Về kinh tế, thời Trần, yêu cầu phát triển kinh tế, phục hưng các giá trị
văn hoá, việc gia tăng dân số trong thời bình trờ nên vấn đề hàng đầu. Trước đó, Trần Thánh Tông đã cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu mộ dân nghèo các địa phương khai hoang, lập ấp nhằm đáp ứng
việc gia tăng dân số mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất rõ “Tháng 10 (1266)
xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực từ đấy” [20, tr.75].
Do các vua Trần thấm nhuần tư tưởng đạo Phật nên việc quan tâm đến miếng cơm manh áo cho dân là việc hiển nhiên. Bởi đó cũng là biểu hiện của lòng từ bi và bình đẳng của đạo Phật. Chú ý đến phát triển kinh tế, các vua
Trần đặc biệt tập trung vào việc trị thủy và thủy lợi để nâng cao sản xuất cho đất nước.
Về trị thủy, các vua Trần huy động dân đắp đê giữ nước sông Hồng từ đầu nguồn cho đến cửa biển để giữ nước lúc ngập tràn, gọi là đê Đĩnh Nhĩ. Cụ thể vào năm 1248, nhà Trần mở đầu chiến dịch đắp đê chống lụt: Vua Trần Thái Tông sai Lưu Miển đi bồi đắp đê các sông ở Thanh Hóa năm 1255. Các vua Trần có lúc tự mình đi xem xét việc đắp đê: Năm 1315, vua Trần Nhân Tông
đích thân đi xem đắp đê quan ngự sử đài nói: “Bệ hạ nên chăm sửa sang đức
chính, đắp đê là việc nhỏ, đi xem làm gì?” [10, tr. 108]. Trần Khắc Chung, cùng
đi theo vua đáp lại rằng: “Phàm dân gặp nạn lụt, nhà vua phải cấp cứu cho, sửa
sang đức chính không việc gì to bằng việc ấy, cần gì phải yên lăng mới gọi là sửa sang đức chính” [10, tr. 108]. Việc làm của vua và câu trả lời của tướng đã
nói lên sự lo lắng của nhà lãnh đạo đến công việc chung lúc bấy giờ.
Về công trình thủy lợi, các vua Trần tăng cường số lượng sông đào. Cụ thể sông Tô Lịch ở đồng bằng bắc bộ được khơi lại hai lần: vào năm 1256 đời vua Trần Thái Tông và năm 1284 đời vua Trần Nhân Tông. Việc các vua Trần cho đào nhiều sông kênh như sông Trầm và sông Hào nối liền Thanh Hóa với Nghệ An ngoài việc phục vụ khẩn cấp nước cho nông nghiệp còn vừa tiện lợi giao thông, vừa mở mang thương nghiệp. Nhờ đó mà mấy thế kỷ liền, dân ta đã tạo thế đứng vững chắc trên các khu vực đồng bằng, ổn định đời sống dân cư. Dưới thời trần, thiên hạ được mùa vào những năm 1269, 1280,1295,1296,1321…nói chung công tác trị thủy và thủy lợi thời Trần không chỉ là một thành tựu lớn trong nền văn minh nông nghiệp dân tộc mà còn góp phần quan trọng đối với xu thế thống nhất của nước nhà lúc bấy giờ. Chính nó đã tái tạo, phục hưng và củng cố đất nước tự chủ.
Mặc khác, ở thời Trần nhà chùa đứng trung gian giữa vua chúa, những người có nhiều tài sản với dân cày làm nhiệm vụ điều hòa cuộc sống kinh tế xã hội. Các thiền sư Trúc Lâm đã vận động đóng góp tiền bạc và của cải từ
vua quan, tín đồ Phật tử để cứu giúp đồng bào nghèo. Chính thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng đích thân làm việc này. Đó là vào tháng giêng năm quý Mão 1303: Thượng hoàng Trần Nhân Tông ở phủ Thiên Trường mở pháp hội vô lượng ở chúa Phổ Minh bố thí tiền bạc vàng lụa để chẩn cấp cho người nghèo trong thiên hạ và giảng kinh thế giới. Ngoài ra, với số lượng đất đai khá lớn nền kinh tế nhà chùa rất vững. Đó là cơ hội nhà chùa tạo công ăn việc làm cho dân cày.
