính trị tay không đấu tranh trực diện với kẻ thù mang đầy súng đạn. Sự khéo léo và bí mật của cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch đã dùng lý lẽ vừa khơi dậy ý thức dân tộc, vừa “hù dọa” về sức mạnh của lực lượng vũ trang đối với bọn lính cũng có tác dụng phân
80
hóa bọn chúng. Ở huyện Mỏ Cày có rất nhiều trận càn quét của địch bị hủy bỏ, thất bại dưới hình thức đấu tranh này.
Nhớ lại những năm tháng địch đưa lực lượng thủy quân lục chiến tiến hành càn quét 3 xã Bình Khánh, Định Thủy, Phước Hiệp, chúng tin tưởng rằng sẽ tiêu diệt được lực lượng cách mạng, cơ sở cách mạng và mở rộng vùng kiểm soát. Nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại với cuộc “tản cư ngược” của đồng bào ở 3 xã điểm và các xã lân cận. Khi địch đổ quân vào xã, ấp, ban lãnh đạo đã tổ chức phục kích ở một số vị trí then chốt, bộ phận còn lại kéo ra đấu tranh với tên Quận trưởng và tìm cách phân hóa kẻ thù giữa “lính địa phương” và “lính trung ương”. Có nghĩa là bà con giã vờ đồng thuận sống chung với bọn “lính địa phương”, chứ không chấp nhận “lính trung ương” tự nhiên gây rối, rồi thì nói là “lính trung ương” chẳng coi “lính địa phương” ra gì,…. làm cho nội bộ địch mâu thuẫn, mất lòng tin lẫn nhau và cuối cùng bọn chúng phải chịu thua mà rút quân.
Dựa vào thế trận của chiến tranh du kích những cuộc hành quân càn quét của địch dường như bị bẽ gãy rất nhiều. Khi thì chúng đi được nửa đường nghe bà con bàn tán xôn xao về bộ đội chủ lực được tăng cường cho vùng này vùng nọ, nào là Việt Cộng có thêm nhiều vũ khí mới,… để “hù dọa” bọn chúng. Ở xã Phước Hiệp, ban đêm chị em phụ nữ vác “súng bập dừa” đi tới đi lui làm mẹp cả khoảng ruộng lúa, rồi đổ cả những lu nước của những nhà gần đồn bót địch. Sáng ra chợ tung tin là có bộ đội Tỉnh về đông lắm đi mẹp cả lúa, uống hết nước trong lu. Bọn lính nghe thấy nên cả ngày hôm đó chúng chỉ ở trong đồn mà ra lệnh hủy bỏ cuộc hành quân càn quét.
Phương châm đấu tranh bằng kết hợp “ba mũi giáp công” cũng đã bẽ gãy nhiều đợt hành quân “tìm diệt” của Mĩ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Như ta đã biết, ở chiến