Quy luật phân bố không gian hay mạng hình phân bố của cây trong nghiên cứu cấu trúc rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua việc nghiên cứu này, chúng ta có thể biết chi tiết quy luật sắp xếp, phân chia hoàn cảnh xung quanh của các cây trong cùng loài, các loài trong quần thể, các quần thể trong hệ sinh thái, trong các QXTV rừng . Từ những kết quả thu được trên các trạng thái rừng khác nhau, tại các khu vực khác nhau có thể rút ra được mẫu chuẩn cho từng đặc trưng nghiên cứu, từ đó có hướng tác động lâm sinh phù hợp tạo ra các trạng thái rừng mong muốn trên quan điểm sinh thái “nền lâm sinh gần với tự nhiên” và lâm sinh học không thể "bắt chước tự nhiên" một cách thụ động và càng không thể "làm khác tự nhiên" một cách tuỳ tiện.
Nhằm một phần làm sáng tỏ, định lượng quy luật các mối quan hệ này đề tài đã tiến hành nghiên cứu, so sánh mạng hình phân bố không gian, sự phân hóa theo đường kính và chiều cao với các đối tượng NC là TT, NLCUT và LCUT tại kiểu rừng kín lá rộng thường xanh trên hai khu vực VQG Cúc Phương (trạng thái IV) và Ba Vì (trạng thái IIIA3). Đặc điểm của các đối này đã được phân tích trong nội dung 4.1.5.
Để trả lời cho câu hỏi: trên mặt phẳng nằm ngang các cây rừng phân bố như thế nào? Mạng hình phân bố từ một cây đến các cây xung quanh ra sao? … đã có rất nhiều nhà lâm học trên thế giới đã tìm cách lượng hóa các giá trị để tìm ra quy luật. Tuy nhiên, các kết quả còn tập trung nhiều vào nghiên cứu cho từng loài ở rừng trồng. Rừng tự nhiên hỗn loài vẫn chưa được chú trọng đến. Đặc biệt ở Việt Nam, việc nghiên cứu này mới chỉ sử dụng phân bố Poisson để mô tả nhưng độ chính xác không cao. Nó mới chỉ xem xét sự phân bố của cây rừng theo các chỉ tiêu sinh trưởng của cây chứ chưa lượng hóa được giá trị cụ thể theo vị trí không gian (tọa độ) của từng cây một trên mặt đất. Ngoài ra, chưa có một công trình nào thể hiện được quy luật cụ thể.
Nhằm chi tiết hóa được mạng hình phân bố của các cây và khắc phục được những hạn chế của phân bố Poisson, đề tài đã sử dụng hai chỉ số là chỉ số khoảng cách đến cây gần nhất (ANN) và chỉ số xác định phân bố ở các khoảng cách khác nhau (Ripley's K-function) để nghiên cứu.