Đại hội IX của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn”[5, tr.141]. Đại hội X của Đảng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ:
Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Nâng cao trình độ trí tuệ, chất lượng nghiên cứu lý luận của Đảng; tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ đổi mới [7, tr.131]. Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đại hội Đảng đề ra thì đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải biết tăng cường tổng kết thực tiễn. Do vậy họ phải có năng lực tổng kết thực tiễn.
Tổng kết thực tiễn là một mắt khâu quan trọng không thể thiếu trong quy trình lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Tổng kết thực tiễn có kết quả sẽ giúp cho cán bộ lãnh đạo rút ra
được những bài học kinh nghiệm bổ sung, hoàn chỉnh quyết định của mình tránh được bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều góp phần chỉ đạo thực tiễn tiếp theo đạt hiệu quả. Hiệu quả tổng kết thực tiễn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng một trong những yếu tố quan trọng là năng lực tổng kết của chủ thể.
Thực tế cho thấy, công tác tổng kết thực tiễn ở cơ sở thực chất là việc tổng kết quá trình thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Là sự tổng kết quá trình thực hiện các kế hoạch, mục tiêu và biện pháp thực hiện của địa phương đã đề ra. Vì vậy, phải bảo đảm tính khách quan, trung thực tránh “tô hồng” thành tích, che đậy những hạn chế yếu kém, bỏ qua những khó khăn tồn tại. Song cũng không được “bôi đen” những hạn chế dẫn đến bi quan chán nản, chỗ nào cũng thấy khó khăn thất bại mà không có quyết tâm khắc phục sự yếu kém để vươn lên. Tổng kết thực tiễn không chỉ đơn thuần là “kiểm điểm” nhược điểm hay “khuyếch trương” thành tích mà điều quan trọng là thông qua tổng kết rút ra những ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo điều hành, phát hiện những bất cập để từ đó điều chỉnh đưa ra các giải pháp kịp thời, phù hợp, qua đó có được những thông tin dự báo mang tính đúng đắn cho tương lai.
Để đội ngũ CBCC cấp cơ sở tỉnh Bắc Giang phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý của mình thì một trong những điều cần thiết đó là nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn cho đội ngũ này, thông qua tổng kết thực tiễn đội ngũ cán bộ sẽ nắm được hiệu quả các nghị quyết, quyết định do mình ban hành và tổ chức thực hiện đạt mức độ nào, phản ứng của nhân dân ra sao… khi có được những thông tin trên giúp cho CBCC rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình lãnh đạo, quản lý tiếp theo. Qua đó họ nhận thức được khuynh hướng vận động, phát triển của thực tiễn ở địa phương mình cũng như thực tiễn của đất nước. Nhờ vậy mà trong hoạt động lãnh đạo của họ bớt mò mẫm, vòng vo mất phương hướng. Đồng thời họ sẽ tự tin bình tĩnh trước những tình huống mới nảy sinh: “Năng lực tổng kết thực tiễn giúp họ có khả năng tập hợp lực lượng, biết thu thập, xử lý thông tin; phân tích mổ xẻ, xem xét được những vấn đề nảy sinh đó và đưa ra được các phương án giải quyết căn cứ và xuất phát từ thực tiễn địa phương”[21, tr.40].