1.4.2.1. Kinh nghiệm phát triển du lịch ở tỉnh Vân Nam - Trung Quốc
Vân Nam là một tỉnh của Trung Quốc với địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm 80% diện tích), đất dùng cho nông nghiệp rất hạn chế vì vậy chính quyền cần có chính sách phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, sử dụng đất đai một cách hợp lý. Phát triển du lịch ở đây được đặt dưới sự quản lý tốt của nhà nước bằng các quy hoạch hợp lý với sự tham gia, phối hợp giữa các ngành và địa phương. Vân Nam có nhiều khu du lịch nổi tiếng với nhiều sắc thái, sinh cảnh riêng đã tạo cho du lịch của tỉnh phát triển một cách đa dạng.Với sự quản lý khai thác tài nguyên du lịch được thống nhất cao gắn kết với sự tham gia của cộng đồng dân cư tạo nền tảng cho du lịch ở đây phát triển một cách bền vững, lâu dài. Quy hoạch các khu du lịch ở đây tuân theo quy luật của thị trường nhưng có một sự định hướng rõ ràng. Trong quá trình lập quy hoạch du lịch có sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực: xây dựng, kiến trúc, du lịch, lữ hành, văn hoá, môi trường... Quy hoạch của tỉnh theo hướng bền vững, song song với việc phát triển du lịch là việc gìn giữ bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan du lịch.
Ở các địa điểm du lịch thì đều có các quy định rõ ràng cho các nhà quản lý, người kinh doanh và khách du lịch phải thực hiện một cách nghiêm túc. Cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ du khách đều phải làm theo mẫu thống nhất phù hợp với khu du lịch, không có hiện tượng chèo kéo khách mua hàng, hiện tượng ăn xin, các tệ nạn xã hội... Chính quyền tỉnh hỗ trợ cư dân địa phương phát triển các ngành nghề truyền thống bằng cách mở các lớp đào tạo nghề thu công, cho vay vốn tạo dựng cở sở sản xuất thủ công....chính những việc làm đó đã giúp cho cơ hội tăng thêm thu nhập, giải quyết vấn đề việc làm giảm sức ép lên nguồn tài nguyên thiên nhiên.
1.4.2.2. Kinh nghiệm phát triển du lịch ở Phong Nha Kẻ Bàng
Bên cạnh sự gia tăng về số lượng khách du lịch thì cơ sở vật chất ở Phong Nha - Kẻ Bàng phục vụ du khách cũng được nâng cấp, cải thiện, môi trường đã được quan tâm, giữ gìn, chất lượng phục vụ du lịch được nâng lên một bước và sự tham gia ngày càng tích cực của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch. Điều đó đã giúp cho Phong Nha - Kẻ Bàng được sự hài lòng của du khách khi đến đây. Du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng còn góp phần quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Các tệ nạn xã hội liên quan đến du lịch như mại dâm, ma tuý, tội phạm... không có chiều hướng gia tăng và luôn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.
Tuy vậy, với lượng lớn du khách đến vớn Phong Nha - Kẻ Bàng và tăng nhanh trong mỗi năm thì Phong Nha - Kẻ Bàng phải đối mặt với một lượng rác thải rất lớn, môi trường du lịch sinh thái bị ảnh hưởng rất lớn, thời gian lưu trú ngắn (bình quân 1 ngày/khách), hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp.
Trước những tồn tại trên Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với các ngành và các tổ chức liên quan từng bước tháo gỡ vướng mắc như việc đưa ra chính sách hước hoạt động du lịch vào bảo tồn, tôn tạo; chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm truyền thống; đặc biệt là chính sách hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho những người dân tộc
thiểu số sinh sống trong địa bàn khu du lịch, vận động họ tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch bằng cách sản xuất sản phẩm truyền thống để bán cho du khách, giúp giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo cuộc sống ổn định cho người dân và quan trọng hơn là nâng cao trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên của người dân.