Thi hành án là một hoạt động phức tạp, trong quá trình tổ chức thi hành đòi hỏi
phải có sự phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau, áp dụng nhiều văn bản quy phạm
pháp luật khác nhau để giải quyết vụ việc. Giám sát thi hành án dân sự đảm bảo cho các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp
luật. Chủ thể của hoạt động giám sát rất đa dạng, hoạt động giám sát được diễn ra
thường xuyên, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự.
Khi hoạt động thi hành án tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về thi hành án, các văn bản có liên quan, thi hành một cách triệt để nội dung bản án, quyết định góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, trên thực tế
không phải lúc nào hoạt động của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên đều đạt được
mục đích như mong muốn mà vẫn có vi phạm pháp luật xảy ra. Giám sát thi hành án trở thành phương tiện đảm bảo cho hoạt động của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên thực thi đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền,
nghĩa vụ liên quan.
Khi tổ chức thực hiện hoạt động thi hành án, cơ quan thi hành án và Chấp hành viên phải thực hiện đúng với nội dung của bản án, quyết định. Hiệu quả của cả quá
trình tố tụng chỉ thực sự được phát huy khi bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài
thương mại được nghiêm chỉnh thi hành. Giám sát thi hành án góp phần nâng cao hiệu
quả trong hoạt động thi hành án, cũng là nâng cao hiệu quả của hoạt động tố tụng.
Tóm lại, qua phân tích về khái niệm thi hành án dân sự, các đặc trưng của hoạt động thi hành án dân sự, khái niệm, đặc điểm của hoạt động giám sát thi hành án dân sự, các vấn đề về chủ thể, đối tượng của hoạt động giám sát, nội dung, hình thức, phương pháp giám sát thi hành án dân sự cho thấygiám sát thi hành án dân sự là hoạt động theo dõi, kiểm tra xem xét đánh giá hoạt động của cơ quan thi hành án, chấp hành viên trong việc thi hành án nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án được thi hành đúng pháp luật, đầy đủ và kịp thời. Đồng thời tác động,
định hướng hoạt động của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, các cơ quan và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án theo đúng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nhằm tổ chức thi hành có hiệu quả bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại, hạn chế sai phạm, nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án.
Chương 2
THỰC TRẠNG GIÁM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Giám sát thi hành án dân sự là một vấn đề mới, nhằm đảm bảo cho việc thực thi quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự đạt hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ máy Nhà nước. Trong khi đó, thi hành án là một hoạt động phức tạp, liên quan đến nhiều ngành khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả của giám sát thi hành án dân sự có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến nhiều vấn đề có liên quan. Hoạt động giám sát thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, là một nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Trong chương này người viết tập trung phân tích những bất cập trong hoạt động giám sát thi hành án dân sự, từ đó đề ra giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cũng như hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự.