Hoàn cảnh sáng tác

Một phần của tài liệu “Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong “hai giọt lệ” của tương phố đông hồ” (Trang 50 - 52)

I. Khái quát chung

I.1. Hoàn cảnh sáng tác

I.1.1.“GIỌT LỆ THU” (TƯƠNG PHỐ)

Viết mùa thu năm Quý Hợi, 1923. Đăng trên tạp chí Nam Phong số 131, tháng 7/1928, “Ngày mai” xuất bản năm 1952.

Ngoài bìa ghi hai câu thơ: “Trời cao đất rộng bao la hận – Năm tháng còn đây ngấn lệ châu”. Trang sau có lời đề tặng: “Âm thầm... tặng hương hồn anh Thái Văn Du lánh trần ai năm ba mươi tuổi”. Lời tựa (“Tư ngôn”) đầu sách của Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong tạp chí.

Tác phẩm như một khúc tản văn – tâm tưởng trong hình thức văn xuôi đậm tính biền ngẫu có xen lẫn tám đoạn thơ lục bát và song thất lục bát. Đây là lời tâm sự của nữ sĩ kể lể nỗi nhớ thương, đau xót khôn nguôi của một người vợ trẻ về hạnh phúc vợ chồng ngắn ngủi chỉ tính bằng ngày tháng, khi người chồng đột ngột lìa đời, “kẻ Nam người Bắc, khi sống đã xa nhau, lúc mất lại không gặp mặt”. Câu chuyện của đôi vợ chồng gọi ra thấp thoáng qua tiếng khóc dài của người vợ... Nàng lấy chồng khi mới mười bảy tuổi; gần nhau chưa trọn một năm, khi con mới được sáu ngày thì chồng tòng chinh, phải bổ sang Nhà thương binh sĩ ở Marseille (Pháp). Chàng gắng học thêm để lấy bằng y khoa Thuộc địa, nhưng, hỡi ôi: “lúc trở về đã hai lần phổi nát”. Chàng được đưa về Huế (quê chàng). Tương Phố khi đó đang lưu học tại Trường nữ Sư phạm Hà Nội, không nghỉ được, lại thêm nỗi đường xa diệu vợi nên không vào được để gặp chồng. Rồi ít hôm, tin xé lòng đưa tới: người chồng đã mất. Đưa tang chồng xong, bơ vơ thân gái, người vợ ôm con thơ về tựa gối cha già, giữa dòng chiếc bách lênh đênh phải đem tấm thân trôi nổi dạt vào lòng cha. Nàng nhìn trước tương lai sầu thảm: cuộc đời dang dở khi tuổi còn xanh, con đang măng sữa, trăm đắng nghìn cay, không biết trông cậy vào ai... Năm năm ôm nỗi nhớ thương, cứ mỗi độ thu, mưa gió tràn trề càng

khơi thêm dòng nước mắt. Cảnh thu vàng gợi lại bao nỗi niềm dĩ vãng khiến ngọn triều trong dạ cũng mênh mang cơn sóng lệ: “Đến với anh mùa thu, mất anh cũng lại mùa thu, cho nên năm năm cứ mỗi độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước tướng sau mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu”.

I.1.2.“LINH PHƯỢNG KÍ” (ĐÔNG HỒ)

Tập lệ kí đăng lần đầu trên tạp chí Nam phong số 128, tháng 4/1928 với Lời giới thiệu “Tự ngôn” của Thượng Chi – tức Phạm Quỳnh. Nhà xuất bản Nam Ký, xuất bản năm 1934.

Đây là một tập ký gần với nhật ký ghi lại tình cảm thương nhớ khôn nguôi của thi sĩ đối với người vợ đã mất. Linh Phượng – vợ nhà thơ về nhà chồng năm mười tám tuổi và mất ở tuổi hai lăm. Tập lệ kí kể lại những ngày Linh Phượng lâm trọng bệnh, thầy thuốc tìm hết phương cứu chữa nhưng bệnh mỗi ngày càng thêm nặng. Trước bao nhiêu đau đớn, tuyệt vọng, giận hờn của người bệnh, nhà thơ chỉ còn biết lựa lời khuyên giải và tận tình chăm sóc nàng. Tập lệ kí đã làm người đọc cảm động về những chăm chút mà người chồng đã dành cho vợ với bao ân tình, thương xót. Nhiều chi tiết đã được kể lại đầy xúc động: xoa bóp cánh tay đau cho vợ, người chồng thương quá đặt lên cánh tay ấy một chiếc hôn, “cái hôn chảy nước mắt”; gỡ mái tóc cho vợ một cách lúng túng, vụng về khiến nàng phải buồn cười, “nụ cười xiết bao tình ái ân âu yếm”...

Phút lâm chung của Linh Phượng, thi sĩ Đông Hồ chỉ còn biết cố cầm nước mắt, nhìn người vợ đang lạnh dần. Người chồng không muốn đậy mặt nàng lại mà cứ ngồi lặng ngắm khuôn mặt thương yêu của Linh Phượng: “Tôi trông nàng không có lần nào đẹp bằng lần này, đẹp quá, đẹp đến nỗi tôi mê mẩn say sưa... Tôi trông nàng đẹp, đẹp cao xa huyền bí như nàng tiên trong mây, như thế là bởi tôi sẵn bụng thương yêu nàng quá hay là ngày thường không mấy khi nàng mặc quần áo lụa, nay khăn áo đoan trang, cái vẻ đẹp mới nhân đó mà càng tôn lên chăng? Trong hai lẽ cũng có cả. Tôi nghĩ đến đây, bỗng sa nước mắt mà trong lòng xót thương, đau tủi bội phần... ”. Tập lệ kí kể lại cảnh nhập quan, cảnh đám tang đưa linh cữu về núi Tô Châu. Cung

tiễn linh cữu, thi sĩ đọc một bài văn ứng khẩu, “mỗi tiếng than là một giọt lệ, mỗi câu văn là một khối tình”. Bài thơ khóc vợ của Đông Hồ chứa chan nước mắt: “Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thấm – Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm – Hình dạng mơ màng khi thức ngủ - Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm ”...

Một phần của tài liệu “Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong “hai giọt lệ” của tương phố đông hồ” (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)