I. Khái quát chung
I.2.1. Khái niệm “hiện đại hóa”
Có thể hiểu rằng “hiện đại hóa trong văn học” là làm cho văn học trở nên hiện đại. Đó là sự vận động của văn học trong một thời điểm, giai đoạn nào đó.
Trở lại với đề tài khóa luận, chúng ta cần xác định rằng “Hiện đại hóa” văn học Việt Nam chính là giai đoạn đầu thế kỉ XX.
Hiện đại hóa trong văn học là quá trình diễn ra trên nhiều phương diện như văn tự, ngôn tự, thể loại... Quan niệm sáng tác cũng tập trung xoay quanh việc trả lời những câu hỏi văn chương có giá trị, tác dụng gì đối với con người...
Trong hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, “hiện đại hóa” là sự chuyển đổi cả phạm trù văn học [sử] từ phạm trù văn học Trung đại dang phạm trù Hiện đại. Chúng ta cần lưu ý rằng Hiện đại với tư cách một phạm trù
văn học [sử] chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử để thay thế phạm trù văn học cũ hơn nó, tức là văn học Trung đại. Theo đó, về mặt lí thuyết, đến một lúc nào đó, tới lượt mình, nó lại trở thành phạm trù văn học cũ, bị phạm trù văn học khác nào đó mới hơn, thay thế một cách tất yếu, hợp qui luật.
Có người lầm tưởng “hậu hiện đại” là một cái gì tương đương với phạm trù văn học Hiện đại, trong khi hoàn toàn không phải như vậy. Hậu hiện đại xuất hiện chỉ như một (hoặc một số) trào lưu văn học, tiếp theo (các) trào lưu Hiện-đại-chủ- nghĩa (Tượng trưng, Siêu thực, Đa đa,… mà giới nghiên cứu macxit trước đây gộp chung gọi một cách miệt thị là suy đồi.
Thứ đến, chúng ta cần xác định rằng chuyển đổi phạm trù văn học là chuyển đổi toàn bộ văn học và đời sống văn học, gồm tất, từ tác giả, tác phẩm, độc giả, đến
phương thức lẫn cách thức phổ biến lưu hành tác phẩm, thiết lập hai chiều các kênh thông tin và phản hồi giữa nhà văn và công chúng…Riêng ở Việt Nam, đến thời Hiện đại (văn học Hiện đại) mới thực sự bắt đầu có cái gọi là ngành nghiên cứu và phê bình văn học, như một ngành khoa học chuyên biệt; cũng lần đầu tiên người ta (người sáng tác và nhà phê bình, đại diện cho công chúng và dư luận) mới thực sự quan tâm đến lý luận (lý thuyết văn học) và mói có lý thuyết văn học (nhập cảng dần từ châu Âu, từ Pháp, sau nữa là từ Nga từ Tàu…). Trong đó trung tâm cố nhiên vẫn là tác phẩm, do đó quan trọng bậc nhất phải là tư tưởng thẩm mĩ và hệ thống thi pháp.
Chúng ta sẽ tìm nghĩa khái niệm hiện đại với những cách hiểu khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe nói đến hai tiếng hiện đại. Trên báo chí thời sự, trong các văn kiện chính trị cụm từ “quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá” hoặc “sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá” thường được nhắc lại với một nội dung xác định. Hiện đại ở đây được hiểu là trình độ của những nước tiên tiến trên thế giới, và hiện đại hoá là đưa sự phát triển của xã hội ta lên một bước làm cho chúng ta không thua kém những nước đó.
Theo “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên: “Hiện đại: (1) thuộc về thời đại ngày nay; (2) có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật, đối lập với cổ điển”. [32, 565]
Đây chính là nghĩa thông thường nhất của hai chữ hiện đại.
