Nội dung của hiện đại hoá

Một phần của tài liệu “Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong “hai giọt lệ” của tương phố đông hồ” (Trang 55 - 59)

I. Khái quát chung

I.2.2.Nội dung của hiện đại hoá

Sau khi qui định thời gian tồn tại của văn học hiện đại như trên, điều quan trọng là cùng nhau xác định nội dung khái niệm hiện đại, và đi liền với nó là quá trình hiện đại hoá.

Thoạt nghe, ai cũng hiểu ngay rằng hiện đại là lối làm nghệ thuật một cách mới mẻ, khác hẳn so với lối cũ của ngày hôm qua. Nhưng trong thực tế nghiên cứu, từ này không có nghĩa chung chung như thế mà có nội dung cụ thể của nó. Chúng tôi không đủ trình độ để tìm hiểu hai chữ hiện đại dưới góc độ từ nguyên học, nhất là xác định được khởi điểm mà từ này lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, trước khi truyền sang Việt Nam, song có thể mạnh bạo dự đoán: Hiện đại chỉ được dùng nhiều từ cuối thế kỷ XIX, nó gắn liền với một giai đoạn bột phát của sự tiếp xúc Đông Tây, khi mà người châu Á (mà gần với ta nhất là Trung Hoa) bắt đầu có ý thức được rằng dù bản thân từng có truyền thống văn hoá lâu đời, song hiện đang ở giai đoạn trì trệ, bế tắc, có nhiều phương diện có thể gọi là cổ hủ lạc hậu. Vậy cái lối làm kinh tế cũng như văn chương nghệ thuật mới mẻ, đáng gọi là xứng với thời buổi ngày nay (hiện đại) phải là

gắn liền với phương Tây, và trở nên hiện đại (hiện đại hoá) là làm theo mẫu hình phương Tây. Từ đầu thế kỷ XX, khi đề ra yêu cầu xây dựng nền văn hoá mới, các tác giả “Văn minh tân học sách” đã nghĩ như vậy. Mà khi làm công việc ghi nhận thành tựu những năm từ đầu thế kỷ XX trở đi, các tác giả Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm... cũng nghĩ như vậy. Nếu xưa kia, cái để ông cha ta đối chiếu là văn học Trung Hoa, thì ngày nay, cái để con người đầu thế kỷ trông vào học tập là cách làm văn hoá, cách nghĩ của người phương Tây. Đây đó hai chữ Âu hoá có bị hiểu sai và việc này đã có người mang ra chế giễu, song nhìn chung nó được dùng rất nghiêm chỉnh, và giả định một sự học hỏi tích cực với tất cả bản lĩnh dân tộc vững chãi, chứ không phải là học đòi theo lối nô lệ.

Sau đây là cách hiểu hai chữ hiện đại ở một số nước gần gũi và có hoàn cảnh tương tự với Việt Nam.

Khi khái quát về tình hình văn học ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonêxia, v.v... các tác giả cuốn “Văn học Đông Nam Á”[29, 6 - 7] nhất trí rằng: “Nếu cuộc tiếp nhận văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ là cuộc hội nhập văn hoá lần thứ nhất, xảy ra trong khu vực, thì cuộc tiếp xúc với văn hoá phương Tây là cuộc hội nhập văn hoá lần thứ hai, nó khiến cho văn học hiện đại ở các nước Đông Nam Á mang một màu sắc mới.”

Ngay từ 1945, trong một bài viết mang tên “Trên đường kiến thiết văn hoá mới ở Trung Quốc – vấn đề dân tộc hoá”[29, 7], nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã khái quát “Vấn đề văn hoá ở Trung quốc khoảng 100 năm nay cũng là một vấn đề nhập cảng: thâu thái những kiến thức về kỹ nghệ, về khoa học để cải tạo nền văn hoá “ngàn xưa” của nước Tàu”. Ở một chỗ khác (cũng bài báo trên), ông viết “Vấn đề Âu hoá, hiện đại hoá (modernisation) cũng là một vấn đề lựa chọn. Bất kỳ khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, bất kỳ về phương diện tri thức hay phương diện kĩ nghệ, văn hoá mới Trung Quốc sẽ phải góp nhặt trong văn hoá Âu Tây những thành phần tiến bộ cái tinh hoa có thể áp dụng vào trong tình thế Trung Quốc ngày nay”. Trong cách hiểu của tác giả, hai quá trình Âu hoá và hiện đại hoá gần như đã được đồng nhất.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng trở lại với một số định nghĩa trong các từ điển. Trong “Tạp chí Văn học” - số 1(2002), đã trích ra một số định nghĩa từ các cuốn từ điển tiếng Nga và tiếng Pháp. Chúng tôi xin dẫn ra đây để tham khảo:

