lực tiếp nhận và xử lý thông tin chính trị - xã hội
Trong chu trình hoạt động lãnh đạo, quản lý khi có thông tin về các sự việc, vụ việc đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải xử lý thông tin mà quá trình đó bao giờ cũng căn cứ vào một “phông” kiến thức rộng. Thực tế cho thấy, nếu “phông” kiến thức- trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ LLCT, tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở hẹp sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để hoàn thành tôt chức năng, nhiệm vụ của mình đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH phải có trình độ toàn diện về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận, tư duy lý luận…Lênin chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra” [17, tr.362].
Qua khảo sát ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cho thấy đội ngũ CBCC cấp cơ sở ở Bắc Giang còn hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở các xã miền núi. Điều này đã ảnh hưởng tới năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của đội ngũ cán bộ này. Khi trình độ học vấn thấp sẽ gây khó khăn cho việc nắm bắt xử lý thông tin từ cấp trên cũng như thông tin từ địa phương của mình. Vì vậy, nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ CBCC cấp cơ sở tỉnh Bắc Giang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Các cấp lãnh đạo cần phải có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng và từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận lên một tầm cao mới cả về chất và lượng cho đội ngũ cán bộ này.
Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Giang cho thấy trình độ văn hoá của đội ngũ CBCC cấp cơ sở tuy được tăng lên so với trước nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Trong tổng số 1.301 CBCC cơ sở thì có 124 đồng chí ở trình độ văn hoá trung học cơ sở chiếm 9,5% (giảm 8,2% so với năm 2006), số có trình độ văn hoá trung học phổ thông là 1162 đồng chí chiếm 89,3% (năm 2006 là 82,3%). Trình độ chuyên môn từ trung cấp là
691 đồng chí chiếm 53,1% (năm 2006 là 31,3%), trình độ cao đẳng- đại học là 219 đồng chí chiếm 16,8% (năm 2006 là 8,9%), có 31 đồng chí trình độ sơ cấp chiếm 2,4% [25, tr.3]. Như vậy vẫn còn CBCC có trình độ phổ thông cơ sở, tỷ lệ cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn cao đẳng đại học thấp. Trình độ LLCT chủ yếu là trung cấp, số cán bộ chủ chốt có trình độ cao cấp- cử nhân rất hạn chế và vẫn còn một số có trình độ sơ cấp….Đây là những hạn chế mà trong những năm tới các cấp lãnh đạo cần quan tâm khắc phục. Để nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý thông tin chính trị - xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý phải đào tạo văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị cho CBCC cấp cơ sở. Khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin của người CBCC cấp cơ sở hiệu quả hay không hiệu quả phụ thuộc nhiều vào trình độ mà họ được trang bị.
Những số liệu trên cho thấy trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chưa cao và không đồng đều. ở những huyện kinh tế- xã hội phát triển thì trình độ cán bộ cao hơn, nơi miền núi khó khăn trình độ cán bộ cũng hạn chế hơn như huyện Sơn Động- huyện vùng cao, số CBCC có trình độ trung học cơ sở chiếm 15,9%, CBCC có trình độ chuyên môn trung cấp là 62%, cao đẳng- đại học 4,4%, còn 33,6% CBCC chưa có trình độ chuyên môn gì. Huyện Hiệp Hoà có 18,2% CBCC có trình độ trung học cơ sở, có 20,9% CBCC chưa có trình độ chuyên môn (phụ lục4) Thành phố Bắc Giang- trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh nên đội ngũ CBCC có trình độ cao hơn (phụ lục2) 100% CBCC có trình độ phổ thông trung học, số cán bộ có trình độ chuyên môn chiếm 93,64% (trong đó chuyên môn đại học là 69,8%). Như vậy trình độ văn hoá, chuyên môn, LLCT của CBCC không đồng đều giữa các địa khu vực địa phương cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương có sự chênh lệch lớn.