Một nghĩa khác của từ là nghĩa được dùng trong khoa sử học. Ở các phổ thông trung học, học sinh được giảng như sau: Không kể thời cổ đại thì từ Cách mạng tư sản Anh trở về trước là lịch sử trung đại; từ Cách mạng Anh tới Công xã Paris (1871) là lịch sử cận đại; sau Công xã Paris, lịch sử bước sang một trang mới là lịch sử hiện đại (gần đây, nhiều sách giáo khoa có sự điều chỉnh, coi lịch sử hiện đại bắt đầu từ sau Cách mạng tháng Mười Nga). Đây là phác đồ chung của lịch sử thế giới theo quan điểm Macxit. Còn trong từng nước, lại có sự xác định cụ thể. Ở Trung Hoa lịch sử từ chiến tranh Nha phiến 1840 đến 1919 – phong trào Ngũ Tứ là lịch sử cận đại; 1919
đến 1949 là hiện đại, sau 1949 là đương đại. Riêng ở Việt Nam, lịch sử cận đại bắt đầu từ khi người Pháp đánh chiếm nước ta (1858) cho tới 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Đông dương. Từ sau 1930 là lịch sử hiện đại.
Những cái mốc để phân biệt lịch sử vừa nói cũng là mốc thường dùng để phân chia văn học, và trong nhiều trường hợp trở thành quy phạm có tính chất nhà nước. Viện Văn học chia ra các Ban cổ – cận, Ban hiện đại theo tiêu chuẩn này.
Thế nhưng cũng có những cách hiểu khác, tồn tại từ rất sớm.
Trong bài viết “Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hoá trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới 1945”, Vương Trí Nhàn đã dẫn ra một số nhà văn tiêu biểu có sử dụng khái niệm hiện đại như sau:
“Khi Vũ Ngọc Phan viết “Nhà văn hiện đại” (1941) ông kể gộp vào sách những nhà văn mà sự nghiệp nổi lên từ đầu thế kỷ XX.
Sau đó mấy năm, trong bài viết nhan đề “Sự tiến triển của văn học Việt Nam hiện đại”, ông vẫn giữ nguyên cách hiểu như vậy.
Một tác giả khác, Đào Duy Anh, trong “Việt Nam văn hoá sử cương” cũng coi văn học hiện đại là phần văn học dùng chữ quốc ngữ mà đến thế kỷ XX mới trở nên phổ biến và phát triển mạnh. Hoặc khi làm Biểu liệt kê tác giả tác phẩm cho cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”, Dương Quảng Hàm đã chia văn học Việt Nam theo các thế kỷ và kết thúc bằng mục Hiện đại (thế kỷ XX).
Ở đây, cũng nên lưu ý có những người không dùng tới mấy khái niệm như hiện đại, thế kỷ XX, song trong các bài viết của mình, vẫn làm toát ra một quan niệm như vậy. Đó là trường hợp của Lê Thanh hoặc Mộc Khuê, trong các tác phẩm đã in hoặc các bài đăng báo.
Một thời gian dài, ở ta quan niệm “văn học hiện đại, tức là văn học thế kỷ XX” này bị coi là sơ lược, không có triển vọng. Mãi tới gần đây, nhiều người mới quay lại với cách phân chia ấy chẳng hạn đó là trường hợp bộ “Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930” của Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng (bản in lần đầu 1988),
hoặc công trình nghiên cứu “Quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900-1945” của nhóm Mã Giang Lân (in ra năm 2000). Cách phân chia này, cũng đã được áp dụng với bộ sách giáo khoa văn học dùng cho các trường Phổ thông trung học in ra năm 2000 (mới được chỉnh lý).”[29, 4 - 5]
Theo ý chúng tôi trong nghiên cứu văn học đây là cách hiểu nên được thống nhất sử dụng. Nó hợp lý bởi lẽ nó không đặt văn học trong sự phụ thuộc một cách máy móc vào các sự kiện lịch sử mà có chú ý tới tính độc lập tương đối của văn học. Nói cách khác nó xem xét văn học dưới góc độ văn hoá, tức là những yếu tố có tính chất lặp đi lặp lại trong sáng tác và phổ biến bao gồm môi trường hoạt động, chủ thể, thể loại…Và bởi lẽ, những đặc điểm của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã tồn tại liên tục, nên hai chữ hiện đại với nội dung xác định của nó đến nay vẫn dùng được. Đặt bên cạnh hàng chục thế kỉ của văn học trung đại, thì thời gian của văn học hiện đại chưa phải là dài, những quy luật chủ yếu của nó đang phát huy tác dụng.