Là người lao động yêu nước, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có lòng yêu thương con người, quý trọng lẫn nhau. Giữa những người lao động, tình thương ấy thể hiện trong từng gia đình, thôn ấp và rộng hơn là quan hệ của mỗi người đối với sự tồn suy của đất nước. Tình thương của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long bắt nguồn từ cuộc sống gian nan, vất vả của những người cùng cảnh ngộ. Họ đều có chung lòng căm thù sâu sắc những kẻ áp bức bóc lột. Trong khổ đau người nông dân nơi đây càng liên kết nhau lại chặt hơn, căm ghét kẻ thù sâu sắc và kiên cường gan góc hơn để vượt lên muôn vàn khó khăn. Thôn ấp nơi họ sản xuất là nơi hình thành những nét đặc trưng của quan hệ tình thương ấy. Từ cộng đồng lao động vốn có của người nông dân, tình thương ấy được nảy nở, thành sự đùm bọc lấy nhau, lúc vui cũng như lúc hoạn nạn. Tình thương của họ được xây dựng trên cơ sở “đồng tình”, “đồng cảnh”. Họ đều là những người từ bốn phương tới đây tụ họp, nên họ giúp nhau, tin cậy, nương tựa vào nhau trong mọi hoạt động làm nhà, cưới xin, ma chay, dỗ tết. Tình thương của người nông dân nơi đây rất giản dị song cao cả “nhường cơm sẻ áo”, “chị ngã em nâng”. Trong cuộc sống, tình thương của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long biểu hiện tính hào phóng rộng rãi. Khi gặp khó khăn gia đình này có thể cho gia đình khác năm bảy giạ lúa, hoặc cho mượn năm ba công ruộng để làm ăn sinh sống.
“Xin thì cho”, “vay thì trả”, đã chơi thì chơi hết mình. Đối với người dưng thì nhường cơm sẻ áo cho những ai đói rách lầm than, bênh vực những ai yếu đuối, bị kẻ hung tàn áp bức. Họ sẵn sàng cứu vớt những ai gặp cơn hoạn nạn, không hề mong báo đáp, với tinh thần “thương người như thể thương thân”. Trong gia đình, ứng xử cũng bình đẳng, sòng phẳng hơn, không có tư tưởng trọng trên khinh dưới. Họ rất dễ hòa đồng với nhau, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày.
Tư tưởng “thương người như thể thương thân” của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long biểu hiện đằm thắm hơn, mạnh mẽ hơn và có tính nguyên thủy hơn. Nó hình thành không phải do bẩm sinh mà do ảnh hưởng bởi cơ sở kinh tế xã hội. Từ những thôn ấp được hình thành trong xã hội phong kiến bao gồm dân “tứ chiếng” có cuộc sống khổ như nhau và cũng chính bởi “khổ nhiều”, nên yêu thương lắm. Biểu hiện tình thương của người nông dân nơi đây cởi mở, chất phác không kín đáo tế nhị như người nông dân truyền thống. Nông dân truyền thống “khéo léo” hơn trong quan hệ ứng xử. Đối với bà con anh em ruột thịt, có lúc họ mặn mà, khăng khít “anh em như thể chân tay”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “tay đứt ruột xót” v.v. Song khi mở rộng với quan hệ bên ngoài họ lại ứng xử “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Điều đó khác với biểu hiện ứng xử “chân chất” của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tình thương lứa đôi, ở người nông dân vùng đất mới cũng biểu hiện tâm lý “chất phác” hơn, mãnh liệt hơn người nông dân truyền thống. Điều khác biệt này được thể hiện rõ ở ca dao hai miền.
Nếu người nông dân truyền thống bộc lộ tâm trạng của mình qua câu ca dao:
“Mình về mình nhớ ta chăng
thì ngược lại người nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại bộc lộ khác hẳn:
“Tôi xa mình không chết thì đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền” [2]
Hay cũng là lời nói đối với người bạn tâm tình khi chia tay người nông dân truyền thống nói:
“Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng” [3].
Trong khi đó người nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại nói:
“Anh về em nắm vạt áo em la làng
Phải để chữ thương, chữ nhớ giữa đàng lại cho em” [2].
Yêu thương quý trọng con người là truyền thống chung của người nông dân Việt Nam. Song trong quá trình phát triển những biểu hiện tâm lý yêu thương quý trọng con người có sự khác nhau về mức độ và phương thức thể hiện, điều đó cũng nói lên biểu hiện tâm lý đặc thù của người nông dân vùng đất mới. Dưới chế độ thực dân, cái yêu, cái ghét ấy biến thành tư tưởng yêu nước chống xâm lược. Tuy nhiên, tư tưởng yêu thương quý trọng con người của người nông dân truyền thống nói chung và người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trước khi có Đảng còn những mặt hạn
chế, yêu nước chưa gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, chưa gắn với giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột.
