Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa quyền chọn tăng trưởng và đòn bẩy

Một phần của tài liệu tác động của quyền chọn tăng trưởng lên đòn bẩy của các doanh nghiệp niêm yết trên thịtrường chứng khoán việt nam (Trang 25 - 27)

Bradley và cộng sự (1984), Long và Malitz (1985) cho thấy rằng ngành công nghiệp có GOs cao có xu hướng có đòn bẩy thấp.

Bài nghiên cứu của Rajan và Zingales (1995) cho rằng đòn bẩy thị trường và tỷ số giá trị thị trường trên giá trị sổ sách (ký hiệu là MB, đại diện cho quyền chọn tăng trưởng, GOs) là mối tương quan âm. Ngay cả Myers (1977) cũng dự đoán mối quan hệ giữa đòn bẩy thị trường và GOs là mối quan hệ âm.

Bên cạnh đó, giả thuyết về độ lồi trong mối quan hệ giữa đòn bẩy tối ưu và MB (tức có liên quan đến GOs) cũng được nghiên cứu thông qua mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí khi công ty vay nợ. Kraus và Litzenberger (1973) cho rằng chi phí và lợi ích chỉ bao gồm hai yếu tố là lợi ích từ việc giảm thuế và chi phí kiệt quệ tài chính. Tuy nhiên, lợi ích và chi phí không chỉ bao gồm hai yếu tố nêu trên mà còn có thêm nhiều chi phí và lợi ích khác khi công ty vay nợ. Chẳng hạn như: lợi ích còn bắt nguồn từ việc giảm chi phí đại diện của dòng tiền tự do (Jensen, 1986) và các chi phí liên quan đến việc đầu tư dưới mức (under investment) (Myers, 1977) và chuyển dịch tài sản (Galai và Masulis, 1976; Jensen và Meckling, 1976). Mặt khác, mô hình lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng lợi ích của việc vay nợ làm giảm đáng kể chi phí đại diện của dòng tiền tự do nhưng lại làm tăng thêm chi phí liên quan đến đầu tư dưới mức và chuyển dịch tài sản.

Vì vậy, để cân bằng lợi ích và chi phí của sự thay đổi nợ khi GOs tăng (hay MB tăng), thì phải xác định bản chất của mối quan hệ tự nhiên giữa đòn bẩy tối ưu và MB. Theo Myers (1977) thì giá trị thị trường của một công ty (ký hiệu V) có thể được chia

thành hai phần: giá trị thị trường của "Tài sản thực" (ký hiệuVA) và giá trị thị trường của GOs (ký hiệu VG) được thể hiện bởi công thức:

V = VA + VG

Các công ty khác nhau về giá trị của VA và VG. Lý thuyết đánh đổi cho rằng công ty có “cash cows” (có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận) sẽ có đòn bẩy tối ưu cao. Đầu tiên, khi vay nợ sẽ có được tấm chắn thuế. Thứ hai, chi phí kiệt quệ có thể tương đối thấp, vì “cash cows” thường có lợi nhuận ổn định, tài sản hữu hình đáng kể, và MB thấp (Korteweg, 2010; Leary và Michaely, 2011). Thứ ba, chi phí đại diện tiềm năng của nợ liên quan đến cả đầu tư dưới mức và chuyển dịch tài sản là tối thiểu.

Tuy nhiên, sự cân bằng lợi ích so với chi phí của nợ có thể thay đổi đáng kể khi GOs tăng. Đầu tiên, các lợi ích về thuế có thể giảm, ít nhất là tạm thời nếu thu nhập chịu thuế hiện tại của công ty thấp hoặc vì công ty có thể được khấu trừ chi phí đáng kể (ví dụ, chi phí R&D) liên quan đến đầu tư liên tục vào GOs. Thứ hai, đối với công ty tăng trưởng thì chi phí kiệt quệ sẽ cao hơn so với công ty “cash cows” bởi vì công ty tăng trưởng sẽ mất giá trị của GOs trong trường hợp kiệt quệ hoặc phá sản. Thứ ba, một công ty với GOs cao thì việc vay nợ để hạn chế đầu tư quá mức là ít cần thiết. Thứ tư, chi phí tổn thất của nợ kết hợp với sự gia tăng trong đầu tư dưới mức với GOs. Thứ năm và cuối cùng, GOs làm tăng chi phí đại diện liên quan đến chuyển dịch tài sản trở nên nghiêm trọng hơn bởi vì nó dễ dàng khiến cho một công ty tăng trưởng tăng rủi ro dự án.