“Hiện đại hoá” (tiếng Pháp “moderniser”). Thuật ngữ văn hoá học dùng để xác định quá trình vận động từ xã hội tiền công nghiệp dựa trên truyền thống tới một hệ thống kinh tế và chính trị, cũng như văn hoá tiêu biểu cho sự phát triển của các nước tư bản (...) Những yếu tố cơ bản của quá trình này là: khả năng sử dụng những kĩ thuật hiện đại trong những ngành then chốt của sản xuất được đẩy mạnh; hình thức tiêu thụ được mở rộng, những điều kiện mới (về xã hội, chính trị, văn hoá) được phát triển; nền sản xuất mới được hình thành. Quá trình hiện đại hoá bao gồm cả việc nắm vững những kiểu dạng mới của sinh hoạt tinh thần (kiểu tư duy mới)...

“Hiện đại hoá trong lĩnh vực đời sống văn hoá”: Quá trình vận động phát triển, từ nền văn hoá tiền công nghiệp tới nền văn hoá đặc trưng cho các nước tư bản phát triển. Những nhân tố cơ bản của hiện đại hoá bao gồm: đa dạng hoá các hệ thống tinh thần và sự định hướng giá trị; thế tục hoá và đa cực hoá các ý thức xã hội và giáo dục; làm cho ngày càng có nhiều người biết chữ; hình thành văn hoá và ngôn ngữ dân tộc, đa dạng hoá các trào lưu tư tưởng; phát triển phương tiện thông tin đại chúng”.

Đây cũng là quan niệm thấy trình bày trong một số tài liệu tiếng Nga khác, chẳng hạn cuốn “Văn hoá học xã hội” của B.S. Erasov (1996) hoặc “Đại từ điển Collins về xã hội học” (1999). Bản Collins nhấn mạnh “có một sự đối lập rõ rệt giữa xã hội trước và sau hiện đại hoá” “nhân tố quyết định của hiện đại hoá là vượt qua, thay thế những giá trị truyền thống vốn thù địch với mọi biến động”. Hiện đại hoá như vậy là “bao trùm lên cả công nghiệp hoá”. [29, 8]

Ở Việt Nam, khái niệm “hiện đại hóa” theo “Từ điển tiếng Việt” – Hoàng Phê (chủ biên) được hiểu như sau: “Hiện đại hóa: (1) làm cho mang tính chất của thời đại mới; (2) làm cho trở thành có đầy đủ mọi trang bị, thiết bị của nền công nghiệp hiện đại.”[45, 565]

ĐẾN ĐÂY, CÓ THỂ TÓM TẮT

Khái niệm văn học hiện đại trong nghiên cứu văn học, theo chúng tôi nên dành để chỉ văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Dù ở đâu, ở thời điểm nào, hiện đại có thể có nghĩa khác, nhưng xét chung trong vòng hơn một thế kỷ nay, một nền văn học hiện đại là một nền văn học xây dựng theo mẫu hình phương Tây. Cố nhiên ở mỗi dân tộc, việc này được làm theo một cách riêng, với sự sáng tạo riêng. Nói như Naguib Mahfouz, nhà văn Ai Cập được giải Nobel văn chương 1988: “Những trào lưu văn hoá phương Tây đã được chúng tôi tích nhập vào đất đai phong thổ của chúng tôi vào nền văn hoá của chúng tôi nhuần nhuyễn đến nỗi không phân biệt được nữa. Sự đồng hoá đạt đến nỗi tưởng như những trào lưu ấy vẫn có ở nước chúng tôi vậy”.

Để chuyển dịch cả một nền văn học (và rộng hơn cả nền văn hoá) từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, cần có cả một quá trình. Đó là quá trình hiện đại hoá văn học khởi động từ đầu thế kỷ XX, và đến 1945, coi như đã hoàn thành một chặng cơ bản (Còn như tới những năm tám mươi, chín mươi, một quá trình hiện đại hoá lại đang xảy ra, thì đó là một việc khác, có sắc thái khác).

Quá trình hiện đại hoá đồng thời cũng là quá trình trong đó các xu thế dân tộc hoá, và dân chủ hoá đóng vai trò những định hướng liên tục và ổn định. So với văn học trung đại, nền văn học Việt Nam hiện đại thực sự trở thành một nền văn học dân tộc, với nghĩa đầy đủ của từ này. Mặt khác cũng chỉ đến giai đoạn hiện đại, tinh thần dân chủ vốn sẵn có trong văn chương các thế kỷ trước, mới được hoàn thiện. Bề nào mà xét thì văn học hiện đại cũng là cả một bước tiến lớn lao và chúng ta chỉ hình dung ra một cách đầy đủ trong sự so sánh với quá khứ.

Một phần của tài liệu “Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong “hai giọt lệ” của tương phố đông hồ” (Trang 55 - 59)