Tình cảm giữa những người nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong cộng đồng còn được thể hiện rõ nét ở tinh thần đoàn kết.
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long sinh ra và lớn lên ở một vùng đất vừa có thuận lợi lại vừa có khó khăn, nhất là những khó khăn do sự cản trở hoặc phá hoại của các thế lực ngoại xâm gây ra.
Để chiến thắng những trở lực trên bước đường chinh phục thiên nhiên con người ở đồng bằng sông Cửu Long không những cần có sức mạnh đôi bàn tay mà còn cần đến ý chí và lòng dũng cảm, sự chung lưng đấu cật, tình đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng yêu thương, gắn bó đùm bọc lẫn nhau.
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long ngay từ buổi đấu đến khai phá đã hình thành tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết của họ được thể hiện cả trong cuộc sống, sản xuất và chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhờ có đoàn kết đã giúp họ vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chống trả với thiên nhiên, biến vùng đất hoang vu rậm rạp thành những vườn cây trái xum xuê. Đoàn kết đã giúp họ tạo được một sức mạnh vô cùng to lớn, nhờ đó mà đào đắp được hệ thống kênh rạch dọc ngang, một vùng đất mênh mông bát ngát. Phương pháp bảo vệ thôn ấp của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long không chỉ dựa vào cần cù sáng tạo, mà còn phải dựa vào khối đoàn kết bền chặt của những người cùng cảnh ngộ. Cũng vì nghèo khó mà người nông dân nơi đây sớm có tinh thần đoàn kết, đùm bọc lấy nhau. Tình đoàn kết của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long cũng có những biểu hiện đặc thù so với nông dân ở các vùng trong nước. Tình đoàn kết của họ không dừng lại ở thôn, xã, mà được mở rộng, sâu sắc trong phạm vi vùng, phát triển qua các giai đoạn lịch sử.
Tinh thần đoàn kết của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, một mặt bắt nguồn từ việc kế thừa truyền thống đoàn kết của người nông dân truyền thống. Mặt khác, nó phát triển song song với sự hình thành và phát triển của cách thức sản xuất, của cấu trúc xã, ấp, kết cấu kinh tế - xã hội trong vùng.
Trên vùng đất mới, dân tứ phương di chuyển tới, tụ họp ven các sông, rạch, kênh chằng chịt của lưu vực sông Cửu Long, tạo nên những ấp, xã mới. Xã, ấp không nằm giữa lũy tre bao bọc mà được xây dựng theo kênh, rạch, đằng trước ghe thuyền đi lại, xung quanh là vườn cây ăn trái, đằng sau là ruộng vườn; xã, ấp được mở rộng cả hai đầu theo chiều dài của sông, rạch. Cấu trúc thôn ấp như vậy đã tạo nên sự giao lưu thuận lợi và mở rộng phạm vi đoàn kết trong phạm vi vùng. Con người trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất dễ hòa hợp với nhau, coi nhau như anh em một nhà. Như vậy, cơ sở kinh tế và kết cấu xã, ấp ở đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên biểu hiện tâm lý đoàn kết theo vùng của người nông dân ở nơi đây. Nói cách khác, nền sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã tạo ra sự gắn bó giữa người nông dân trong vùng. Đây là biểu hiện tích cực, làm cho mối quan hệ trong thôn ấp ở đồng bằng sông Cửu Long không còn biệt lập, khép kín, tạo ra phong tục tập quán của người nông dân trong vùng về cơ bản là giống nhau. Do vậy, không có cảnh người nông dân sống ở thôn ấp này với thôn ấp kia là “thiên hạ” xa lạ của nhau. Họ thường coi nhau là bà con láng giềng gần gũi, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Họ không tâm niệm “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”... và cũng vì thế mà ta thấy người nông dân ở đây ít quan tâm đến nơi chôn rau cắt rốn, sẵn sàng rời bỏ nơi sinh ra mình để đi tới nơi khác, vùng khác có điều kiện làm ăn thuận lợi hơn...
Tuy nhiên việc mở rộng quan hệ gắn bó giữa người nông dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về cơ bản biểu hiện tâm lý tích cực như trên, nhưng xét trong góc độ khác nó lại biểu hiện tâm lý tiêu cực cần lưu ý. Đó là biểu hiện mang nặng tính cục bộ địa phương vùng. Nếu mở rộng ra khỏi phạm vi vùng mà xem xét thì tư tưởng trên trước đây lại là một cản trở đối với cả nước.