Tuy nhiên trong quy mô cũng như mức độ nhà Trần cho phép bán ruộng công thành ruộng tư, điều đó kích thích tầng lớp quý tộc đẩy mạnh khai khẩn đất hoang. Bên cạnh nền kinh tế nông nghiệp thì thủ công nghiệp, giao thông buôn bán cũng có những biến chuyển đáng khích lệ. Nhờ vậy, xã hội có được sự ổn định về kinh tế và đời sống.
Về xã hội, nhìn chung xã hội Đại Việt thời bấy giờ được hoà bình, thịnh
vượng như được ca ngợi bởi Trần Nguyên Đán, một vị hoàng tộc thời bấy giờ:
“Vận hội học thuật buổi Trung hưng hơn cả đời Hiên Viên, Phục Hy Muôn họ ca hát thời thịnh trị
Tướng võ và quân hầu đều biết chữ
Thơ lại và thợ thuyền cũng biết làm thơ” [18, tr. 120].
Song song với công việc giáo hội, Trúc Lâm còn chăm lo đến đời sống văn hóa xã hội. Vua thường đến những vùng dân quê, khuyên dân chúng thực hành nếp sống đạo đức, từ bỏ tập tục mê tín dị đoan, xây dựng một xã hội
lành mạnh. Sách Tam tổ thực lục viết: “ Năm Giáp Thìn (1304), Điều ngự đi
khắp các xóm làng khuyên dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành Thập Thiện, bước chân hoằng hóa của Ngài đến đâu, đều được mọi người hoan nghênh đón chào, cúng dàng và nghe pháp” [11, tr. 20].
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của triều đại nhà Trần, giai cấp quý tộc đã có sự phân hóa, một bên là tôn thất nhà vua có thế lực, có sản nghiệp
có khuynh hướng ủng hộ Phật giáo, một bên là ngoại tộc đi lên bằng tài năng trí tuệ và đề cao nho giáo.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo ra được mẫu người Phật giáo Việt Nam lí tưởng theo tinh thần thiền phái. Mẫu người lý tưởng mà thiền phái Trúc Lâm nhắm tới là con người Bồ tát kết hợp với con người trượng phu:
“Sạch giới lòng, dồi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm; Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
đi đỗ mới trượng phu trung nghĩa” [15, tr. 310].
(Cư Trần Lạc Đạo Phú, hội thứ sáu)
Mẫu người Phật tử Việt Nam được qui định một cách hết sức cụ thể:
“Sạch giới lòng, dồi giới tướng” để trở nên “Bồ tát trang nghiêm” và “Ngay
thờ chúa, thảo thờ cha” để trở nên “Trượng phu trung nghĩa”. Đây là một đúc
kết về hình tượng người Việt Nam lý tưởng chứ không chỉ riêng cho Phật giáo. Đó là con người sống có kỷ luật, có lý tưởng, trượng phu, hiếu thảo với cha mẹ, trung thành với Tổ quốc, đồng thời góp phần xây dựng cuộc sống qua những việc làm thiết thực.
“Dựng cầu đò, dồi chiến tháp, ngoại trang ngiêm sự tướng hãy tu; Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi,
nội tự tại kinh Lòng hằng đọc” [15, tr. 416].
(Cư trần Lạc Đạo Phú, hội thứ tám)
Xây dựng cầu đò là tái thiết đất nước sau chiến tranh. Nhưng người dân Đại Việt vẫn không quên xây dựng chùa tháp, bởi vì xây chùa là giữ nước, chùa còn là đất nước còn. Đồng thời chùa còn là nơi sinh hoạt văn hóa xã hội của người dân.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Phật giáo Thiền Tông với văn hóa dân gian còn thấy được qua nhiều mặt sinh hoạt trong cuộc sống từ việc chữa bệnh, trừ
tà, cầu mưa, cầu gió, cầu an đến những chuyện lớn lao như cầu giúp sức đánh thắng giặc ngoại xâm…. Phật đã thành Bụt trong truyện cổ dân gian tuy ở cõi khác nhưng không cao xa mà rất gần gũi với đời sống con người, luôn ứng hiện để đáp ứng lời cầu cứu và nỗi đau khổ của con người.