3.4.1. Phương pháp luận
Phùng Ngọc Lan (1986) [18] cho rằng: cấu trúc rừng là một khái niệm dùng để chỉ quy luật sắp xếp tổ hợp các thành phần cấu tạo nên quần thể thực vật rừng theo không gian và thời gian. Cấu trúc rừng bao gồm cấu trúc sinh thái, cấu trúc hình thái và cấu trúc tuổi.
Rừng và môi trường là một tổng thể thống nhất ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và phát triển theo những quy luật khách quan được phản ánh trong đặc điểm cấu trúc quần thể tương ứng. Từ lúc hình thành cho đến khi già cỗi, cây dần hình thành các mối quan hệ phức tạp với các thành phần rừng. Ban đầu là sự thích nghi với các điều kiện khí hậu, đất đai, sau đó là sự sinh trưởng và phát triển, cạnh tranh, tác động lẫn nhau giữa các cây rừng cùng loài hoặc khác loài. Lúc này, các loài có cùng mối quan hệ tương hỗ sẽ cùng tồn tại, ngược lại nếu là quan hệ đối lập nhau thì loài có sức sống yếu hơn sẽ bị đào thải hoặc tồn tại trong trạng thái bị chèn ép. Kết quả dẫn đến sự biến đổi về thành phần và số lượng loài (tính đa dạng thức vật), thay đổi về tầng thứ và
mật độ (cấu trúc rừng), nói khác đi là rừng đang vận động và biến đổi theo quy luật của tự nhiên.
Nhìn chung, sự vận động và biến đổi của rừng thay đổi theo từng giai đoạn. Giai đoạn còn non, ít có cạnh tranh và đào thải tự nhiên giữa các loài cây, chủ yếu là tương tác âm nên thành phần và số lượng loài cây tái sinh lớn, tính đa dạng thực vật cao và cấu trúc đơn giản, cây rừng có khuynh hướng phân bố cụm. Giai đoạn rừng khép tán, do cây rừng cạnh tranh nhau về ánh sáng, độ ẩm, chất dinh dưỡng nên xuất hiện sự phân hóa và tỉa thưa tự nhiên, làm cho cấu trúc rừng ngày càng trở nên phức tạp, lượng cây trong cùng loài giảm xuống, thậm trí một số loài bị biến mất khỏi danh sách trong quần xã, làm giảm tính đa dạng thực vật. Đến giai đoạn rừng già, cấu trúc và tính đa dạng thực vật mới dần ổn định. Rõ ràng, trong nội bộ của các loài vừa có sự tự điều tiết mật độ vừa có sự đấu tranh lẫn nhau để mở rộng dần khoảng cách sống, chuyển từ phân bố cụm sang phân bố ngẫu nhiên và cuối cùng là phân bố đều (phân tán). Trong quá trình tiến hóa, chọn lọc tự nhiên của tất cả các thành phần rừng là tất yếu và luôn diễn ra, lặp đi lặp lại nhiều lần theo chiều hướng nhằm tiến tới hệ sinh thái rừng có cấu trúc ổn định với tính đa dạng thực vật là cao nhất.
Như vậy, quy luật vận động và biến đổi của rừng kéo theo sự biến đổi về cấu trúc, tính đa dạng loài thực vật và phân bố không gian mang tính quy luật. Do đó, nghiên cứu các quy luật này phỏng theo các quy luật của tự nhiên là một viêc làm cần thiết và hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Trong một vài năm gần đây, các nhà lâm sinh học, điều tra có xu hướng định lượng hóa các quy luật của tự nhiên bằng cách thiết lập các mô hình toán học như nghiên cứu quy luật cấu trúc rừng, nghiên cứu định lượng đa dạng sinh học, mô phỏng phân bố… nhằm mô hình hóa các quy luật vận động của sinh vật, mối quan hệ qua lại giữa chúng và với hoàn cảnh sống. Thông qua
đó, con người có thể đề xuất một số giải pháp kỹ thuật lâm sinh trong khoanh nuôi phục hồi rừng, điều tiết có lợi về mặt sinh trưởng, phát triển của cá thể cũng như nhằm hướng tới những mẫu chuẩn của rừng tự nhiên, đảm bảo quần xã một cách bền vững.