Xác định điều kiện thủy phân phụ phẩm da cá tra

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tạo chế phẩm axit amin thủy phân từ da cá tra và thử nghiệm bổ sung vào thức ăn ương cá hồng mỹ (sciaenop ocellatus, linnaeus 1766) giai đoạn giống (Trang 42 - 45)

3.1.2.1. Kết quả xác định yếu tố pH thích hợp cho quá trình thủy phân da cá tra

Trong cùng một điều kiện về nhiệt độ, nguồn mẫu da cá tra đã qua tiền xử lý, cùng một lượng enzyme bổ sung như nhau và trong cùng một thời gian thủy phân, thì yếu tố pH là yếu tố ảnh hưởng duy nhất còn lại đối với sự khác biệt của các kết quả thí nghiệm. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu ở 7 mức pH xung quanh khoảng pH = 7 ( thường được khuyến cáo là tối ưu cho hầu hết các enzyme hoạt động) để xác định xem pH nào là tối ưu nhất cho enzyme Gelatinase tái tổ hợp hoạt động. Kết quả thí nghiệm đánh giá dựa trên độ thủy phân được trình bày ở biểu đồ hình 3.4.

Hình 3.4: Ảnh hưởng của pH đến hoạt động của enzyme gelatinase

Dựa vào kết quả được thể hiện trong biểu đồ Hình 3.4, thấy rằng, hoạt động của enzyme gelatinase bị ảnh hưởng rõ rệt bởi nhiệt độ. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc tăng hay giảm pH ngoài điểm pH = 7,5 đều làm giảm mạnh khả năng hoạt động của enzyme thể hiện qua việc làm giảm độ thủy phân. Qua đó, chúng tôi kết luận rằng, pH thích hợp nhất cho hoạt động của enzyme gelatinase tái tổ hợp thủy phân phụ phẩm chế biến cá tra đã qua tiền xử lý là pH = 7,5.

3.1.2.2. Kết quả xác định yếu tố nhiệt độ thích hợp cho quá trình thủy phân da cá tra

Trong nghiên cứu, khi ứng dụng enzyme gelatinase tái tổ hợp vào thủy phân phụ phẩm chế biến cá tra ( đã qua xử lý tiền thủy phân ) thì yếu tố nhiệt độ thủy phân là một yếu tố cực kỳ quan trọng vì nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt độ của enzyme. Nhiệt độ quá thấp sẽ dẫn đến kìm hãm hoạt động của enzyme dẫn đến giảm hiệu quả thủy phân, trong khi nhiệt độ quá cao sẽ gây biến tính và mất hoạt tính của enzyme, cả 2 trường hợp đều gây thiệt hại cho quá trình thủy phân.p

Kết quả thí nghiệm xác định ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng thủy phân da cá tra của enzyme gelatinase được thể hiện bằng độ thủy phân ở các nhiệt độ khác nhau. Kết quả được thể hiện trong hình 3.5.

Hình 3.5: Ảnh hưởng của nhiệt độ thủy phân đến hiệu quả thủy phân da cá tra của enzyme gelatinase tái tổ hợp.

Dựa vào kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đối với khả năng thủy phân da cá tra của enzyme gelatinase chúng tôi thấy rằng:

Trong khoảng nhiệt độ từ 30 ºC đến 40 ºC các nhiệt độ gần nhau không có sự sai khác quá lớn đối với hiệu quả thủy phân của enzyme gelatinase. Điều này cũng có nghĩa là trong khoảng nhiệt độ 30 ºC đến 40 ºC nằm trong khoảng nhiệt độ hoạt động của enzyme gelatinase tái tổ hợp.

Dựa vào kết quả nghiên cứu theo đồ thị Hình 3.5, chúng tôi nhận thấy rằng, tại nhiệt độ thí nghiệm là 35 ºC độ thủy phân cao nhất ( 29,7%) hay nói cách khác đó là nhiệt độ 35 ºC là nhiệt độ thích hợp nhất cho hoạt động của enzyme gelatinase tái tổ hợp.

3.1.2.3. Kết quả xác định yếu tố thời gian thích hợp cho quá trình thủy phân da cá tra

Việc kết thúc quá trình thủy phân sớm hay muộn hơn điểm tối ưu đều làm giảm hiệu quả kinh tế cho quá trình sản xuất. Nếu trong quá trình sản xuất, chúng ta kết thúc sớm quá trình thủy phân do xác định sai điểm tối ưu sẽ khiến lãng phí hiệu quả của enzyme, gây tốn kém do giá thành sản xuất enzyme rất cao. Còn trong trường hợp quá trình thủy phân diễn ra quá dài sẽ khiến tốn kém do vận hành thiết bị và quá trình thủy phân diễn ra dài quá còn có thể gây biến tính aa sau thủy phân. Kết quả quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian thủy phân đến hiệu quả thủy phân da cá tra bằng enzyme gelatinase (1000U/mg), độ tinh sạch 90% thể hiện qua độ thủy phân của sản phẩm sau thủy phân, được thể hiện trong hình 3.6.

Hình 3.6. Ảnh hưởng của thời gian thủy phân da cá tra sử dụng

Hình 3.6. Ảnh hưởng của thời gian thủy phân

Dựa vào kết quả nghiên cứu thể hiện ở Hình 3.6 chúng tôi rút ra kết luận: Trong khoảng tăng thời gian từ 1 giờ thủy phân đến 4 giờ thủy phân thì độ thủy phân tăng lên nhanh và thực sự khác biệt rõ rệt. Nhưng đến thời khoảng thời gian ngoài 4 giờ thủy phân thì hiệu quả thủy phân tăng lên không đáng kể. Điều đó chứng tỏ rằng, thời gian 4 giờ là thời gian thích hợp nhất để thủy phân da cá tra sử dụng enzyme gelatinase.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tạo chế phẩm axit amin thủy phân từ da cá tra và thử nghiệm bổ sung vào thức ăn ương cá hồng mỹ (sciaenop ocellatus, linnaeus 1766) giai đoạn giống (Trang 42 - 45)