Sự hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Tình hình ký kết hợp đồng lao động tại công ty cổ phần chè liên sơn (Trang 30 - 32)

I. KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA CÔNG TY

1.Sự hình thành và phát triển

Huyện Văn Chấn là huyện miền núi, tổng diện tích tự nhiên 120.758,5 ha, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Văn Chấn cách trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá tỉnh 72 km; cách thị xã Nghĩa Lộ 10 km; cách Hà Nội 200 km, có đường quốc lộ 32 chạy dọc theo chiều dài của huyện, là cửa ngõ đi vào thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, huyện Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La và tỉnh Lai Châu. Đường quốc lộ 37 chạy qua 4 xã, đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế với các huyện trong tỉnh và các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu. Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 400 m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong (vùng cánh đồng Mường Lò) gồm 12 xã, là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha đứng thứ 2 trong 4 cánh đồng Tây Bắc. Vùng ngoài: gồm 9 xã, thị trấn, có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện: gồm 10 xã, có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

Đồng bằng Mường Lò, phía Đông có dãy núi Bu và núi Dông; phía Tây là dãy núi Sà Phình, hai dãy núi này vòng ra như một vành đai kiên cố bảo vệ 9 xã vùng đồng bằng Mường Lò. Nhìn từ núi cao xuống, theo quan niệm xưa, đây là thế “tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ”, một thế địa hình để dựng nghiệp muôn đời..

Công ty Cổ phần chè Liên Sơn được thành lập theo Quyết định số 350/ QĐ- UB ngày 19/5/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.

Công ty có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng theo pháp luật Việt Nam. Công ty có trụ sở chính tại: Thị trấn nông trường Liên Sơn, Huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái

Công ty hoạt động chủ yếu sản xuất, thu mua, kinh doanh mặt hàng chè. Với ưu thế đặc biệt về vị trí địa lý của huyện Văn Chấn nơi có vùng nguyên liệu chè lớn, với hương vị đặc sắc, đáng chú ý hơn nơi đây có hàng trăm nghìn cây chè Shan Tuyết có tuổi đời trên 500 năm, và vô số cây có tuổi đời dưới 100 năm.

Trong năm 2015, Công ty sản xuất và thu mua 3.500 tấn chè nguyên liệu, chế biến 1.400 tấn chè đen và chè xanh, mặc dù đã có nhiều cố gắng tìm kiếm thị trường nhưng đến giờ vẫn còn tồn 400 tấn chè đen, 30 tấn chè xanh.

Không chỉ vậy, giá bán cũng giảm đáng kể, chè xanh giảm 10.000 đồng/kg, chè đen cũng giảm từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng nên việc sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn.

Trong bối cảnh ấy, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn đạt doanh thu trên 29 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,2 tỷ đồng, điều quan trọng nhất đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 100 cán bộ, công nhân với bình quân 3 triệu đồng/người/tháng là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đạt được những kết quả đó, ngoài việc cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu với các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp đã xây dựng một chiến lược sản phẩm và chiến lược vùng nguyên liệu bền vững cùng với tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quản lý.

Công ty đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động với phần lớn cán bộ, nhưng bên cạnh đó với đặc thù là công nhân mang tính mùa vụ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, những công nhân này vẫn đang hoạt động theo hợp đồng bằng miệng với người quản lý sản xuất của Công ty.

Một phần của tài liệu Tình hình ký kết hợp đồng lao động tại công ty cổ phần chè liên sơn (Trang 30 - 32)