III. Tiềm năng phát triển và những hạn chế của dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam
1. Tiềm năng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam
a. Sự phổ cập của Internet băng thông rộng và điện thoại di động:
Ngày 28/04/2011, Công ty nghiên cứu thị trường – Cimigo công bố Báo cáo NetCitizens 2011 về tình hình sử dụng và tốc độ phát triển của mạng Internet tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, 31% dân số Việt Nam có truy cập Internet, trong đó có khoảng 2/3 truy cập Internet hàng ngày (trung bình khoảng hơn 2 tiếng). Trong số những người sử dụng Internet, có khoảng 40% đã truy cập bằng điện thoại di động hay smartphone. Đến năm 2008, 100% doanh nghiệp đều kết nối Internet.
Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có số lượng thuê bao di động nhiều nhất thế giới. Năm 2010, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng Việt Nam là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%, tương đương với hơn 140 triệu thuê bao; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân.
b. Sự phát triển nở rộ của thương mại điện tử:
Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế. Tuy nhiên, với những hạn chế về thanh toán điện tử, TMĐT ở Việt Nam chưa thể có bước phát triển vượt bậc. Tháng 8/2011, theo điều tra của Vụ thương mại điện tử (Bộ Thương Mại), hiện nước ta có hơn 98,3% doanh nghiệp có website giới thiệu về doanh nghiệp mình, trong đó có đến hơn 62,5% website chỉ dùng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và chỉ có khoảng 27,4% cho phép đặt hàng qua mạng trong đó số website có hỗ trợ thanh toán trực tuyến chỉ hơn 3,2%. Tiềm năng của các dịch vụ Ebanking rất rõ nét.
Cổng thanh toán trực tuyến: Mô hình thanh toán trực tuyến tại Việt Nam bắt đầu và sôi động trong vài năm trở lại đây. Có khá nhiều cổng thanh toán trực tuyến ra đời: Nganluong.vn, VNmart.vn, Payoo.vn, OnePay, Baokim.vn,… đa dạng và phục vụ đối tượng sử dụng khác nhau.