Để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, LLCT, các cấp lãnh đạo huyện, thành phố, tỉnh cần rà soát lại số lượng cán bộ có trình độ trung học cơ sở để tạo điều kiện bố trí họ vào học những lớp bổ túc văn hoá ở các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, các trường dạy nghề…Phấn đấu đến năm 2010, với 100% CBCC có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học phổ thông. Làm được điều này, phải giao
cho trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện mở các lớp bổ túc văn hoá dành cho cán bộ có trình độ học vấn trung học cơ sở. Đối với nội dung chương trình bổ túc riêng cho đội ngũ này yêu cầu phải ngắn gọn, xúc tích nhưng vẫn đảm bảo những vấn đề cốt lõi và phải phù hợp với đối tượng. Vì phần lớn số cán bộ này đã có tuổi (từ 45 tuổi trở lên chiếm 60,1%), họ lại phải đảm nhận những vị trí chủ chốt, thời gian dành cho học tập hạn chế. Do đó chương trình dạy và học phải phù hợp để họ yên tâm theo học. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc miền núi có trình độ văn hoá thấp hoặc chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì phải thực hiện chính sách cử tuyển và có các chính sách hỗ trợ ưu đãi riêng. Hiện nay tại trường chính trị của tỉnh kết hợp vừa đào tạo chương trình trung cấp LLCT với trung cấp chuyên môn như: Trung cấp hành chính, trung cấp phụ vận, trung cấp công tác đoàn đội, lớp văn thư lưu trữ, trung cấp luật.v.v…kết hợp với chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước để khi ra trường đội ngũ cán bộ có cả bằng LLCT và chuyên môn nghiệp vụ. Tại nhiều huyện uỷ bằng nguồn ngân sách của mình đã chủ động mở các lớp trung cấp chuyên môn để đào tạo cho đội ngũ cán bộ cơ sở như: Lạng Giang mở 2 lớp, một lớp trung cấp quản lý kinh tế và một lớp trung cấp hành chính; huyện uỷ Việt Yên, Lục Nam, Sơn Động cũng đều mở các lớp trung cấp chính trị, hành chính, quản lý kinh tế tạo điều kiện cho cán bộ tham gia theo học. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến 2010 với 100% CBCC có trình độ trung cấp LLCT trở lên, 80%- 90% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên (hiện nay là 72,3%), trong đó trình độ cao đẳng- đại học tối thiểu là 20%, có 100% CBCC xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng về công tác xây dựng đảng, quản lý nhà nước.
Với mục tiêu đặt ra như trên, chúng ta có thể liên kết nhiều hình thức đào tạo với nhau trong những khoảng thời gian nhất định, tạo điều kiện cho đội ngũ CBCC ở cơ sở có điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ văn hoá chuyên môn nghiệp vụ và LLCT. Song, chúng ta cũng cần có sự kiểm soát đầu vào tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, tràn lan, không đúng trọng tâm trọng điểm, đào tạo hình thức. Hiện tượng “chạy sô” theo các lớp để lấy bằng cấp đạt chuẩn bởi hiện nay một số chức danh được “công chức hoá” nên cán bộ đi học cốt để lấy bằng xếp vào nghạch bậc hưởng lương, lên chức chứ không phải đi học lấy kiến thức nâng cao trình độ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn mất
cân đối, mới chỉ chú trọng đào tạo LLCT, nhiều cán bộ quan niệm chỉ cần có bằng LLCT là công tác tốt, kiến thức lãnh đạo, quản lý họ dựa vào kinh nghiệm bản thân và những người đi trước. Mảng kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng theo chức danh và những kỹ năng xử lý tình huống trong công việc chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn cán bộ chưa được đào tạo ngoại ngữ tin học, số CBCC biết sử dụng máy tính trong công việc rất ít.
Như vậy để nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, LLCT của CBCC cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì cần phải có chương trình đào tạo cụ thể với các đối tượng cán bộ. Với chương trình đào tạo văn hoá cần động viên khuyến khích CBCC học thêm ở các trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện để hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Các huyện uỷ, tỉnh uỷ cần xem xét lại những CBCC chưa đủ bằng cấp, chủ động phối hợp liên kết với các trường dạy nghề đào tạo chuyên môn, với trường chính trị tỉnh vừa đào tạo LLCT và chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chức danh cụ thể. Hàng năm Ban tổ chức các huyện uỷ, tỉnh uỷ cần phải tiến hành đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của đội ngũ CBCC. Trên cơ sở đó bổ sung và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, thay đổi nội dung chương trình cho phù hợp tránh nặng về lý thuyết, với những lớp bồi dưỡng chức danh cụ thể cần phải thực hiện “cầm tay chỉ việc”. Phấn đấu có một đội ngũ CBCC đảm bảo chất lượng, đủ nguồn nhân sự, cơ cấu đồng bộ, có sự kế thừa liên tục, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.