Nhìn chung, các nghiên cứu nêu trên chỉ dừng lại ở nghiên cứu định tính và cho kết luận tương tự nhau đó là: khi GOs tăng tức MB tăng thì đòn bẩy tối ưu giảm. Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho rằng đòn bẩy tối ưu có thể giảm đáng kể khi GOs tăng, và mở rộng mối quan hệ giữa đòn bẩy tối ưu và MB là mối quan hệ lồi. Các nghiên cứu thực nghiệm của Hovakimian và cộng sự (2001), Fama và French (2002), Flannery và Rangan (2006), Lemmon và cộng sự (2008), Frank và Goyal (2009) cho kết quả MB tuyến tính trong hồi quy đòn bẩy, và do đó ngầm giả định rằng các lợi nhuận ròng biên của đòn bẩy là bất biến với MB.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đòn bẩy và MB dựa trên lý thuyết đánh đổi cuối cùng phải được kiểm tra thực nghiệm. Trong thời gian gần đây, hai mô hình đã được phát triển bởi Barclay, Smith và Morellec (2006) (mô hình BSM) và Hackbarth và Mauer (2012) (mô hình H&M). Barclay, Smith và Morellec (2006) cho thấy rằng mối quan hệ giữa đòn bẩy thị trường tối ưu và MB là rất lồi, giá trị sổ sách đòn bẩy tối ưu giảm khi GOs tăng. Hackbarth và Mauer (2012) thì cho rằng các công ty với GOs tối ưu duy trì tính linh hoạt tài chính. Trong khi đó, mô hình của Hackbarth và Mauer (2012) là sự kết hợp lợi ích về thuế và chi phí kiệt quệ tài chính liên quan đến nợ. Tuy nhiên, trọng tâm chính của họ là nghiên cứu về xung đột cổ đông - trái chủ trong thời gian đầu tư tài chính. Trong trường hợp không có chi phí đại diện, đòn bẩy thị trường tối ưu là 54%. Khi có sự hiện diện của chi phí đại diện, H&M thấy rằng giá trị đòn bẩy thị trường tối ưu tương quan âm với tỷ lệ Tobin q (1969) (so sánh với MB), và giá trị của đòn bẩy thị trường tối ưu có thể thấp bằng 12% khi giá trị Tobin q là 1,54. Mô hình của H&M cho thấy rằng chi phí đại diện của nợ giảm khi quyền chọn tăng trưởng của giá trị công ty tăng lên và đòn bẩy tối ưu có xu hướng thấp hơn”. H & M cũng chỉ ra rằng các công ty với GOs tối ưu duy trì tính linh hoạt tài chính cao và hiệu quả.

Dựa trên nền tảng của các nghiên cứu trước, Ogden và Wu (2013) tiếp tục phát triển nghiên cứu về quyền chọn tăng trưởng và đòn bẩy qua bài “Kiểm định lại tác động của quyền chọn tăng trưởng lên đòn bẩy” và một lần nữa khẳng định mối quan hệ giữa MB và đòn bẩy là mối quan hệ lồi. Điểm mới trong bài nghiên cứu này là tác giả đã thay thế biến MB (đại diện cho quyền chọn tăng trưởng) lần lượt bằng các biến lnMB và nghịch đảo lnMB (được gọi là biến nâng cao). Kết quả cho thấy tác động của quyền chọn tăng trưởng mà đại diện là nghịch đảo lnMB lên đòn bẩy cho kết quả có ý nghĩa cao hơn là biến MB đại diện cho quyền chọn tăng trưởng.

Một phần của tài liệu tác động của quyền chọn tăng trưởng lên đòn bẩy của các doanh nghiệp niêm yết trên thịtrường chứng khoán việt nam (Trang 25 - 27)